Giám đốc Chương trình VN tại Harvard chia sẻ tầm nhìn làm thế nào để ĐH Fulbright Việt Nam trở thành một “người thay đổi cuộc chơi” trong giáo dục đại học.
10 năm cho ý tưởng đại học đẳng cấp quốc tế
Nhà báo Việt Lâm: Tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định đồng ý chủ trương thành lập trường Đại học Fulbright (FUV) và tháng 12 thì Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách trị giá 20 triệu USD cho FUV. Mọi việc có vẻ tiến triển khá nhanh chóng. Nhưng tôi nhớ từ cách đây hơn 10 năm, ông đã là một trong những người cổ xúy mạnh mẽ cho ý tưởng thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế ở VN. Thậm chí, Chính phủ VN còn lập ra một ủy ban đặc biệt để xem xét sáng kiến này đúng không?
Ông Thomas Vallely: Tôi đã quên mất tên của ủy ban đó rồi nhưng đúng là có một nhóm như thế do Chính phủ lập ra. Câu chuyện của nó là như thế này.
Khi đó, ông Phan Văn Khải đang là Thủ tướng. Công bằng mà nói, ông Khải chính là người đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập trường Fulbright. Tất nhiên, không phải chỉ mình ông ấy, mà nhiều nhà lãnh đạo cấp cao khác của VN đã ủng hộ rất mạnh mẽ cho trường.
Mối quan hệ của tôi với ông ấy bắt đầu khi ông ấy tham gia các chuyến tham quan khảo sát đến các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia (các chuyến khảo sát này được tổ chức vào năm 1990 và 1991). Khi ông Khải chuẩn bị có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ với tư cách Thủ tướng VN đầu tiên sau chiến tranh, ông ấy gọi tôi và hỏi” Tommy, ông có thể qua đây nói chuyện với tôi một chút được không?” Tôi trả lời “Vâng, thưa ngài” và tôi bay sang VN gặp ông ấy.
Trong cuộc gặp, ông ấy nói: “Tommy, tôi sắp đến Mỹ và tôi muốn đến thăm Harvard, nhờ Harvard giúp chúng tôi xây dựng trường đại học”.
Khi đó, tôi đã trả lời ông ấy rằng: “Thưa ông Khải, ông không cần phải đến Harvard đâu vì Harvard sẽ không xây trường đại học cho ai cả. Theo tôi, ông cần đến trường Duke. Khi đó, Duke là một đại học rất nổi tiếng và họ đang hứng thú muốn phát triển các kết nối với thế giới theo cách thức khác hẳn Harvard. Harvard không cần kết nối với thế giới bởi vì mọi người đếu muốn đến Harvard. Điều đó thật điên rồ. Và Duke đang nỗ lực làm điều ngược lại”.
“Tommy, cảm ơn ông, nhưng chúng tôi muốn đến Harvard”.
Vậy là tôi sắp xếp chuyến thăm Harvard cho ông ấy. Tại Harvard, chúng tôi gặp một người bạn của GS Dwight Perkins, sau này cũng trở thành bạn của tôi. Đó là GS Henry Rosovsky, một học giả hàng đầu thế giới với quan điểm vì sao các nước đang phát triển cần phải xây dựng hệ thống giáo dục đại học thành công. Rồi chúng tôi trở thành tín đồ của học thuyết của Rosovsky. Do chuyến thăm của ông Khải nên chúng tôi phải đọc cuốn sách phải nghiên cứu mô hình của Rosovsky rồi dịch chúng sang tiếng Việt. Chính nhờ chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải đã khởi đầu cho quá trình gắn bó của chúng tôi với sự nghiệp xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của VN.
Sau đó, chúng tôi mang kết quả nghiên cứu đến trường New School ở New York. Đây là một trường đại học mà chúng tôi muốn kết nối với VN, bởi vì họ có thể giúp cho VN có cách tiếp cận thực tế hơn, sát với vấn đề mà VN đang phải đối mặt. Chúng tôi kết nối trường New School với VN và viết một vài nghiên cứu bước đầu về cách thức làm sao VN có thể xây dựng được trường đại học đẳng cấp quốc tế.
Từ vài văn bản đề xuất đó thì lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN yêu cầu chúng tôi là “tại sao các ông không thử làm đi?”. Chúng tôi đã bắt đầu ý tưởng xây trường đại học đẳng cấp quốc tế theo cách như vậy. Tất nhiên là ngay cả khi lãnh đạo VN “bật đèn xanh” thì để có được giấy phép vẫn còn phải mất nhiều thời gian. Đây là một vấn đề phức tạp.
