17 tuổi, nhưng Nguyễn Trí Quang (Hà Nội) đã thực hiện việc quét 3D thành công và đưa lên trang web hàng trăm linh vật Việt.
Vì nhà làm nghề thủ công mỹ nghệ nên từ nhỏ Trí Quang đã được theo bố đi khắp di tích mọi miền để thu thập, sưu tầm mẫu hoa văn, cổ vật đẹp. Những giá trị di sản của cha ông để lại cứ theo những chuyến đi ấy ghi dấu vào tuổi thơ Quang.
Chính vì vậy khi Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch ban hành văn bản về việc “không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người VN”, cậu có ngay câu hỏi: “Sao mình không phổ biến những hình tượng linh vật Việt cho mọi người Việt cùng biết?”.
Bảo tàng linh vật Việt online
Ðến xem triển lãm “Hình tượng nghê và sư tử trong điêu khắc cổ VN” do Bảo tàng Mỹ thuật VN tổ chức tháng 11-2014, Quang kể: “Mình thấy những triển lãm thực tế như vậy sẽ bị giới hạn bởi phạm vi không gian và thời gian, nên nhiều người có thể không có điều kiện đến xem được.
Lúc đó, mình nghĩ ngay đến kho dữ liệu linh vật Việt của mình và bố sưu tầm được gần chục năm qua. Vậy sao không đưa những hình ảnh ấy lên trang web ở dạng 3D để mọi người ai có nhu cầu đều dễ dàng xem xét, tìm hiểu mọi lúc mọi nơi?”.
Nghĩ rồi làm, chàng trai 17 tuổi quyết dồn tâm sức và thời gian cho công việc 3D hóa linh vật Việt. Trên trang web Vr3d.vn, Quang mở một mục riêng “Linh vật Việt” để đăng tải những linh vật Việt đã được số hóa.
Khác với các công nghệ 3D hóa thông thường, người thực hiện thường nhìn vào vật đó để dựng lại, công nghệ VR3D của Trí Quang là dùng máy quét 3D để nắm bắt mọi góc cạnh, đường nét, hoa văn của linh vật. Với một linh vật đơn giản, ít họa tiết, hoa văn thì từ lúc bắt đầu làm đến lúc hoàn thiện, đưa lên trang web, Quang mất khoảng năm ngày.
Khó nhất là khi các linh vật có kích thước lớn, nhiều họa tiết, có nhiều góc cạnh, như “ông Sấm” chùa Hương Lãng hoặc những con nghê thời Hậu Lê được làm rất kỳ công, nên khi quét 3D phải thu thập dữ liệu rất nhiều lần, thường chỉ riêng việc quét 3D đã mất cả ngày.
“Màu sắc hoàn toàn lấy từ thực tế, kích cỡ chính xác. Ngay cả những vết bụi, những vết rêu phong trên linh vật đều được giữ nguyên vẹn. Ðiều đó nghĩa là những linh vật trên trang web của mình đều được lấy thẳng từ mẫu linh vật gốc ở di tích.
Mọi người có thể tùy ý tương tác, xoay trái, xoay phải trên web, và có thể xem được mọi góc cạnh, họa tiết nhỏ nhất. Như tượng sư tử chùa Bà Tấm được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật chỉ là phiên bản. Còn sư tử chùa Bà Tấm mình quét 3D đưa lên web là bản gốc hiện đang ở chùa Bà Tấm” – Trí Quang hào hứng giải thích.
Xong phần việc đó thì mới chỉ có những bản sao 3D, chỉ xem được trên máy tính, chưa xem được trên web. Công việc tiếp theo của Quang là dùng các kỹ thuật riêng tối ưu hóa những bản sao đó để khi đưa lên web, người xem có thể tải nhanh hơn và xem, lật, xoay dễ dàng hơn.
Ðến nay, “bảo tàng linh vật Việt online” của Trí Quang đã có thể mang lại cho người xem cái nhìn bao quát về các hình tượng linh vật Việt ở nhiều niên đại lịch sử, với nhiều cách tạo hình và đường nét hoa văn khác nhau.
Và giấc mơ “tổng kho di sản”
Ðược bố dạy công nghệ quét 3D từ nhỏ, nhưng mọi kỹ thuật 3D hóa để đưa lên web đều do Trí Quang mày mò tự học. Năm lớp 8, cậu đã làm trang web để bán tượng thủ công mỹ nghệ cho gia đình. Vì thấy đăng ảnh lên thông thường không đẹp lắm, nên cậu phải tìm kiếm thông tin trên Internet để đưa mẫu tượng 3D lên web.
