Chàng sinh viên Mỹ 24 tuổi đã dành 3 tuần đi theo hai mẹ con sống cảnh lang thang ở gần cầu Long Biên, ở Hà Nội để ghi lại những bức hình chân thực.
Bà mẹ vừa có tiền sử bị tâm thần, vừa bị HIV ngày ngày nhặt kim tiêm bên đường xếp vào một đống và luôn dạy con “phải sống ngoan ngoãn”. Câu chuyện bằng ảnh xúc động về tình mẫu tử Việt Nam.
Chàng sinh viên Mỹ tên Justin Maxon (còn gọi là Max Điên), sinh viên khoa Nhiếp ảnh ĐH San Francisco, California, Hoa Kỳ.
Tôi đã đi theo hai mẹ con chị cả ngày hôm đó, từ lúc trên cầu đến khi hai người tới một bãi tắm ven sông Hồng, và đã chứng kiến tình mẫu tử tuyệt vời của họ.
Tối hôm đó, sau khi lang thang cả ngày cùng mẹ con chị Mùi, tôi cảm thấy trong mình có cái gì đó thật khác lạ. Niềm hạnh phúc giản đơn của họ cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi và thôi thúc tôi tiếp tục tìm hiểu và cảm nhận cuộc sống của mẹ con chị.
Thế rồi tôi đâm ra ngưỡng mộ cái tình mẫu tử ấy. Tôi lang thang theo họ suốt 2 tuần liên tục, cảm nhận mối liên kết giữa hai người, về ước mơ giản dị và tâm trạng ngập tràn niềm hy vọng của mẹ con chị.
Chị Lê Thị Mùi, 42 tuổi, ôm hai chân đứa con trai 5 tuổi, Trần Văn Phả, đang cười như nắc nẻ đi lên từ một bãi tắm ven sông Hồng, sau khi hai mẹ con đã chơi đùa thỏa thích.
Chị Mùi tâm sự, chị thích chơi với Phả bất cứ lúc nào có thể để giữ cho tâm hồn nó được thuần khiết; bởi vì hơn ai hết chị hiểu rằng cuộc sống không nhà cửa khó khăn như thế nào đối với thằng bé.
Cuộc sống lang thang vô gia cư đã theo chị và đứa con trai suốt 5 năm nay vì chồng chị đã từ bỏ gia đình để chọn con đường hủy hoại mình bằng heroin để rồi chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS 3 năm trước. Chị Mùi phải cùng lúc đấu tranh với cả căn bệnh tâm thần và HIV. Dù phải đối mặt với bao nhiêu thử thách hàng ngày, sợ công an bắt, sợ không thể tồn tại, chị và đứa con trai vẫn tràn ngập niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Hằng ngày, chị Mùi và con trai đi dạo trên cầu Long Biên và luôn dừng lại ở điểm này sau khi kết thúc bài thể dục buổi sáng. Chị thường ngồi ngắm nhìn dòng sông Hồng trong khi thằng Phả đưa bàn tay đẩy đẩy lưng mẹ. Chị Mùi có tiền sử bệnh tâm thần nên thỉnh thoảng có những hành động khá nguy hiểm như ngồi trên thành cầu.
Tối tối, hai mẹ con ngủ trên con phố gần Ga Long Biên. Khi đứa con đã yên giấc, chị vẫn còn thức rất khuya, thường là đến 12 giờ đêm để thu dọn đống giấy báo dùng làm mâm cho bữa tối.
Chị Mùi lôi túi hoa quả xin được đêm trước, loại ra những trái hỏng, trong khi Phả dựa người vào lưng mẹ. Chị có rất ít của cải và luôn lôi ra khỏi cái chiếu cói để sắp xếp lại trước khi ra bờ sông. Nơi mẹ con chị Mùi sinh sống có hàng trăm người qua lại, vào ra ga. Chị không muốn lại bị bắt vì để đồ đạc lung tung ở khu vực này.
Chị Mùi cầm trên tay 4 ống kim tiêm vừa nhặt được. Thằng Phả đứng cạnh mẹ. Sau ngày Hà Nội mừng Tết Nguyên Đán, hàng ngày mẹ con chị Mùi đi giữa đống kim tiêm cứ tăng dần lên dưới gầm cầu Long Biên. Chị bỏ hàng giờ nhặt cả trăm ống kim tiêm ra khỏi lối đi và xếp lại thành đống. Chị thường có thói quen nhặt rác xung quanh nơi chị đi qua. Chị là người tín Phật và tin rằng chị đang giúp mọi người xung quanh bằng cách đó.
