Bài dự thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Nhung Lê, MBA, University of Minnesota
—
Ngày 25 tháng 3 năm 2011, Khu trượt tuyết Vail, bang Colorado
Sau những ngày tập trượt tuyết và ngã xoành xoạch ở dải “xanh lá cây” (dải dành riêng cho lũ trẻ con và một vài người lớn lần đầu đi trượt tuyết như tôi), tôi vẫn ôm ước vọng nhìn thấy những đỉnh núi và ngọn thông đầy tuyết từ trên cao của khu trượt tuyết được khen ngợi là đẹp nhất nước Mỹ. Chính vì vậy mà tôi ở đây, ì ạch lạch bạch trèo lên được chiếc ghế băng (chairlift) được dùng để đưa khách trượt tuyết lên đỉnh các ngọn núi cao để trượt xuống. Cùng lên ghế với tôi là hai cậu bé trạc 8-9 tuổi. Tôi cũng không để ý lắm vì tôi đang quá háo hức cho hành trình phía trước. Chiếc ghế băng đi được khoảng vài chục giây thì đã lên rất cao. Gió thổi mạnh và lạnh. Tôi chợt nhận ra rằng mình đang không cài áo khoác. Bây giờ thì tôi đang bám chặt tay trái vào thành ghế và tay phải vào băng ghế. Tôi không thể nào bỏ tay ra mà cài áo được. Không hề có thanh chắn phía trước. Khoảng cách giữa ghế băng và mặt đất bây giờ đã ngang một tòa nhà chục tầng. Tôi ngồi bất động, tay run, tim đập thình thịch.
(Nguồn ảnh: Shutterstock)
Tôi lại còn lo nữa. Hai cậu bé ngồi bên. Tôi đã không kịp nhìn mặt hai cậu. Tôi không biết hai cậu là ai. Nhưng biết đâu đó là hai cậu bé quỷ quái biết tôi đang sợ rúm người và có thể chọc dọa đẩy tôi ngã. Tôi biết chắc rằng trái tim thỏ đế của mình hiện không thể chịu được trò đùa như vậy. Chính vì thế mà tôi giấu bàn tay đang bám chặt lấy thanh ghế ở dưới tay áo. Mắt tôi cứ nhìn thẳng về phía trước, không làm quen, không bắt chuyện.
Có thể nói đầu óc tôi đang nổ tung vì một loạt câu hỏi và lo sợ. Chợt có tiếng khúc khích ở bên cạnh. Hai cậu bé bắt đầu nói chuyện với nhau “You like this ringtone?” “This one is better”. Tiếng nhạc xập xình. Ôi trời ơi, tôi thở phào. Hai cậu giọng rất dễ thương. Vậy mà chỉ một chút trước đây tôi đã sợ hai cậu sẽ bày trò chọc tôi.
Tôi liếc mắt nhìn sang. Hai cậu bé này còn đang đung đưa chân nữa chứ. Dường như chúng không sợ gì cả. Tất nhiên, tôi có thể hiểu được, các cậu đã đi trượt tuyết từ bé rồi, thành thạo rồi nên ngồi cái ghế băng này có gì là sợ.
Nhưng điều tôi ngạc nhiên là, bậc cha mẹ nào lại để mặc con mình ngồi như vậy, ở độ cao như vậy, một mình, quá rủi ro. Đúng lúc đó thì tiếng chuông điện thoại reo. Một cậu bé trả lời “Hi, mom, yes, we are on the way to the top. I will see you down there in half an hour. Love you, mom.”
Đúng vậy, bậc cha mẹ nào lại để hai đứa trẻ nhỏ đi ngồi ghế cao đến ngút tầm mây như vậy. Trẻ con có phải đứa nào cũng ngoan đâu. Kể cả ngoan thì chúng nó cũng có thể nghịch dại, táy máy này kia. Tôi nhớ hồi tôi học lớp 6, lớp 7, đi xe đạp rất sợ vì bọn con trai trong lớp có trò nghịch là đi xe ngang qua rồi đạp cho bạn một phát, để xe ngã chổng vó ra thì chúng nó càng khoái chí.
Tôi quay sang bắt chuyện với hai cậu.
“Hi”
“Hi”
“You are not scared?”
“Scared? Riding this? No.
When did you learn to ski?
Một cậu bảo Oh, a year ago…
Cậu kia thì Me, oh when I was five, so four years ago.
Rồi tiếp tục My mom taught me to take the chairlift. It’s important that you sit “back to back”. Sit all the way to the back of the chair seat, with your back to the back of the seat.
When you first took ski lessons, there must be an adult to accompany you?
No, not always. We had an instructor, sometimes he would be on the same chair with me, but other times, I was with other kids.
What if some kids try to swing or rock the chair?
They’d better not do that. My mom and the instructor said “Absolutely no horseplay while riding the lift!” “Always respect other passengers.”
What about accidents?
Accidents? From what I know, it’s extremely rare.
Ghế băng giờ đã chạy lên đến một ngọn núi cao. Thang đi chậm chậm lại. Hai cậu bé vẫy bàn tay đeo găng đen to đùng chào tôi rồi nhảy ù xuống dưới, trượt đi.
Điều gì làm cho một hoạt động có tiềm năng cực kỳ nguy hiểm lại an toàn, cực hiếm tai nạn? Ôi hai em bé ơi, em dạy tôi quá nhiều điều. Tôi như nhìn thấy những buổi mẹ em đưa em ra ghế băng này dạy, nghe thấy mẹ em nói với em thật tin tưởng “Con cần ngồi sát về sau ghế.” “Con cần tôn trọng hành khách khác”. “Mỗi lần chuẩn bị lên ghế, nếu có bất cứ vấn đề gì, con cứ nói với những người trợ lý ở đây.” Và em cứ thế làm theo. Và mẹ em không cần lúc nào cũng ngồi với em, không cần nhắc đi nhắc lại. Vì mẹ đã tin tưởng ở em. Vì em biết mẹ tin tưởng ở em, không chỉ việc này mà hàng trăm việc từ khi em chập chững biết đi.
Rồi thì là luật nghiêm, đặt trách nhiệm lên chính người vận hành, để ai cũng coi đó là trách nhiệm của mình để bảo đảm an toàn.
Tôi thấy mình trở nên ngớ ngẩn. Điều mà trước đây nửa giờ tôi thấy quá ngạc nhiên thì giờ trở nên quá hiển nhiên.
Ôi, nếu không như vậy thì làm sao có đường cao tốc nơi có thể lái 80 hay 100 km/giờ?
Ôi, bởi vì những niềm tin như thế, mới có Lydia bạn tôi sống ở Kyrgyzstan 2 năm phục vụ Peace Corps.
Mới có Samantha 19 tuổi dọn ra thuê nhà với tôi và một lúc làm 2 việc part time để tự trang trải.
Mới có em bé Aleah hơn 1 tuổi đi ngồi đốt lửa trại với bố mẹ hay Kellan 1 tuổi mẹ địu trên lưng khi bố mẹ đi trượt tuyết.
Mới có Carrie sinh bé thứ hai lúc bé thứ nhất mới 18 tháng tuổi và trả lời tôi rất dõng dạc “mẹ tôi sẽ tới giúp 1 tuần” mà không tỏ ra lo lắng gì.
Và tất cả những thành công, những điều tuyệt vời mà tôi thấy ở Mỹ, bắt nguồn từ khi người ta biết cách dạy, biết cách trao niềm tin, và biết cách buông tay như thế.