Mình viết vài dòng về kinh nghiệm thi GRE của mình, thực ra các bạn đi trước cũng nói trên diễn đàn nhiều rồi, mình chỉ là một trường hợp cụ thể thôi.
1. Đăng ký: Đăng ký càng sớm càng tốt, đặc biệt là dạng Paper-based test, hiện tại có cả Computer-based test ở trong miền Nam rồi. Làm như vậy bởi có rất nhiều thứ phát sinh như: Confirmation ticket đến chậm, sai sót tên, sai sót các trường được miễn phí nộp điểm.., và nếu đăng ký sớm thì cũng tạo thêm động lực và lên kế hoạch ôn tập, tránh trường hợp ôn gấp gáp. Các bạn đăng ký online mà chưa có Card thì nên làm càng sớm càng tốt, mình đăng ký năm 2008 thì thẻ Visa Debit Card của Eximbank và ACB thanh toán tốt lệ phí GRE.
2. Học từ: Thực ra các tài liệu thì có rất nhiều, bộ list mà các bạn liệt kê ở US guide mình thấy rất đầy đủ rồi. Chỉ có điều từ kinh nghiệm của mình, mình đã bỏ rất nhiều thời gian để sưu tập, rồi cố ngồi lựa chọn hay xem các bạn khác nói gì về mỗi list mà học đã học so với đề thi thật. Đúc rút lại, các bạn không nên mất quá nhiều thời gian để chọn 1 list ‘perfect’, nên chọn các list mà các bạn thi trước đã học. Nên nhớ, mục tiêu cuối cùng là nhớ được càng nhiều từ càng tốt khi thi, nếu list ngắn quá thì học nhàn nhưng ít từ, nếu list dài quá thì học lâu, thậm chí học xong lại quên phần đầu. Hãy bắt đầu bằng list từ ngắn trước, rồi qua các bài luyện GRE và các list dài hơn để củng cố và bổ sung vốn từ vựng.
3. Học toán: Cũng như học từ vậy, có rất nhiều tài liệu, nhiều bình luận rằng cái này tốt, cái kia tưởng là hay mà khi thi mình chẳng thấy ‘giống’ thế nào v.v…Kinh nghiệm của mình là, hãy bắt đầu bằng quyển hướng dẫn của ETS, để bạn hình dung ra được vấn đề cần phải giải quyết trong kỳ thi thật (nhất là với các bạn mới bắt đầu học). Nếu bạn nào đã học kỹ thuật rồi thì thấy rằng Math của GRE lại là phần ‘ngon’ bởi chỉ liên quan chủ yếu tới các kiến thức phổ thông, thêm chút về xác suất. Chỉ lưu ý hết sức là không được chủ quan, không biết từ nào phải tra thật rõ, (ví dụ như các khái niệm dễ nhầm lẫn như: medium, average, median, mean, mode), một số khái niệm mới với học sinh Việt Nam như percentile, cũng nên nhớ các từ rất quen thuộc trong toán tiếng Anh như: tử số, mẫu số, bội số chung nhỏ nhất, ước số chung lớn nhất, các quy tắc đọc số mũ…). Thêm nữa, khi đã ‘tinh thông’ võ nghệ rồi, thì cần phải luyện thêm khả năng làm nhanh, rồi làm trong lúc bị áp lực.., khi các bạn ôn được một thời gian rồi thì tự nhiên sẽ đạt mà thôi, hãy khởi đầu thật cẩn thận và chi tiết. Phần toán mình xin lưu ý là: nó không cần các kiến thức cao siêu, các bộ óc thông minh tuyệt đỉnh, điều ETS muốn biết là khả năng phân tích tình huống và kỹ năng tính toán cơ bản của bạn trong môi trường phòng thi.
4. Viết luận: GRE có 2 bài viết luận, thang 6.0, các bạn nên tìm hiểu thật kỹ cách viết, cách chấm điểm của ETS (có trong cái hướng dẫn của ETS). Viết lách thực sự phải đầu tư thời gian và tốt nhất có ai đó comment hộ, hoặc học nhóm kiểm tra chéo cho nhau. Tùy từng mục tiêu mà dành thời gian cho ôn phần này, vì quỹ thời gian là có hạn, hơn nữa phần học từ vựng cũng đã chiếm chủ yếu thời gian của các bạn rồi. Khi apply vào Graduate School thì trường cũng không quá serious về phần Writing này, nhưng có một số trường yêu cầu không thấp hơn 3.0 hay 3.5 nên cố thì cố luôn, càng cao càng tốt .
5. Đôi điều chia sẻ: Mình là VEF nominee 2009, điểm GRE của mình không cao, nhưng mình đã rút ra được nhiều bài học trong quá trình ôn GRE. GRE, theo riêng mình, là một kỳ thi không quá khó như nhiều bạn tưởng, vẫn đề là đầu tư và xắp xếp thời gian như thế nào cho phù hợp. Phần lớn khi học từ mình bị Stress ghê gớm, học rồi lại quên, nhìn từ quen quen mà không tài nào nhớ ra được, rồi nhìn lịch thi thấy thời gian trôi nhanh thế, đấy chính là lý do mình khuyên các bạn nên chuẩn bị sớm.
Theo http://usguide.org.vn/
Xem bài gốc tại đây