Quốc nạn chuộng hư danh bằng cấp mà tiêu biểu là nạn “tiến sĩ giấy” một lần nữa khiến dư luận bất bình. Trong khi đó, các cơ quan chức năng đang đau đầu với bài toán chỗ học đàng hoàng cho trẻ mầm non. Đó là những thông tin giáo dục đáng chú ý trong tuần đầu tiên của tháng 3.
Phát ngôn “bằng giả chỉ có thể chui vào cơ quan nhà nước” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khiến dân tình được phen hỉ hả vì chạm tới được điều bức xúc lâu nay.
GS Hoàng Tụy phân tích, Bệnh háo danh trong cơ quan nhà nước nặng nề nên nhiều nơi, nhiều lúc bị hố nặng như nhầm lẫn “academy” ở đâu cũng là viện hàn lâm thứ thiệt, trong khi có nơi chỉ để nuôi chó, hay đóng tiền là thành viện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS. Nguyễn Văn Dững – Chủ nhiệm Khoa Báo chí (Học viện Báo chí Tuyên truyền) phân tích rõ hơn: Trong giáo dục đại học đang xuất hiện một vấn nạn là mất động lực học tập. Ở bậc học ĐH thì nghĩ, học kiểu gì cũng ra trường được; học thạc sĩ thì chỉ thích lấy bằng vì phải lo toan nhiều việc cho cuộc sống gia đình.
Trò học không thật lòng thì thầy dạy cũng cạn dần nhiệt huyết, đánh giá không nghiêm, nghiêm cũng thế thôi, thậm chí bị coi là… “gàn” hoặc “gây khó”. Vậy là người dạy mất dần động lực dạy, mất dần động lực lao động khám phá, sáng tạo khoa học. Còn đam mê nghiên cứu, giảng dạy theo đúng chức trách thì lại yếu trong các mối quan hệ, không biết chạy chọt, hiếm khi được giao đề tài khoa học cấp… nhà nước, thậm chí cấp bộ.
Xã hội ta hình như chỉ quan tâm đến quan lộ, chức tước, mà quan lộ chức tước là phải có “dây”, phải có người “kéo”, kéo đúng quy trình. Cái quan trọng của con người trong xã hội là niềm tin và động lực làm việc phải được giải quyết thì bẳng giả, bằng rởm mới mất đất sống.
Bày tỏ quan điểm với VietNamNet, TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED) nhìn nhận để chống lại chuyện trường giả, bằng giả, bằng thật học giả hiệu quả, không cần đến những lệnh cấm, trong khi dân lại được nhờ, được thực sự làm chủ thì chỉ có cách là áp dụng cơ chế thị trường trong quản lý với toàn bộ hệ thống Nhà nước, trong đó có quản lý giáo dục (ở đây chẳng liên quan gì đến chuyện thương mại hoá giáo dục). Cơ chế thị trường có các yếu tố là cạnh tranh, tạo ra nhiều lựa chọn, đặt khách hàng là người dân với những quyết định lựa chọn của họ làm trọng tài.
Cái nhìn có tính hệ thống của TS Trung nhận được nhiều tán đồng nhưng có bình luận cho rằng “bất khả thi” trong bối cảnh hiện nay.
Trong khi đó, GS Trần Hữu Dũng (ĐH, người điều hành một trang mạng quen thuộc của nhiều trí thức thì bình luận dí dỏm: “Theo tôi, một cách để giảm (dù chưa thể triệt tiêu) nạn tiến sĩ dỏm là đừng bao giờ (nhất là trên báo chí) gọi ai là .. tiến sĩ cả, chỉ trừ trong môi trường đại học, hoặc các viện nghiên cứu. Gọi “ông”, “bà” là đủ rồi”.
Khó giải thể 5.590 cơ sở mầm non không phép
Công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy trên 50 tỉnh thành có hơn 16.000 nhóm lớp trẻ mầm non tư thục đang hoạt động với số trẻ dưới 36 tháng tuổi chiếm tới 31% so với tổng số trẻ đến trường. trong số đó, có tới 5.590 cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, chưa được cấp phép đem đến nguy cơ mất an toàn với trẻ nhỏ.
Từ cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, nhiều cuộc họp bản thảo chuyện khắc phục chuyện đào tạo mầm non kém chất lượng đã được mở trong Nam, ngoài Bắc.
Tại một cuộc họp ngày 6/3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đặt vấn đề có nên xem xét giảm dần tiến tới xóa hết các nhóm lớp này.
Phó Chủ tịch thường trực UBND Thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) Nguyễn Thị Vân Hà nói rằng nhu cầu của phụ huynh, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp ngày càng lớn nên không thể đóng cửa.
Học sinh chết trong giờ học bơi, nước nghèo sửa sách giáo khoa nhiều là lãng phí
Một sự kiện đáng chú ý trong tuần là việc cho phép 62 ngành được tuyển sinhđào tạo đại học trở lại, ngay trước thời điểm học sinh chuẩn bị nộp hồ sơ đại học năm nay (các em sẽ nộp hồ sơ từ ngày 17/3). Quyết định cấp phép sau một tháng cấm (cho dừng 207) ngành học khiến báo Người lao động đặt vấn đề về cách làm việc nặng “tính báo cáo” của cơ quan quản lý. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam, ông Bùi Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) khẳng định không có chuyện “xin – cho” ở đây.
Đến ngày Thứ Sáu, một sự kiện không mong muốn đã xảy ra: Trong buổi học bơi đầu tiên do nhà trường phối hợp với đơn vị huấn luyện thể thao bên ngoài tổ chức, một học sinh lớp 6 tại TrườngPTTH Tây Thạnh (P. Tây Thạnh Q. Tân Phú TP.HCM) đã chết do ngạt nước.
Trong khi đó, vào ngày cuối tuần Thứ Bảy, Quốc hội, Bộ GD-ĐT và các nhà giáo dục đã nhóm họp tại hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Theo dự thảo, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được lần lượt triển khai bắt đầu ở lớp 1, 6 và lớp 10 từ năm học 2016-2017. Đến năm học 2021-2022, các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề chuyện viết lại sách quan trọng đến mức nào, và không nên lãng phí cho câu chuyện này.