
Bài viết của Huyền Trang – Chuyên viên Chính sách Châu Âu, tốt nghiệp thạc sỹ ngành Quan Hệ Quốc Tế, Học Viện Châu Âu gửi riêng cho Sinhvienusa.org.
Đồng Euro ra đời tại thị trường Châu Âu vào ngày 1/1/1999, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong nỗ lực đồng nhất hóa Châu Âu của EU. Từ những năm 70, EU đã xây dựng một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo dựng một liên minh tiền tệ hùng mạnh và vững chãi. Sự ra đời của đồng Euro là hi vọng hoàn thiện kế hoạch này. Tính tới 2015, hiện khối đồng tiền chung này bao gồm 19 thành viên trong tổng số 28 quốc gia của Liên minh EU.
Song thực tế không chỉ mang màu hồng. Tham vọng đã khiến các nhà lãnh đạo EU bước những bước quá dài và quá nhanh, khi chưa có những nhìn nhận thấu đáo tới nội lực kinh tế và khác biệt trong chính sách tài khóa của từng thành viên. Kể từ năm 2008 đến nay, Eurozone rơi vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài, khiến nhiều quốc gia chìm trong suy thoái và thất nghiệp, trong đó phải kể tới Hy Lạp, Ý, Tây Ba Nha và Ai len.
Dù đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cải thiện tình hình, các chính sách của Eurozone vẫn chưa giúp Châu Âu thoát khỏi khủng hoảng và tăng trưởng trở lại, ngay cả đối với hai nền kinh tế lớn nhất của khối là Pháp và Đức.
Cuộc khủng hoảng nợ kéo dài khiến dân chúng của nhiều quốc gia bất bình. Đỉnh điểm được thể hiện qua cuộc bầu cử Quôc Hội tại Hy lạp ngày 15 tháng 1 vừa qua, khi phe cực tả chống đối chính sách tiền tệ của EU thẳng cử với số phiếu gần đa số tuyệt đối, đẩy Eurozone đối mặt nguy cơ bất ổn và rạn nứt cao. Phải chăng đã tới lúc chúng ta phải thực sự nhìn nhận sự thất bại của đồng Euro?
Lỗi thiết kế?
Nhà kinh tế học Paul De Grauwe của đại học kinh tế London đã ví “Eurozone trông qua như một công trình kiến trúc tuyệt vời, song sớm thể hiện nhiều khiếm khuyết trong thiết kế. Giống như một tòa biệt thự không có mái, người ta chỉ muốn ở khi thời tiết đẹp, còn khi thiết tiết xấu thì chẳng che chắn được ai”.
Ông phân tích rằng tăng trưởng và sụp đổ là quy luật bản chất của chủ nghĩa tư bản, khi thị trường được vận hành dựa trên sở hữu tư nhân. Chủ nghĩa tư bản thúc đẩy năng lực sản xuất và hiệu quả kinh tế, song cũng tiềm ẩn đầy rủi ro và bất ổn. Các nhà đầu tư và người tiêu dùng có xu hướng quan sát lẫn nhau trong quá trình ra quyết định kinh tế, khiến một hiệu ứng nhỏ có thể dẫn tới tâm lý lạc quan bao trùm thị trường và ngược lại.
Quy luật này, tất nhiên vẫn đang vận hành ở từng nền kinh tế thành viên của Eurozone, và liên minh tiền tệ Eurozone không thể dễ dàng đồng nhất tất cả các nền kinh tế này vào một khối. Thậm chí ngược lại, việc áp dụng một chính sách tiền tệ chung đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn những nguy cơ đổ vỡ tiềm ẩn trong từng nền kinh tế thành viên. Thêm vào đó, việc các quốc gia buộc phải nhanh chóng tuân thủ những quy định chung này trong khi năng lực kinh tế không tương thích, đã khiến chúng/họ trở nên mong manh và dễ vỡ.
