Bài viết đưới đấy của tác giả Đặng Hoàng Giang, giảng viên bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam tại Đại học Phan Chu Trinh, Quảng Nam. Qua bức thư, Hoàng Giang muốn muốn chia sẻ những điều sâu sắc về trách nhiệm của mỗi thế hệ đối với gia đình, đất nước và mối quan hệ giữa các thế hệ trong dòng chảy liên tục của cuộc sống.
Con yêu! Bố chưa biết ngày nào con sẽ chào đời vì cho đến thời điểm này, mẹ của con hãy còn chưa hiện diện trong cuộc đời của bố. Tuy chưa gặp nhau, nhưng bố hiểu rằng, tất cả chúng ta đều rất háo hức ngày hội ngộ. Bố ước ao quá chừng ngày đó để bố mẹ cùng ôm con vào lòng, cùng chiêm ngưỡng, âu yếm, vuốt ve hình hài muôn vàn dễ thương, bé nhỏ. Nhưng không vì sự thôi thúc của tình cảm mà bố trở nên vội vàng. Thậm chí, lúc này đây, bố mong thời điểm ấy đến chậm một chút. Đơn giản vì, bố cần thêm thời gian để chuẩn bị cho con một nền tảng tốt đẹp hơn.
Cái nền tảng mà bố vừa nhắc đến là tất thảy các giá trị thuộc về bố, gắn liền với bố, do bố được thừa hưởng và tự mình tạo ra. Dù gồm chứa những gì đi nữa, chúng sẽ quan hệ rất mật thiết với con. Vì sao vậy? Vì con cái là tinh hoa của bố mẹ, nên bố mẹ thế nào thì con cái của họ cũng trở nên thế ấy, con ạ. Ngoại trừ một bộ phận ngoại lệ, toàn bộ giá trị của bố mẹ đều được tiếp nhận, phản ánh, nối tiếp trong cuộc đời của thế hệ sau. Chúng trước hết là các giá trị vật chất hữu hình. Dĩ nhiên, vật chất vô cùng quý giá vì để làm ra vật chất, bố mẹ phải đánh đổi rất nhiều thứ trong cuộc đời, kể cả máu, nhân phẩm, nước mắt, mồ hôi. Trong xứ An Nam ta, vật chất càng quý giá bội phận vì ở nơi đây, chuyện mưu sinh chưa bao giờ trở nên dễ chịu. Ngàn xưa đã vậy mà bây giờ cũng thế. Nhưng trong các giá trị mà bố mẹ mang lại, phần có ý nghĩa nhất lại là các giá trị vô hình: toàn bộ đời sống tinh thần, toàn bộ những gì làm nên cách sống, lối sống của họ. Đời sống tinh thần không chỉ là ngọn nguồn của các giá trị vật chất, mà cũng là cái còn lại sau cùng khi các giá trị vật chất đã mất đi. Sau 10, 20, hay 30 năm, chiếc xe hay căn nhà mà bố mẹ để lại cho con sẽ tàn hoại theo thời gian. Nhưng nguồn “gen” di truyền, lối sống, đạo đức hay cách giáo dục của bố mẹ sẽ còn chi phối lâu dài, sâu sắc cuộc đời của con cái họ, kể cả khi họ đã về cõi hư vô. Đến đây, hẳn con cũng đồng tình với bố về một lẽ phải rằng, sự chuẩn bị quan trọng nhất của bố mẹ dành cho con cái không hẳn là các giá trị vật chất mà là nỗ lực không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng tồn tại, chất lượng làm Người của họ.
Con yêu! Mặc dù lẽ phải ấy rất rõ ràng và dễ hiểu, nhưng đa phần các bậc phụ huynh đáng kính của chúng ta không ai thực sự nhận ra hoặc nếu có, thì cũng rất hời hợt. Một mặt, họ dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho con các điều kiện vật chất nên đã sao nhãng việc trang bị các giá trị tinh thần. Thậm chí, trong một bộ phận ngày càng đông đảo hiện nay, miễn rằng đạt được các giá trị vật chất, người ta sẵn sàng bất chấp tất cả. Mặt khác, tuy họ và thế hệ của họ chưa nghiêm chỉnh thực hiện các trách nhiệm cá nhân và xã hội nhưng luôn mong chờ một sự toàn hảo ở thế hệ mai sau. Bố đã đủ trải nghiệm để nhận ra rằng: trong số những bậc phụ huynh thường xuyên kì vọng con cái hoàn thiện hơn mình, nhiều người hoàn toàn có thể sống tốt hơn, tử tế hơn, hữu ích hơn so với những gì họ đã làm trong thực tế. Nhưng con biết không, nhân danh “người lớn”, họ tự cho mình quyền được buông thả, quyền được thể tất cho những nhược điểm của mình, quyền chỉ phải hoàn thành một nghĩa vụ duy nhất là đảm bảo đời sống vật chất cho con cái. Con thấy không, cái nghịch lý của vấn đề nằm ở chỗ: dù luôn được kì vọng phải trở nên hoàn thiện nhưng con cái đã không được thừa hưởng một nền tảng giá trị đúng nghĩa từ những người đi trước.
