
Giáo sư Hồ Huệ Tâm (hay Hồ Tài Huệ Tâm) là giáo sư người Việt duy nhất hiện nay dạy về lịch sử Việt Nam ở trường Harvard. Bà được phong chức danh GS Kenneth T Young – (danh xưng mà chỉ một số ít giáo sư có uy tín ở Harvard mới đạt được).
Nhiều trí thức từ Việt Nam sang học tập, nghiên cứu ở Harvard tìm đến giáo sư Huệ Tâm.
Ngay tại ngôi trường đại học bậc nhất Hoa Kỳ này, bà cũng được coi như một đầu mối mà các học giả làm việc có liên quan đến Việt Nam không thể bỏ qua. Bà cũng là người nắm được mạng lưới nghiên cứu về Việt Nam ở Mỹ, nên qua bà các nghiên cứu sinh có thể phát triển các mối quan hệ nghiên cứu rộng rãi hơn. Bằng uy tín của mình, giáo sư Hồ Huệ Tâm giúp kết nối một số nhà khoa học xã hội Việt Nam với đồng nghiệp quốc tế.
Bà Hồ Huệ Tâm lớn lên ở Sài Gòn, du học Mỹ năm 1966, lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ sử học Việt Nam và Trung Quốc ở trường Đại học Harvard. Ra trường 1977, bà dạy ở Đại học Harvard từ năm 1980 tới nay.
Lý do bà đã chọn chuyên ngành sử Việt Nam, một ngành vốn không được biết nhiều ở Mỹ thời bấy giờ – xuất phát từ những ký ức tuổi thơ. “Thuở nhỏ vì hay nghe cha mẹ nói về cuộc đời mình nên tôi rất say mê, muốn học hỏi thêm. Nhất là hồi đó tôi học trường Pháp, nên càng muốn biết thêm về gia tài văn hóa của xứ mình, về lịch sử của xứ mình, vì học ở trường Pháp ít khi được học cao hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đến thời kỳ tôi đi học ở Mỹ, dù lúc đó đang có chiến tranh, nhưng thật ra người Mỹ không biết nhiều về Việt Nam. Người Việt tới Mỹ cũng rất ít.
Vùng tôi tới học là vùng nổi tiếng về các đại học Mỹ, thế nhưng vẻn vẹn không có đến 10 người Việt. Những người chuyên dạy về lịch sử, văn hóa Việt Nam lại càng ít hơn, mà phần đông họ học lịch sử Trung Quốc rồi đổi qua học về Việt Nam. Thầy hướng dẫn của tôi ngày xưa cũng học lịch sử Trung Quốc, nhưng do thầy hướng dẫn của ông bảo rằng Hoa Kỳ đang có liên quan tới Việt Nam, mà nước Mỹ lại chẳng có ai biết về Việt Nam, nên ông này mới thúc giục thày tôi nghiên cứu về Việt Nam.
Ở ngoại quốc, mình có cơ hội học được những phương pháp mới và những cách nhìn mới mà ở miền Nam lúc đó không có phương tiện để học. Sách vở nhiều lắm, tư liệu cũng nhiều, đi vô thư viện dễ dàng, được trao đổi với bạn bè sinh viên cũng là điều thú vị và làm cho tôi suy nghĩ nhiều. Riêng việc nghiên cứu thực sự là tự tôi nghiên cứu lấy. Từ khi vô đại học tới giờ tôi hoàn toàn chỉ có làm việc nghiên cứu và dạy học, không biết việc gì khác.”
Thầy giáo hướng dẫn bà là người chuyên nghiên cứu về Nho giáo, nhưng Hồ Huệ Tâm chọn con đường đi khác. Bà nghiên cứu về lịch sử xã hội, nhất là lịch sử miền Nam. Vì sinh trưởng, lớn lên ở miền Nam, nên bà biết nhiều về miền Nam hơn là miền Bắc.
