Hàng năm từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7, Fulbright sẽ chọn ra 25 gương mặt xuất sắc nhất trong số 400-500 hồ sơ ứng tuyển bằng cách phỏng vấn khoảng 50 semi-finalist trên khắp cả nước. Vượt qua vòng hồ sơ, giây phút quyết định chính là kỳ phỏng vấn này. Bài viết dưới đây chia sẻ kinh nghiệm của anh Trần Ngọc Thịnh, cựu Fulbrighter 2009 với hi vọng giúp các bạn Fulbright semi-finalists chuẩn bị tốt nhất cho kỳ phỏng vấn này.
Mục đích của buổi phỏng vấn
Mục đích chính của buổi phỏng vấn là để ban lãnh đạo chương trình Fulbright hiểu về bạn nhiều hơn và cũng là cơ hội để bạn thể hiện năng lực, cá tính bản thân, những điều bạn chưa có cơ hội thể hiện trong vòng hồ sơ. Để chuẩn bị cho kỳ phỏng vấn, dù viết giỏi thế nào, bạn cũng nên rèn thêm cách trình bày ngắn ngọn, súc tích, dễ hiểu và đi thẳng vào vấn đề.
Bối cảnh của cuộc phỏng vấn
2 địa điểm phỏng vấn truyền thống của học bổng Fulbright là khách sạn Daewoo – Hà Nội và khách sạn New World – Sài Gòn. Các ứng viên sẽ được phỏng vấn tại nhiều phòng khác nhau, chú ý đừng lơ đãng đi nhầm phòng.
Ai sẽ phỏng vấn bạn?
Bạn sẽ được phỏng vấn bởi 2 người đến từ đại sứ quán, một cựu Fulbrighter, một giáo sư, hay giám đốc chương trình Fulbright. Người phỏng vấn thường có hiểu biết hoặc kiến thức về chuyên ngành bạn đăng ký. Dù vậy, hãy cố gắng trình bày theo cách dễ hiểu nhất, như việc bạn đang cố gắng mô tả những dự định nghiên cứu chuyên ngành của mình cho người ngoài ngành.
Và lưu ý, cho dù người phỏng vấn là người Việt hay người Mỹ thì bạn sẽ được phỏng vấn bằng tiếng Anh. Vậy nên, nếu còn yếu khâu phỏng vấn bằng tiếng Anh, bạn cần luyện tập thêm cho quen. Nhìn chung người phỏng vấn đều thân thiện, nhưng đôi khi họ thử thách khả năng tranh luận cũng như cách bảo vệ lý tưởng của bạn. Với trường hợp này, bạn cần thể hiện quan điểm của bản thân và giữ vững chính kiến của mình, kèm theo một thái độ bình tĩnh.
Cần chuẩn bị những gì cho buổi phỏng vấn
Kinh nghiệm của mình là các bạn đừng lo lắng hay chuẩn bị nhiều. Hãy là chính bạn, tức là hãy thể hiện đúng những gì bạn có. Nếu bạn xứng đáng, thì học bổng sẽ thuộc về bạn. Có 2 điều mà mình khuyên các bạn nên làm:
Thứ nhất, tìm hiểu kỹ về học bổng Fulbright. Đây là điều căn bản ai cũng cần biết, như khi bạn được hỏi hiểu biết về công ty lúc đi phỏng vấn xin việc. Chỉ khi hiểu về Fulbright một cách sâu sắc và thấu đáo, bạn mới có thể thu phục được cảm tình người phỏng vấn ngay từ phút ban đầu. Mục đích của học bổng Fulbright là thúc đẩy trao đổi văn hóa và giáo dục giữa 2 quốc gia, vậy bạn làm gì để giúp Fulbright đạt được sứ mệnh cao cả đó?
Thứ hai là đọc kỹ lại hồ sơ của mình, bởi người phỏng vấn sẽ xoay vào hồ sơ và bài luận của bạn rất nhiều. Ngoài ra, bạn nên cập nhật tình hình thực tế liên quan đến ngành học và kiến thức xã hội. Chẳng hạn, nếu bạn làm về Giáo dục, hãy tìm hiểu những vấn đề của giáo dục Việt Nam và trả lời câu hỏi bạn định làm gì để đóng góp cho nền giáo dục. Nếu bạn học Chính sách công, hãy nghiên cứu quy trình lập pháp ở việt nam, phản biện chính sách, có thể làm gì để cải thiện chính sách công. Bạn nào theo Public Admin và Public Policy có thể tham khảo thêm bài viết của mình về đề tài này để hiểu rõ và sâu hơn về ngành.
Và đừng quên trước khi vào phòng phỏng vấn hít thở thật sâu, BÌNH TĨNH và TỰ TIN nhưng đừng TỰ KIÊU & TINH VI
Mặc gì khi đi phỏng vấn?
Các bạn nam mặc trang phục lịch sự như sơ mi, quần và giày âu, đầu tóc gọn gàng. Bạn có thể khoác thêm vest. Lời khuyên của mình dành cho các bạn nữ là ăn mặc nhẹ nhàng, kín đáo sẽ gây ấn tượng và thiện cảm với người đối diện.