Chị nắm tay con trai khi đi dạo trên đường cao tốc ở Hà Nội. Phả rất thích nắm tay mẹ, không lúc nào rời. Ngày ngày, hai mẹ con đi bộ gần 2 cây số quanh thành phố, thường thì ven bờ sông, nhưng đôi lúc Phả lại thích khám phá những con phố.
Chị Mùi đem theo tất cả gia tài chị có trong một chiếc túi rảo bước phía trước cậu con trai trong khi thằng bé đang chạy theo để bắt kịp mẹ. Chị luôn để mắt tới Phả nhưng chị muốn để con trai được tự do chạy nhảy tới nơi nó muốn. Và thằng bé cứ hay phải chạy để đuổi kịp nhịp bước nhanh của mẹ như thế.
Ngày nào cũng vậy, mẹ con chị Mùi lại kỳ cọ cho nhau dưới sông. Chị biết cuộc sống lang thang đường phố thật khó khăn với Phả, và chị muốn thằng bé được sạch sẽ để nó cảm thấy dễ chịu hơn.
Chị đứng bên bờ sông gọi thằng Phả đang còn nghịch nước, trong khi nó còn chưa muốn về. Ngày nào cũng vậy, hai mẹ con đùa nghịch cả 8 giờ đồng hồ bên khúc sông đã bị ô nhiễm nặng do rác thải từ thành phố.
Hai mẹ con ngồi trên bãi cỏ ven sông Hồng ngắm trời mây bao la. Chị nói con trai chị là nguồn vui của chị, và hai mẹ con rất yêu thương nhau. Và họ vẫn là chỗ dựa cho nhau ngay cả khi phải sống trong thiếu thốn giữa những con đường, góc phố.
Thêm một vài bức ảnh nữa của Maxon về mẹ con chị Mùi:
Đánh răng bên sông
Cắt tóc
Tè nào con trai
Liêu xiêu bóng nhỏ
Xin hoa quả ở chợ
Vui con nhé!
Chăm con
Người Mẹ
Viên gạch vỡ
Hạnh phúc thật giản đơn
Mẹ và con
Phút giây hạnh phúc
Hờn dỗi
Nhà
Gột rửa bụi đời
Đăm chiêu
Dưới đây là một đoạn trong câu chuyện của chị Mùi mà Justin thu âm được, phóng viên đã chép lại bằng văn bản, trung thực với cách phát âm của chị: “đến khi có cháu Phả thì tôi quyết tâm nà không có tiền chồng cho, nhà chồng không cưu mang giúp đỡ, tôi cũng quyết tâm đẻ cho chồng tôi một cháu trai nữa, và tất cả đã được như ý nguyện. Thế nhưng mà nói chung nà mẹ con để dành dụm được một triệu bạc thì đi thuê nhà ở Quảng Ninh nghỉ đẻ đấy, thuê nhà thì bà cụ cũng nấy rẻ, bốn chục nghìn một tháng thôi, thế nhưng mà đến khi vừa tiền đi đẻ ở bệnh viện này, vừa tiền ăn, tiền trọ các thứ, đến được hai tháng rưỡi nà hết sạch. Anh chồng chết rồi chứ, anh chồng bố thằng Phả đấy, nghiện…”.
Chị Mùi trông hệt như những người điên vẫn thường lang thang không áo quần. Chị cùng con trai lững thững trên cầu, cúi nhặt rác rưởi, vừa để dọn sạch lối đi, vừa tập thể dục. Đến bữa, họ đi xin ăn. Đêm tối, họ ngủ trên manh chiếu ở một góc cầu Long Biên. Hãy nghe câu chuyện của họ:
“Hàng ngày cuộc sống của hai mẹ con thì mẹ ăn thế nào cũng được, còn cháu thì có khi nà cũngphải đi xin cho cháu ăn. Cháu ăn sạch hơn mẹ một tí. Bây giờ hàng ngày đi xin thì cũng muốn dạy cho cháu một cái nễ phép, để cho cháu sau này được ngoan ngoãn hơn. Hàng ngày muốn cháu được ngoan ngoãn thì mẹ không được nói năng những câu thô tục quá để cháu tự hấp thụ vào. Mẹ cũng phải tự rèn mẹ để cho con nó học tập thôi chứ còn không bắt buộc cháu điều gì cả. Cháu rất yêu và quí mẹ”.
