Với hơn 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, nếu chỉ tính hơn 60% số đó là du học tự túc thì mỗi năm các gia đình ở Việt Nam chi tới 250 triệu USD tại Mỹ (tương đương 5000 tỉ đồng, tính bình quân một du học sinh chi tối thiểu 500 triệu đồng/năm).
Một điều dễ nhận thấy là nếu các trường đại học chất lượng của Mỹ mở tại Việt Nam thì cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiêu chuẩn thế giới sẽ đến với nhiều người và nền kinh tế trong nước có thể tiết kiệm được lượng ngoại tệ không nhỏ.
Tuy nhiên, làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút các đại học lớn của Mỹ?
Ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ khẳng định: Rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang đặt hàng du học sinh trở về với sự đãi ngộ xứng đáng- Ảnh Tuấn Trương
Bên lề hội thảo thường niên của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) tổ chức tại ĐH Missouri (bang Missouri, Mỹ), phóng viên www.sinhvienusa.org đã ghi lại những chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề này.
Bà Lynne McNamara, Giám đốc điều hành VEF: Các trường công lập của Mỹ là các trường nhận được hỗ trợ của chính phủ, sử dụng tiền thuế của người dân, thì không dễ để mở chi nhánh, đầu tư ở nước ngoài. Bởi lẽ, người đóng thuế muốn các trường đó tập trung nguồn lực, phục vụ con em của họ ở trong nước.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể tiếp cận các trường tư nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Stanford… hoặc các trường ở nhóm dưới, nhưng sẽ có những vấn đề rất lớn như: Các gia đình ở Việt Nam có sẵn sàng chi trả mức học phí cao (mức học phí trung bình cho bậc đại học ở Mỹ là khoảng 20.000-30.000 USD/năm – PV) hay không? Thị trường Việt Nam có đủ lớn để nhận được sự đồng ý của hội đồng quản lý các trường? Ngoài ra, điều rất quan trọng là Chính phủ Việt Nam có chính sách để các trường được tự chủ hoàn toàn, từ việc tuyển sinh, thiết kế các chương trình học hay kiểm soát chất lượng hay không?
Tôi nghĩ rằng trước mắt, các trường đại học, các viện nghiên cứu ở Việt Nam nên hợp tác với các khoa, các trường ĐH, các viện nghiên cứu ở Mỹ và các nước theo từng chương trình hợp tác cụ thể, để qua đó có thể nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ở Việt Nam, sau đó mới tiến tới việc hợp tác, mở trường của Mỹ ở nước các bạn.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ: Hiện nay đã có Đại học Việt Đức, Đại học Việt Anh thành lập ở Việt Nam. Các trường này được thành lập với sự hỗ trợ rất lớn về tài chính của chính phủ Anh, chính phủ Đức. Chúng ta cũng đã tạo những điều kiện rất tốt cho các trường này để họ có thể tự chủ về chương trình đào tạo, chuẩn đầu vào, đầu ra…
Chúng tôi cũng đang tiếp xúc với rất nhiều trường, viện nghiên cứu ở Mỹ để mời họ hợp tác, hướng tới khả năng mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định Mỹ sẽ sớm hỗ trợ thành lập ĐH Fulbright ở Việt Nam. Tôi hy vọng đây sẽ là bước đi khởi đầu quan trọng để chúng ta có thể mời được các trường lớn của Mỹ thành lập cơ sở đào tạo ở Việt Nam.
Trên thế giới, rất nhiều doanh nhân thành đạt đầu tư mở các trường ĐH, viện nghiên cứu. Ở Việt Nam bây giờ cũng đã có một số doanh nhân, doanh nghiệp mở ĐH như của FPT, Tân Tạo… Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để kết nối các doanh nhân Việt với lãnh đạo các đại học, viện nghiên cứu ở Mỹ để triển khai các dự án hợp tác đào tạo. Khi có sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư giáo dục chất lượng cao, chúng ta sẽ đào tạo được một đội ngũ trí thức trong những ngành khoa học trọng điểm để tạo bước đột phá, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak: Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt để thu hút và giữ chân người giỏi. ảnh Tuấn Trương
Ông Michael Michalak, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Tôi được biết đã có đại học RMIT của Úc mở ở Việt Nam và khá thành công. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ tối đa như với RMIT, khi đó sẽ mở ra triển vọng các trường ở Mỹ quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Để thu hút và giữ chân người giỏi cũng hết sức quan trọng, họ sẽ là các giảng viên, các chuyên gia truyền đạt kiến thức, đóng góp vào các dự án nghiên cứu quan trọng. Trung Quốc đang có chính sách thu hút chất xám cực mạnh, họ sẵn sàng trả lương rất cao để mời người giỏi làm việc tại Trung Quốc. Với mức lương thấp, rất khó để mời người giỏi về và giữ chân được người giỏi. Tôi biết Việt Nam là quốc gia đang phát triển, với nguồn lực tài chính còn hạn chế, chính phủ Việt Nam cần tạo ra bước đột phá để có những chính sách đặc biệt, tập trung nguồn lực vào một số ngành trọng điểm, có chính sách trả lương cao, nhiều đãi ngộ xứng đáng. Các cơ sở nghiên cứu này sẽ là những điểm sáng để thúc đẩy nền khoa học quốc gia phát triển.
Quỹ học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học sau đại học ngành khoa học kỹ thuật tại các đại học lớn của Mỹ. Trung bình mỗi năm có khoảng 40-50 sinh viên Việt Nam được cấp học bổng này.
Tính từ khi bắt đầu triển khai chương trình năm 2003, đã có hơn 500 du học sinh Việt Nam đến Mỹ theo học bổng của VEF. Mỗi năm VEF đều tài trợ cho các sinh viên đang ở Mỹ theo học bổng VEF tham dự hội thảo.
Năm nay, hội thảo VEF được tổ chức tại ĐH Missouri (bang Missouri) từ 4.1-7.1 giờ Việt Nam (tức từ 3.1-6.1 giờ Mỹ).
Káp Thành Long
Ảnh: Tuấn Trương