Nhiều người cho rằng những người thích viết là vì bản thân họ thích viết. Điều đó tất nhiên là đúng, nhưng chỉ là một phần. Tôi thích viết lách từ bé nhưng khả năng cũng không đủ cho mình theo đuổi nghiệp văn chương hay làm nhà báo, thế là quay ra đi học khối A để thi đại học.
Thi thoảng hứng lên thì viết bài này bài nọ, nhưng cũng không thường xuyên. Từ ngày có facebook thì hay tranh thủ thể hiện quan điểm bằng cách post vài câu status cho nhanh.
Nhưng càng đi vào cái sự học hành và “già” đi theo tuổi tác, thì tôi lại càng thấy là mình phải viết nhiều, và viết “tử tế” – tức là viết thành bài có đầu có cuối, chứ không phải là vài ba câu bình luận ngắn gọn, đọc xong quên luôn mà vài hôm nữa muốn tìm lại thì nó đã lẫn đi đâu mất rồi.
Viết để viết tiếng Anh tốt hơn
Trong cái nghề nghiên cứu tôi đang làm thì viết là một điều khó tránh khỏi. Nhiều người cho rằng viết tiếng Việt nhiều sẽ làm hỏng tiếng Anh, nhưng tôi lại không thấy thế. Vì bản chất của viết là một quá trình tư duy – nó phản ảnh cách bạn đặt vấn đề, cách bạn giải thích vấn đề sao cho gãy gọn, súc tích, logic…Câu chữ như là chất liệu để giúp mình truyền tải được tư duy đó. Tất nhiên nếu bạn giỏi tiếng Anh (và tiếng Việt), bạn sẽ tìm được nhiều câu từ đắt giá. Các từ điển online với chức năng tìm kiếm thesaurus, rồi Google, cũng sẽ cho bạn rất nhiều lựa chọn về cách tìm từ cho phù hợp, làm cho từ vựng của bài viết thêm phần phong phú. Nhưng nếu bạn không có được một tư duy rõ ràng và logic ngay từ đầu thì dù câu chữ đắt giá thế nào mà đặt trong một bối cảnh lủng củng thì cũng không còn ý nghĩa. Viết bài đăng tạp chí khoa học, viết lách kiểu hàn lâm (academic writing) cũng có kiểu riêng của nó nhưng chủ yếu là khác về cách dùng từ, còn tính logic của viết theo tôi vẫn là yếu tố quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất.
Khi viết luận án và bài báo khoa học thì tôi mới nhận ra là những kĩ năng viết cóp nhặt được từ trước tới giờ nhờ viết bài bằng tiếng Việt đã giúp tôi rất nhiều.
Viết là một quá trình thực hành.
Không ai viết giỏi mà không viết nhiều. Cho nên chuyện thích viết và có năng khiếu chỉ đóng một vai trò nhỏ lúc ban đầu mà thôi, chứ ai ngồi vào bàn mà viết thì cũng thấy khổ sở như nhau hết. Khổ như đi cày. Nhưng không cày thì không thể ra luống được.
Chuyện này là tôi nhớ kỉ niệm cô bạn học đại học. Năm đầu tiên cả lũ rủ nhau đi hát karaoke thì bạn mình không dám hát bài nào vì bảo không biết hát, mà công nhận là không biết hát thật vì bạn hát toàn sai nhạc, dù chỉ là ở mức karaoke giải trí. Ấy thế mà sau 4 năm tu luyện dưới mái trường đại học với vô số lần đi hát karaoke, đến năm cuối thì cô bạn mình đã trở thành một tay “giật mic” – tức là không phải chờ mọi người mời mọc, khích lệ nữa mà đi tranh mic để hát bài bạn yêu thích. Câu Practice makes perfect thật không sai chỗ nào.
Viết để chia sẻ
Đôi khi tôi cảm thấy có sự thôi thúc buộc mình phải ngồi xuống bàn viết chia sẻ một điều gì đó dù đôi khi để viết ra một bài cũng khá mất thời gian (nhưng giá trị mà nó mang lại có lẽ nhiều lần hơn thế).
