Tự chủ đại học (ĐH) là một yêu cầu hàng đầu trong quá trình đổi mới giáo dục đại học trên toàn thế giới hiện nay, và đã được khẳng định là một công cụ quan trọng trong việc tạo nguồn lực để phục vụ các hoạt động cần thiết của một trường ĐH và làm tròn sứ mạng của nó đối với xã hội.
Tôi xin được bắt đầu bài viết của mình bằng một chuyện kể của người bạn đang công tác ở bộ X. Anh kể là: đơn vị anh đang chờ văn bản chấp thuận của cấp trên cho một việc mà theo sự phân cấp quản lí thì việc ấy, người quyết định là cấp trên trực tiếp đơn vị anh (để tiện cho danh xưng khi viết, tôi gọi là đơn vị chủ quản). Văn bản anh gửi từ tháng trước, nửa tháng sau, lãnh đạo phòng của cơ quan anh gọi điện cho chuyên viên giải quyết công việc ở đơn vị chủ quản, vị chuyên viên ấy đã trả lời rằng: hình như chưa nhận được văn bản của cơ quan anh. Nói qua, nói lại, vị trưởng phòng đã nài nỉ để chuyên viên của đơn vị chủ quản xem lại, vì khi gửi, vị trưởng phòng đã cẩn thận dặn chuyên viên phải gửi phát chuyển nhanh (có thể kiểm tra qua đường bưu điện).
Được nhắc là đã chuyển bằng phát chuyển nhanh, vị chuyên viên của đơn vị chủ quản mới “chợt nhớ ra rằng” có nhận một hồ sơ, nhưng vì có nhiều đơn vị có tên na ná giống nhau nên không nhớ. Nửa tiếng sau, trưởng phòng của đơn vị anh nhận được trả lời của chuyên viên đơn vị chủ quản rằng hồ sơ còn thiếu một giấy tờ, yêu cầu đơn vị gửi ra để xem xét tiếp. Thế là mất đứt nửa tháng. Lại gửi, lại điện, lại nghe những giải thích không được vì lý do nọ lý do kia. Cô chuyên viên của đơn vị anh thì cam đoan với sếp mình là đã gửi và vẫn gửi đầy đủ theo qui định (cô còn nói thêm rằng, trước đây người khác nhận văn bản vẫn giải quyết. Rằng cô chưa bao giờ nghe thấy phải làm như hướng dẫn của vị chuyên viên mới của đơn vị chủ quản). Tất nhiên, sếp cô vẫn yêu cầu cô phải làm tất cả những yêu cầu của cấp trên. Thế là, cho đến sát ngày mà đơn vị cơ sở phải trả lời hồ sơ, các anh mới nhận được lời nhắn là đã có văn bản đồng ý của bộ chủ quản, cơ sở có thể trả lời cho đương sự. Thế là đã xong một công việc (anh bạn còn nói “nói thật là đã gọi điện thoại cho lãnh đạo đơn vị cấp trên và nhờ vậy nên công việc đã được giải quyết”. Khi tôi nói, tôi sẽ đưa chi tiết này vào một bản tham luận, anh nói rằng nếu tôi sử dụng câu chuyện anh kể thì xin cho anh cám ơn vị lãnh đạo cơ quan chủ quản của anh luôn).
Câu chuyện tôi vừa kể không liên quan gì đến công việc chúng ta đang làm nhưng tôi chắc, khi nghe câu chuyện này, nhiều vị lãnh đạo các trường ĐH đang tham gia hội thảo thấy như đó là chuyện của chính mình và chuyên viên các vụ cũng nhận ra rằng lãnh đạo các ĐH đang cảm ơn mình.
Vâng. Tôi không có ý gì khi khi nói rằng việc phân cấp quản lí ĐH và tự chủ ĐH của ta còn ít, mà chỉ muốn được nói thêm rằng, những việc như tôi vừa kể trên có thể giao cho các trường và lãnh đạo Bộ cũng hãy tin rằng các cơ sở đào tạo sẽ giải quyết vụ việc đúng và nhanh hơn nếu việc ấy chỉ là thủ tục hành chính, có thể giải quyết được ở cơ sở. Giao quyền cho các ĐH cùng với một cơ chế kiểm soát thì công việc sẽ tốt hơn.
