Tâm Đăng vừa tốt nghiệp đã được nhận vào làm kỹ sư phần mềm tại Amazon, cùng sinhvienusa.org tìm hiểu bí quyết của Tâm Đăng để được nhận vào vị trí mơ ước này.
Tốt nghiệp ngành khoa học máy tính ở Drexel University, Philadelphia, Pennsylvania tháng 6/2014 và bắt đầu trở thành kỹ sư phần mềm tại Amazon từ tháng 8/2014, Nguyễn Tâm Đăng đã bắt đầu trưởng thành hơn trong cách nhìn nhận từ một sinh viên lên một bậc cao hơn – người đi làm.
Amazon là một trong những công ty lớn tại Mỹ. Với một sinh viên mới ra trường, anh đã chuẩn bị những gì để được nhận vào đây? Vì sao anh lại chọn nơi này để phát triển sự nghiệp của mình?
Trước khi được Amazon nhận vào mình đã có 6 tháng thực tập tại đây vào năm 2013, thế nên mình cũng có một phần lợi thế. Đa phần các vị trí về kỹ sư phần mềm khi phỏng vấn đều hỏi về chuyên ngành kỹ thuật như là thuật toán, khả năng thiết kế phần mềm. Cũng có những câu hỏi về hành vi (behavioral question). Cho nên để có thể làm kỹ sư phần mềm ở Amazon cũng như các công ty công nghệ lớn khác thì cần phải chuẩn bị kỹ càng về mặt kỹ thuật (technical).
Amazon làm về thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực mình khá thích thú. Hơn nữa Amazon nổi tiếng về dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm xung quanh nhu cầu của khách hàng (customer centric). Mình nghĩ sẽ học được khá nhiều thứ ở Amazon nên quyết định bắt đầu công việc đầu tiên ở đây.
Người Việt (tính cả Việt kiều) làm ở đây cũng khá đông và vị trí thì rất đa dạng (từ nhân viên chuyển hàng cho đến quản lý cấp cao đều có cả). Tính chung tất cả cũng khoảng 500-600 người.
Ở Amazon, Đăng có nhận thấy sự khác biệt về chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến giữa người bản xứ và các sinh viên quốc tế?
Thông thường thì không có sự phân biệt về chủng tộc khi nói về lương. Người Việt hay người nào cũng đều nhận lương tương đương nhau tuỳ theo vị trí, năng lực và kinh nghiệm. Với ngành kỹ sư phần mềm thì lương khởi điểm ở các công ty lớn cho sinh viên mới ra trường khoảng từ $90,000-$110,000/năm chưa tính tiền thưởng và cổ phần.
Anh đã có thời gian học tập và làm việc tại Mỹ? Theo anh sự khác biệt lớn nhất giữa một sinh viên và một người đi làm tại Mỹ là gì?
Sự khác biệt lớn nhất giữa một sinh viên và một người đi làm tại Mỹ thì có lẽ là thời gian và tiền bạc. Sinh viên thì có thời gian nhưng thiếu tiền còn đi làm rồi thì có tiền nhưng thiếu thời gian (cười)
Một sự khác biệt quan trọng là khi đi làm bạn sẽ học được cách nhìn nhận một vấn đề theo hướng rộng hơn (lưu trữ vài trăm địa chỉ của khách hàng trong nước Mỹ và vài trăm triệu địa chỉ của khách hàng ở khắp thế giới), hành động có nhiều trách nhiệm hơn (bạn phạm sai lầm trong bài kiểm tra thì mình bạn bị điểm thấp nhưng bạn phạm sai lầm trong công ty thì nhiều khi cả nhóm sẽ bị ảnh hưởng).
Những kiến thức được học tại trường có giúp được nhiều cho anh trong lúc đi làm tại Amazon?
Theo mình kiến thức học trong trường chỉ là căn bản và nhiều khi không áp dụng gì nhiều trong lúc đi làm. Khi đi làm mình đều phải tự học thêm để nâng cao kỹ năng và năng lực. Lúc đi học không nên trông chờ là trường sẽ dạy hết tất cả những thứ mình cần khi đi làm mà nên tự tìm hiểu học hỏi thêm. Hơn nữa, đa phần các dự án/bài tập bạn làm ở trường đều là những dự án nhỏ nên không đòi hỏi cao về chất lượng và còn được thầy cô “châm chước”. Khi đi làm thì một sản phẩm phát hành có thể có cả triệu người sử dụng nên đều có những yêu cầu rất chuyên nghiệp và cách phát triển sản phẩm cũng khác biệt. Trong những trường hợp này thì kiến thức trong trường hoàn toàn không giúp được gì nhiều. Cái quan trọng mà trường học dạy cho mình không phải là kiến thức mà là rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving) và tư duy phản biện (critical thinking). Ngoài ra còn những kỹ năng quan trọng khác cho việc đi làm như làm việc trong một nhóm, kỹ năng lãnh đạo nhóm/dự án….
Yêu cầu về nhân sự của các công ty lớn như Amazon là gì?
Thông thường quá trình tuyển dụng sẽ trải qua hai bước là nộp đơn xin việc và phỏng vấn. Quá trình nộp đơn xin việc sẽ xác định bạn có được phỏng vấn hay không. Đây là lúc mà những kinh nghiệm trong quá trình học tập của bạn đóng vai trò quan trọng. Điểm số chỉ là một phần, đừng thấp quá là được. Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm thì sẽ có nhiều cơ hội cao để được phỏng vấn hơn. Kinh nghiệm lấy đâu ra trong lúc còn là sinh viên thì câu trả lời đơn giản là bạn phải tự chủ động tìm kiếm cả ở trong trường (xin phụ thầy cô làm dự án, nghiên cứu hay tham gia điều hành các tổ chức/nhóm/câu lạc bộ) và ở ngoài (làm thực tập, tham gia các dự án cộng đồng hoặc dự án của riêng bạn). Nếu bạn có quen biết bạn bè làm trong công ty thì có thể nhờ giới thiệu, như vậy sẽ dễ dàng được nhận phỏng vấn hơn.
Quá trình phỏng vấn thì tuỳ công ty và rất đa dạng. Các công ty công nghệ lớn đa phần phỏng vấn 2 vòng: 1 vòng phỏng vấn qua phone (phone interview), và sau đó nếu đủ tiêu chuẩn thì sẽ đươc bay đến office để phỏng vấn (on-site interview). Ở phần phỏng vấn thì các công ty sẽ chủ yếu hỏi về kinh nghiệm của mình, các câu hỏi về kỹ thuật (technical question) để xem khả năng giải quyết vấn đề của mình như thế nào và ngoài ra cũng xem mình có phù hợp với văn hoá công ty hay không (culture fit).
Sau thời gian làm việc tại Amazon, điều gì anh ấn tượng nhất về công ty này?
Tại Amazon quá trình phát triển một dự án được triển khai khá chuyên nghiệp. Từ yêu cầu kinh doanh (business requirement) đến lên kế hoạch (planning), thiết kế hạ tầng (design architecture), phát triển và kiểm tra chất lượng (quality assurance), và hỗ trợ khách hàng. Tất cả đều theo một quy trình chuyên nghiệp. Các thành viên trong team cũng không ngừng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau giúp mình học hỏi được rất nhiều thứ.
Đặt khách hàng lên trên hết là một trong những tiêu chí phát triển của Amazon. Suy nghĩ dài hạn và không ngừng sáng tạo, thử nghiệm cũng là một trong những yếu tố giúp cho Amazon có thể tiếp tục đứng vững và phát triển như bây giờ.
Hạnh Nguyễn