Trước khi phỏng vấn
Bạn nên ăn sáng và căn giờ đến sớm trước 15 phút. Đến muộn vô cùng tối kỵ vì theo 1 nghiên cứu y học, đến muộn sẽ tạo ra tố chất gây ức chế thần kinh, tâm lý không thoải mái. Hơn nữa, đừng tự gây sức ép cho bản thân mà bối rối, lo lắng quá trước buổi phỏng vấn.
Trong phòng phỏng vấn
Khi đến lượt, một trong hai người phỏng vấn sẽ ra mở cửa mời bạn vào. Vì phỏng vấn có thể mất tới 45 phút nên tốt nhất hãy tắt chuông hoặc tắt hẳn điện thoại cho an toàn. Khi vào phòng, bạn nên ngồi thoải mái thẳng lưng, đừng gù lưng mà cho họ thấy bạn không tự tin. Ánh mắt tươi vui, nhìn thẳng để dò xem người phỏng vấn phản ứng ra sao với lời nói của bạn, nhìn đi nơi khác sẽ thể hiện bạn không thành thật và tự tin cho lắm.
Giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn, không cần phải chuẩn vì Fulbright không chấm giọng hay mà nội dung bạn thể hiện khi phỏng vấn. Hãy cố gắng nói chậm, rõ, mạch lạc để đạt được mục tiêu giao tiếp. Nếu bạn nghe câu hỏi không rõ, có thể yêu cầu nhắc lại câu hỏi. Khi nghe, cố gắng tập trung nghe kỹ rồi dành khoảng 30 giây suy nghĩ xong mới trả lời.
Quan điểm: Trong phỏng vấn sẽ có nhiều câu hỏi có thể xếp vào dạng “nhạy cảm”, mang quan điểm cá nhân. Chẳng hạn như bạn nghĩ sao về cách Việt Nam ứng xử với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Với dạng câu hỏi này, hãy giữ thái độ trung dung, chừng mực, cố gắng trả lời khéo như 1 nhà ngoại giao thực thụ. Bạn hãy ghi nhớ điều này, nhiều khi không phải cứ trả lời thẳng vào vấn đề mới là cách tốt nhất để gây ấn tượng. Nếu có thể kiểm soát được buổi phỏng vấn thì bạn nên tránh dẫn dắt buổi phỏng vấn vào các nội dung tự do tôn giáo, nhân quyền, wikileak, Snowden…
Kiểm soát nội dung: Đây là dạng phỏng vấn mở, tức là sẽ không có một bố cục câu hỏi nào cả, câu trả lời của bạn cho câu hỏi trước sẽ dẫn đến câu hỏi sau. Do đó, hãy suy nghĩ kỹ trước khi trả lời và dẫn dắt buổi phỏng vấn thành một buổi café nhẹ nhàng, ai cũng có dịp được nói, được chia sẻ. Đừng biến 2 người phỏng vấn thành 2 khán giả bất đắc dĩ ngồi nghe.
Đặt câu hỏi: Khi buổi phỏng vấn biến thành buổi trao đổi, bạn có thể đặt câu hỏi cho người phỏng vấn. Nếu bị hỏi mà không rõ, hãy thành thật và bày tỏ thái độ muốn học hỏi ý kiến của người phỏng vấn, từ đó chia sẻ quan điểm của bản thân bạn.Thường cuối buổi, khi được quyền đặt câu hỏi cho người phỏng vấn, đây là giây phút bạn có thể gây thiện cảm và kéo dài nếu thời gian phỏng vấn quá ngắn. Hãy đặt câu hỏi mở, tạo hứng thú, gắn với sở thích, lập trường của người phỏng vấn để họ sẽ chia sẻ với bạn lâu hơn.
Kết thúc buổi phỏng vấn
Chào hai người phỏng vấn một cách trân trọng, cảm ơn họ và gửi gắm vài lời cho tương lai, bắt tay, chào tạm biệt và ra về. Đừng quên chào cán bộ Fulbright đã kiểm tra hồ sơ của bạn. Bước ra khỏi phòng, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra đồng hồ xem cuộc phỏng vấn kéo dài bao lâu. Theo kinh nghiệm phỏng vấn Fulbright, nếu nội dung phỏng vấn khá sôi nổi, kéo dài trên 45 phút thì bạn có thể yên tâm chờ kết quả.
Về nhà, bạn không cần phải viết thư cảm ơn sau phỏng vấn cho Fulbright. Chỉ cần nhớ viết ngay nhật ký hay chia sẻ để ghi lại những gì bạn đã trải qua, những câu hỏi phỏng vấn, những câu hỏi bạn đã hỏi để chia sẻ cho thế hệ sau đi sau mình. Đừng để lâu quá, rồi quên mất và mất tính thời sự.
Chúc các bạn có một kỳ phỏng vấn thành công.
Theo www.hotcourses.vn