
Đây là bài viết phản hồi cho bài Hạt ngô ở Mỹ của tác giả Hoàng Khánh Hòa.
Nguyễn Thế Cường
Có rất nhiều bài viết tranh cãi về GMO trên báo chí và các diễn đàn online. Lợi ích của GMO thì có khá nhiều và đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học, và những nguy cơ tiềm ẩn cũng được đề cập, các bạn có thể dùng google để tìm hiểu thêm.
Ở đây tôi tóm tắt những thông tin tôi nắm bắt được và nhận định của riêng tôi về GMO để các bạn có thể hiểu rõ hơn. Tôi không phải là người ủng hộ cho Monsanto hay cho bất cứ các công ty làm về GMO, nhưng tôi thích môi trường làm việc ở đây có tính chuyên nghiệp và sáng tạo rất cao, và hơn hết là tôi yêu thích những công nghệ đem đến những cái lợi, cái tốt đẹp cho con người, cho thế giới chúng ta đang sống.
Nếu muốn “tai nghe, mắt thấy” những gì Monsanto đã và đang làm, bạn có thể liên hệ với Monsanto để được tham quan (http://www.monsanto.com/whoweare/Pages/contact-us.aspx )
Trước hết cần phải khẳng định rằng GMO (genetically modified organisms: cây trồng – https://en.wikipedia.org/wiki/Genetically_modified_crops , vật nuôi (cá –https://en.wikipedia.org/wiki/Genetically_modified_fish ) và vi khuẩn (E. coli strain K12) dùng để sản xuất insulin cho người bị bệnh tiểu đường-https://en.wikipedia.org/wiki/Genetically_modified_bacteria ) là đối tượng đã được và đang được nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ càng nhất (trên 2 nghìn nghiên cứu độc lập trên cây trồng GMO) đã xuất bản, bởi những đội ngũ nhà khoa học hàng đầu, ở những phòng thí nghiệm tiên tiến nhất trên thế giới, bằng những phương tiện hiện đại nhất, cũng như được kiểm định – kiểm dịch – kiểm chứng vào loại nhiều nhất trong số các đối tượng cùng chủng loại dùng để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của con người.
Và cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy rằng sản phẩm của GMO có gây bất lợi cho con người, vật nuôi và môi trường. Bà nội tôi sống ở TP HCM bị tiểu đường khá nặng, một tuần phải tiêm insuline 2-3 lần trong hơn 15 năm, bà tôi mất hồi năm 2012 thọ 86 tuổi. Tôi biết chắc rằng bà tôi sử dụng insuline được sản xuất từ vi khuẩn (GMO), bà mất không phải do ảnh hưởng insulin từ vi khuẩn mà do bị ngã. Ở VN, khoảng 8-10% dân số bị bệnh tiểu đường và có nguy cơ bị tiểu đường cao, do đó nhu cầu dùng insulin rất nhiều, trong đó hầu hết dùng insulin GMO.
Tương tự như điện thoại thông minh, GMO là một trong những công nghệ đột phá của nhân loại đang được ứng dụng ngày một rộng rãi trên thế giới. Cho đến hết 2013 đã có 175.2 triệu ha trồng cây GMO ở 27 nước phát triển và đang phát triển (tổng cộng hơn 4 tỷ dân) bởi hơn 18 triệu nông dân (trên 90% số này là nông dân sản xuất nhỏ) –http://www.isaaa.org/gmapprovaldatabase/default.asp .
Tôi đã từng phỏng vấn rất nhiều nông dân ở ĐBSCL và họ rất thực tế cho rằng “trồng cây gì – nuôi con gì” phù hợp sinh thái và có lời (tăng thu thập) là họ làm ngay. Dù bạn làm ở công ty có quảng cáo đến mấy hay hỗ trợ nhiều bao nhiêu mà không có lợi thì người dân không bao giờ làm theo bạn, hoặc họ chỉ làm một vụ đầu khi bạn cho họ tiền hoặc hỗ trợ giống phân bón, họ sẽ không làm tiếp nếu không có lợi hoặc không có “trợ cấp”. Như vậy, chắc chắn rằng GMO phải đem lại lợi ích thiết thực nên mới ngày càng có nhiều nông dân sử dụng nó trên đồng ruộng của mình như vậy.
