Sau học phí, nhà ở là khoản chi phí nặng nề nhất đối với hầu hết du học sinh. Nếu ai may, chịu khó chật chội và chấp nhận ở xa một chút thì có thể tìm được chỗ ở với chi phí gấp đôi tiền ăn, còn không cũng tầm 3-4 lần. Điều này còn nan giải hơn cho những ai mang theo gia đình.
Chính vì vậy, tìm được chỗ ở thuận tiện cho việc đi lại học hành với chi phí phải chăng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của du học sinh sau việc học. Ước mong này cộng với tâm lý nghĩ rằng trên thế gian này vẫn có hàng vừa rẻ, vửa bền, vừa đẹp sẽ rất dễ sập bẫy từ những trò lừa đảo trên mạng. Chút xíu nữa là chúng tôi đã ăn phải quả đắng vì điều này.
Năm 2009, khi đang ở nhà ở của trường, chúng tôi có ý định tìm nhà bên ngoài với mong muốn có được một chỗ ở với chi phí phải chăng hơn. Sau khi lò mò trên mạng, chúng tôi đã tìm được một căn hộ 2 phòng ngủ rộng khoảng 70 m2 với giá phải chăng đến bất ngờ. Chỉ có 700 đô-la một tháng, trong khi cái studio 30 m2 mà chúng tôi ở đã là 1200 đô-la.
Tôi bèn liên lạc theo email trong mẩu quảng cáo. Một ngày sau tôi nhận được trả lời hết sức lịch sự. Người trả lời email cho biết họ có một căn hộ như quảng cáo, nhưng do đang làm cho một tổ chức từ thiện ở Châu Phi nên họ không thể cho xem nhà được.
Họ đề xuất phương thức giao dịch bằng cách tôi sẽ chuyển tiền đặt cọc là một tháng tiền nhà cho họ qua MoneyGram. Đây là một kênh chuyển tiền rất phổ biến mà người nhận chỉ cần thông báo mã chuyển tiền và tên là có thể nhận được ở bất kỳ đại lý nào trên thế giới. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, họ sẽ gửi chìa khóa qua đường bưu điện cho tôi.
Trong bối cảnh không có những thông tin khác và chưa rơi vào tình huống tương tự lần nào, chúng tôi thấy đề xuất nêu trên nghe chừng cũng có lý. Niềm tin càng được củng cố sau các email qua lại để đàm phán các điều kiện cụ thể.
Căn hộ bắt đầu cho thuê từ tháng 04/2009, nhưng chúng tôi chỉ cần từ tháng 07/2009. Sau khi cò cưa qua lại, chúng chỉ đồng ý giảm nửa tháng tiền nhà. Trong quá trình trao đổi, thương lượng bọn này đã tỏ ra rất căng, cò cưa từng tý một. Càng như vậy, niềm tin về một giao dịch thực càng gia tăng.
Sau hơn 2 tuần trao đổi qua lại, chúng tôi đã đồng ý thuê căn hộ với phương thức nêu trên. Do ở gần, nên cho dù bên kia nói là không vào bên trong được, nhưng tôi cũng đến đó để xem qua căn hộ một chút. Đến nơi, thì tôi mới biết đó là một chung cư (sau này tôi biết thêm đó là chung cư cao cấp với mức giá trên 3000 đô-la một tháng).
Tôi nói với bảo vệ là tôi muốn lên xem căn hội một chút thì họ hỏi tôi là có hẹn với chủ nhà không. Tôi nói rằng không và chỉ định lên nhìn qua thôi. Bảo vệ nói với tôi bà chủ nhà vừa đi khỏi và tôi không được lên xem đâu. Thông tin này trùng khớp với thông tin chủ nhà đang đi công tác mà tôi đang có (đến tối hôm đó thì tôi mới biết bảo vệ nói bà chủ căn hộ chỉ đi ra ngoài thôi chứ không phải đi công tác).
