Jakarta Post – tờ báo lớn nhất của Indonesia đã đăng tải bài viết của Đại sứ VN tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy phản bác luận điệu của Liu Hongyang, hiện đang là Thường vụ viên của Đại sứ quán TQ tại Indonesia về Biển Đông.
VietNamNet giới thiệu nguyên văn bài viết của Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy:
Trong bài viết “Vietnam’s dangerous acts” – Những hành động nguy hiểm của VN(!), Liu Hongyang đề cập rằng, Tây Sa (cách TQ gọi quần đảo Hoàng Sa của VN) là “lãnh thổ cố hữu của TQ”(!). Rằng cộng đồng quốc tế đã công nhận điều này kể từ Thế chiến II, trong khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng công khai công nhận quần đảo này và các đảo khác là lãnh thổ của TQ trong công thư ngày 14/9/1958.
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy
Tôi cảm thấy phải cung cấp các luận điểm sau đây để khẳng định lại sự thật.
Đầu tiên, VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Rõ ràng từ các hồ sơ lịch sử chính thức, VN đã thực thi chủ quyền của mình một cách hòa bình và liên tục với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ít nhất từ thế kỷ 17, khi những vùng lãnh thổ này được coi là terra nullius (lãnh thổ vô chủ).
Ví dụ điển hình là các hoàng đế VN đã củng cố chủ quyền của mình với các vùng lãnh thổ này bằng cách xây dựng một ngôi chùa vào năm 1835 và đặt tượng đài đá trên quần đảo Hoàng Sa thời vua Minh Mạng.
Về phía TQ, rõ ràng là không có ý định tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trái lại, nhiều bản đồ mô tả lãnh thổ TQ thời nhà Thanh mô tả đảo Hải Nam là cực nam của lãnh thổ TQ. Một trong những bản đồ như vậy gần đây đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong chuyến thăm Đức của ông Tập vào tháng 3/ 2014.
Khi Pháp thiết lập sự bảo hộ với VN năm 1884, Pháp đã tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên danh nghĩa của VN.
Hơn nữa, chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được công nhận bởi hội nghị Hòa bình San Francisco diễn ra tháng 9/1951, với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề lãnh thổ sau Thế chiến II.
Tại hội nghị này, trưởng đoàn VN, ông Trần Văn Hữu, khi đó là Thủ tướng dưới chế độ của vua Bảo Đại, đã khẳng định chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước sự chứng kiến của 50 đoàn đại biểu khác tham dự mà không gặp phải sự phản đối nào.
Đáng chú ý là tại hội nghị San Francisco tương tự, đề xuất sửa đổi Hiệp ước Hòa bình San Francisco nhằm công nhận chủ quyền của TQ với hai quần đảo này đã bị 46/51 phái đoàn tham dự bác bỏ.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội nghị Geneva 1954 về khôi phục hòa bình ở Đông Dương – có cả đoàn TQ – đã công nhận và tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Tham dự hội nghị, Pháp tuân thủ hiệp ước San Francisco và rút quân khỏi VN năm 1956. Sau khi Pháp rút quân, Việt Nam Cộng hòa tiếp tục quản lý các quần đảo này, thực thi nhiều hành động khác nhau và đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền với hai quần đảo.
Không thể phủ nhận thực tế là vào năm 1974, TQ đã dùng vũ lực chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa. Hành động này đã vi phạm chuẩn mực mệnh lệnh (jus cogens) của luật pháp quốc tế vốn nghiêm cấm sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế quy định tại điều 2(4) của Hiến chương LHQ.
Xuất phát từ sự vi phạm đó, nên sự chiếm đóng của TQ với quần đảo Hoàng Sa hiện tại là bất hợp pháp.
Bản thân TQ đã thừa nhận nguyên tắc này trong bản ghi nhớ ngày 12/5/1988 của Bộ Ngoại giao TQ trong đó khẳng định rằng, xâm lược sẽ không bao giờ dẫn tới việc thiết lập chủ quyền. Từ khía cạnh pháp lý và lịch sử, tuyên bố chủ quyền của TQ với quần đảo Hoàng Sa là vô căn cứ. Do đó, khẳng định của ông Liu rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về TQ là lập luận sai lầm.
Thứ hai, ông Liu đã cố tình trích dẫn sai công thư 14/9/1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong công thư, Thủ tướng không đề cập một từ nào về lãnh thổ của TQ, kể cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông chỉ ghi nhận và ủng hộ tuyên bố chủ quyền của TQ về vũng lãnh hải 12 hải lý. Thêm vào đó, sự thực ông không đề cập tới hai quần đảo này là phù hợp với bối cảnh lịch sử: Những quần đảo này đặt dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa từ 1956 như đã nói ở trên.
TQ là một bên tham gia hội nghị Geneva chắc chắn nhận thức được thực tế rằng, phạm vi địa lý hành chính của Việt Nam được chia tại đường vĩ tuyến 17, nêu trong thỏa thuận Geneva 1954 về Việt Nam.
Hơn nữa, tuyên bố của TQ rằng, không có tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa là trái ngược với những gì mà các nhà lãnh đạo TQ đã công nhận. Ví dụ, vào tháng 9/1975, Phó thủ tướng TQ bấy giờ là ông Đặng Tiểu Bình đã nói với Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn rằng, những khác biệt của hai bên (Việt Nam và TQ) về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán. Tuyên bố này được ghi nhận trong biên bản ghi nhớ của bộ Ngoại giao TQ ngày 12/5/1988.
Tuy vậy, có một điểm mà ông Liu nói đúng. Ông nói: “Chúng ta không nên chỉ nghe một mặt của câu chuyện”. Tôi xem đây là lời mời để tôi cung cấp cho độc giả mặt khác của câu chuyện.
Thái An dịch / Việt Nam Net
Bài gốc có thể xem tại đây.