
Tác giả: Đào Thu Hằng:
Nguồn: Đọt Chuối Non
Chào các bạn,
Trong khóa học mình tham gia về năng lượng và phát triển bền vững, giáo sư ở đó đã giới thiệu một mô hình ví dụ về hệ thống giao thông thông minh bền vững và tiết kiệm năng lượng ở một thành phố nhỏ ở Châu Âu. Mô hình này kết hợp các hệ thống thông tin như các ứng dụng trên smartphone và xe ô tô điện (electric car) được tích hợp trong mạng lưới điện thông minh (smartgrid system) sử dụng năng lượng mặt trời.
Sau đó đề bài cho làm việc nhóm như sau: Làm thế nào để phát triển những mô hình như thế này tại đất nước của bạn, các nước nghèo và đang phát triển? Giáo sư nói mình hướng dẫn các bạn trong nhóm thảo luận. Trong nhóm có các bạn đến từ Châu Phi, Ấn Độ, Châu Âu và Châu Á.
Dừng lại một chút trước khi đọc tiếp, bạn có thể thử tự list ra cho mình xem ta cần những gì để giới thiệu và phát triển hệ thống như vậy ở thành phố mình ở.
Trong khi brainstorming, các bạn đưa ra rất nhiều yếu tố cần thiết: cần tiền, cần công nghệ, cần nguồn lực, cần quản lý ..v.v.
Sau đó mình hỏi tiếp-kinh nghiệm của các bạn đều thấy là rất nhiều dự án kiểu này bị thất bại ở các nước nghèo và đang phát triển, vậy chúng ta cần thêm gì?
Có bạn nói thêm là vì tham nhũng, rồi chúng ta cần am hiểu thêm bối cạnh địa phương (local context) để áp dụng linh hoạt. Tất cả điều này đều đúng. Mình tóm tắt ra giấy. Sau đó bọn mình dừng lại ở đó, chưa có thêm ý kiến gì và cảm thấy chưa thỏa mãn.
Giáo sư đi qua từng nhóm để góp ý vì mỗi nhóm có một câu hỏi thảo luận khác nhau. Ở nhóm mình, giáo sư nghe tóm tắt lại rồi chỉ hỏi một câu: “Vậy người dân ở khu vực địa phương các bạn thực sự cần dịch vụ năng lượng gì (energy services)?”. Mình suy nghĩ một lát và sau đó có cảm giác ah há.
Những mô hình và khái niệm bền vững rất khác nhau ở các hoàn cảnh kinh tế và văn hóa khác nhau. Khi chúng ta hiểu được thực sự nhu cầu thiết yếu của người dân là gì (ví dụ về năng lượng họ cần điện để có đèn chiếu sáng đã là đủ chứ chưa cần đến mức là chạy cái tủ lạnh hay lò sưởi) để dựa vào đó phát triển mô hình phù hợp chứ không bê nguyên xi mô hình của các nước áp dụng cho ta. Trong bài viết của mình trước đây có nói đến mức độ tiêu thụ năng lượng của các nước giàu lớn hơn rất nhiều của các nước đang phát triển và gấp hàng chục đến hàng trăm lần của Châu Phi.
Khi present cho nhóm, có đoạn mình đã nói thế này: “Trường hợp các nước và vùng quốc gia nghèo như ở Ấn Độ, Châu Phi: Tại sao chúng ta lại muốn đưa cho họ những smartphone trong khi trẻ em thậm chí không có điện thắp sáng để học, tại sao chúng ta lại muốn phát triển hệ thống mạng lưới điện thông minh, những ô tô chạy điện trong khi trong nhà họ không có cả toilet?” (Why would we give them smartphones while children do not even have light to study? Why would we develop a smartgrid system when they do not even have a toilet inside their house?)
Sau khóa học, trong buổi cuối cùng, mình đã chia sẻ với các bạn và các giáo sư. Mình tóm tắt thế này: “Tôi cảm thấy điểm yếu của chúng ta cũng như của rất nhiều chuyên gia và nhóm quốc tế khác là chúng đang giống như thầy bói xem voi. Các bạn ngồi đây trong đó có cả tôi, chúng ta đang sống trong một thế giới cực kỳ đầy đủ tiện nghi (too much comfort). Trong khi chúng ta loay hoay đi tìm giải pháp cho người nghèo, tôi nghi ngờ về sự can đảm của chúng ta, của những nước giàu và đang phát triển có thể từ bỏ hay giảm bớt những tiện khi này. Tôi đến từ một nước đang phát triển nhưng mình không phải trải qua cuộc sống quá kham khổ của những người nghèo thực sự. Tôi thấy thực sự xấu hổ với chính mình khi ngồi với các bạn ở đây bàn về điều đó vì mình chưa thực sự hiểu và biết làm sao để giúp đất nước mình, để giúp người nghèo và làm thế giới này tốt hơn.”