Con yêu! Chính nghịch lý này đã tạo ra một gánh nặng trách nhiệm, một áp lực trong việc đảm bảo sự phát triển tiếp nối, một thách đố thực sự đối với thế hệ sau. Chừng nào thế hệ sau còn chưa được kế thừa một nền tảng giá trị đúng nghĩa, chừng đó, họ vẫn còn có thể đối diện với những vấn đề của thế hệ trước. Chừng nào, những nhược điểm cố hữu của thế hệ trước còn chưa được khắc phục, chúng sẽ còn cơ hội tái sinh trong thế hệ sau. Ở đây, khó khăn của thế hệ sau không chỉ là lớn lên trong nỗi ám ảnh về một chuỗi trách nhiệm chưa được giải quyết mà thế hệ trước để lại cho họ; mà còn là, họ không được thụ hưởng những nội lực tiềm tàng, những gợi ý khả thi để khắc phục những vấn đề mà họ sắp sửa đối diện. Rốt cục, họ tiếp tục luẩn quẩn trong vô số cái bẫy đã được “trời xanh” giăng ra. Vì vậy, di sản mà thế hệ trước để lại không còn là bệ phóng, là nền tảng đi tới cho tương lai; ngược lại, đã vô tình thu hẹp đường tới tương lai của thế hệ sau khi họ có trong tay quá ít vốn liếng và lựa chọn.
Con yêu! Khi viết thư này cho con, bố hoàn toàn không có ý mỉa mai, phê bình những người trong cuộc. Trái lại, bố còn muốn con khắc ghi thêm điều này: tất cả các ông bố bà mẹ trên đất nước mình đều xứng đáng nhận được một sự kính trọng và thông cảm đặc biệt từ phía con cái. Không giống như những bậc phụ huynh ở nhiều dân tộc khác, họ có những bất hạnh và nỗi khổ của riêng mình. Nhắc lại “những điều trông thấy”, bố chỉ muốn mình và thế hệ mình phải gắng tìm lấy một lối đi riêng. Bố không muốn một ngày nào đó, khi nhìn lại cuộc đời đã qua, mình sẽ rơi vào cảm giác bẽ bàng, day dứt chỉ vì toàn bộ nền tảng truyền lại cho con quá ư nghèo nàn, đơn điệu. Vậy nên, trước khi nghĩ đến ngày hội ngộ của chúng ta, bố phải có trách nhiệm hoàn thành những nghĩa vụ hiển nhiên của tuổi trẻ. Những gì bố đang làm không chỉ nhằm đáp lại sự kì vọng của tổ tiên, ông bà; mà còn để thực hiện một trách nhiệm xã hội khác: gián tiếp vun đắp nền tảng cho con – một người công dân sẽ trưởng thành trong tương lai. Mai này, bố muốn con được thừa hưởng một thế giới tri thức đầy ắp, thiết thực, vẫy gọi; một thế giới tinh thần mới mẻ, đa dạng và rộng mở được đan dệt nên bởi những trải nghiệm sống cùng nhiều kĩ năng khác mà bố có thể mang lại; một cách ứng xử lấy sự chân thành, thẳng thắn, từ tốn, vị tha làm chuẩn mực và một thái độ sống lành mạnh, tử tế, đàng hoàng. Bố tin chắc rằng, sau khi đã nghe những lời tâm sự vừa rồi, con và mẹ sẽ hết sức ủng hộ và đồng cảm với lựa chọn của bố.
Hẹn gặp con và mẹ yêu quý của con trong một ngày vui. Lúc ấy, sẽ có rất nhiều điều thú vị chờ đón con và mẹ. Bố hứa!
Đặng Hoàng Giang