Và bởi vì chúng tôi luôn giữ tinh thần phê phán, nên chúng tôi không nghĩ rằng sẽ hiệu quả nếu vẫn duy trì hệ thống quản trị kiểu cũ và thiết lập một hệ thống đại học tư mới cùng song song tồn tại. Không, chúng tôi đã biết rằng cách thức này sẽ không giải quyết được vấn đề và cho đến giờ thực tế chứng minh rằng đúng như vậy. Giờ đây, chúng ta phải xem xét đến mô hình khác. Đây là câu trả lời dài cho một câu hỏi ngắn.
Phải bước ra khỏi hệ thống cũ
– Không, câu trả lời của ông đã lý giải cho thắc mắc của nhiều độc giả là vì sao ý tưởng thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế đã được Chính phủ cổ xuý từ cách đây gần chục năm mà đến giờ vẫn chưa thành hiện thực.
Tôi nghĩ sáng kiến đó không thành công vì như tôi đã nói, VN chỉ so ta với ta. Họ không bước ra khỏi hệ thống hiện hành để cạnh tranh với thế giới. Họ không có một nhân tố như kiểu Viettel. Viettel đã phá bỏ hệ thống cũ và tạo nên một ngành viễn thông cạnh tranh ở VN.
– Vậy bây giờ, với trường Đại học Fulbright VN (FUV), ông có tham vọng trở thành một “người làm thay đổi cuộc chơi” (game-changer) trong lĩnh vực giáo dục đại học giống như Viettel đã làm được với ngành viễn thông VN?
FUV sẽ là một Viettel.
– Thật không? Làm sao mà ông có thể tự tin đến thế?
Không (cười lớn). Tôi có vẻ hơi tự tin quá mức thật. Ý tôi là chúng tôi mong ước trở thành một “người thay đổi cuộc chơi”. Tại sao tôi lại nói vậy? Ý tôi không phải là để thay thế, mà là ở khía cạnh gây ảnh hưởng.
Viettel không thay thế VNPT mà họ chỉ làm cho VNPT tốt hơn. Tương tự như thế, FUV không thể thay thế hệ thống giáo dục đại học của VN. Hệ thống giáo dục đại học của VN rất lớn và được phân bổ khá tốt. Trường đại học có ở khắp mọi nơi và có rất nhiều sinh viên theo học. Ý tưởng và kì vọng của chúng tôi là FUV sẽ trở thành một nhân tố gây ảnh hưởng để hệ thống giáo dục đại học cải cách tốt hơn, tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn.
Và FUV chỉ là một phần rất nhỏ trong tất cả những gì mà VN có thể làm được trong thế kỷ 21.
– Độc giả Kiều Oanh hỏi: Trong bối cảnh công chúng đang thất vọng với chất lượng yếu kém của các trường đại học VN thì FUV làm thế nào để thuyết phục họ rằng đây là trường đại học có chất lượng ngang tầm quốc tế?
Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi không biết (cười). Trước hết, Fulbright là một thương hiệu tốt. Hơn nữa, chúng tôi đã tham gia vào ngành giáo dục ở VN được hơn 20 năm rồi. FUV không xây dựng từ hư không mà dựa trên nền tảng thành công của trường Kinh tế Fulbright. Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm với cơ chế mới, mô hình mới, chẳng hạn như mô hình của Henry. Về cơ bản, vấn đề nằm ở hệ thống quản trị. Làm thế nào để quản trị đại học hiệu quả? Làm sao để ra quyết định đúng? Làm thế nào để thu hút được những sinh viên giỏi nhất và giảng viên tốt nhất. Điểm mới ở đây là làm thế nào để làm được những điều đó trong thế kỷ 21, khi mà rất nhiều công nghệ mới đang ra đời.
Bởi vậy, chúng tôi không thể tạo dựng một FUV theo kiểu phiên bản Việt của ĐH Harvard, Oxford, Georgetown, Irvine, Nebraska hay SUNY…Chúng tôi không thể bê nguyên hệ thống đó mang vào áp dụng ở VN bởi vì ngay cả ở Mỹ thì hệ thống đó cũng đang trở nên quá tốn kém và phải tìm đường thay đổi.