Trước khi viết tham luận này, tôi đã được nghe nhiều lời trăn trở của lãnh đạo các trường là quyền tự chủ ĐH ở ta còn ít và hầu như những người đó đều muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền cho các ĐH nhiều hơn, để họ có thể tự chủ hơn. Trên Tạp chí Tia sáng có trích dẫn bài phỏng vấn một vị giáo sư gốc Trung Quốc đang làm phó hiệu trưởng một ĐH ở Hoa Kì. Vị giáo sư này cho rằng, quyền hạn của một hiệu trưởng ở Trung Quốc hiện nay còn nhiều hơn quyền hạn của một hiệu trưởng ở Hoa Kì. Theo vị giáo sư này, hiệu trưởng ở Hoa Kì chịu sự kiểm soát của Hội đồng trường và của công đoàn. Theo ý này thì tôi hiểu, ở Trung Quốc, hiệu trưởng chỉ chịu sự kiểm soát của cơ quan đảng và bộ chủ quản. Vậy mà, hiệu trưởng các ĐH ở Hoa Kì lại có thể có quyền và thực thi quyền lực nhiều hơn và quan trọng hơn là tốt hơn một hiệu trưởng ở Trung Quốc (tất nhiên là không kể ở Trung Quốc có thể vẫn có những hiệu trưởng giỏi quản lí hơn một số hiệu trưởng ở Hoa Kì).
Vậy vấn đề ở đây là: được trao quyền hay được thực sự thực thi quyền năng của mình đối với lãnh đạo ĐH? Bài viết này cố gắng trả lời câu hỏi trên.
Vậy thế nào là tự chủ ĐH? Tôi chọn câu trả lời đầu cho tự chủ ĐH là “Tự do học thuật, Tự chủ và Trách nhiệm” và coi tự do học thuật là yếu tố cần thiết trong lúc này để có một nền ĐH tự chủ. Bởi vì, tự do học thuật trong các ĐH ở ta chưa thực sự được chú trọng ngay từ các giảng viên và cả trong bộ máy quản lí.
Tự do học thuật được hiểu là bản chất tự nhiên của các ĐH từ khi nó ra đời. Sự ra đời của các ĐH gắn liền với việc được ủy nhiệm tìm kiếm tri thức và chuyển giao tri thức, trong đó việc tìm kiếm tri thức thể hiện đẳng cấp của các ĐH. Một ĐH có nhiều phát minh, sáng chế; một ĐH có nhiều nghiên cứu được ứng dụng trong thực tế là một ĐH có đẳng cấp cao – tất cả những nơi xếp hạng ĐH đều đề cao tiêu chí này.
Tự do học thuật trong các ĐH làm nảy sinh những tranh luận về cách thức quản lí (quản lí xã hội, quản lí doanh nghiệp, quản lí trường học…).
Tự do học thuật trong các ĐH chính là các vấn đề liên quan đến quyền tự do nghiên cứu và tự do phát biểu. Ở nhiều ĐH Việt Nam, việc tự do phát biểu của những trí thức chưa được coi trọng đúng mức. Trong bài phỏng vấn của tạp chí Doanh nhân Sài gòn cuối tuần với một trí thức được nhận giải thưởng Nhà nước, vị này đã nói rằng nhiều trí thức Việt Nam đã hình thành thói quen “tự kiểm duyệt” đến mức không thể phát biểu ngay cả những suy nghĩ của chính mình. Trí thức mà chỉ nói theo người khác thì không thể là trí thức. Tự do học thuật được hiểu là quyền cá nhân của giảng viên hay nhà nghiên cứu (các ĐH có viện nghiên cứu) được theo đuổi khám phá tri thức và lựa chọn chủ đề nghiên cứu và giảng dạy mà không sợ bất cứ sự ngược đãi nào về chính trị, tôn giáo hay xã hội.
Quyền tự do học thuật hướng nhiều hơn đến các quyền dân sự, quyền tự chủ và tính trách nhiệm cá nhân, đặt trong mối quan hệ giữa các trường ĐH, chính phủ và các thành viên khác trong hệ thống giáo dục ĐH.
