Khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, khởi nghiệp là một ý tưởng không tồi dành cho các bạn trẻ. Thay vì đi làm thuê cho ai đó, tại sao bạn không thử lập công ty và làm ông chủ của chính mình.
Vấn đề là làm thế nào để kinh doanh trong thời kì kinh tế khó khăn hiện nay? Peter Day – phóng viên kỳ cựu của BBC, đã tiếp xúc với rất nhiều doanh nhân trẻ trong những năm qua. Từ kinh nghiệm họ chia sẻ, ông đã đưa ra một số lời khuyên sau đây.
1. Lúc khó khăn là thời điểm tuyệt vời để khởi nghiệp
Không chỉ trong thời kỳ suy thoái, khởi nghiệp bất cứ vào thời điểm nào cũng cần khéo léo. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân cho biết vì ý tưởng mình nghĩ ra quá độc đáo, họ quyết định phớt lờ mọi việc và cứ làm. Ưu điểm của khởi nghiệp lúc này là mọi thứ sẽ tốt lên khi nền kinh tế phục hồi. Bạn cũng sẽ rút ra được những bài học quý giá trong thời kì khó khăn và có thể áp dụng trong những tình huống dễ thở hơn.
Steve Barnes, người sáng lập dịch vụ chuyển phát đồ ăn nhanh Appetise.com cho biết: “Thật sự thì tôi không biết kinh tế bùng nổ là như thế nào và mình có thể trông cậy điều gì vào đó. Tôi chỉ cho rằng khởi nghiệp ở quy mô nhỏ sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì cả. Có rất nhiều cơ hội trong thời kì suy thoái”.
2. Tập trung vào những ý tưởng thiết thực với bản thân
David Langer và Andy Young đã cùng sáng lập Group Space khi còn đi học. Ảnh: YHP Online |
Nhiều người bắt đầu việc kinh doanh bằng cách sử dụng kiến thức phân tích thị trường được học. Việc này rất bài bản nhưng quá xa vời.
Tại sao bạn không kinh doanh dựa trên nhu cầu của chính bản thân, những thứ mà chưa ai thử sức? Bạn biết thị trường đang thiếu gì và chính mình sẽ lấp lỗ trống đó.
Hãy hình thành ý tưởng kinh doanh ngay khi đang là sinh viên. David Langer đã đồng sáng lập Group Spaces khi còn đang theo học Đại học Oxford. Ban đầu, đây chỉ là dịch vụ cho các câu lạc bộ trong trường, nhằm giúp quản lý thành viên và hoạt động hàng ngày. Đến nay, Group Spaces đã có 2 triệu khách hàng trên toàn cầu, hỗ trợ các nhà quản lý câu lạc bộ tại hơn 100 quốc gia.
Vì vậy, hãy suy nghĩ thật đơn giản và tìm câu trả lời cho nhu cầu ngay trước mắt bạn. Khi đã có nhu cầu, có ý tưởng, bạn sẽ phải giải quyết vấn đề thực hành, nhưng chúng cũng đã dễ dàng hơn rất nhiều so với trước kia.
3. Bạn đã có đủ các công cụ cần thiết
Phần lớn gia đình và các bạn sinh viên đã được trang bị đầy đủ các công cụ cần thiết mà một công ty cần để việc kinh doanh. Máy tính ngày nay rẻ đến mức rất nhiều học sinh và sinh viên có thể sở hữu một chiếc cấu hình không tưởng so với cách đây vài năm. Một chiếc laptop có thể giúp bạn chỉnh sửa ảnh, video, thiết kế phần mềm và quản lý từng chi tiết của việc kinh doanh.
Bên cạnh đó, Internet sẽ cho phép bạn tham dự các buổi hội thảo trực tuyến miễn phí hay tiếp cận với người tiêu dùng trên toàn cầu.
Cuối cùng, bạn chỉ cần nghĩ ra một chiến dịch marketing khôn khéo để thu hút khách hàng. Ngày nay, các bạn trẻ thường rất sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm. Trong khi đó, nhiều công ty lớn lại phải chi một khoản khổng lồ thuê chuyên gia làm việc này.
4. Tiền mặt là vua
Từ trước đến nay, khởi nghiệp luôn cần đến tiền – tiền tiết kiệm, vay người thân, kêu gọi nhà đầu tư, vay ngân hàng. Nhưng ngày nay, tìm vốn không còn là vấn đề nan giải như trước nữa. Một số doanh nhân trẻ còn dùng cả thẻ tín dụng – một nguồn vốn tương đối rủi ro.
Warren Bennett năm nay 30 tuổi và là nhà đồng sáng lập thương hiệu A Suit That Fits. Công ty đã hoạt động 6 năm và bán được khoảng 150.000 bộ vest mỗi năm. Hãng hoạt động chỉ nhờ thẻ tín dụng và các khoản trả trước của khách hàng, không phải đi vay nhà băng.
Không phụ thuộc nguồn vốn từ bên ngoài cũng giúp những người sáng lập toàn quyền quản lý doanh nghiệp họ thành lập.
Dù vậy, không phải lúc nào dòng tiền dương cũng là tốt. Một nhà khởi nghiệp từng cho biết tại Thung lũng Sillicon, có lợi nhuận tức là bạn chưa tăng trưởng đủ nhanh. Vì thế, bạn cũng nên cân nhắc huy động tiền của nhà đầu tư bên ngoài để đáp ứng tối đa nhu cầu kinh doanh.
5. Biết cách quảng bá bản thân
Cho dù bạn đang nói chuyện với một nhà đầu tư tiềm năng, một cố vấn hay khách hàng, đó đều là cơ hội để kể về giấc mơ của mình. Các doanh nhân trẻ thường biết cách kể câu chuyện về bản thân, việc kinh doanh và những thách thức họ gặp phải để biến giấc mơ thành hiện thực.
Arnold Sebutinde năm nay 27 tuổi và đang điều hành Spontaneous Portraits. Câu chuyện của anh đã giúp doanh nhân trẻ này có được khoản tài trợ và cố vấn từ Quỹ từ thiện Prince’s Trust (Anh).
Arnold từng phải ở tù hai năm rưỡi vì vướng vào một rắc rối. Trong thời gian đó, anh vẽ và bán tranh chân dung cho các bạn tù và người thân với giá 4 USD một bức. Sau khi được thả, Arnold tiếp tục công việc vẽ tranh và đăng video lên Internet để quảng cáo. “Tôi ký hợp đồng vẽ tranh cho đội tuyển bóng chày Anh và đăng đoạn video vẽ bằng hai tay lên mạng. Tôi muốn mọi người bàn tán về mình với khả năng đặc biệt”, anh nói.
Đây là bước rất quan trọng để bắt đầu kinh doanh. Nhưng nó thường bị quên lãng khi công ty đã đủ lớn mạnh.
6. Cuối cùng, đừng quá chú trọng vào những bài học trên đây
Hãy cứ làm những gì mình muốn.
Theo Phan Hoa/VnExpress.net
Bài gốc có thể xem tại đây.