“5 năm trước, cũng tại diễn đàn này, ngài Peterson nói Mỹ và Việt Nam sẽ tiến tới quan hệ đối tác toàn diện. Bản thân tôi không tin. Nhưng chỉ ba năm sau đó, chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thông Mỹ Barack Obama đã thiết lập quan hệ toàn diện” – ông Bàng nói.
8g30:
Lúc 8g30 hôm nay (26-1), nhiều nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mặt tại Hà Nội cùng tham gia hội nghị quốc tế với chủ đề “Quan hệ Việt – Mỹ: Thêm 20 năm thành công hơn nữa”.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Đặng Đình Quý – Giám đốc học viện Ngoại giao nói: “Chúng tôi muốn gửi lời chúc mừng đặc biệt những người bạn Mỹ, di chuyển hàng ngàn cây số từ nhiều bang khác nhau để di chuyển đến đây. Tôi rất vui mừng nhìn thấy những người rất nổi tiếng ở đây như Đại sứ Pete Peterson, Đại sứ Ted Osius.
Về phía VN, có cựu đại sứ Lê Văn Bàng, Nguyễn Tâm Chiến, Nguyễn Quốc Cường, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh”.
Theo Tiến sĩ Đặng Đình Qúy, đây là một buổi gặp gỡ đáng khích lệ. Đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ vui vẻ mà là một địa điểm lịch sử. Cả VN và Mỹ đang nỗ lực để có sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Theo ông Qúy. tuổi 20 là một người rất đẹp, đủ khỏe mạnh về thể chất, đủ khỏe mạnh về tinh thần.
Về phía Mỹ, đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng buổi Hội thảo hôm nay để làm sâu sắc hơn mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước, làm tăng cường sự hợp tác từ các nhà đầu tư Mỹ.
Ông Ted Osius cho biết một trong những vấn đề mà Mỹ quan tâm là sẽ hình thành các trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Mỹ ở VN, mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa hai nước.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại Giao Hà Kim Ngọc cho rằng, Việt Nam luôn ủng hộ vai trò lớn của Mỹ trong khu vực và sự can thiệp của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mang lại lợi ích cho toàn khu vực.
9g15
Thứ trưởng Ngoại Giao Hà Kim Ngọc cũng đã nhắc lại mối quan hệ Việt – Mỹ đã trải qua những giai đoạn lịch sử dài. Và đến nay phải mất 70 năm để đạt được mối quan hệ đối tác toàn diện.
Ông Pete Peterson, cựu đại sứ Mỹ đầu tiên ở VN, cho biết những hoạt động tìm lại những lính Mỹ mất tích được xem là thành công. Đây là chất xúc tác xây dựng niềm tin và quan hệ giữa hai chính phủ. Từ đó, hai nước dựa vào nền tảng này để cải thiện các hoạt động ngoại giao.
Ông Pete Peterson nói rằng những năm 1970, không nhiều người Mỹ muốn bình thường hóa quan hệ với VN.
Tuy nhiên bằng những nỗ lực của ông và nghị sĩ John McCain, rồi cựu tổng thống Bill Clinton đã đưa mối quan hệ Việt – Mỹ dần tốt đẹp như hôm nay.
10g15
Ông Lê Văn Bàng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói rằng có những lực cản do quá khứ để lại mà ông gọi là Hội chứng VN và hội chứng Mỹ được hình thành trong nhiều năm trong chiến tranh. Do đó Việt Nam và Hoa Kỳ phải mất 20 năm từ 1975-1995 để bình thường hóa quan hệ.
Theo ông Bàng, phía Mỹ, cũng có những người không muốn nghĩ đến hai từ Việt Nam.
Tương tự, phía VN nhiều người vẫn xem Mỹ là kẻ thù, không đáng tin cho nên nếu hai nước không đặt ra những nỗ lực vượt qua hai hội chứng này, thì mối quan hệ giữa hai nước không quan hệ tốt đẹp được.
“5 năm trước, cũng tại diễn đàn này, ngài Peterson nói Mỹ và Việt Nam sẽ tiến tới quan hệ đối tác toàn diện. Bản thân tôi không tin. Nhưng chỉ ba năm sau đó, chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thông Mỹ Barack Obama đã thiết lập quan hệ toàn diện” – ông Bàng nói và nhận được tràng pháo tay lớn từ mọi người trong khán phòng.
10g 40
Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian qua phát triển rất nhanh trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng.
Ông Lợi cho biết đa phần hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sử dụng sức lao động để sản xuất, do đó tạo được công ăn việc làm cho người nghèo. Vì vậy, việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế – thương mại Việt – Mỹ mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo VN.
