Trong Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam tại Boston lần thứ 8 (VSFB8), tổ chức ngày Ngày 16/03/2014, tại Boston, giáo sư Hồ-Tài Huệ Tâm, giáo sư danh hiệu Kenneth T. Young về lịch sử Việt Nam và Trung Quốc tại Đại học Harvard đã chia sẻ với cộng đồng sinh viên và thanh niên Việt Nam những vấn đề liên quan giữa lịch sử và phát triển của Việt Nam.
GS Hồ Tài Huệ Tâm giảng dạy tại ĐH Harvard từ năm 1980
Giáo sư Huệ Tâm nhấn mạnh phận sự của người nghiên cứu về lịch sử. Theo đó, người làm sử không nhìn nhận lịch sử với tư cách công dân của quốc gia nào hay theo một thái độ chính trị nào. Họ cũng không hướng tới đánh giá cá nhân, dân tộc, hay cộng đồng nào. Mà quan trọng hơn hết, người làm sử phải nghiên cứu quá khứ để hiểu biết quá khứ theo một cách khách quan nhất. Nói cách khác, lịch sử không nên thiên vị một ai.
Bàn về dân tộc tính trong lịch sử, Giáo sư Huệ Tâm đặt câu hỏi dân tộc tính được hình thành tại Việt Nam từ khi nào? Liệu có phải từ thời Hùng Vương? Giáo sư Huệ Tâm cho rằng dân tộc tính hình thành cùng với sự phổ biến của chữ viết và sách báo trong đại đa số dân chúng, tạo điều kiện cho việc phổ biến những giá trị chung trong cộng đồng trên toàn lãnh thổ (Print capital). Trong khi đó chữ viết và sách báo chỉ mới trở nên phổ biến từ đầu thế kỷ XX.
Thêm vào đó, khi nói đến dân tộc tính, cần đặt câu hỏi dân tộc tính cụ thể của vùng lãnh thổ nào, dân tộc nào, cũng như tính đến sự đa dạng của các nền văn hoá khác nhau. Chẳng hạn, dân tộc tính của dân tộc Kinh, hay cả các dân tộc thiểu số khác, có tính đến ảnh hưởng của văn hoá Chăm-pa, văn hoá Trung Quốc, văn hoá Nhật Bản hay không.
Giáo sư Huệ Tâm cũng đề cập vấn đề huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hoá thần thoại. Giáo sư cho rằng, đây là những việc hết sức nên tránh khi làm sử. Thông thường, sách giáo khoa thường được viết với mục đích nuôi dưỡng tinh thần công dân. Tuy nhiên, lịch sử nên được nhìn nhận một cách khách quan nhất, nên chấp nhận lịch sử được viết theo nhiều cách tiếp cận khác nhau và tạo cơ hội cho tranh luận.
Thanh Thủy