Chanh, một loại trái cây có vị chua, được xem là gia vị không thể thiếu trong rất nhiều món ăn. Tổng mức tiêu thụ chanh toàn thế giới năm 2011 là 6.2 triệu tấn. Bình quân mỗi người tiêu thụ gần 1kg chanh/năm.
Từ chanh còn được sử dụng trong nhiều tình huống với ý nghĩa rất khác nhau. Ví dụ, chanh chua là thành ngữ tiếng Việt để ám chỉ tính ngoa ngoắt. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng thảo luận thuật ngữ “Thị trường chanh” rất phổ biến trong kinh tế học, nhưng nó chẳng liên quan gì đến việc mua bán 6.2 triệu tấn chanh nêu trên cả.
Thuật ngữ “Thị trường chanh” (Lemon market hay The Market for Lemons) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1970 trong bài viết “The Market for Lemons: Quality Uncertainty and the Market Mechanism” tạm dịch là Thị trường chanh: Sự không chắc chắn về Chất lượng và Cơ chế thị trường của George Akerlof, một trong ba nhà kinh tế cùng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001.
Nội dung chính của bài viết này là để giải thích cơ chế mua bán trên thị trường xe cũ (xe đã qua sử dụng). Trong tiếng Mỹ, lemon là từ lóng dùng để chỉ những chiếc xe đểu (xe cũ kém chất lượng) mà chúng chỉ được phát hiện sau khi tiền đã trao và cháo đã múc.
Chúng ta cùng hình dung xem điều gì sẽ xảy ra trên thị trường mua bán xe Honda cũ khi những người mua đều là tay ngang, biết rất ít về tình trạng và chất lượng của các loại xe. Hai chiếc xe gần như y hệt nhau, được sản xuất cách đây chục năm.
Chiếc thứ nhất của một ông cụ tính tình cẩn thận và mới đi vài chục nghìn cây số. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng cũng có vài chỗ trầy xước. Do thấy không quan trọng, ông cụ cứ để vậy rao bán.
Chiếc thứ hai đã qua tay mấy người đều ở độ tuổi choai choai. Cậu nào cũng nẹt pô và đánh võng rất điêu luyện. Do vậy chiếc xe đã gần như “nát”. Tuy nhiên, do chủ của chiếc xe là khách hàng ruột của mấy tiệm sửa xe, nên trước khi bán chiếc xe này đã được mông má lại trông như mới.
Với những người tay ngang gần như không có thông tin gì về tiểu sử của hai chiếc xe, chiếc xe thứ hai sẽ gây ấn tượng hơn. Tuy nhiên, nếu tất cả các thông tin được cung cấp đầy đủ thì giá của chiếc xe thứ nhất sẽ là 10 triệu đồng, trong khi chiếc thứ hai chỉ là 2 triệu.
Làm thế nào để phân biệt chất lượng những quả chanh này?
Trong tình huống này, Akerlof chỉ ra rằng giá bình quân mỗi chiều xe trên thị trường sẽ là 6 triệu đồng. Khi bức màn thông tin bị che chắn thì người mua sẽ không bao giờ trả giá quá mức bình quân. Với giá này, người chủ của chiếc xe thứ hai sẽ bán ngay, trong khi ông cụ sẽ không bao giờ chấp nhận. Kết quả là trên thị trường chỉ còn toàn xe kém chất lượng và giá bán chỉ là 2 triệu đồng một chiếc.
Đây là hiện tượng hàng xấu đẩy hàng tốt ra khỏi thị trường do bất cân xứng về thông tin hay nói một cách khác là một bên có nhiều thông tin hơn về một giao dịch nào đó so với bên kia.
Phát hiện này thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng nó là phát hiện của một giải Nobel và ứng dụng của nó rất lớn. Ví dụ, khi đi học nếu điểm số là quan trọng nhất và nó không nhất thiết phản ánh nỗ lực và khả năng của từng cá nhân thì mọi người sẽ chạy theo điểm số và không quan tâm đến khả năng thực sự của mình. Trong môi trường học tập không lành mạnh, ai cũng có thể đoán được lựa chọn giữa dở sách ra chép để được điểm cao và tự học để được điểm không. Kết quả toàn là gian lận mà không có học thật, thi thật.
Hay khi đi làm, nếu sự thăng tiến và tưởng thưởng không dựa vào kết quả công việc do năng lực của mỗi cá nhân tạo ra mà do những yếu tố khác, thì đâu ai có động cơ làm việc. Kết quả là chỉ toàn những người không muốn làm việc mà chỉ nghĩ cách lươn lẹo này kia.
Trong cả hai tình huống nêu trên, “hàng xấu” đã đẩy “hàng tốt” ra khỏi thị trường. Làm cho thông tin minh bạch hơn hay để cho người mua biết thực chất giá trị của mỗi loại hàng hóa là cách thức hữu hiệu nhất. Sàng lọc, phát tín hiệu và bảo hiểm là những cách hạn chế bất cân xứng về thông tin hữu hiệu.
Ở ví dụ về hai chiếc xe máy nêu trên, khi thông tin về chủ sở hữu của hai chiếc xe được lưu giữ và công bố bởi các tổ chức tin cậy thì người mua có thể hình dung ra chất lượng của chúng ngay. Hơn thế, nếu cơ chế bảo hành được đưa vào thì đối với chiếc xe thứ nhất, người chủ sẵn sàng đưa ra thời gian dài, trong khi chiếc thứ hai thì chẳng ai dám. Lúc này thị trường hoạt động thông suốt và nguyên tắc tiền nào của nấy.
Tóm lại, một thị trường nói riêng, một xã hội nói chung chỉ lành mạnh khi có cơ chế để phân định trắng đen rõ ràng. Hàng tốt, chất lượng cao hơn thì được đánh giá cao hơn hàng kém chất lượng. Khi mà trắng đen lẫn lộn, thực giả khó lường thì thực ra toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng và không ai có lỗ lực làm tốt cả.
Tác giả: Huỳnh Thế Du – Tác giả Huỳnh Thế Du hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ chuyên ngành Kinh tế học đô thị và chính sách công tại đại học Harvard.