Anh Ngọc Khiêm, một Assistant professor đang giảng dạy Computer Science ở Colorado, Hoa Kỳ đã giành thời gian quý báu của mình để viết email trả lời câu hỏi của một bạn thanh niên Việt Nam: “Em có nên bỏ 4 tỷ để du học Mỹ?”.
Anh Ngọc Khiêm khuyên các bạn trẻ có thể chọn con đường du học thông minh để có thể tiết kiệm chi phí, kiếm việc làm tốt sau khi ra trường. Đặc biệt, họ cần lưu ý chọn thời điểm để quy đổi “thời gian – tiền bạc” sao cho có lợi nhất.
Câu hỏi của Minh Hoàng: Em năm nay học lớp 11 ở trường phổ thông ở Việt Trì, Phú Thọ, gia đình em cũng tương đối có điều kiện, em học khá môn Tin học và Tiếng Anh. Cả nhà đã quyết định cho em du học, nhưng mọi người đang đắn đo giữa Mỹ, Úc, hay Singapore. Em vẫn thích đến Mỹ để học ngành computer science vì đây là mảnh đất hứa cho những người trẻ dám nghĩ, dám làm.
Em hỏi một số anh chị đi trước thì được biết chi phí cho 1 năm ở Mỹ khoảng 40-50.000 USD, tức là khoảng gần 1 tỷ đồng. Như vậy em học xong đại học sẽ mất khoảng 4 tỉ đồng. Em muốn nói với bố mẹ rằng coi như con vay bố mẹ để đi học, sau khi học xong con sẽ ở lại kiếm việc làm để trả lại bố mẹ.
Anh chi đi trước vui lòng tư vấn giùm em: Em có nên tới Mỹ học? Có cách nào xin miễn, giảm học phí để mức phí phải đóng thấp hơn? Khả năng xin việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp ngành Computer Science như thế nào?
Em cảm ơn anh chị rất nhiều.
Minh Hoàng
TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Phần trả lời của anh Ngọc Khiêm:
Chào Hoàng,
Anh đã sống, học và bây giờ đang làm việc tại một trường đại học ở Mỹ, một điểm chung anh nhận thấy về môi trường giáo dục ở đây là nó rất mở và công bằng. Điều này có thể ảnh hưởng cả tốt lẫn xấu đến việc học và sự nghiệp sau này của sinh viên du học.
- Có nên đi Mỹ học?
Nếu em là người có động lực, và quan trọng hơn là duy trì được động lực đó trong suốt thời gian học, thì em sẽ có thể tận dụng được lợi thế của nó. Vì một khi em đã chứng tỏ được năng lực của mình, thông qua kết quả học tập và ngoại khoá, thì sẽ có rất nhiều cơ hội đến với em. Ví dụ, em có thể chuyển từ một trường (ranking) trung bình lên một trường rất tốt nếu em có một bảng thành tích và điểm trung bình đứng trong top 1% trong khoá của em. Hoặc em sẽ có thể xin được một vị trí thực tập ở một công ty hàng đầu nếu em có được lời giới thiệu thật tốt từ vị giáo sư của một môn em đã học và gây ấn tượng hết sức tốt đẹp với ông ta. Anh có biết một bạn bắt đầu học ngành của anh (chuyên ngành Computer Science) từ một trường rất thấp rồi chuyển dần lên trường cao hơn trong quá trình học và cuối cùng lấy bằng Ph.D. ở trường đứng đầu trong ngành (MIT). Những cơ hội như thế này có rất nhiều tại Mỹ và những cơ hội như thế sẽ tự đến với em nếu như em đạt được kết quả xuất sắc trong quá trình học. Thế nào là xuất sắc và làm thể nào để đạt được nó thì có lẽ hơi nằm ngoài phạm vi câu hỏi của em và chắc sẽ phải nhiều thời gian để trả lời hơn là mấy câu thế này nên anh sẽ không đi sâu nhé.
Mặt không tốt của sự “mở” của môi trường giáo dục ở đây là nó tạo điều kiện cho sinh viên lười hoặc mất phương hướng. Để qua được một môn (điểm D hoặc D- , tuỳ theo trường) hoặc thậm chí để đạt điểm B, sinh viên không cần phải sử dụng nhiều thời gian vào việc học. Vì vậy, có nhiều bạn du học sinh dễ sa đà vào việc làm thêm để kiếm tiền (không phải thực tập hoặc công việc có liên quan đến ngành học của mình) và duy trì kết quả học ở mức trung bình khá. Điều này rất không tốt cả về mặt kinh tế trước mắt lẫn sự nghiệp lâu dài.