Cây trồng GMO là sản phẩm của công nghệ sinh học thông qua chuyển một hay vài gene (DNA) của một loài vào một loài khác (một số ví dụ: cây qua cây, vi khuẩn sang cây, hoặc từ gene lợn, chó vào vi khuẩn đối với việc sản xuất insulin) thông qua plasmid của vi khuẩn bằng súng bắn gen (gene gun) hoặc bằng vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens (https://en.wikipedia.org/wiki/Agrobacterium_tumefaciens ) tìm thấy rất phổ biến trên các loại cây hai lá mầm trong tự nhiên.
Trong môi trường sống, con người luôn tương tác trực tiếp (TTTT) với virus và vi khuẩn xung quanh, đặc biệt có 100 nghìn tỷ vi khuẩn (tốt có, xấu có) hiện diện trong hệ thống tiêu hóa của chúng ta (https://en.wikipedia.org/wiki/Gut_flora ), do đó luôn có sự trao đổi vật liệu di truyền (DNA) từ vi khuẩn, virus sang người (tài liệu tham khảo http://www.the-scientist.com/…).
Chúng ta ăn sản phẩm của cây trồng GMO là “gián tiếp tương tác” với DNA của vi khuẩn A. tumefaciens. Có nhiều TTTT có lợi cho con người, giúp tiêu hóa tốt hơn hoặc sản sinh một số vitamin như K2 (E. coli) … Nhưng cũng có những TTTT lại gây ra dịch bệnh nguy hiểm như cúm, tả … Như vậy theo tôi, cho đến nay có thể nói rằng ‘tương tác gián tiếp’ với GMO là có lợi cho con người về mặt sức khỏe, chưa kể các giống lúa GMO giàu vitamin a, Fe (sắt) rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai thiếu dinh dưỡng chưa được thương mại hóa.
An ninh lương thực là vấn đề trọng yếu ảnh hưởng đến sự ổn định của một quốc gia và trên thế giới, bạn có thế thấy rõ điều đó qua sự kiện khủng hoảng lương thực năm 2008 (http://www.globalissues.org/article/758/global-food-crisis-2008 ). Do đó theo tôi cây trồng GM cũng có sự ảnh hưởng hoặc can thiệp ít nhiều của chính trị. Trong tương lai với việc tăng dân số, đô thị hóa, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và với các thảm họa thiên nhiên bất chợt không thể biết trước xảy ra ở một quốc gia nào thì lương thực là “vũ khí” chính trị quan trọng có thể được dùng để một nước có thể áp đặt lên một nước khác. Và khi mà GMO được trồng khắp thế giới thì yếu tố chính trị sẽ ảnh hưởng lớn hơn. Do đó, nếu các nhà khoa học VN nắm bắt và làm chủ công nghệ GMO và có nguồn gene tốt và phong phú thì việc đưa cây trồng GMO vào, hoặc tự sản xuất giống cây GMO cho VN thì không có lý do gì để không phát triển cây trồng GMO cả vì VN “đất chật người đông”, là một trong 5 nước ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, đất canh tác thì ít và ngày càng bị thu hẹp, và hạn chế được tác động chính trị của GMO.