Sau khi đến chỗ căn hộ vào buổi sáng, trong ngày hôm đó tôi còn trao đổi vài email nữa và đến tối mới quyết định chuyển tiền. Sự cáo già của bọn lừa đảo này là những email ban đầu, chúng trả lời rất chậm rãi, nhưng đến khi thỏa thuận gần xong thì các email được trả lời rất nhanh tạo ra cảm giác bên kia rất có trách nhiệm và đáng tin cậy.
Sau khi kiểm tra mạng lưới chuyển tiền của MoneyGram, tôi đến địa điểm gần nhất ở Harvard Square. Đến đó thì tôi mới biết rằng địa điểm này chỉ nhận chứ không chuyển tiền và tôi được chỉ đến Star Market trên đường Mount Auburn cách đó khoảng 1 dặm.
Thế là tôi lại đạp xe đi và trong lòng cảm thấy rất phấn khởi vì sắp thuê được căn hộ rất rẻ. Những phép tính lạc quan nhảy múa trong đầu. Nếu cho thuê lại được một phòng ngủ thì coi như chúng tôi không phải trả tiền nhà.
Đến Star Market, mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Tôi chỉ phải điền một vài cái mẫu rồi quẹt thẻ là xong. Tôi lại tung tăng đạp xe về nhà. Và rất may là căn hộ chúng tôi định thuê trên đường về nhà, nên tôi đã quyết định ghé vào để hỏi thêm một chút thông tin.
Lần này tôi gặp một bác bảo vệ chừng 50 tuổi. Tôi hỏi qua thông tin và nói với ông ta là tôi đã chuyển MoneyGram rồi, bây giờ chỉ muốn biết thêm thông tin về căn hộ thôi. Ông ấy nói với tôi là làm gì có căn hộ như vậy, hiện tại vẫn có một bà già đang ở đó. Ông ấy hỏi tôi “Why could you do that?” (Tại sao mày có thể làm một việc ngớ ngẩn như vậy?).
Đến lúc này tôi mới biết mình bị lừa. Tôi vội vàng quay lại Star Market để hủy giao dịch. Tôi gặp một chút rắc rối vì địa điểm đó chỉ nhận tiền gửi đi chứ không có chức năng hủy các giao dịch (MoneyGram thực ra rắc rối, mỗi chỗ chỉ làm có vài chức năng, chuyên môn hóa cũng có điều bất tiện).
Họ cho tôi số điện thoại để gọi trực tiếp đến văn phòng MoneyGram ở New York. Sau một lúc xì xồ qua điện thoại, cuối cùng tôi cũng hủy được giao dịch để lấy lại số tiền mà mình đã gửi. Thật là hú vía!
Lúc này tôi cũng muốn tương kế tựu kế với bọn lừa đảo một chút. Sau khi về nhà, tôi email cho chúng một mã số chuyển tiền không có thực. Sáng hôm sau chúng email lại yêu cầu tôi kiểm tra mật mã. Một ngày sau tôi trả lời rằng tôi đã kiểm tra đúng số đó và có thể có trục trặc gì đó mà số tiền chưa đến. Tôi nói thêm rằng tôi rất thích căn hộ nên tôi có thể gửi tiền thêm một lần nữa và coi như là trả tiền nhà cho tháng tiếp theo. Lần này bọn chúng hối thúc tôi ngay lập tức (We strongly recommend you do that).
Sau hơn nửa tháng theo đuổi phi vụ, kết quả chúng tôi được một bài học nhớ đời. May mà chưa mất tiền! Cho đến giờ này tôi vẫn nhớ như in câu nói của ông bảo vệ “Why could you do that?” và câu “We strongly recommend you do that” của bọn lừa đảo.
Chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm này với nhiều người. Trong cuộc thi “Hành trình 13000 cây số” của Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng lần này, tôi muốn kể lại với hy vọng câu chuyện có thể giúp cho những người khác tránh được những điều không đáng.
Bình Minh