Anh hay làm phép tính như thế này với sinh viên Ph.D. anh hướng dẫn để chỉ cho các bạn ấy thấy cái thiệt của việc không tập trung: Nếu em tập trung vào học thì em có thể tốt nghiệp với kết quả học tập cao và trong thời gian ngắn. Nếu tốt nghiệp sớm được một năm (việc này không hề khó và rất nhiếu sinh viên có thể tốt nghiệp sau 3 năm), em sẽ đi làm sớm hơn được một năm. Lương khởi điểm trong ngành Computer Science của một sinh viên giỏi (không cần phải xuất sắc) ở vị trí software engineering (kỹ sư lập trình) là 85,000 đến 100,000 USD, tuỳ theo công ty và vị trí địa lý của công ty. Nghĩa là nếu em tốt nghiệp sớm được một năm thì em có thể “tiết kiệm” được ngần đấy tiền.
Điều quan trọng hơn nữa là xuất phát điếm sau khi ra trường như thế sẽ mang lại cho em rất nhiều cơ hội trong những năm sau đó. Ngược lại, nếu một người đi làm thêm trong quá trình học thì thường được trả công thấp vì những công việc mà người ta làm được thường là lao động giản đơn, không đòi hỏi có trình độ. Một chút thu nhập đó có thể phải đánh đổi bằng kết quả và bảng thành tích học tập trung bình/khá. Điều đó sẽ làm giảm khả năng xin được việc tốt sau khi ra trường và kéo dài thời gian học trong trường.
Như mọi người hay nói, thời gian là tiền. Có người chọn đổi thời gian thành tiền với tỷ giá thấp (khi họ trẻ và không có nhiều trình độ), trong khi có người đầu tư thời gian vào để tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm trước rồi đổi nó ra tiền khi tỷ giá cao hơn rất nhiều.
Rất tiếc là nhiều bạn trẻ du học chọn phương án thứ nhất.
Đó là hai mặt của môi trường giáo dục ở Mỹ đứng từ quan điểm cá nhân của anh. Anh tin là chỉ cần em ý thức được em muốn gì và tập trung vào khai thác những điểm mạnh của môi trường này thì Mỹ sẽ là nơi giúp em thành công.
Note: Những gì anh nêu ở đây chỉ là nhận định chung (đa số) và chủ quan của anh rút ra từ những gì anh đã trải qua và chứng kiến. Ở đâu cũng có ngoại lệ và những gì anh nói ở đây không áp dụng vào những ngoại lệ (thiểu số) đó. Ví dụ anh cũngcó gặp một vài bạn vừa đi làm thêm vừa đạt được kết quả rất tốt trong trường – tuy nhiên số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
2.Lộ trình
Anh nghĩ bài toán của em đặt ra là làm sao để tiết kiệm được tiền học mà vẫn có được một hồ sơ mạnh để em có thật nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Có rất nhiều trường cho học bổng để học đại học nhưng thường những học bổng này là bán phần hoặc có tính cạnh tranh rất cao. Em có thể vào những website như một bạn đã gợi ý để tìm hiểu thêm. Vì những trường này rất cạnh tranh nên em cần phải có hồ sơ mạnh, nghĩa là em đã phải chuẩn bị hồ sơ từ lâu rồi.
Nếu hồ sơ của em chưa đủ mạnh, anh nghĩ một lựa chọn nữa cho em là apply vào những trường có học phí thấp, không yêu cầu hồ sơ mạnh – những trường công lập thì học phí thường rẻ hơn so với trường tư – trường community college thì học phí lại càng thấp hơn nữa. Sau một hai năm học ở đó với thành tích thật xuất sắc, em có thể apply để transfer sang một trường thật tốt hơn. Phần lớn những môn em đã học sẽ được tính vào trường mới mà em không cần phải học lại (tiết kiệm tiền và thời gian) và em sẽ tốt nghiệp với bằng của trường tốt hơn.
Trong quá trình học, em nên tích cực tìm cơ hội đi thực tập vì nó vừa được tính vào điểm học của em, vừa tăng kinh nghiệm cho em và làm hồ sơ của em dày lên mà em lại kiếm được thêm thu nhập.