Mỹ là nước sở hữu nhiều phát minh nhất của GMO và Monsanto là công ty sản xuất giống cây trồng GMO lớn nhất thế giới. Theo tôi biết trung bình mỗi tuần Monsanto có một phát minh có liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến GMO. Nhiều nước châu Âu tẩy chay GMO không hẳn là vì GMO thiếu an toàn mà phần lớn là do nếu sử dụng những phát minh này để sản xuất giống GMO cho nông dân, thì các công ty giống của họ phải trả rất nhiều tiền để sử dụng những phát minh này. Còn nếu nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ thì ảnh hưởng đến nông dân của họ do cạnh tranh giá cả và hơn nữa họ không muốn trên bàn ăn của họ là thức ăn của Mỹ. Một vài người châu Âu tôi gặp đã từng nói với tôi “we do not want our food dominated by American food on our dining table”. Theo tôi khối liên minh châu Âu được thành lập trước đây một phần là để đối trọng với Mỹ, do đó họ không muốn bị Mỹ lấn lướt về kinh tế, quốc phòng … có khi ngay cả cho GMO và có thể cả về tiếng tăm khoa học liên quan đến GMO cũng có. Dù gì thì gì cây GMO đã và đang được phát triển ở một số nước châu Âu và rào cản (như bức tường Berlin) được lập ra bởi một số nước chưa cho hoặc cấm trồng GMO sẽ bị “sụp đổ” trong tương lai vì những lợi ích của nó. Nếu trên bàn ăn của bạn hay gia đình bạn là thức ăn nhập hoàn toàn từ Trung Quốc hay từ một nước khác không nhất thiết phải là GMO thì cảm giác của bạn thế nào, nhất là lúc bạn có khách?
Để nghiên cứu và sản xuất ra và thương mại hóa được một giống cây biến đổi gene công ty Monsanto mất khoảng 140 triệu đô la trong thời gian khá dài (khoảng 7-11 năm, tôi không nhớ chính xác) từ tìm kiếm gene tốt, cho đến chọn ra được giống tốt, thử nghiệm ở các vùng sinh thái, … đánh giá an toàn, … nộp hồ sơ thông qua và xin thương mại hóa, … đến người nông dân. Nhưng không phải làm giống nào là ra giống đó, và giống nào đưa ra đều thành công trong một thời gian đủ để thu lại được chi phí bỏ ra nghiên cứu và sản xuất. Nếu so sánh về mức độ thịnh vượng với các công ty như Apple, Microsoft (Mỹ), các công ty dầu mỏ ở các nước, các công ty dược phẩm trên thế giới, thì Monsanto và nhân viên của công ty Monsanto còn kém xa so với các công ty trên và nhiều công ty khác nữa. Nhưng tại sao Monsanto lại bị ‘ném đá’ và ‘tẩy chay’ đến như vậy? Có chăng … một phần là từ cuộc chiến Việt Nam, Monsanto là công ty sản xuất chất độc da cam chính cho quân đội Mỹ, hay … một phần khác là do tâm lý vì thực phẩm là thức ăn hàng ngày nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người còn các sản phẩm khác như iphone là để thông tin liên lạc hoặc để vui chơi không ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, hay … phần khác nữa là vì độc quyền thương mại các sản phẩm GMO trong khi đó rất nhiều công ty khác độc quyền, tại sao lại cứ chỉ trích Monsanto? có chăng Monsanto phục vụ người nông dân, nhiều trong số họ thì nghèo nên dễ bị ‘ném đá’ và ‘tẩy chay’? còn iphone là cho tầng lớp trí thức, doanh nhân giàu có, ít bị chỉ trích mà người làm ra nó còn được khen ‘lên mây’ như Steve Jobs?.