Một ví dụ khá điển hình về vấn đề này-đó là khi xây dựng các khu đập thủy điện khổng lồ, người dân tộc thiểu số không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp thế giới bị cưỡng bức di dời khỏi nơi cư trú, tái định cư. Ta xây nhà mới bằng gạch và xi măng cho họ và mong muốn họ được cải thiện đời sống và con người. Ta tưởng rằng-như thế là mang lại văn minh hơn cho họ. Nhưng chưa chắc. Cái họ cần và chúng ta cần là giúp họ có cuộc sống đỡ cơ cực hơn, đồng thời khôi phục gìn giữ nguồn và giá trị văn hóa cổ xưa chứ không bị dần mất đi theo cái mà chúng ta gọi là văn minh đối với chúng ta.
Nhìn rộng hơn một chút, đây cũng là vấn đề về mô hình phát triển của các nước nghèo và đang phát triển. Ví dụ về vấn đề năng lượng và phát triển kinh tế: Rất nhiều con số, dự báo, dự đoán và thống kê có về nhu cầu phát triển kinh tế của các nước nghèo và đang phát triển (những con số này khó có thể chính xác 100% vì vẫn là dự báo). Có nhiều lập luận ví dụ để đáp ứng được những nhu cầu về năng lượng cho sự phát triển kinh tế, chúng ta phải tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch và phát triển điện hạt nhân. Đây cũng là một yếu tố gây sức ép cho năng lượng tái tạo khi mà tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay.
Vậy, nhìn lại, chúng ta thực sự có cần mức độ phát triển kinh tế nhiều đến thế không hay là một xã hội thực sự công bằng, hòa bình và con người được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất?!
Bây giờ mình quay lại thế giới vi mô của chính bản thân mình và các bạn.
Nếu bạn nào đã xem bộ phim Leap year thì có thể nhớ câu chuyện 60 giây: Nếu nhà bạn bị cháy thì bạn sẽ chọn cầm theo thứ gì trong nhà khi chỉ có 60 giây?
“If your house were on fire, what would you take if you have only 60 seconds to grab anything you want?”
Cô gái trong bộ phim, sống trong một ngôi biệt thự thật to và người bạn trai sắp cưới rất giàu có, đã tạo ra chuông báo cháy giả. Khi mọi người đã chạy ra ngoài hết, một mình cô đứng trong phòng và nhận ra “When my 60 seconds came around I realized that I had everything I ever wanted… but nothing I really needed”. Và điều cô gái nhận ra cho mình cần đó là một true simple love. Có lẽ bạn nào đang yêu hay đang yêu thầm ai thì xem xong bộ phim có thể sẽ chạy ngay đến với người đó chăng?
Vậy cho bản thân mình, có lẽ trước khi mong muốn điều gì, chúng ta nên có những khoảnh khắc “60 giây” để nhìn lại ta thực sự cần gì.
Ta mong muốn bằng cấp cao hay cần có kiến thức để giúp ích cho xã hội?
Ta mong muốn quyền lực hay cần trở lãnh đạo có đạo đức và tài năng để phục vụ đất nước?
Ta mong muốn giàu có tiền bạc hay cần kinh doanh làm giàu thật tốt để thúc đẩy nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho nhiều người?
Ta mong muốn nhiều điều tốt đẹp cho tương lai hay cần tập trung làm tốt những việc ở hiện tại?
Ta cầu mong không bị đau khổ hay cần nhìn thấy khó khăn của mình chỉ mình là con kiến so với nỗi thống khố các thánh nhân?
Ta mong muốn chống lại chiến tranh hay là cần có tâm hòa bình trước?
Ta cầu mong có người yêu, có thêm bạn để khỏi cô đơn hay cần làm bạn với chính bản thân mình trước?
Ta cầu mong có nhà to, xe đẹp hay cần có một gia đình hạnh phúc ấm cúng?
…
Chúc các bạn có nhiều ước mơ và thực hiện được những thứ mình cần.
Thân,
Thu Hằng
(en.gravatar.com/hangbelu)