Ông Lợi kêu gọi Mỹ bỏ qua di sản chiến tranh và sự khác biệt giữa hai quốc gia để tiến lên, cùng nhau hợp tác phát triển và công nhận VN là nền kinh tế thị trường,.
Ông nhấn mạnh rằng đa phần người Việt tin tưởng rằng hợp tác thương mại với Mỹ sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người dân.
11g15
Ông Michael Michalak, cựu đại sứ Mỹ tại VN, cho biết nhiều nước thành viên hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông tin rằng VN sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong ASEAN và sẽ dẫn đầu ASEAN tronghiệp định TPP.
Ông Michael cho biết thêm hỗ trợ phát triển giáo dục ở VN cũng là niềm đam mê của ông.
“Nền giáo dục VN phải cải thiện chất lượng để tiếp cận các sản phẩm, công nghệ mới. Chúng tôi có các đối tác ở VN, chương trình liên kết giữa các đại học Mỹ – Việt Nam như trong cơ khí, xây dựng và một số ngành khác mà Mỹ có thế mạnh. Chúng ta đang đi đúng hướng” ông nói.
Ngoài ra, ông Michael cũng nói rằng như Mỹ, Trung Quốc, VN cũng phải cải cách lại Bộ GD-ĐT, chú trọng giảm thiểu thủ tục hành chính, giấy tờ, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục.
“TPP giải quyết vấn đề thương mại và kinh tế. Tuy nhiên lĩnh vực giáo dục cũng rất quan trọng. Trong lĩnh vực giáo dục, VN và Mỹ có nhiều tiềm năng để phát triển” ông Michael nhận định.
11g20
Bà Ginny Foote, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Bay Global Strategies chuyên về tư vấn và quản lý kinh tế, cho rằng hiệp định TTP giúp VN tăng xuất khẩu trong hàng hóa nông nghiệp, hải sản, nhiên liệu thô, giúp VN tăng trưởng thương mại rất cao.
Tuy nhiên theo bà Ginny Foote, Việt Nam phải cải thiện giá trị gia tăng trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài ra VN cũng phải cải thiện lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư…
Theo bà Ginny Foote, đây là những lĩnh vực thu hút đầu tư thương mại rất lớn từ Mỹ.
Bà Ginny Foote còn cho rằng các công ty Mỹ rất quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng ở VN.
Về đàm phán TPP, bà Ginny Foote cho biết Mỹ và Việt Nam vẫn còn bất động trên bàn đàm phán. Tuy nhiên bà cũng lạc quan cho rằng các quốc gia đàm phán TTP sẽ vượt qua những trở ngại bất đồng và sẽ kết thúc đàm phán trong năm nay.
11g45
Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương – nói gia nhập TPP, Việt Nam có áp lực rất lớn về cải cách, thúc đẩy hệ thống pháp lý. Cho đến nay VN đã thay đổi 30 bộ luật và trong thời gian sắp tới, VN sẽ tiếp tục cải cách lĩnh vực đầu tư công.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Lương , trưởng đoàn đàm phán BTA của VN, cho biết về đàm phán TPP, lợi ích chính là động lực, buộc hai bên phải kiềm chế và thu hẹp sự khác biệt.
13g30: Tiếp tục phiên làm việc buổi chiều.
Hội nghị lần này do Học viện Ngoại giao Việt Nam kết hợp với Đại sứ quán Mỹ ở VN và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995 – 2015).
Đại diện phía Việt Nam gồm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý, Viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược và chính sách đối ngoại Hoàng Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ông Võ Trí Thành, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, các cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ như Lê Văn Bàng, Lê Công Phụng, Nguyễn Tâm Chiến, Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh…
Phía Mỹ gồm có Đại sứ đương nhiệm Ted Osius cùng các cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear (hiện là Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Châu Á – Thái Bình Dương), ông Pete Peterson – đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Hà Nội, Tiến sĩ Vikram Singh – Phó chủ tịch Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nguyên trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á, ông Kurt Campbell – Chủ tịch và Giám đốc điều hành Asia Group, nguyên trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.
Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của các chuyên gia quốc tế về chính trị – an ninh, kinh tế hàng đầu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ĐH Portland (Mỹ), Quỹ Châu Á, Quỹ Mansfield…
Sự kiện lần này sẽ tập trung thảo luận những bài học thu được trong 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, quan hệ kinh tế, an ninh – chính trị, quan hệ nhân dân hai nước, cơ hội và thách thức trong 20 năm tới.
Theo http://tuoitre.vn/
Xem bài gốc tại đây