Mùa đông năm nay đến trên nước Mỹ sớm hơn thường lệ, trận bão tuyết đầu mùa kéo đổ những hàng cây vẫn còn vàng ruộm lá, tả tơi… Thế là bắt đầu mùa đông. Cái lạnh choàng đến thật nhanh. Ngày hôm qua vẫn còn hoe hoe nắng, hôm nay gió đã luồn lạnh buốt dưới từng lớp áo. Khoảng khuôn viên đại học Clark- Worcester, MA cây rụng trơ lá, chỉ còn những cành khô run rẩy giữa nền trời. Sân trường vắng hoe, đó là những ngày đầu của kỳ nghỉ đông.Những người bạn Mỹ đã hối hả trở về nhà để đón Noel và chào mừng năm mới, chỉ còn những sinh viên quốc tế xa nhà và không có người quen bên này. Kỳ nghỉ đông, cũng là dịp cuối năm giáp tết Nguyên Đán của Việt Nam. Tôi ngồi lặng lẽ nhìn tuyết rơi qua khung cửa nhỏ và nao lòng nhớ về quê nhà. Thèm một mùi nhang tết để thấy mình đang gần quê hương, gần gia đình.
Nỗi niềm nhớ quê đưa đẩy tôi gần hơn với tâm sự của du học sinh những ngày tết xa nhà. Tôi đến thăm những người bạn của mình khi cơn bão tuyết mỗi lúc một dày phủ trắng con đường trước mặt. H.N, sinh viên năm đầu của Clark bồi hồi nhớ về cái tết ở quê nhà, rồi mắt chị nhòa lệ lúc nào không biết. Chị nhớ về gia đình, về quê hương xa, nơi bố mẹ và người thân quây quần bên mâm cơm tất niên chắc sẽ nhắc tên chị nhiều trong những ngày đầu năm ấm áp. Nỗi nhớ của chị đong đầy trong những câu chuyện về hai cô con gái nhỏ vẫn từng ngày mong mẹ về. Những ngày học bận rộn và căng thẳng đến quên cả nỗi nhớ nhà, nhớ con, chị đã mong chờ kỳ nghỉ đông biết mấy, nhưng những ngày nghỉ này dường như lại nhân lên trong chị nỗi nhớ nhà, nhớ con gấp bội.
Trên tầng ba, cùng căn hộ thuê chung, H.D ngồi tần ngần, đôi mắt nhìn xa xa, tự hỏi không biết ở nhà chồng và con trai đang làm gì để đón tết? Thương người đàn ông ngày đầu năm không có bàn tay người phụ nữ chăm chút, vun vén làm lòng chị se sắt. Cô em gái phòng bên cạnh, trẻ nhất nhóm, cười giòn tan khi kể chúng tôi nghe về những ngày tết quây quần cùng mẹ làm bánh mứt, rồi du xuân đó đây cùng bạn bè. Vừa cười vậy đã thấy vội quay đi lau hàng nước mắt như đang chực trào ra bởi kỳ niệm của những ngày tết nơi quê nhà cứ gợi về da diết.
Nỗi nhớ về Tết, cái không khí tinh khôi của ngày đầu năm nồng nàn mùi hương trầm, quện chặt tình thân gia đình, như muốn vỡ òa trong tôi. Tôi vùng bước ra đường, bước trên những lối đi ngập tuyết trắng, hình ảnh Hà nội chiều 30 tết nhộn nhịp đào hoa, mái hiên nhà nơi quê cũ ông nội buộc đầy những sợi lạt treo bánh chưng, tiếng chày giã giò thậm thịch từ những ngày rất xưa… cứ hiển hiện như rất gần đâu đây. Tôi đã đi như thế trong một chiều cuối tuần đầy tuyết rơi, ký ức về tết từ những ngày còn thơ ấu, kỷ niệm những chiều tháng chạp cùng chồng, con ríu rít đi thăm vườn đào … cứ miên man hiện về. Giờ này nếu ở nhà, chắc tôi đã cắm xong những bình hoa tết, sắp xong mâm ngũ quả và chuẩn bị những bộ quần áo mới cho các con đầu năm đi chúc tết ông bà.
