Tác giả Hoài Chung
Bài trên Facebook của tác giả xem tại đây
“Thường học trò có tham vọng lớn, bị áp lực bởi bố mẹ cũng nuôi cùng tham vọng, sẽ xem việc trúng tuyển vào một trường Top là mục đích cao cả của cuộc sống, thay vì giáo dục theo đúng bản chất hay thành công trên đường đời sau này.
Học trò sẽ mất nhiều năm để chuẩn bị cho việc trở thành ứng cử viên sáng giá cho đại học, cân đo mỗi hoạt động và nổ lực xem có hấp dẫn trong mắt nhà tuyển sinh không.
Phụ huynh có thể làm cho tình trạng này càng nghiêm trọng hơn với việc nhắc đi nhắc lại việc trúng tuyển có ý nghĩa đối với họ như thế nào, và việc trúng tuyển làm trọn vẹn đến mức nào giấc mơ của cuộc đời ai đó, thường không phải là chính học trò đó…
Tầm quan trọng của việc trúng tuyển được thổi phồng lên khi cậu bé hàng xóm vừa được nhận vào Stanford và cô bé con đối thủ trong văn phòng vừa được nhận vào Yale.”
Đây là triệu chứng Yale, một thuật ngữ được Donald Asher tự chế trong quyển sách “Trường đại học sành điệu cho đối tượng cực thông minh, tự chỉn chu, phát triển chậm, đơn giản là khác biệt”
***
Sau một mùa tuyển sinh khá thành công đối với học sinh Việt Nam, khi mà các trường Ái Vy (Ivies) và Tiểu Vy (Little Ivies) đều nhận ít nhất một em, thì phụ huynh và học sinh đang hết sức hoang mang. Câu hỏi thường xuyên được nêu lên và ít khi được trả lời thỏa đáng: tôi và con tôi phải làm sao?
Một phụ huynh nói nửa thật nửa đùa: con gái chị mới cấp 2, nếu nó là em ruột của thầy Chung thì thầy sẽ làm gì để sau này em nó đi du học được vào trường Top?
Rồi vô số những câu hỏi về định hướng khác cho các em bé cấp 2: con thích lập trình nhưng ham chơi games, con thích hát nhưng hát hay bị phô, con thích chơi trò lắp ghép, nhưng không thích đọc Harry Potter.
Con lớn thêm tí nữa thì vô số nỗi âu lo: Cho con học trường nào ở Việt Nam, chuyên-hay-không- chuyên, du học Singapore hay Mỹ? Cho con tham gia hoạt động gì đặc biệt, nhạc họa điêu khắc hay đàn bầu đàn tranh, hay đi bốc thuốc Bắc?
***
Theo quan điểm cá nhân mình, mọi sự định hướng đều vô nghĩa:
1. Nếu không có sự đồng thuận từ 2 phía: bố mẹ vs. con. Nếu con thích chơi, thì phải tìm một hệ số thích hợp mà cả 2 bên đều cảm thấy hứng thú trong việc “hợp tác”. Ví dụ: hệ số 4 nghĩa là nếu con học 4 tiếng thì con sẽ được chơi 1 tiếng. Nếu vi phạm luật chơi, con sẽ mất quyền chơi. Thực ra hệ số này rất giống hành xử tâm lý của người lớn: tôi làm thêm 400 tiếng, tôi sẽ được tận hưởng 100 tiếng- có thể đổi thành giá trị vật chất: 1 con iPhone 5S.
2. Nếu không tạo cho con cảm giác sở hữu tài năng của mình. Em trai mình thích chơi bóng rổ, mình cho nó thoải mái lên mạng xem video của Kobe Bryant và học theo từng bước nhảy và đưa bóng. Ngày xưa, bản thân mình có đồng nào tiết kiệm là mua sách Tiếng Anh về chất đống để mỗi ngày học 1 điều hay. Nếu tài năng đó được dàn dựng chỉ để trở nên lôi cuốn trong mắt nhà tuyển sinh, thì sẽ không có một nghệ sĩ âm nhạc thực thụ như Kwasi Enin, cậu bé 17 tuổi vừa được nhận vào 8 Ivies. Và có lẽ, cũng không có một cô bé Huyền Chíp đáng ngưỡng mộ như thế.
***
Giáo dục là gì? Là sự cân bằng giữa việc định hướng của người lớn và xu hướng phát triển tự nhiên của trẻ thơ.
Và sự cân bằng này sẽ tiếp tục chông chênh nếu các nhà tư vấn giáo dục đánh vào điểm yếu của triệu chứng Yale. Và hậu quả xấu nhất biết đâu là nguyên một thế hệ 2000x sẽ bị tẩy chay bởi tất cả các trường Top vì thế hệ 9x chỉ được trang bị một câu chuyện phi thường mà thiếu nặng nề kỹ năng sống thực (như thế hệ 8x-có chút tự hào nhẹ).
***
Xin kết thúc bằng 1 câu chuyện có thật làm tôi hết sức xúc động: một cô bé tay chân run rẩy rồi mắt ướt long lanh khi nhận được học bổng 40% (2 tỷ đồng) để học ở một trường Đại Học làng quê Tiểu Vy, với thư riêng từ giám đốc tuyển sinh: J.K Rowling nhí, hãy tiếp tục nuôi dưỡng đam mê viết tiểu thuyết của mình nhé. Nhưng ngay lập tức cô bé bị đơ người hụt hẫng vì gia đình bắt đi học trường Top đóng 100% và phải học ngành Tài Chính.
Cô bé van xin tôi giúp cô bé thực hiện ước mơ. Và tôi đã chính thức lên tiếng!
Theo Hoai Chung TP
Bài gốc có thể xem tại đây.