Quá đam mê với công nghệ 3D, nên đến mùa hè năm lớp 8, chuẩn bị bước sang lớp 9, Trí Quang đã xin bố mẹ được thôi việc học văn hóa ở nhà trường để dành thời gian cho niềm yêu thích của mình.
“Cả gia đình, người thân đều phản đối dữ dội. Ai cũng bảo ít ra thì phải học hết cấp III mới tính chuyện thôi học, chứ chưa học hết cấp II mà đã thôi học thì sao mà chấp nhận được. Nhưng lúc đó mình thích mày mò làm việc ở nhà hơn” – Quang nhớ lại.
Bà Phạm Thị Thảo, mẹ Trí Quang, cho biết lúc ấy cả gia đình, họ hàng đều bất ngờ lắm, nhưng vì hiểu con mình nên bà chỉ yêu cầu Quang chứng minh được hướng đi thật rõ ràng, đúng đắn: “Lúc đó, tôi động viên cháu cố gắng học hết lớp 9, nếu chứng tỏ được hướng đi của mình thì bố mẹ sẽ đồng ý cho con nghỉ học để tập trung vào niềm yêu thích của con. Cho đến bây giờ, tôi thấy quyết định của con là đúng”.
Cậu con trai nói thêm: “Lúc đầu mình xin nghỉ học để tìm tòi nghiên cứu công nghệ 3D chỉ nhằm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nhà thôi, sau mới thấy công nghệ này có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử, hoặc để lưu trữ các mẫu di sản. Hiện trong kho lưu trữ của mình không chỉ có linh vật mà còn có nhiều tác phẩm điêu khắc cổ nữa”.
Quang chia sẻ rằng trong tương lai, cậu muốn sử dụng thế mạnh của công nghệ VR3D để ảo hóa và đưa những di sản của cha ông trên khắp đất nước vào “tổng kho di sản” lưu trữ, bảo tồn, đồng thời quảng bá ra khắp thế giới. Hơn thế nữa, cậu trai trẻ mơ mộng: “Nếu sử dụng công nghệ VR3D, chúng ta còn có thể đưa những bảo vật quốc gia đang bị lưu lạc ở nước ngoài về “tổng kho di sản” để mọi người ở Việt Nam đều có thể học hỏi, chiêm ngưỡng”.
Nói về những ưu điểm của mô hình này, Quang vui vẻ: “Công nghệ 3D vừa sử dụng ánh sáng thực và ánh sáng trong môi trường 3D, nên có thể tạo được ánh sáng tối ưu, để người xem ngắm kỹ từng chi tiết nhỏ, từng hình khối, các chi tiết hoa văn.
Ðiều quan trọng nhất là mọi người có thể xem được ở mọi lúc mọi nơi, không bị giới hạn bởi thời gian, không gian như những triển lãm thật. Các nhà điêu khắc, những người làm nghề có thể xoay mọi góc cạnh, nhìn rõ các họa tiết, các hình khối như được đến tận nơi vậy, rất dễ cho việc mô phỏng, phục dựng.
Sắp tới, mình đang chuẩn bị tích hợp công cụ đo tỉ lệ, kích thước trên từng chi tiết của linh vật, để các nghệ nhân có thể tính toán được kích thước tương ứng khi tạc tượng”.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế – người đã giúp đỡ, tư vấn cho Trí Quang trong việc chú thích, phục dựng một số linh vật Việt – cho biết: “Dự án của Trí Quang rất hay là có nhiều hiện vật không có ở bảo tàng, mà chủ yếu được thu thập ở rất nhiều di tích trên cả nước.
Người xem hiện vật có thể xoay được mọi góc cạnh để nhìn, ngắm. Hơn nữa, nhờ dự án này mà mọi người có thể xem linh vật Việt trên tất cả mọi phương tiện hiện đại bây giờ như điện thoại, iPad, máy tính…
Việc cập nhật dữ liệu di sản như thế có thể nói đã tiếp cận công nghệ ở trình độ cao. Ðây là sự hữu ích rất lớn cho các làng nghề, cho nhà trường trong việc truyền thông giáo dục di sản.
Ý nghĩa của dự án không đơn thuần là văn hóa mà còn là công cụ để quảng bá di sản văn hóa ra nước ngoài. Việc 3D hóa là bước tốt nhất để phục dựng lại những linh vật Việt”.
Theo http://tuoitre.vn/
Xem bài gốc tại đây