Các ĐH là nơi sản sinh chính ra các tri thức mới. Giảng viên là người sáng tạo ra tri thức và ở khía cạnh này, quyền tự do học thuật là một quyền tự do tuyệt đối. Các giảng viên phải là người tự do tiến hành các đề tài nghiên cứu, tự do xuất bản, giảng dạy và thảo luận; tự do phê bình trước những ràng buộc, kiểm duyệt, qui định của nhà trường. Theo Shils1, quyền tự do học thuật là tự thân, có sự đan xen với mục tiêu nền tảng của trường ĐH, tự do tìm kiếm và truyền bá sự thật. Yếu tố “sự thật” được đặt ra như là nguyên tắc bắt buộc, nhưng không là rào cản tự do học thuật.
Quyền tự do học thuật phải được hiểu rằng nó không bao hàm việc bảo vệ các cá nhân trước sự trừng phạt của pháp luật một khi các cá nhân lợi dụng quyền này để xâm phạm phát luật, vi phạm nhân quyền hoặc phỉ báng, xúi giục sự thù ghét con người, thù ghét xã hội. Và, tự do học thuật không thể được sử dụng theo hướng cản trở cơ hội công bằng trong học tập đối với người học; không bảo vệ những giảng viên thiếu năng lực, sao nhãng nhiệm vụ hay băng hoại đạo đức. Tự do học thuật không loại trừ quyền phân công trách nhiệm của hiệu trưởng cho các giảng viên và các giảng viên buộc phải tuân theo sự phân công của hiệu trưởng.
Đứng sau quyền tự do học thuật là quyền tự chủ hay tự trị ĐH (autonomy). Hiểu giản đơn tự chủ ĐH là quyền lực quản lí điều hành không chịu sự kiểm soát nào từ bên ngoài. Theo Callahan M. quyền tự chủ ĐH được phân biệt thành hai dạng “bản thể” (substantive) và “thủ tục” (procedural).
Quyền tự chủ bản thể là quyền của nhà trường được tự xác định các mục tiêu và chương trình của mình để trả lời câu hỏi dạy “cái gì”? Điều này được thể hiện trong tuyên bố sứ mạng của trường ĐH. Các trường ĐH có quyền tuyên bố sứ mạng và các mục tiêu, cách thức đi đến mục tiêu mà không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào kể cả từ chính phủ, từ các cơ quan quản lí ĐH.
Quyền tự chủ thủ tục là quyền của nhà trường được xác định các biện pháp thi hành để theo đuổi các mục tiêu và chương trình đã vạch ra. Đó là dạy học “như thế nào”. Quản lí các biện pháp thực hiện cần phải hết sức mềm dẻo và linh hoạt. Nó luôn thay đổi nhằm đáp ứng những yêu cầu về đảm bảo chất lượng mà ĐH đã cam kết. Hiệu trưởng các ĐH là người chịu trách nhiệm về những tuyên bố của mình trong các chương trình đào tạo, chịu trách nhiệm về “sản phẩm” giáo dục mà mình đưa ra trong tuyên bố sứ mạng.
Quyền tự do học thuật và quyền tự chủ ĐH không bao gồm đòi hỏi trong những vấn đề liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia và xã hội. Theo Justice Frankfurter (Toà Thượng thẩm Hoa Kì), quyền tự chủ ĐH bằng “bốn quyền tự do thiết yếu cho một trường ĐH – nhằm tự mình xác định dựa trên nền tảng học thuật rằng ai có thể dạy, dạy cái gì, dạy như thế nào và ai được chấp nhận cho theo học”. Tự chủ ĐH là quyền tự do lựa chọn cán bộ giảng dạy và sinh viên, quyền xác định các điều kiện cho họ tiếp tục công việc trong trường ĐH, quyền xác định nội dung chương trình đào tạo, các tiêu chuẩn bằng cấp, phân bổ ngân quỹ cho các hạng mục chi tiêu của mình, tự chủ trong nghiên cứu khoa học.
Năm 1988, Hiệp hội ĐH và Học viện Canada (AUCC) đã liệt kê một danh sách tự chủ ĐH gồm các quyền lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ; lựa chọn, xét tuyển và kỉ luật sinh viên; thiết lập và kiểm soát chương trình đào tạo; ban hành các quy định tổ chức để triển khai hoạt động khoa bảng; xây dựng chương trình và nguồn tài nguyên bổ trợ trực tiếp; xác nhận hoàn tất chương trình và cấp phát văn bằng.
