Tỷ phú Hoàng Kiều từng trải qua tuổi thơ nghèo khó vì mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với người chú tại Sài Gòn, rồi tay trắng ra nước ngoài kiếm sống khi đã có vợ và năm con.
Giới doanh nhân và truyền thông Việt Nam hầu như đều biết đến tên tuổi bà Trần Thị Hường, chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu, người đã đưa thành công cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới về Việt Nam năm 2010.
Thế nhưng, ít ai biết, năm trước đó, một tỷ phú gốc Việt cũng ấp ủ ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu Thế giới đến Nha Trang với số tiền dự kiến chi lên đến 500 triệu USD, nhưng cuối cùng không thắng được đơn vị đăng cai khác là Trung Quốc. Vị tỷ phú đó chính là Hoàng Kiều, doanh nhân gốc Việt, hiện đang sống tại Los Angeles của Mỹ, nhưng sở hữu công ty chuyên về huyết tương có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Ông Hoàng Kiều sinh tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, trong một gia đình có truyền thống Nho giáo. Ông nội của tỷ phú này vốn là một vị quan của triều đình Huế, làm đến chức Tuần phủ. Trong số nhiều người thân của ông Hoàng Kiều, có một nhà giáo ưu tú, một nhạc sĩ, một thi sĩ và một đại kiện tướng cờ vua…
Tỷ phú Hoàng Kiều sớm mồ côi cha khi mới 3 tuổi, rồi 2 năm sau mẹ ông cũng mất. Gia đình nghèo khó, 3 anh chị em mồ côi từ nhỏ, tuổi thơ của ông trôi qua trong thiếu thốn, chỉ có chiếc quần đùi để mặc. 5 tuổi, ông được gửi vào Sài Gòn sống cùng người chú là cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, được dạy nhạc từ rất sớm với môn violon. Tuy nhiên, Hoàng Kiều nhanh chóng nhận ra âm nhạc không phải là niềm đam mê cả đời của mình.
Ông lập gia đình khá sớm, khi 32 tuổi, Hoàng Kiều đã có 5 người con. Năm 1975, ông đặt chân đến Mỹ với hai bàn tay trắng và gánh nặng gia đình, lối thoát duy nhất của ông là lăn xả kiếm tiền. Giỏi tiếng Anh và cũng nhờ mối quan hệ trước ở Sài Gòn, ông “chen” được vào phòng thí nghiệm của hãng Abbott trong lĩnh vực điều trị bệnh viêm gan. 5 năm sau, từ một nhân viên, ông đã bước lên vị trí giám đốc của bộ phận thử nghiệm và sản xuất sản phẩm làm từ huyết tương.
Trong giai đoạn 1976-1979, ông được công ty cử đi học ngành quản trị ở Đại học Santa Barbara. Năm 1980, Abbott quyết định bán một phần cơ sở thí nghiệm, một người bạn khuyên ông mua lại để có thể tự đứng ra điều hành việc kinh doanh. Khi ấy, thu nhập của doanh nhân Hoàng Kiều chỉ là 30.000 USD/năm, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình 7 người, trong đó 5 đứa con đang tuổi ăn học.
Để có vốn cho thương vụ này, ông đã mua lại 6 lít huyết tương chứa kháng thể viêm gan siêu vi B của một công ty với 600 USD, sau đó bán với giá cao gấp 10 lần trên thị trường. RAAS được thành lập nhờ vào số tiền lãi đầu tay này.
Thời kỳ đầu, RAAS chỉ tập trung thu gom huyết thanh chuyên dụng cung cấp cho ngành công nghiệp phân tách mà chưa ra sản phẩm cuối cùng. Một thời gian sau, RAAS mở rộng phòng thí nghiệm và “bao” luôn dịch vụ thử nghiệm cho các cơ sở sản xuất huyết tương lớn của Mỹ, như Cutters, Baxter, trung tâm điều trị Alpha…
Trong vòng 14 năm sau đó, từ 1980 đến 1994, RAAS đã xây dựng được hàng loạt trung tâm tách hồng huyết cầu ra khỏi dịch tương ở khắp vùng phía Tây của Hoa Kỳ. Thời kỳ này, Hoàng Kiều làm việc bất kể ngày đêm, và thường có mặt từ 5h sáng đến 12h đêm tại văn phòng.
Những năm cuối tập kỷ 80, nguồn nguyên liệu huyết tương trở nên khan hiếm ở Mỹ, ông nghĩ ngay đến việc chuyển công ty đến Trung Quốc, nơi mà thị trường rộng lớn hơn nhiều với số dân ngót nghét một tỷ người. Công ty của ông đặt tại Thượng Hải lấy tên Shanghai RAAS, thành lập năm 1988.
Năm 2014, Shanghai RAAS thực hiện IPO, và Hoàng Kiều ngay lập tức có tên trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, nhờ nắm trong tay 183,6 triệu cổ phiếu, tương đương 37% vốn. Khi đó, tài sản của ông ước tính vào khoảng 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.078 trong danh sách của Forbes và là người giàu thứ 360 của Mỹ.
Nhờ kinh doanh hiệu quả, công ty của ông Hoàng Kiều thu được lợi nhuận lớn, đưa giá cổ phiếu tăng mạnh và giúp ông nhanh chóng thăng bậc trên bảng xếp hạng của Forbes. Hiện ông có tài sản khoảng 2,8 tỷ USD, là người giàu thứ 633 của thế giới và đứng thứ 222 tại Mỹ. Ông từng 3 lần được nhận danh hiệu doanh nhân tiêu biểu của Mỹ, là “công dân danh dự” của Trung Quốc.
Theo Đời sống và pháp luật