Chúng tôi đang cân nhắc cẩn trọng để tìm câu trả lời: Vậy thì một trường đại học hiện đại ở VN sẽ như thế nào? Các phương pháp giảng dạy sẽ ra sao? Chúng tôi tin nó phải khác biệt so với hiện nay, và đó sẽ là một cuộc thử nghiệm. Tôi hay bất cứ ai khác cũng không thể biết đích xác FUV sẽ có hình hài ra sao nhưng tôi biết rằng nó sẽ khác biệt. Chúng tôi sẽ biến nó thành mái nhà của sinh viên, để họ đến đó, học hỏi và có thêm kinh nghiệm.
Kế hoạch của FUV là sẽ tìm kiếm sự chứng thực chất lượng từ các tổ chức khảo thí của Hoa Kỳ. Trong 4 năm đầu tiên, chúng tôi cần dựa vào hệ thống cấp tín chỉ của các trường đại học Mỹ. Sau 4 năm, chúng tôi sẽ tự đăng ký để các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Mỹ công nhận. Có lẽ điều này có thể trả lời phần nào cho câu hỏi của độc giả, và đó là cách mà chúng tôi khẳng định giá trị trong một hệ thống vốn đang còn thiếu minh bạch và mù mờ về chất lượng hiện tại.
Tự chủ đại học không đủ để thay đổi hệ thống quản trị lạc hậu
– Như ông vừa đề cập, một trong những vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng của một trường đại học là làm thế nào anh thu hút được những giảng viên và sinh viên tốt nhất. Độc giả Hạ Anh hỏi: Trong quy hoạch, Chính phủ VN đang nỗ lực xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế như Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật. Dù đã ra đời mấy năm và có sự hậu thuẫn khá mạnh từ Chính phủ nhưng các trường nói trên vẫn chật vật trong vấn đề tuyển sinh. ĐH Fulbight có tham khảo thực tiễn này?
Đây là một câu hỏi hay. Tôi sẽ cố gắng đưa ra một vài suy nghĩ riêng về vấn đề này.
Trước hết, một trong những điều khiến cho FUV không giống với các trường đại học vừa kể trên là mặc dù chúng tôi nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ, nguồn tài trợ này không phải là tài trợ từ chính phủ đến chính phủ. Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học VN (TUIV) nhận tài trợ từ chính phủ để xây dựng một trường đại học tư không vì lợi nhuận và chúng tôi hoàn toàn độc lập trong quản trị trường.
Những trường đại học mà bạn vừa kể không phải là ý tưởng tồi. Nó xuất phát từ quan điểm nâng cấp những cái hiện có thay vì tạo ra những thực thể mới. Ý tưởng trung tâm là làm sao để chúng hoạt động tốt hơn. Có thể nói rằng những đầu tư vưà qua của Chính phủ vào các trường này không phải là vô ích.
Đối với FUV, điều mà chúng tôi nỗ lực tìm kiếm là xây dựng một cơ chế quản trị đại học khác biệt với cơ chế hiện hành. Các trường vừa kể vẫn áp dụng cơ chế quản trị kiểu cũ nhưng chúng tôi thì không. Chúng tôi sẽ tạo dựng một cơ chế mới, giống như Viettel đã làm. Viettel không sử dụng cơ chế quản trị của VN mà họ áp dụng cơ chế quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực thế giới. Chúng tôi cũng sẽ thuê những người chúng tôi muốn thuê, dành cho họ đãi ngộ tương xứng với năng lực. Một khi chúng tôi làm được điều đó và một khi tất cả mọi người đều làm như vậy thì chắc chắn đầu tư vào các trường đại học sẽ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nhìn chung tôi sẽ nói là các trường đại học hàng đầu ở VN vẫn là các trường công lập. Có thể kể đến các trường đại học chính ở VN như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Bách Khoa…Đây vẫn là các trường tốt nhất.
Điều may mắn cho VN là hệ thống giáo dục đủ cởi mở và minh bạch trong khâu tuyển sinh nên các sinh viên giỏi nhất vẫn theo học các trường này. Mục tiêu của FUV là làm sao chúng tôi có thể gây ảnh hưởng khiến các đối thủ lớn này gia nhập vào hệ thống hiện đại. Thực tế thì hiện đã có một số trường đầu tư theo hướng đẳng cấp quốc tế bằng cách gửi giảng viên ra nước ngoài đào tạo. Tôi nghĩ đó đều là những hướng đầu tư đúng đắn. FUV chỉ làm khác một xíu là đầu tư vào cơ chế quản trị. Các trường đại học lớn đã nhận được rất nhiều đầu tư từ nhà nước. Vậy làm thế nào để các khoản đầu tư này trở nên giá trị. Tôi tin câu trả lời nằm ở hệ thống quản trị.
