Trong một buổi thảo luận gần đây với một số sinh viên Việt Nam tại đại học Missouri, giáo sư Mark Morgan, khoa Công viên, Giải trí và Du lịch (Parks, Recreation, and Tourism) chia sẻ kinh nghiệm của ông về sự nghiệp nghiên cứu và một số lời khuyên dành cho các bạn nghiên cứu sinh – những người mới ngấp nghé vào nghề nghiên cứu.
Làm thế nào để tìm ra ý tưởng
Với hai mươi năm kinh nghiệm giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, GS Mark cho rằng các sinh viên châu Á học chăm chỉ, chịu khó nhưng so với sinh viên Mỹ thì thường kém hơn về khả năng sáng tạo – think out of the box. Nếu bảo một sinh viên châu Á làm theo quy trình A-B-C thì họ làm rất tốt, nhưng nếu hỏi sinh viên nghĩ ra ý tưởng mới, tìm cách làm mới…thì đa phần họ gặp khó khăn. Cho nên đối với sinh viên châu Á nói chung, do ảnh hưởng bởi hệ thống giáo dục kiểu top-down, họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm ý tưởng mới trong quá trình làm nghiên cứu.
Tuy vậy không phải ai cũng có đầu óc sáng tạo hay thiên tài để mà nghĩ ra ngay hàng chục ý tưởng hay vài ý tưởng có tính đột phá. Đa phần ý tưởng xuất hiện trong quá trình chúng ta làm việc và tìm hiểu về một chủ đề nào đó.
GS lấy ví dụ về việc xuất bản cuốn sách về câu cá. Vốn là người thích đi câu và nghiên cứu về công viên-giải trí, GS phát hiện ra một điều là ngày càng có ít trẻ em tham gia các hoạt động ngoài trời, nhất là đi câu cá. Nhiều người cho rằng đi câu rất là buồn tẻ, có thể mất cả ngày cũng chẳng câu được con cá nào. Câu hỏi đặt ra là “Làm thế nào để có thể tăng tỉ lệ người đi câu?”. Câu hỏi này không mới, có nhiều người cũng đã nghiên cứu về chủ đề này rồi, họ đưa ra giải pháp về công nghệ ví dụ như phát triển các loại cần câu mới chẳng hạn, hay là phát triển các địa điểm câu mới vv…
Trong quá trình tìm hiểu thì GS phát hiện ra một nữa là trẻ con đặc biệt thích nghe kể chuyện, đọc và học thông qua các câu chuyện. Thế là ông đi phỏng vấn những người chuyên đi câu, hỏi tại sao họ lại thích. Câu trả lời tất nhiên không chỉ là vì họ muốn có cá ăn. Nhiều người đi câu chỉ vì muốn ra ngoài thiên nhiên, họ câu xong lại thả cá ra vì không có nhu cầu mang về. Việc câu được cá hay không không quan trọng bằng việc họ có một khoảng thời gian của riêng mình và nhìn ngắm bầu trời, sông nước vv…
Vậy là ý tưởng xuất bản một cuốn sách nói về câu cá nảy ra, chỉ từ một quan sát nhỏ như vậy. GS gọi đây là “thị trường ngách” (niche market) vì từ trước tới giờ có nhiều người làm về đề tài này, nhưng chưa có ai viết sách về câu cá cả. Sách về câu cá là giải pháp mà GS đưa ra vì tin rằng khi người ta đọc sách thì họ sẽ thích câu và điều này giúp tăng tỉ lệ đi câu cá trong vùng.
Một câu hỏi nữa sinh viên đặt ra là làm thế nào để lựa chọn ý tưởng nghiên cứu tốt?
GS Mark cho rằng khi chúng ta có nhiều ý tưởng khác nhau thì nên nói chuyện với bạn bè trong giới của mình, hay là giáo sư của mình (nếu là sinh viên), những người có kinh nghiệm trong ngành. Mình lắng nghe nhận xét của họ thì sẽ biết là ý tưởng nào khả thi, ý tưởng nào cần phải nghiên cứu thêm nữa.
Ngoài ra việc tìm hiểu kĩ các nghiên cứu mà người ta đã làm trước đó (literature) là cực kì quan trọng. Nếu mình không nắm bắt được (tất nhiên là không phải đọc tuốt luốt các bài liên quan) thì rất khó để định vị được ý tưởng của mình có đóng góp gì đáng kể trong lĩnh vực nhỏ đó hay không.
Chiến lược xuất bản bài báo
Đối với người làm nghiên cứu thì việc xuất bản bài báo là một yếu tố quan trọng đánh giá năng lực. Do đó có bài báo xuất bản thì còn hơn không, và tất nhiên là xuất bản ở tạp chí xếp hạng cao thì vẫn tốt hơn.
