Nguyễn Hoàng Khánh (sinh năm 1990) vừa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) có thể sử dụng tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Nga và Trung.
Trong đó tiếng Anh bạn tốt nghiệp cử nhân loại khá; tiếng Ý, Tây Ban Nha, Pháp chuẩn bị thi chứng chỉ C theo chuẩn châu Âu. Còn tiếng Trung, Đức, Nga, Bồ Đào Nha chàng tân cử nhân có thể đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, giao tiếp và xem phim không phụ đề.
Mỗi ngày học…7 thứ tiếng
“Trước khi vào ĐH, mình cứ nghĩ đến khi nào mới giỏi tiếng Anh được đây? Nhưng học rồi mới thấy nếu học đúng cách, số lượng (ngôn ngữ) không là vấn đề…”
NGUYỄN HOÀNG KHÁNH |
Chiều 19-3, chúng tôi hẹn gặp Khánh ở quán nước gần trung tâm ngoại ngữ – nơi bạn giảng dạy tiếng Anh gần sáu tháng sau khi tốt nghiệp đại học. Giản dị với áo sơmi xanh nhạt, nở nụ cười hiền lành, “anh giáo” trẻ say sưa kể về “con đường ngoại ngữ” của mình. “Đến khi vào đại học, mình chỉ biết tiếng Anh – Khánh mở đầu câu chuyện – còn tiếng Pháp chỉ biết sơ sơ vài từ do ông ngoại nói”.
Khánh cho biết tiếp xúc với tiếng Anh từ năm lớp 6 khi học Trường THCS Chu Văn An, Q.11, TP.HCM. Những ngày đó, ở nhà buồn nên Khánh ôm cuốn từ điển ra đọc. “Đọc đến đâu học cách phát âm, từ vựng đến đó. Ngữ pháp thì đọc gần như thuộc cả cuốn sách”- Khánh nhớ lại. Tốt nghiệp THPT, Khánh thi vào Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhưng học được một năm, thấy thích học ngoại ngữ hơn nên bạn thi lại vào ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Vào học, thấy trường mở các lớp tiếng Ý, Tây Ban Nha miễn phí nên bạn đăng ký học thêm.
Sau đó Khánh đăng ký học tiếp tiếng Pháp vì… thích ca sĩ Celine Dion. Khánh học với mong muốn hiểu ý nghĩa những bài hát mà ca sĩ này hát. “Trước khi quyết định học một ngôn ngữ, mình nghiên cứu thật kỹ quy tắc văn phạm, phát âm, cách đặt câu… của ngôn ngữ đó. Nắm vững nền tảng cơ bản, chuẩn bị bài sẵn ở nhà nên đến lớp mình dành thời gian để giao tiếp, trò chuyện với giảng viên và hỏi những vấn đề không thể hỏi…Google” – Khánh nói về phương pháp học. Nhờ phương pháp này, Khánh cho biết học “rất nhẹ nhàng” nên đăng ký học thêm ba ngoại ngữ khác ở trung tâm.
Thế là buổi sáng Khánh làm sinh viên khoa tiếng Anh, chiều đến lớp tiếng Ý, Tây Ban Nha do trường mở. Tối thứ 2-4-6, ca 1 (từ 17g30-19g) bạn học tiếng Pháp; ca 2 (19g30 – 21g) học tiếng Nhật; tối thứ 3-5-7 ca 1 học tiếng Đức, ca 2 học tiếng Trung. Học bảy ngôn ngữ trong một ngày, Khánh bảo: “Có khi máy tính của tôi mở 5-6 trang web là 5-6 trang báo, tài liệu của 5-6 thứ tiếng”.
“Xoay” như thế trong hai năm, Khánh thành thạo tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha (còn tiếng Nhật bỏ cuộc). Ngoài ra, để có điều kiện tiếp xúc với người bản ngữ, Khánh đăng ký dạy tiếng Việt cho người Tây Ban Nha. Thời gian rảnh Khánh đến nhà giảng viên, bạn bè người Tây Ban Nha, Ý, Pháp ở TP.HCM để trò chuyện, trao đổi bài vở.
Đoạt giải thi viết tiếng Ý
Năm 2010, cuộc thi viết nhân “Tuần lễ tiếng Ý thế giới” được nước Ý phát động trên toàn thế giới. Đề thi là một tiểu thuyết chưa có đoạn kết. Người tham gia phải viết đoạn kết cho tiểu thuyết này. Bằng vốn tiếng Ý của mình, Khánh dự thi và đoạt giải “Một trong mười người viết tiếng Ý hay nhất thế giới”. Với giải thưởng này, Khánh được Đại sứ quán Ý tại VN trao tặng 30 cuốn sách văn học Ý qua nhiều thời kỳ.
“Mình thích học các ngôn ngữ của châu Âu. Để phục vụ sở thích này, mình nghiên cứu thêm về tiếng Latin, ngôn ngữ Hi Lạp cổ. Đây là nguồn gốc của nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Nắm rõ tiếng Latin sẽ giúp việc học các ngôn ngữ theo mẫu tự Latin dễ dàng hơn” – Khánh chia sẻ. Học nhiều ngôn ngữ như vậy có bị nhầm lẫn không? “Thú thật nhiều lúc cũng có – Khánh bộc bạch – chẳng hạn như khi dạy tiếng Anh lại xuất hiện ngôn ngữ khác trong đầu. Nhưng mình nghĩ khi tìm hiểu sâu, các ngôn ngữ đều có những điểm tương đồng và khác biệt. Nắm được những điểm này sẽ không nhầm lẫm được”.
Biết nhiều ngoại ngữ, Khánh cho rằng thú vị nhất là có thể tìm hiểu một vấn đề từ nhiều nguồn tài liệu, góc nhìn khác nhau. “Có những vấn đề không tìm được bằng tiếng Anh có thể được lý giải bằng ngôn ngữ khác. Cũng thật thú vị khi theo dõi các hội thảo quốc tế trên mạng. Ngoài ra, biết nhiều ngoại ngữ cũng giúp ích cho việc đi du lịch, giao tiếp với những nơi tiếng Anh chưa phổ biến…” – Khánh nói về “động lực” của bạn trong việc học ngoại ngữ.
Về dự định sắp tới, Khánh cho biết sẽ tìm một suất học bổng thạc sĩ tại Tây Ban Nha để tìm hiểu sâu về ngôn ngữ của đất nước này. Sau đó, Khánh sẽ dành dụm tiền mở một trường dạy tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nga… cho những bạn trẻ đam mê ngoại ngữ.
Theo Hà Bình/ Báo Tuổi Trẻ
Phương pháp học đơn giản“Đó là nghe mỗi ngày, không hiểu cũng nghe. Nghe radio, nghe nhạc. Nghe vài tháng thấy quen sẽ đỡ ngán. Học từ vựng thì từ nào cho ví dụ về từ đó luôn sẽ dễ nhớ. Chẳng hạn như từ “sách” cho ví dụ “trong nhà mình có nhiều sách”. Học phát âm, mình thường tự… ngồi đọc trước gương. Đọc tài liệu, sách báo xong tự mình tóm tắt nội dung. Tóm tắt xong lại đóng vai người phản biện, không đồng tình với ý kiến đó. Cứ nói qua nói lại, lật vấn đề lên sẽ nhớ được lâu và ngôn ngữ mình học sẽ ngấm vào người dần dần” – Khánh chia sẻ. |