
Phạm Minh Huy là một du học sinh nhiệt tình trong các hoạt động vì cộng đồng, luôn có tinh thần hướng về đất nước. Bạn đã chọn theo học một ngành khá độc: Anthropology (Nhân chủng học). Huy bảo: Mình muốn học ngành này để góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam
Phạm Minh Huy: Đi đường vòng để giảm học phí tại Community collage
Minh Huy vừa tốt nghiệp tại Santa Rosa Junior College (Community College) tại California, bạn đang apply vào một số trường ĐH ở Cali để học tiếp 2 năm đại học.
Sinhvienusa.org đã có cuộc trao đổi với Minh Huy về ngành học khá độc và những dự định của bạn:

Huy chọn một ngành học rất độc, đó là Anthropology (nhân chủng học), tại sao Huy lại chọn ngành này mà không phải computer science, tài chính, quản trị kinh doanh, những ngành hot đối với du học sinh Việt?
Ở Mỹ hơn 6 năm, mình thấy nhiều người Mỹ hình dung về Việt Nam vẫn chỉ là rừng rậm, và chiến tranh, nhưng thực sự họ bỏ quên nhiều giá trị văn hoá quan trọng và sự thay đổi của Việt Nam trong nhiều năm qua. Mình muốn học để hiểu cách họ nghĩ và giúp họ hiểu, thay đổi cái nhìn về người Việt Nam. Một nhánh của Anthropology là Văn hoá học, khi tìm hiểu sâu về văn hoá sẽ thấy nhiều điều thú vị về tâm tư, lối suy nghĩ của 1 dân tộc.
Thực tế, học Anthropology giúp bản thân Huy giải thích được nhiều gút mắc khi là một người Việt Nam thuần tuý, sống tại một xã hội đa dạng về văn hoá dường như quen nhưng rất xa lạ này. Nó tập cho mình cái tính luôn nhận thấy được giá trị tốt đẹp của những cái lạ, khác, dị thường trước khi đánh giá hay chỉ trích.
Nhiều bạn trẻ hiểu nhầm “sự tây hoá” đồng nghĩa với “hiện đại hoá”, tưởng tây hoá là hiện đại nhưng chưa chắc. Mỗi loại hình văn hoá có đặc tính riêng, không nên vì thấy các nước phát triển vượt trội mà chạy theo văn hoá của họ, nhằm mục đích được “hiện đại” như họ. Cũng như thức ăn nhanh (ví dụ McDonald) là một loại văn hoá đặc trưng của Mỹ, nhưng nó chưa đáp ứng được yêu cầu về sức khoẻ, dinh dưỡng cho lối sống hiện đại vì thức ăn được chế biến, lưu trữ đông lạnh rất lâu, rất nhiều chất béo;nhiều bạn bè Mỹ của Huy từ chối ăn thức ăn nhanh. Mình thường được bạn bè khen là ăn rất “healthy”, nhưng thực ra mình chỉ ăn uống các món Việt Nam đơn thuần, có nhiều rau và ít đạm.

Theo Huy, theo học ngành này có thể ứng dụng trong lĩnh vực gì ở Việt Nam?
Ở Việt Nam, ngành này rất hữu ích, nhưng nhiều người chưa hiểu sâu về nó và nó chưa có cơ hội được đầu tư, tìm hiểu.
Mình có thể áp dụng nhân chủng học, văn hoá học vào nghiên cứu về văn hoá giao tiếp, tâm lý học, về văn hoá tiêu dùng để ứng dụng vào marketing; đặc biệt mình muốn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài bằng cách nghiên cứu sâu về cách nghĩ của người Việt Nam, để nhằm giải thích những giá trị về văn hoá và phong tục bản xứ đến người nước ngoài, và ngược lại.
Môn học này cũng có thể giúp tìm ra một giải pháp để thay đổi những văn hoá, đặc trưng lạc hậu của một số nhóm dân cư ở một số khu vực ở Việt Nam.
Cơ hội nghề nghiệp thì tuỳ vào sự đam mê, chịu khó tìm hiểu và mở rộng các mối quan hệ xã hội sẽ giúp mình có nhiều sự lựa chọn.
Ngay từ khi là sinh viên, mình đã tìm mọi cách, tranh thủ mọi dịp để giới thiệu với các bạn về văn hoá, lịch sử Việt Nam, để họ hiểu Việt Nam đang phát triển trong thời kì hội nhập toàn cầu hoá.
Trong tương lai, Huy mong muốn trở về Việt nam hay sẽ ở lại Mỹ làm việc?
Khi tốt nghiệp xong đại học, nếu có điều kiện mình sẽ học cao học, nếu không mình sẽ đi làm cho một tổ chức phi chính phủ nào đó, rồi sẽ tiếp tục học lên. Trong ngành này phải có trình độ chuyên môn cao thì mới có nhiều sự lựa chọn, mới có thể nâng cao thu nhập. Ở đâu cũng được, chủ yếu là mình phải vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày với công việc mình lựa chọn.
Sau khi đi làm có kinh nghiệm và tích luỹ vốn, Huy sẽ về Việt Nam làm việc hoặc làm ở những nơi có các dự án liên quan đến Việt Nam, Huy luôn tâm niệm phải cống hiến cho Việt Nam, hướng tới giá trị dân tộc mình.
Xin cảm ơn Huy về cuộc trao đổi này
Thanh Phong
Profile Phạm Minh Huy:
Học sinh chuyên Anh trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Vĩnh Long
Học bổng giao lưu văn hoá Thanh niên- Sinh Viên Đông Nam Á lần 2 tại Nhật Bản do chính phủ Nhật Bản tài trợ. (JENESYS Programme).
Chủ tịch Câu Lạc bộ Sinh viên Quốc tế tại trường Santa Rosa Junior College với nhiều hoạt động nổi bật như tổ chức Tuần lễ Giáo dục Quốc tế có sự tham gia các học giả, đại sứ Mỹ Lewis Lukens.
Đại sứ Sinh viên của trường Santa Rosa Junior College.
Tình nguyện viên của Hội chữ thập đỏ Mỹ, và AmeriCorp.
Email của Huy Phạm: ericpham221@live.com