Do đó bạn cần biết được trong ngành của mình đâu là các tạp chí xếp hạng A, đâu là tạp chí xếp hạng B. Khi nộp cho các báo thì thường chúng ta sẽ thử ở tạp chí hạng A trước, nếu bị từ chối thì mới nộp tạp chí hạng B. Tuy vậy điều này cũng còn tùy vào chất lượng của sản phẩm nghiên cứu. Cách tốt nhất là bạn cần xem kĩ literature và xem báo đó có đăng các bài tương tự như nghiên cứu của bạn hay không. Nếu có thì có nhiều khả năng họ sẽ xem xét, còn không thì bạn sẽ nhận được lời từ chối thẳng thừng và đôi khi nghe không lọt tai cho lắm.
Một yếu tố nữa bạn cần phải biết đó là thời gian. Nhiều khi bạn phải chờ hàng tháng mới nhận được tin từ tòa soạn, do đó nếu bạn đang cần phải có ngay publication (ví dụ chuẩn bị xin việc chẳng hạn) thì bạn nên xem xét gửi tới báo nào có nhiều khả năng nhận bài của mình hơn cả, thứ hạng có thấp hơn chút cũng tốt thôi.
Cũng nên nhớ rằng suốt cuộc đời làm nghiên cứu thì không phải GS cũng toàn bài báo xuất bản ở tạp chí hạng A. Và họ vẫn nhận được lời từ chối (rejection) thường xuyên. Đối với các bạn mới chập chững vào nghề nghiên cứu khi nhận được những phản hồi không mấy tích cực này thì quả là hơi “khó nuốt”. Nhưng các bạn sẽ quen dần. Các nhận xét tiêu cực từ người xem bài của bạn (reviewer) hoàn toàn không phản ánh bạn là người yếu kém, thiếu năng lực. Hãy bình tĩnh đón nhận và coi đây là một điều rất bình thường trong nghề mà thôi.
Viết là phần khó nhất
Không phải ý tưởng, cũng không phải phần phân tích số liệu, mà viết mới là phần khó nhất. Qua kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên, GS Mark thấy rằng có nhiều sinh viên bỏ cuộc khi đến phần cuối cùng này, dù họ đã bỏ ra rất nhiều công sức thu thập và phân tích số liệu.
Không phải ai cũng thích viết. Vậy làm thế nào để viết tốt?
Muốn vậy GS Mark khuyên là người làm nghiên cứu phải thực sự thích thú với đề tài. Khi mình thích và phấn chấn với chủ đề nghiên cứu của mình thì mình mới có thể viết tốt được.
Ngoài ra đối với sinh viên nước ngoài mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ thì GS khuyên là nên nhờ người bản địa đọc và sửa trước khi gửi đi. Vì việc xuất bản bài báo rất cạnh tranh nên chúng ta cần cố gắng giảm thiểu những lỗi ngớ ngẩn không cần thiết và chuẩn bị một bản thảo hoàn hảo nhất có thể.
Đôi khi bạn cũng không nên vội vã gửi ngay khi vừa viết xong. Nếu có thể, hãy để bản thảo nằm đó và vài tuần sau bạn quay lại đọc. Biết đâu bạn lại nhận ra vài lỗi hay có thêm ý tưởng chỉnh sửa bản thảo cho tốt hơn.
Kiên nhẫn khi theo đuổi giấc mơ
Từ khi tốt nghiệp PhD tại Texas A&M, GS Mark đã chuyển việc qua ba trường đại học và hiện tại rất hài lòng với công việc tại trường Missouri. Khi ra trường ông làm giáo sư chuyên giảng dạy (teaching professor) tại một trường đại học tại bang Georgia, nhưng sau 5-6 năm ở đó thì ông quyết định chuyển qua Kansas State University vì muốn có thêm thời gian làm nghiên cứu, thay vì chỉ dạy thôi. Tuy vậy ở trường mới này ông lại không có mấy cơ hội để tham gia vào các hoạt động quốc tế – một điều mà ông đã theo đuổi và nhận ra đó là niềm đam mê trong sự nghiệp của mình. Đó là lí do khiến ông chuyển việc thêm một lần nữa về Missouri. Ở đây ông vừa tham gia giảng dạy, vừa có thời gian làm nghiên cứu và tham gia phát triển các chương trình giáo dục quốc tế. Các nước ông đã đi gồm có Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái lan và Việt Nam.
Năm 2010, GS Mark tham gia giảng dạy tại trường đại học Quốc Gia Hà Nội theo chương trình Fulbright. Ông cũng tham gia một số hoạt động nghiên cứu tại rừng quốc gia Cúc Phương. Quá ấn tượng với những gì nhìn thấy và trải nghiệm tại Việt Nam, GS đã tạo blog http://markinvietnam.blogspot.com/ để lưu giữ và chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ này.
GS Mark Morgan cũng là một người bạn thân của hội sinh viên Việt Nam tại Mizzou. Ông rất tích cực tham gia các hoạt động gặp gỡ với sinh viên và năm nào cũng dẫn vợ đi dự tiệc Tết