Điều quan trọng không nằm ở việc thu nhập của bạn là bao nhiêu, mà là cuộc sống bạn có với số tiền kiếm được.
Suze Orman được mệnh danh là chuyên gia tài chính được tín nhiệm nhất nước Mỹ. Chương trình The Suze Orman Show phát trên Kênh CNBC của bà thuộc diện rất ăn khách, với những lời khuyên sử dụng tiền bạc hợp lý và bí quyết đầu tư hiệu quả.
Suze Orman là tác giả của nhiều tựa sách bán chạy nhất trong danh mục “Best seller” của tờ New York Times và được bình chọn là “1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất tới thế giới” năm 2008, 2009 trên tạp chí Time. Dưới đây là lời khuyên của bà dành cho những người trẻ hôm nay.
Tôi là một nhà tư vấn tài chính. Vì thế, tôi đã nói về chủ đề “tiền bạc” rất nhiều lần. Rất rất nhiều lần.
Tôi còn nhớ, nhiều năm trước đây, khi tôi mới bắt đầu xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia, bất chợt có một người phụ nữ nhận ra tôi trên đường phố và nói với tôi rằng: “Tôi thấy cô trên truyền hình rất nhiều lần. Cô là quý cô tiền bạc.” (Nguyên văn: “money lady”)
Tôi rất vui khi người khác nhận ra mình nhưng tôi chỉ là “người phụ nữ tiền bạc” khi tôi đã hiểu ra rằng tiền không phải lúc nào cũng là điều quan trọng nhất đối với cuộc sống của mỗi người.
Các bạn cũng đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi vẫn luôn luôn coi trọng sự cần thiết của tiền bạc. Một số tiền vừa đủ để chúng ta có thể sống một cuộc sống an toàn và khỏe mạnh là điều nên có.
Tuy vậy, có lẽ việc nhận ra khi nào số tiền mà bạn đang có là đủ để chúng giúp bạn thực sự vui vẻ và hạnh phúc, đồng thời tác động tích cực tới những người thân yêu của bạn mới là thử thách của mỗi người.
Tôi đã thực sự phung phí những năm 20 của mình cho công việc bồi bàn và chưa bao giờ kiếm được quá 400 đô la một tháng.
Nhưng ở tuổi 30, với tôi đó là một sự thay đổi lớn lao. Tôi đã may mắn khi xây dựng thành công một chương trình về lập kế hoạch tài chính và số tiền tôi kiếm được trong một tháng lúc đó thậm chí còn nhiều hơn số tiền tôi từng kiếm được trong một năm.
Nhưng đây cũng là lúc vấn đề thực sự bắt đầu: Khi bạn kiếm được càng nhiều tiền, bạn lại càng muốn thể hiện điều đó với mọi người xung quanh. Và điều này thật vô cùng khó để cưỡng lại.
Tôi đã lãng phí quá nhiều cho những xe hơi đắt tiền, những chiếc đồng hồ xa xỉ hay những bộ quần áo kiểu cách. Chỉ đơn giản là tôi muốn mọi người để ý hơn về tôi: Tôi đã lao động vất vả nên giờ xứng đáng được hưởng những gì tôi làm ra.
Và cuối cùng, tôi đã chìm trong nợ nần lúc nào không hay. Nếu như ngày đó tôi là khách mời của CNBC, có lẽ tôi sẽ phải tự đưa cho chính mình một lời khuyên về tài chính.
Tình hình tài chính của tôi trở nên vô cùng bi thảm, nhưng quan trọng hơn, tôi chẳng thể kiểm soát nổi tiền bạc của mình vì sự bừa bãi trong chi tiêu. Tôi đã sai lầm ngay từ đầu khi tất cả những thứ xa hoa kia chẳng thể tăng thêm chút giá trị nào cho bản thân tôi.
Nhưng cơn khủng hoảng chẳng ập đến sau một đêm mà diễn ra hàng ngày, một cách từ từ và bạn chỉ thực sự nhận ra cơn ác mộng khi có một sự thay đổi lớn. Điều cuối cùng tôi học được, cũng là cái đã giúp tôi đi tiếp trong hơn 30 năm sự nghiệp sau đó chính là một sự thật: Tiền bạc không quyết định chúng ta, mà chính chúng ta quyết định tiền bạc.
Ở tuổi 22, khi bạn bắt đầu trải nghiệm cuộc sống sau đại học, theo lẽ tự nhiên, bạn sẽ nghĩ về những gì bạn sẽ làm khi bạn bắt đầu kiếm ra tiền và những kế hoạch khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Tuy nhiên, điều này vô hình khiến cho tiền bạc trở nên có quá nhiều quyền lực đối với cuộc sống của chúng ta trong khi điều quan trọng không nằm ở việc thu nhập của bạn là bao nhiêu, mà là cuộc sống bạn có với số tiền kiếm được.
Tôi không nghĩ đó là một sự tình cờ khi tôi gặp tình yêu của đời mình ở tuổi 50. Tuổi 25 và tuổi 35 của tôi đã quá mải mê theo đuổi tiền bạc nên chẳng thể nhận ra điều gì là quan trọng với mình.
Đừng bao giờ quên rằng việc bạn sẽ trở thành người như thế nào còn quan trọng hơn nhiều so với những thứ mà bạn sở hữu. Vì thế, có lẽ chỉ nói một lần là không đủ: Tiền bạc không quyết định chúng ta mà chính chúng ta quyết định tiền bạc.
Theo http://www.doanhnhansaigon.vn/
Xem bài gốc tại đây