Những bông tuyết trắng tinh rơi ngày càng dày hơn, tôi đưa tay quệt mặt, chợt nhận ra má mình lăn dài vệt nước, chẳng biết là tuyết lạnh hay mình đang khóc, chỉ thấy giọt nước lăn dài và chạm môi vị mặn. Tôi chợt thấm thía một điều: những du học sinh nữ như chúng tôi, đằng sau những bận rộn của trường lớp, những tiếp cận đa dạng của màu sắc văn hóa quốc tế nơi đây, là khoảng lặng của những tâm hồn đầy chất phụ nữ Việt nam, khoảng lặng của gia đình, quê hương. Mỗi chúng tôi, khi hăm hở tìm đường du học, cũng là lúc gói lại phía sau bao lo lắng về gia đình, con cái và niềm tin về người bạn đời thủy chung, bao dung luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ … Nhưng để vượt qua những khoảng lặng đó là cả một nghị lực, một quyết tâm và những hy sinh lặng lẽ của chính bản thân và của cả gia đình.
Cái lạnh của bông tuyết một chiều đông cuối năm trên nước Mỹ đánh thức tôi về lại hiện tại. Tôi tự nhủ, ở bên này mình cũng cần có một cái tết thật đầm ấm chứ, để chúc mừng nhau và để cùng nhớ về quê hương, gia đình. Thế là nhóm anh chị em sinh viên Việt Nam tại Clark tíu tít chuẩn bị tết. May mắn là chúng tôi ở gần nhau, nên căn hộ rộng nhất của ba bạn sinh viên được chọn làm địa điểm mừng năm mới. Ngay từ sáng sớm 30, chúng tôi mỗi người một việc, đi chợ, chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp phòng…tiếng nói cười, tiếng bước chân ra vào,… tất cả đều rộn ràng như chính sự rộn ràng của mùa xuân đang về. Mâm cỗ tất niên có đầy đủ hương vị truyền thống của ngày tết có xôi gà, giò lụa, nem rán, bánh trưng miền bắc, bánh tét miền nam, dưa hành, thịt đông, canh măng… Hương vị món ăn ngày tết như mang trọn niềm thân thuộc của tết quê hương. Trưa 30 bên này cũng là đêm giao thừa của Việt Nam, anh chị em chúng tôi siết chặt vòng tay, kẻ bắc, người nam, người miền xuôi, kẻ miền ngược quây quần trong căn phòng ấm cúng, hồi hộp chờ tiếng chuông giao thừa và nghe thư chúc tết từ màn hình internet. Cảm xúc giao thừa thật đặc biệt, thừa vừa thiêng liêng, ấm cúng, vừa gần gũi thân thương đến vô cùng, mà có lẽ không dễ gì chúng tôi may mắn có lại lần thứ hai như thế. Chúng tôi nối vòng tay, hát vang những bài ca mừng mùa xuân mới, kể nhau nghe những chuyện gia đình, những kỷ niệm cứ như tuân trào bất tận. Mấy chị em phụ nữ tranh thủ bật skype để nói chuyện, chúc tết gia đình, người thân. Chúng tôi đùa nhau: cầu truyền hình trực tiếp đêm giao thừa từ Việt Nam và Mỹ đấy. Trong không gian ấm cúng này, chúng tôi dường như đang ở giữa Việt Nam, ăn cái tết của quê nhà bên cạnh những người thân yêu.
Tết đầu tiên của anh chị em chúng tôi trên nước Mỹ trở nên thiêng liêng và có ý nghĩa hơn bởi nó không đơn giản chỉ là dịp để chúng tôi- những người xa nhà – cùng xích lại gần nhau, đoàn kết, động viên, chia xẻ. Tết trong chúng tôi là hình ảnh quê hương, đất nước, là gia đình và những gì thân thương nhất. Tết – không chỉ là dịp đầu năm, đó là không gian văn hóa, là linh hồn Việt trong mỗi nếp nhà, trong mỗi tâm hồn người con đất Việt xa quê.
Thứ hai, cũng là ngày mùng 1 tết Việt Nam, chúng tôi trở lại giảng đường như mọi ngày, và dù những người bạn ngồi bên ít ai biết về Tết Việt Nam, trong chúng tôi, dường như dòng nhựa của một mùa xuân mới đang lặng lẽ dâng tràn. Chúng tôi đón những cái tết xa nhà nơi đây, để những cái tết gần gia đình có ý nghĩa hơn, và trên hết thảy là để cảm nhận rõ hơn hai tiếng “ Việt Nam” trong mình.
Hương Nguyễn, Worcester 2012
Bài viết dự thi Hành trình 13000 cây số của Hội TNSV Việt Nam vùng Boston Mở rộng