“Cháu bây giờ nhé, từ lúc mụ dạy đã cười rất sảng khoái ở giấc mơ đấy, giấc ngủ ý. Tôi để ý như thế. Và trong cái tình cảm mẹ con nà có một núc ôm con mà cảm thấy thương con đến lồng làn, có một núc như thế đấy. Phả nà nhất. Từ bé đến giờ chưa bao giờ xa. Có một nần cai sữa để gửi ở nhà dì thôi, mà suốt đêm cháu cứ ra sân ngồi. Đêm tối như thế cháu không sợ, cháu cứ một mực đòi dì nà đi tìm mẹ” (chị Mùi kể – ghi lại từ băng thu âm của Justin Maxon).
“Mẹ con chị Mùi đã làm tôi thay đổi”
Justin Maxon đến VN cách đây ba tháng bằng số tiền tiết kiệm được sau khi thực hiện một số dự án ảnh ở quê nhà về người vô gia cư và cuộc sống ở New Orleans một năm sau cơn bão Katrina. Anh còn là thành viên của photoworld.com.vn, một website nhiếp ảnh qui tụ nhiều phóng viên ảnh VN dưới cái tên MadMax (tức Max “điên”).
Anh đi lang thang khắp Hà Nội để tìm kiếm đề tài chụp ảnh, rồi bất chợt nhìn thấy mẹ con chị Mùi.
Max, 24 tuổi, kể: “Tôi trông thấy một người phụ nữ và đứa trẻ trên cầu Long Biên. Chị mặc độc chiếc quần soọc. Trong vòng hai tuần ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì giống thế. Đó là điều vô cùng lạ lẫm ở đất nước tôi. Tôi bắt đầu đi theo họ và khám phá mối liên hệ mẫu tử giữa họ. Từ đó, có một điều gì đó thẳm sâu trong tâm hồn cứ kéo tôi đi theo hai mẹ con.
Tôi từng cảm thấy lạc lõng khi phải sống ở một đất nước mới với những trải nghiệm mới. Hai mẹ con chị có vẻ lẻ loi giống tôi. Có một điều kỳ lạ ở họ đã làm tôi thay đổi, đó là việc tìm thấy hạnh phúc từ nội tại. Ở Mỹ, bạn được cho là hạnh phúc khi bạn sở hữu một tài sản. Nhưng ở đây, hai mẹ con chị hoàn toàn tay trắng. Chị ấy thậm chí còn thích cuộc sống không nhà cửa hơn là bị nhốt trong một trung tâm xã hội. Chị ấy theo đạo Phật. Chị ấy bị đặt bên lề xã hội. Chị ấy cho tôi thấy tất cả chúng ta đều là con người với tất cả ý nghĩa nhân bản của từ này”.
Max đã chụp ảnh mẹ con chị Mùi trong cuộc sống hằng ngày, những tấm ảnh chân thực, tự nhiên và tình cảm, đúng như những gì anh cảm thấy. Max đi theo hai mẹ con từ sáng tới đêm trong mười ngày đầu tiên. Trong những ngày đó, luôn có một đám đông đi theo anh, người tò mò, người chê cười, người dọa nạt anh không được ghi lại “hình ảnh xấu của VN”, người can ngăn anh vì cho đó là một việc vô tích sự.
Max cảm thấy khó khăn khi mình và mẹ con chị Mùi bị bao vây hằng ngày như vậy. Anh giả vờ lảng đi, rồi quay lại với mẹ con chị Mùi cứ ba ngày một lần để hoàn thành những tấm ảnh cuối cùng trong dự án. Cứ như vậy sau ba tuần, 24 bức ảnh đẹp nhất về cuộc sống hằng ngày của mẹ con chị Mùi ra đời.
Tạm biệt chị Mùi và bé Phả, Max “điên” vào Quảng Trị, Đà Nẵng để chụp ảnh về những nạn nhân bị nghi nhiễm chất độc da cam. Sau ba tuần cùng sống, cùng ăn, cùng ở với một gia đình ở Đông Hà, Quảng Trị, Max đã hoàn tất dự án ảnh thứ hai ở VN. Trước khi lên đường về Mỹ, Max nói: “Tôi sẽ tìm cách quay trở lại đây trong khoảng một năm tới, sau khi tốt nghiệp”.