3. Khả năng xinh việc sau khi học ngành CS tại Mỹ:
Như anh đã nói ở trên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào em. Nếu em học tốt, các công ty sẽ đến trường em hoặc head hunter sẽ chủ động liên hệ với em để tuyển. Anh nghĩ là em có thể hoàn toàn làm chủ được câu trả lời cho câu hỏi này.
Hi vọng những thông tin trên giúp được em và những bạn trẻ khác có định hướng đi du học có được quyết định đúng đắn cho riêng mình. Chúc em thành công!
Ngọc Khiêm
(Ngọc Khiêm là bút danh của tác giả, hiện đang là Assitant Professor ngành Computer Science tại bang Colorado, Mỹ)
Cùng câu hỏi trên, ngoài câu trả lời của anh Ngọc Khiêm, chúng tôi xin giới thiệu phần trả lời của hai bạn khác, trân trọng cảm ơn các anh chị và các bạn đã bớt thời gian chia sẻ kiến thức cho cộng đồng:
Phần trả lời của Huy Hoàng: Tôi có một người bạn làm programmer cho Exxon Mobil gần 30 năm, sau đó quyết định về hưu sớm vì cảm thấy dư dả, sau một năm thấy chán lại đi apply xin job mới, đã hơn 10 tháng nay interview thì nhiều mà chả ai nhận vào làm.
Ngay cả các báo cáo về thị trường gần đây về ngành software cũng có nhiều nghi vấn.
Bản thân tôi cũng đã tham gia khá khá các career fair, thì tình trạng chung là các cty thậm chí không nhận intern là sv quốc tế vì họ cần người để đào tạo và phát triển sau này dùng.
Vì vậy, đừng nghĩ là học giỏi thì có thể được ở lại làm.
Con số 1 tỷ nghe thì có vẻ hơi ghê, nhưng thực ra nếu học ở Houston, tiền học phí rẻ nhất thì cũng 25k/năm, cộng tiền nhà 500×12=6000, cộng tiền ăn uống 300×12 = 3600 là đã tầm 35000, chưa kể tiền sách vở, xăng cộ, bảo hiểm xe, quần áo giày dép, giao lưu bạn bè, du lịch… ngốn cũng đã 800tr rồi. Mà đồng VND thì ngày càng trượt giá, tiền học phí lại tăng đều đều mỗi năm.
Học ở Mỹ thật sự không khó, cái cần là sự kiên trì và bền bỉ. Học để cho qua thì dễ, mà để lấy A thì khó vô cùng, mà sv quốc tế nhìn vào bảng điểm toàn B thì không có cửa đi xin việc.
Nghe thì hơi ảm đạm, nhưng thực tế nó vậy, tôi muốn cho bạn một góc nhìn khác để có thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Hiện tại tôi cũng đang theo ngành Computer Science ở University of Houston, nếu muốn trao đổi thêm thì email: huy.hoang711@gmail.com
Phần trả lời của Linh Dương Thị Thùy Mình nghĩ nếu bạn đã có định hướng, kế hoạch rõ ràng thì cứ thế là đi thôi. Còn nếu chưa thì nên lập bảng kế hoạch cho bản thân, so sánh được mất… rồi sau đó đưa ra quyết định. Đi hay không là quyết định của bản thân bạn và gia đình bạn chứ năm người mười ý. Về việc học bổng thì mình thấy đa số mọi người đều sử dụng google để tìm kiếm. Trên trang này các anh chị và các bạn đi trước đã chia sẻ rất nhiểu rồi (bạn nên tìm lại thông tin trên đó). Thêm vào đó Blog của bạn Huy Nhat Nguyen cũng chia sẻ khá nhiều kinh nghiệm bổ ích bạn có thể tham khảo.https://archabroad.wordpress.com/…/dnp-01-building…/
——————
Bạn đọc có câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm săn học bổng, du học Mỹ, học tập, xin việc làm tại Mỹ… xin vui lòng gửi về banbientap@sinhvienusa.org
Các bạn có câu trả lời cho câu hỏi cũng vui lòng gửi về địa chỉ banbientap@sinhvienusa.org, tiêu đề thư ghi rõ: Trả lời cho câu hỏi….
Xin trân trọng cảm ơn