Ở Mỹ một giống cây GMO trước khi thương mại hóa phải thông qua kiểm duyệt chặt chẽ của 3 cơ quan Bộ nông nghiệp (US Department of Agriculture), Cơ quan quản lý lương thực và thuốc (FDA-Food and Drug Administration), và Cơ quan quản lý môi trường (US Environment Protection Agency). Hầu hết các siêu thị thực phẩm ở Mỹ, Canada, thực phẩm biến đổi gene chiếm trên 70-90%. Thực phẩm GMO có thể là dùng để ăn trực tiếp như ngô, đậu nành, đu đủ, khoai tây, cà chua, củ cải đường-sugar beet, rau diếp xanh – radicchio, cantaloupe – quả dưa đỏ, squash – một loại bí có hoa giống bí ngô VN; hoặc gián tiếp như thịt gà, thịt bò, thịt cá, thịt lợn … từ những con gia súc được cho ăn thức ăn GMO. Trước đây khi sản phẩm GMO đầu tiên được thương mại hóa (năm 1995), dán nhãn là luật bắt buộc ở Mỹ, sau đó do mức độ quá phổ biến nên hầu hết các bang ở Mỹ và Canada việc dán nhãn không bị bắt buộc, theo tôi biết gần đây bang California ra luật bắt buộc sản phẩm GMO phải dán nhãn lại (thường tối thiếu 5%-15% có GMO trong thành phẩm trở lên) theo yêu cầu của người tiêu dùng trong bang. Việc dán nhãn GMO dẫn đến tăng chi phí, thời gian (lấy mẫu kiểm định, dán nhãn, thông quan …), và gây tâm lý không tốt đến cho người tiêu dùng, mặc dù bất cứ thực phẩm nào kể cả GMO đều phải được kiểm định, kiểm dịch bởi cơ quan độc lập và được phê chuẩn là an toàn bởi cơ quan chức năng của quốc gia mới được đưa ra thị trường. Do đó một số nước dùng việc dán nhãn để tạo ra rào cản thương mại hạn chế sự phổ biến sản phẩm GMO, và cũng để cho người tiêu dùng trong nước biết đó là sản phẩm có biến đổi gene, hoặc để bảo hộ sản phẩm sản xuất trong nước bị cạnh tranh. Theo bạn, việc dán nhãn GMO còn có ý nghĩa hay không khi mà phần lớn dân chúng ở Mỹ, Canada đã sử dụng trong thời gian dài, sau đó được đưa sang các nước khác? Người tiêu dùng có lợi hay người sản xuất có lợi?
Ở Việt Nam, luật công nghệ sinh học mới được thông qua cách đây vài năm trong đó bắt buộc dán nhãn GMO. Tuy nhiên, trước đó nhiều năm VN đã nhập rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, tôi chắc chắn rằng trong đó có GMO ‘trực tiếp’ (đậu nành, ngô) hoặc ‘gián tiếp’ thịt bò, lợn gà từ Mỹ, Ác hen tina, Brazil. Vài triệu tấn đậu nành và ngô nhập khẩu về VN để làm thức ăn gia súc và thủy sản hàng năm. Gần đây có đu đủ chuyển gene được chuyển về trồng ở VN mặc dù trên thực tế chưa được phép vì chưa được thử nghiệm và phê duyệt của các cơ quan chức năng. Như vậy thực phẩm GMO đã có ở VN từ cả hơn chục năm nay rồi. Rất khó khăn và tốn kém cho các cơ quan chức năng kiểm định tất cả các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu là GMO hay không để dán nhãn và thông thường nhà nhập khẩu và nhà sản xuất buôn bán sản phẩm GMO trong nước muốn lấp liếm không muốn cho biết nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhập khẩu để tránh bị ‘ném đá’ hoặc ‘tẩy chay’ như Công ty Monsanto.
Lựa chọn của bạn sẽ như thế nào? nếu bạn ra quyết định mua sản phẩm từ: Một ông nông dân có 2 ruộng trồng rau hoặc trồng đậu nành, một ruộng GMO và ruộng kia không GMO. Ruộng trồng cây không GMO ông nông dân phun thuốc cỏ 2 lần, và phun thuốc sâu 1-2 tuần 1 lần (khoảng 7-10 lần cho 1 vụ) tùy áp lực sâu cho đến trước khi thu hoạch khoảng 7 ngày ngưng phun để thu hoạch. Còn ruộng GMO ông chỉ phun thuốc cỏ 1 lần và không phải phun thuốc sâu. Bạn sẽ chọn ruộng rau hay đậu nào để ăn? Ruộng nào theo bạn sẽ ít bị ảnh hưởng về môi trưởng? Hồi ở VN, tôi đã từng làm thí nghiệm trồng so sánh các giống đậu nành (dùng để ăn tươi) và loại này thì sâu rất thích vì thân mềm hạt ngon ngọt, và tôi đã phải phun thuốc 1 tuần 1 lần (tổng cộng 10 lần) để không bị chúng làm “thịt” thí nghiệm của tôi. Đó là một trong những lý do mà VN nhập khẩu đậu nành và ngô vì sản xuất đậu nành và ngô ở VN chi phí rất cao cho thuốc trừ sâu và chất lượng không đồng đều.
