Trong báo cáo về bất bình đẳng tại Việt Nam do Ngân hàng thế giới (WB) công bố mới đây, các chuyên gia của WB cho biết, ngày càng có nhiều người Việt tỏ ra lo ngại về sự bất bình đẳng trong xã hội.
Báo cáo đánh giá, những năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, tuy nhiên, sự bất bình đẳng trong thu nhập chỉ gia tăng vừa phải. Thông qua việc đo lường mức độ “chia sẻ thịnh vượng” bằng tỉ lệ tăng trưởng thu nhập bình quân của nhóm 40% dân số nghèo nhất, WB nhận thấy trong thời gian 10 năm, từ 1993 – 2012: Thu nhập bình quân của nhóm 40% dân số nghèo nhất đã tăng trưởng 9% hằng năm. Đây là một trong những tỉ lệ tăng cao nhất trên thế giới.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng không có quá nhiều người giàu. Theo dữ liệu mà WB lấy từ công ty tư vấn Knight Frank, năm 2013, Việt Nam có 110 người siêu giàu (có tài sản trên 30 triệu USD trở lên), nghĩa là bình quân gần 1 triệu người Việt Nam mới có 1 người siêu giàu. Vào năm 2003, con số này chỉ là 34 người. Dù nhóm người siêu giàu đã tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm, con số 110 người so với các quốc gia có mức thu nhập tương tự là hoàn toàn bình thường.
Việt Nam không có quá nhiều người siêu giàu như một số quốc gia khác
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới, tăng trưởng kinh tế dẫn tới sự chênh lệch giàu nghèo rất mạnh mẽ. Người ta có thể thấy điều này rất rõ ràng tại quốc gia láng giềng Trung Quốc.
“Việt Nam đang thành công trong chiến lược “tăng trưởng vì mọi người”, ông Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế của WB tại Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, sự quan ngại chung và nhu cầu về chính sách đối với bất bình đẳng đang tăng lên khi ngày càng có nhiều người chuyển đến thành phố và các khu vực thể hiện rõ ràng sự khác biệt trong phúc lợi xã hội.
WB và Viện Khoa học Lao Động và Xã hội đã tiến hành cuộc khảo sát về nhận thức về bất bình đẳng trong năm 2013. Điều đáng ngạc nhiên dù sự bất bình đẳng tại Việt Nam chưa sâu sắc như các quốc gia khác, đại đa số đối tượng khảo sát đều cho biết họ lo lắng về sự chênh lệch giàu nghèo.
Không chỉ vậy, chênh lệch giữa người giàu và người nghèo gây lo lắng nhiều hơn khi đa số đối tượng khảo sát cho rằng chênh lệch được tạo ra từ hành vi “không chính đáng”.
Tỉ lệ phần trăm lo lắng về bất bình đẳng mức sống ở Việt Nam
Theo chuyên gia của WB, những người sống ở khu vực thành thị lo lắng nhiều hơn cả bởi họ trực tiếp nhìn thấy sự chênh lệch. Họ tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn qua báo đài, tiếp xúc thường xuyên với những người có thu nhập cao hơn, vì vậy họ nhận thấy rõ ràng hơn vấn đề chênh lệch thu nhập tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, những quan ngại về bất bình đẳng phần nào phản ánh sự khác biệt đáng kể về điều kiện kinh tế theo nhóm dân tộc và vùng miền: “Sự bất bình đẳng cũng làm hạn chế rất nhiều cơ hội của người nghèo. Trẻ em dân tộc thiểu số có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn và ít có cơ hội hơn so với trẻ em trong các gia đình khá giả. Chỉ 13% trẻ em người H’mông và người Dao học được tới cấp phổ thông trung học, trong khi tỉ lệ này là 65% ở người Kinh và người Hoa”, ông Demombynes cho biết.
Theo Tri Thức Trẻ