Các nghiên cứu về tự chủ ĐH đều cho rằng một số hình thức điều phối của nhà nước trong giáo dục ĐH là cần thiết. Không thể có tự chủ ĐH tuyệt đối. Cần phải điều hòa các lợi ích công trong giáo dục ĐH với các lợi ích trường, viện trong tự do hành động. Chẳng hạn việc qui định mức học phí ĐH trong các ĐH công là cần thiết, nhất là trong tình trạng mà nhu cầu học tập ĐH cao hơn khả năng cung ứng của các ĐH như ở nước ta hiện nay.
Chính phủ thiết lập các mục tiêu mà giáo dục ĐH cần đạt được, và nhà trường có thể xây dựng các biện pháp thực thi để đạt được các mục tiêu đó. Từ đó dẫn đến khái niệm về tính trách nhiệm để chứng tỏ được rằng các biện pháp đề ra đã giúp đạt được mục tiêu.
Hầu hết các nghiên cứu đều công nhận rằng vai trò quan trọng nhất của nhà nước là xác định mức độ hỗ trợ tài chính cho giáo dục ĐH nói chung và phân bổ hợp lí cho các trường nói riêng.
Trách nhiệm công bằng của nhà nước có ý nghĩa ở chỗ bảo đảm tính đa dạng và bổ khuyết trong nhiệm vụ của các trường học, và tính hợp lí của các nhiệm vụ đó xét trên tổng thể để đạt được các mục đích chính sách công.
Nhà nước nên có trách nhiệm trong những thay đổi lớn của hệ thống qua việc can dự vào các khoản chi lớn hay thay đổi định hướng cơ bản của toàn hệ thống. Ví dụ, mở thêm trường mới, đóng cửa các trường không thực hiện đúng các cam kết, ban hành biểu phí sinh viên và hệ thống hỗ trợ tài chính, mở rộng hay thu hẹp thành phần cán bộ giảng .
Nhà nước có trách nhiệm xác định và bảo đảm khả năng tiếp cận đào tạo. Bao gồm cả việc ban hành các chính sách về liên thông đào tạo giữa các trường và giữa các bậc học.
Tự chủ đại học: một khái niệm đa thành phần (multifaceted)
Như đã nói ở trên, tự chủ ĐH đang là một khái niệm “nóng” hiện nay, vì tất cả các cuộc cải cách giáo dục trên thế giới đều nhằm vào việc trao thêm quyền tự chủ cho các trường. Nhưng thực sự tự chủ ĐH là gì? Phải chăng nó là quyền tự do tuyệt đối? Tự do muốn tuyển bao nhiêu sinh viên tùy ý, và thu học phí ở bất kỳ mức nào, miễn là người đi học chấp nhận theo nguyên tắc thỏa thuận dân sự? Tự do quyết định mọi vấn đề nội dung chương trình, phương pháp và điều kiện giảng dạy? Ai nắm giữ quyền tự do ấy?
Có vẻ như khái niệm này có quá nhiều khía cạnh mà mỗi người ở một góc nhìn khác nhau lại có một sự nhấn mạnh khác nhau. Điều này đã được khẳng định trong phát biểu sau của Ủy ban Châu Âu (European Commission): “cần thiết phải diễn giải khái niệm tự chủ trong trường ĐH bao gồm những gì trong xã hội hiện đại, xét về nội hàm (pháp lý, tài chính) của khái niệm này cũng như xét về các bộ phận và tác nhân có liên quan”
Theo Anderson và Johnson, khái niệm tự chủ đại học bao gồm 7 thành phần hay lĩnh vực hoạt động sau:
1. Cán bộ: tuyển dụng, thăng tiến, tư cách cán bộ giảng dạy và cán bộ hành chính cấp cao;
2. Sinh viên: tuyển sinh, tiến trình học tập, kỷ luật;
3. Chương trình đào tạo và hoạt động giảng dạy: phương pháp, thi/kiểm tra, nội
dung, giáo trình;
4. Các tiêu chuẩn chuyên môn: tiêu chuẩn bằng cấp, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và kiểm định;
5. Nghiên cứu và xuất bản: đào tạo sau ĐH, đề tài ưu tiên, tự do xuất bản;
6. Điều hành: các hội đồng, phòng ban, hội sinh viên;
7. Hành chính và tài chính: ngân quỹ, chi phí vận hành, chi phí thiết bị vật tư, công việc thời vụ, nguồn quỹ ngoài ngân sách, các quy định trách nhiệm.