Tất cả chúng ta đều coi trọng sức khỏe là yếu tố hàng đầu. Trong cuộc sống hàng ngày ai trong chúng ta đều phải ăn để có sức khỏe, để làm việc, để vui chơi và thư giãn. Khi chúng ta mua thức ăn ăn nhanh hoặc mua về nấu, ai nấy ít nhiều cũng đều có những quyết định mua những món hàng dựa trên những thông tin đã biết và dựa vào túi tiền của mình hiện đang có. Nếu bạn nắm được thông tin đầy đủ về những thứ mà bạn đang mua bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên bản chất bên trong không hẳn như vậy. Chưa chắc thức ăn hữu cơ (organic) là bảo đảm tuyệt đối an toàn, nhất là ở VN. Để sản xuất thực phẩm hữu cơ theo tôi biết là phải theo qui trình rất nghiêm ngặt và chi phí sản xuất rất cao. Chẳng hạn để sản xuất rau xanh hữu cơ ở xứ lạnh Bắc Mỹ cần nhà kính – nhà lưới, máy sưởi (mùa đông), đầu vào (thuốc sâu vi sinh, phân bón vi sinh, ..v…v..), nước sạch … do đó lương tâm của người hoặc công ty sản xuất là quan trọng. Bạn có tin tưởng họ theo đúng qui trình sản xuất không khi nếu bạn không nhìn thấy họ sản xuất như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và lợi nhuận luôn phải đặt lên hàng đầu của bất kỳ nhà sản xuất nào, trong khi đa số người tiêu dùng đều muốn hướng đến tiêu chí đầu tiên là giá cả và sau đó là chất lượng.
Cuối cùng, Theo tôi vấn đề không khải là thực phẩm bạn ăn hàng ngày mà là bạn ăn những thực phẩm này như thế nào để chúng có lợi cho sức khỏe của bạn. Chẳng hạn, cũng là thịt bò tôi sẽ chọn món bò nhúng giấm hay bò xào bà xã nấu thay vì món bò BBQ có tí cháy, mặc dù mùi bò nướng thơm và hấp dẫn hơn. Ăn đồ ăn tươi có khẩu phần rau kha khá hàng ngày vẫn tốt hơn nhiều với đồ ăn nhiều thịt trữ lạnh qua nhiều ngày. Ăn cá tốt hơn ăn thịt trắng (gà, vịt, gà tây … con 2 chân), ăn thịt trắng tốt hơn ăn thịt đỏ (bò, lợn … con 4 chân). Với đồ ăn nhanh thì nên trữ lạnh nếu chưa ăn, hoặc ăn ngay sau khi mua nếu không thức ăn sẽ bị nhiểm khuẩn và chúng sinh xôi nảy nở rất nhanh. Tôi thấy rằng nếu ăn hơi đói một tí (khoảng 80% dạ dày của bạn) cũng sẽ tốt hơn là ăn thật no, khi đó nếu ta lười vận động thì các chất bổ dưỡng sẽ không được hấp thu hết, và chúng sẽ trở thành chất độc gây béo phì, gút, cholesterol xấu trong máu cao … và sau đó các bệnh khác nó sẽ kéo đến khi bạn về già.
Nguyễn Thế Cường
NCS ngành Khoa học Cây trồng
ĐH Missouri-Columbia, Hoa Kỳ”