Vấn đề lịch sử đầu tiên mà Hồ Huệ Tâm chọn nghiên cứu là phong trào nông dân mà điển hình là sự ra đời của các đạo Hòa Hảo và Cao Đài ở miền Nam Việt Nam: “Đó là trường hợp rất đặc biệt của miền Nam. Tôi muốn quan tâm tại sao phong trào đó chỉ có ở miền Nam không có ở miền Bắc. Theo tôi có nhiều lý do: một phần là do ảnh hưởng Nho giáo ở miền Nam tương đối ít; hai nữa đây là vùng khẩn hoang, nên những người đi đến là những người được kêu gọi. Những người cầm đầu dùng tôn giáo, tín ngưỡng thu hút nông dân nghèo tới khẩn hoang.
Còn ở miền Bắc giới sĩ phu có ảnh hưởng rất mạnh, thành thử nông dân không mắc những phong trào như vậy. Hoà Hảo và Cao Đài là phong trào nông dân nhưng có mang tính tôn giáo, là hai hiện tượng rất miền Nam.”
Cũng quan tâm ít nhiều tới lịch sử các thế kỷ trước, nhưng giáo sư Hồ Huệ Tâm tập trung nghiên cứu vào lịch sử Việt Nam thế kỷ 19, 20. Bà nói, về sử học, văn học, xã hội học thì có bao nhiêu cách nhìn khác nhau, mà không thể nói cái nào hoàn toàn đúng…
Ngay cả về hai phong trào nông dân Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài, vì những lý do khách quan lịch sử lúc đó, bà đành chỉ nghiên cứu từ xa, không đi thực địa như một giáo sư người Pháp, nên hai cách nhìn có thể có những kiến giải khác nhau.
Hiện nay bà quan tâm nhiều tới mối liên quan giữa tiểu sử và lịch sử, nhất là lịch sử xã hội. “Ngày xưa, người ta cho rằng lịch sử là của triều đình, vua đi vô đi ra như thế nào, làm lễ như thế nào, rồi chiến tranh, thương thuyết ra sao.
Tóm lại toàn là chuyện của vua chúa, các nhà quý tộc, sĩ phu, chứ còn đời sống ở người Việt Nam bình thường ít ai để ý tới. Điều này nhiều nước cũng gặp chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nhưng từ vài thập niên trở lại đây, các học giả bắt đầu để tâm nghiên cứu xem đời sống của người dân bình thường ở Anh Quốc, ở Pháp, ở Trung Quốc hay Việt Nam là như thế nào. Người ta cảm nghĩ gì? Đời sống gia đình như thế nào? Họ ăn mặc như thế nào? Làm việc ra sao?…
Có thể nói là lịch sử xã hội nằm ở đâu đó giữa lịch sử của một cá nhân nào đó với cái lịch sử ở trên, của chính phủ, triều đình, quan lại. Có lẽ vì tôi xa nước lâu rồi, nên tôi muốn biết là đời sống của người Việt Nam như thế nào. Song chính là vì tôi làm sử gia, nên tôi càng muốn tìm hiểu đời sống của người Việt Nam bình thường ở các thế kỷ trước.”
Năm 1993 lần đầu tiên giáo sư Hồ Huệ Tâm trở lại Việt Nam. Rồi từ 1995, giáo sư cố gắng năm nào cũng về nước, vừa để thăm quê, vừa để tiếp xúc với môi trường nghiên cứu khoa học trong nước, gặp gỡ với tư cách cá nhân một số nhà khoa học lịch sử của Việt Nam để có những nghiên cứu chuyên sâu, thực chứng hơn.
Nhà nghiên cứu Trần Thị Phương Hoa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam kể: “Cô Tâm là người rất có uy tín và thâm niên công tác. Khi tôi đến Harvard gặp cô, học cô về sử và sau đó một thời gian dài có những trao đổi khoa học với cô, như về giáo dục thì hỏi ý kiến cô về chuyên gia, nên đọc sách gì để cô giới thiệu học giả, tài liệu…”.
Ngày 3 và 4 tháng 6 vừa qua, với tư cách “đặc phái viên” của nhà tài trợ là Viện Harvard Yenching, bà đã tham gia hội thảo quốc tế ”Phụ nữ châu Á và giáo dục – Quan điểm Á-Âu và những nhìn nhận khác” do Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức; sau đó thuyết trình về “Phương pháp viết lịch sử xã hội” cho sinh viên Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
Theo Hà Hương (Đại đoàn kết).
Bài gốc ở đây: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Style=1&ChiTiet=32683