Các lĩnh vực quản trị nói trên tạo thành 3 nhóm khác nhau: nhóm 1 (lĩnh vực 1 và 2) liên quan đến việc quản lý giảng viên và sinh viên, hai chủ thể trực tiếp thực hiện đến các hoạt động chính yếu của một trường ĐH là giảng dạy, học tập và nghiên cứu; nhóm 2 (lĩnh vực 3, 4, 5) liên quan đến việc quản lý các hoạt động của các chủ thể trong nhóm 1; và nhóm 3 (lĩnh vực 6, 7) chủ yếu liên quan đến những hoạt động của bộ phận quản lý, điều hành và phục vụ.
Khi so sánh trong phạm vi của một quốc gia, có thể thấy mức độ tự chủ đối với các lĩnh vực này thường không giống nhau. Ở các nước có độ tự chủ cao, sự
kiểm soát của chính phủ chỉ tồn tại ở các lĩnh vực 4 (các tiêu chuẩn chuyên môn) và 7 (hành chính và tài chính). Tại các nước có độ tự chủ trung bình, sự kiểm soát của chính phủ có thể tăng thêm ở các lĩnh vực 3 (chương trình đào tạo và hoạt động giảng dạy) và 6 (điều hành). Trong khi đó, ở các nước có độ tự chủ thấp, chính phủ có quyền can thiệp vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của trường ĐH.
Nhiều nhà quản lí giáo dục trong khu vực ĐH cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, Chính phủ kiểm soát trên tất cả 7 lĩnh vực nói trên và các ĐH Việt Nam còn lâu mới đạt mức độ tự chủ. Tôi không nghĩ như vậy. Trên thức tế, từ khi có Nghị định 10 và mới đây, Nghị định 43 của Chính phủ đã mở ra một khả năng tự chủ ĐH rất rộng lớn. Theo Nghị định 43, các trường ĐH được giao quyền tự chủ có quyền tự chủ “tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao” – tương đương với các mục 1, 6 và 7 (3/7 thành phần tự chủ đại học). Trong các thành phần tự chủ còn lại, chỉ có việc xây dựng chương trình đào tạo là chưa tự chủ hoàn toàn. Chúng ta vẫn thấy bộ Chương trình khung được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trong bộ chương trình khung này, các trường chỉ được tự chủ trong phần qui định – khoảng 30-40% chương trình. Nếu chương trình khung do Bộ ban hành có tính chất thống nhất về nghề nghiệp được đào tạo, thì ngoài ý nghĩa có thể so sánh được, trong những phần bắt buộc của một nghề nghiệp, việc bắt buộc phải thực hiện đến 65-70% chương trình cũng làm cho các ĐH không gần với thực tế. Chúng ta đều biết, một bộ chương trình khung ngành đào tạo được biên soạn và phê duyệt là cả một thời gian dài, trong khi sự phát triển của khoa học và công nghệ trong kỉ nguyên truyền thông và internet lại quá nhanh chóng, nếu cứ giữ cách làm hiện nay, chúng ta sẽ khó có một ĐH gần với thực tiễn, một ĐH thật như nhiều tuyên ngôn của các trường ĐH (University Real).
Nhìn ra thế giới, có thể thấy tính chất đa thành phần của khái niệm tự chủ ĐH đã làm cho bức tranh về tự chủ ĐH ở các quốc gia khác nhau trong mỗi giai đoạn khác nhau là rất khác nhau. Chẳng hạn, tại châu Âu vào thời điểm cuối thập kỷ 1990, khi Thuỵ Điển vừa hoàn tất những cải cách sâu rộng nhằm uỷ thác trách nhiệm từ chính phủ về cho các trường, thì tại Đan Mạch chính phủ vẫn còn can thiệp sâu vào hoạt động của các trường ĐH với đòi hỏi phải rút ngắn thời lượng các môn học và thời gian học để cấp bằng. Trong khi đó, Italia đã giao quyền tự chủ tài chính cho các trường, đồng thời còn triển khai nhiều hành động pháp lí khác nhằm cho phép tăng thêm quyền tự quyết của các trường ĐH.