Khi bạn đã đi một số nơi, sống một thời gian đủ dài, đủ để thấy mình đã may mắn hơn bao nhiêu người khác, bạn sẽ muốn làm một điều gì đó để “pay it forward”. Viết là cách mà tôi lựa chọn vì một số lí do.
Viết giúp tôi chia sẻ được tới người cần nghe. Đây là một số cách tôi đã thử khi muốn chia sẻ một kinh nghiệm hay ho gì đó, từ chuyện luyện ngủ cho con cho đến các vấn đề “vĩ mô” hơn như cải cách giáo dục chẳng hạn, nhưng các cách này nói chung phần lớn là thất bại:
- Nói chuyện với chồng (đôi khi anh ấy chẳng mấy quan tâm vì còn nhiều thứ khác hay hơn, sửa máy tính chẳng hạn. Mà dù anh ấy có muốn nghe đi nữa thì cũng vẫn chỉ là một khán giả trung thành bất đắc dĩ mà thôi)
- Nói chuyện với bạn (cũng chẳng khá hơn là mấy vì có khi bạn tôi cũng biết rồi – mà cũng không nên nói cái mà người khác không muốn nghe).
- Giữ trong lòng và chờ có ai đó hỏi mình sẽ rất vui vẻ trả lời (nhưng khả năng này cũng thấp vì có khi đến cuối đời cũng chẳng ai hỏi mình, mà đến lúc đó có khi quên hết rồi)
Thế nên tôi nghĩ tạo một cái blog để viết ra những điều mình muốn chia sẻ là một cách hay. Chắc vì thế mà nhiều người đã chọn cách này. Khi một bài viết được đăng, dù là trên blog hay tờ báo mạng nào đó, hàng trăm, hàng nghìn người có thể ghé đọc bài của bạn. Tác động của nó thật lớn và tự bản thân người cần thông tin mà tôi chia sẻ sẽ tìm đến với nó chứ tôi không phải ngồi chờ thấy kinh nghiệm của mình trôi đi theo thời gian và bị lãng quên.
Hơn nữa, khi có may mắn đi nhiều hơn và học được nhiều cái hay hơn nhiều người khác, chuyện viết đối với tôi như là một trách nhiệm không thể chối bỏ. Kiến thức cần được nhân rộng chứ không thể giữ cho riêng mình. Mà cuộc sống thật hữu hạn. Bạn đâu biết mình sẽ sống đến bao lâu, nhưng những gì đã viết ra sẽ còn mãi.
Tất nhiên là chúng ta sẽ phạm sai lầm, ví dụ như đưa ra một quan điểm ngớ ngẩn, viết một bài ngớ ngẩn mà sau này đọc lại bạn chỉ muốn chui xuống đất. Nhưng nếu không viết thì sẽ bao giờ viết tốt hơn? Và nếu không viết tốt thì làm sao có thể truyền tải những gì mình muốn nói cho những con người đang khao khát kiến thức. Đây là điều tôi thấy rất rõ khi bắt đầu viết blog về chuyện nuôi con. Tôi ngạc nhiên vì nhiều người quan tâm tới các post của tôi hơn tôi tưởng, vì thực tế là ở Việt Nam thông tin báo chí và cá forum đăng cũng không thiếu. Các bài viết của tôi thì cũng chỉ toàn là cóp nhặt cá nhân, chẳng theo một hệ thống hay phương pháp nào cụ thể. Sau thì tôi phát hiện ra một điều là đôi khi giữa các bà mẹ với nhau thì đọc được một kinh nghiệm nào đó hay hay cũng khiến họ cảm thấy an lòng hơn rất nhiều giữa biển thông tin tràn ngập. Với tôi như thế là rất vui rồi vì thấy những gì mình bỏ ra cũng có ích, dù chỉ với 1 người xa lạ.
Hoàng Khánh Hòa
Email: hoahoangtk@gmail.com
———-
Nếu bạn có những bình luận, phân tích về các vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục; những giải pháp hay mà nước Mỹ áp dụng để phát triển giáo dục, kinh tế… mà Việt Nam có thể tham khảo, xin vui lòng gửi bài viết về sinhvienusa.org@gmail.com
Trân trọng cảm ơn các bạn.