– Tức là các trường đại học phải tự chủ?
Không phải là tự chủ. Anh có thể có tự chủ trong mọi hệ thống nhưng anh vẫn phải dùng hệ thống cũ. Tự chủ đại học không làm nên hệ thống quản trị tốt.
– Tôi hỏi ông câu này bởi vì cách đây vài tháng, Bộ Giáo dục ban hành Quy hoạch các trường đại học, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố tự chủ như một chìa khoá của quản trị đại học hiệu quả. Nhiều người ở VN tin rằng tự chủ đại học có thể là giải pháp cho vấn đề hiện tại của hệ thống giáo dục đại học.
Tự chủ là tốt nhưng chỉ có tự chủ không thôi thì không đủ. Tôi đồng tình với quyết định của Bộ Giáo dục bởi tự chủ là cần thiết và đó là một tiến bộ. Nhưng nếu chỉ có tự chủ thì không đủ để thay đổi hệ thống quản trị hiện tại mà giống như một cuộc phi tập trung hoá thì đúng hơn.
Thi tuyển độc lập
– Có thể hơi sớm để đặt câu hỏi này nhưng một số độc giả hỏi ông rằng cơ chế tuyển sinh sẽ được thực hiện ở FUV như thế nào? FUV có sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục không?
Không, chúng tôi sẽ tổ chức thi tuyển độc lập. Điều tốt là hệ thống của VN thực sự xác định được những người trẻ thông minh. Phần đó của hệ thống không bị phá vỡ. Cho nên, thách thức lớn của chúng tôi là làm sao có thể thu hút được những sinh viên giỏi, những người đã được nhận vào ĐHQG TP.HCM chẳng hạn. Đấy là những em sinh viên thực sự xuất sắc, và có lẽ đã được thụ hưởng một nền giáo dục tốt ở bậc phổ thông. Làm sao để khiến họ muốn đến học ở FUV thay vì vào các trường khác. Chúng tôi sẽ phải tìm kiếm mọi cách thức có thể.
Theo tôi, giờ là thời điểm mà VN phải bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để hiện đại hoá nền kinh tế. Một trong những mấu chốt là làm sao để các trường đại học có thể kết nối được với tương lai của VN và hiểu rõ các vấn đề đang đối mặt. Do đó, dư địa để FUV phát triển còn khá nhiều và chúng tôi sẽ phải cố gắng hết sức để thu hút được những sinh viên chất lượng nhất.
Một trong những lợi thế mà tôi nghĩ FUV có thể có là giáo dục đại học đại cương. Bạn đến đây để học về vật lý, nhưng bạn cũng có thể học về Shakespeare hay Nguyễn Du. Một chương trình giáo dục toàn diện hơn có thể sẽ hấp dẫn được những sinh viên xuất sắc ngành vật lý, sinh học, ngôn ngữ học hay âm nhạc. Tất nhiên, đây mới chỉ là suy nghĩ ban đầu mang tính lý thuyết.
– Tôi muốn tranh luận với ông một chút ở điểm nào. Đúng là một người có học thì cần phải có kiến thức nền rộng, am hiểu không chỉ vấn đề chuyên môn mà cả những vấn đề văn hoá, xã hội khác. Nhưng làm thế nào để cân bằng giữa tính toàn diện, đào tạo ra những con người có học thức với nhu cầu thực dụng của giáo dục đại học, là sinh viên đến trường để học lấy một cái nghề và ra trường có thể xin việc được?
Ồ, đây là một câu hỏi rất quan trọng. Nếu chúng tôi không tìm được hướng đi đúng, FUV sẽ thất bại.
Vì FUV đặt ở TP.HCM nên chúng tôi cần phải đến gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, gặp chính quyền TP.HCM để tham khảo ý kiến của họ: Các ông muốn chúng tôi giảng dạy những gì cho sinh viên? Chúng tôi cần phải hiểu loại kỹ sư nào, hay ngành khoa học nào mà xã hội đang cần. Đương nhiên, hiện tại chúng tôi chưa hiểu rõ và chúng tôi cần đầu tư vào nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng để có thể thiết kế đúng một loại hình đại học tạo nên được sự khác biệt trong xã hội.
Theo Vietnamnet
Xem bài gốc tại đây