Những quốc gia như Hy lạp, trước khi gia nhập Eurozone, muốn vay tiền phải chấp nhận tỷ lệ lãi suất lớn và chênh lệch giá trị với các ngoại tệ, và cũng không được phép vay nhiều. Tuy nhiên, sau khi đồng tiền chung Euro ra đời, Hy Lạp có thể dễ dàng vay những khoản khổng lồ với lãi suất thấp. Các nền kinh tế nhỏ tương tự khác cũng không bỏ quả lợi thế này.
Những khoản vay nối tiếp khoản vay giữa các thành viên dẫn tới tình trạng chi tiêu ngân sách thâm hụt nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Hệ thống này sụp đổ khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra, đẩy các con nợ vào tình trạng bế tắc vì không thể tiếp tục vay tiền để chi tiêu và trả nợ.
Thắt lưng buộc bụng thực sự là giải pháp?
Và khi các con nợ đều trông vào đợi sự giúp đỡ từ Đức, chính sách thắt lưng buộc bụng ra đời. Đức đồng ý cho các quốc gia vay tiền, song bù lại, phải cam kết cắt giảm chi tiêu chính phủ để khôi phục kinh tế và có tiền trả nợ.
Tưởng chừng đây là một giải pháp đơn giản, song thực tế không phải vậy. Chính sách “thắt lưng buộc bụng” buộc các chính phủ cắt giảm chi tiêu từ ngân sách, và đồng nghĩa với nó là cắt giảm tiền chi trả lương, hưu trí và phúc lợi xã hội cho người dân. Tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp tăng lên khiến công chúng giận dữ. Mặt khác, như một vòng luẩn quẩn, thu nhập giảm đồng nghĩa với thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước giảm, và chính phủ vẫn không thể trả được các khoản nợ.
Bởi tính chất phụ thuộc lẫn nhau cao độ giữa các thành viên trong khối, Eurozone ngày càng dấn sâu trong khủng hoảng. Chiến thắng của đảng cực tả Syriza tại Hy Lạp vừa qua đã và đang gây tâm lý bất ổn trên khắp Châu Âu. Nếu quốc gia này quyết đòi xóa nợ và buộc phải rời khỏi Eurozone, tâm lý tương tự sẽ lan tràn sang các con nợ khác như Ý, Tây Ba Nha và Ai len, và Eurozone có thể phải đối mặt với bờ vực của tan vỡ.
Khủng hoảng kinh tế hay chính trị?
Các nhà lãnh đạo EU quên một điều: Khác biệt văn hóa. Đức là một chuyên gia tài chính có trách nhiệm và cẩn trọng. Bài học lạm phát sau thế chiến thứ nhất đã dạy người Đức biết nhìn trước ngó sau trong chi tiêu, làm việc cần cù và đóng thuế đầy đủ. Trong khi đó, văn hóa Địa Trung Hải của nhiều quốc gia phía Nam Châu Âu thiên về hưởng thụ, về hưu sớm với đãi ngộ cao, và không muốn đóng thuế. Những hệ tư tưởng khác nhau, qua thời gian, đã hình thành những chính sách quản lý kinh tế và tài khóa khác nhau, trong khi sự ra đời của đồng Euro là một bước đẩy khiến các quốc gia thành viên trở nên phụ thuộc vào nhau và sinh tâm lý ỷ lại.
Cuộc khủng hoảng nợ Eurozone không chỉ đơn thuần là một cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn là một cuộc khủng hoảng mang tính chính trị. Ngoài những vấn đề liên quan tới cấu trúc của Liên minh Tiền Tệ Châu Âu, sự mất cân bằng của những khoản nợ, sự mong manh của hệ thống ngân hàng, còn có các vấn đề chính trị. Chính sách và quy trình quản lý khủng hoảng của Eurozone đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn cả các vấn đề kinh tế của khu vực.
Câu hỏi đặt ra là quyền lực thật sự của EU tới đâu và liệu các vấn đề kinh tế có thể được giải quyết cùng với các vấn đề chính trị? Đâu sẽ là tương lai của một liên minh Châu Âu đồng nhất?
Huyền Trang
Chuyên viên Chính sách Châu Âu, tốt nghiệp thạc sỹ ngành Quan Hệ Quốc Tế, Học Viện Châu Âu, Pháp. Hiện sinh sống ở Berlin, Đức.