Tính trách nhiệm
Tính trách nhiệm có nghĩa là yêu cầu chứng minh được trách nhiệm trong hành động của một người hoặc một tập thể. Với quyền tự chủ đã được giao, nhà trường đã sử dụng một cách có trách nhiệm, hợp pháp và hợp lí hay không.
Trong giáo dục ĐH, một trong những vấn đề then chốt về mặt trách nhiệm, đó là trách nhiệm đối với những thành phần bên trong nhà trường (giảng viên và đội ngũ công chức, sinh viên…) mà còn đối với thành viên bên ngoài. Nhà trường phải có trách nhiệm với sinh viên, với phụ huynh, với doanh nghiệp và rộng hơn là trách nhiệm đối với cộng đồng.
Tính trách nhiệm không chỉ giới hạn ở chỗ được xem như là thông tin tài chính dùng để chứng minh rằng công quỹ đã được chi tiêu một cách có trách nhiệm mà còn bao hàm cả việc chứng minh rằng đã đạt được các mục tiêu đặt ra của nhà trường một cách hiệu quả nhất, nhà trường phải chứng minh được quan hệ giữa kết quả đầu ra và sử dụng nguồn lực là một quan hệ tỉ lệ thuận tối ưu.
Tính trách nhiệm và quyền tự chủ được xem là những khái niệm bổ sung cho nhau. Trách nhiệm là cái giá của quyền tự chủ – tôi không được tự chủ thì tôi không chịu trách nhiệm. Những người phản bác quan điểm “tính trách nhiệm” thì cho rằng tăng trách nhiệm sẽ làm giảm quyền tự chủ của nhà trường. Rằng, tăng tính trách nhiệm là tăng sự giám sát của nhà nước, cộng đồng và người học.
Thực ra, tính trách nhiệm nên được phát triển từ nội tại, là yêu cầu của chính bản thân nhà trường hơn là áp đặt từ ngoài vào. Áp lực của chính phủ thường có bản chất chính trị nhiều hơn là áp lực của cộng đồng. Các trường ĐH nên chứng tỏ rằng các mục tiêu mà mình đưa ra đã được phát triển và hoàn tất, và các quy trình cần thiết đã được phát triển và áp dụng hợp lí.
Cần phải thừa nhận rằng trường ĐH và nhà nước đã có những vai trò khác nhau trong việc duy trì hệ thống giáo dục ĐH, và họ cần phải làm việc với nhau nhiều hơn nữa để bảo đảm tăng cường thêm vai trò của mỗi bên.
Tự chủ của các ĐH Việt Nam trên các văn bản pháp lý đã có những thay đổi theo hướng các ĐH ngày càng được giao nhiều quyền hơn. Tuy nhiên, quyền tự chủ về mở ngành nghề (bao gồm cả việc xây dựng chương trình học) và một số quyền khác vẫn chưa thực sự “mở”, chưa thực sự tạo điều kiện tối đa cho tự chủ ĐH. Đơn cử, việc thành lập các Hội đồng trường được qui định trong điều lệ ĐH, cho đến nay chưa được thực thi ở nhiều trường. Lí do thì có nhiều, nhưng một trong những lí do mà người ta không muốn nói ra là các Hội đồng trường nếu được lập ra sẽ khó có thể phân xử giữa quyền lãnh đạo của tổ chức đảng với quyền của Hội đồng trường. Mặt khác cũng cần thấy rằng, khoảng cách giữa “quyền được ghi trên văn bản” và “thực quyền” còn khoảng cách. Nhiều văn bản chồng chéo. Sự kiểm soát đại học chưa đi vào thực chất. Thậm chí, nhiều ĐH hiện nay vẫn còn đang phải “luẩn quẩn” trong việc huy động các nguồn lực, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lí. Một ví dụ khác, hầu như các hiệu trưởng ĐH Việt Nam chưa thực hiện được quyền trả lương theo năng lực (chúng tôi nói “lương” – không nói “thu nhập” vì việc xếp ngạch – bậc lương hiện nay vẫn theo qui định của Bộ Nội vụ).
Tự chủ ĐH là một xu thế tất yếu, nhưng để có thể tự chủ, các ĐH Việt Nam còn cần phải nỗ lực hơn ở tất cả các hoạt động của mình.
Theo Nguyễn Kim Hồng/www.hocthenao.vn
Tác giả công tác tại Đại học Sư Phạm tpHCM.