Sau khi hoàn thành xong năm cuối tại University College Maastricht -trường Liberal Arts hàng đầu tại Hà Lan, Ngô Di Lân – sẽ tới Mỹ học tiến sĩ tại Mỹ với học bổng toàn phần.
Ngô Di Lân đã tiết lộ bí quyết để giành được học bổng lên đến 45.000 USD/năm từ Đại học Brandeis, bang Massachussetts (Mỹ) trong cuộc trò chuyện với sinhvienusa?
Chào Ngô Di Lân, chúc mừng bạn đã giành được học bổng toàn phần học tiến sĩ tại Mỹ. Bạn đã chuẩn bị như thế nào để đạt được học bổng này?
Mình không có chìa khoá chắc chắn dẫn đến thành công nhưng mình cũng có một vài lời chia sẻ nho nhỏ cho các bạn muốn apply PhD thành công trong tương lai. Thứ nhất, bạn cần lên kế hoạch từ sớm, hãy dành cho bản thân ít nhất 5-6 tháng để có một bộ hồ sơ hoàn hảo. Bạn phải cần thời gian đủ nhiều để tìm hiểu về các trường và trau chuốt, hoàn thiện hồ sơ của mình.
Thứ hai, phải nghiên cứu thật kĩ đội ngũ giảng dạy tại trường vì nếu họ không quan tâm đến những vấn đề mà bạn quan tâm thì dù bạn giỏi họ cũng sẽ không nhận.
Thứ ba, hãy cố gắng giành điểm GRE cao nếu bạn muốn vào các trường top. Nếu bạn định apply ngành khoa học xã hội thì điểm verbal nói chung phải khoảng top 10% (khoảng 162/170 trở lên) và ngược lại, nếu bạn định apply ngành khoa học xã hội thì điểm quantitative cũng phải khoảng top 5-10% (164/170 trở lên).
Thứ tư, personal statement của bạn phải thật ấn tượng và phải nêu bật được mối quan tâm và các dự định nghiên cứu của bạn trong tương lai.
Thứ năm, hãy nhờ thầy cô có uy tín và dạy các môn liên quan đến ngành mà bạn apply để viết reference letter cho bạn.
Cuối cùng, mình chỉ apply 4 trường cho PhD ở Mỹ nhưng mình khuyên các bạn cũng nên “liều” như mình vì apply càng nhiều trường thì sẽ càng an toàn, tuy là sẽ tốn kém hơn. (cười)
Bạn nói đã apply đến 4 trường cho học bổng PhD? Bạn có thể chia sẽ thêm về các trường đó cũng như kết quả hiện giờ và quyết định lựa chọn của mình?
Mình mới được nhận offer MA từ ĐH Chicago và ĐH Sciences Po ở Pháp nhưng mình đã từ chối cả hai offer này. Hiện nay ĐH Georgetown và Oxford vẫn chưa trả lời mình nhưng khả năng cao là mình sẽ qua Brandeis vào tháng 8 này.
Mình được biết bạn gái Lân cũng đang học tập tại Mỹ? Có phải vì lý do đấy nên bạn từ chối học tại Pháp và quyết tâm qua Mỹ, cụ thể là vào tháng 8 tới đây hay không?
Ồ đương nhiên rồi! Nếu nói rằng việc bạn gái mình đang học ở Mỹ không có ảnh hưởng gì đến quyết định của mình thì là nói dối một cách trắng trợn. Đương nhiên mình vẫn muốn qua Mỹ làm bằng PhD từ lâu rồi nhưng phải khẳng định rằng bạn gái mình là một động lực rất lớn để mình cố gắng và quyết tâm apply thành công bằng mọi giá.
Hiện tại bạn đang theo học tại một trường ở Hà Lan? Vì sao bạn lại lựa chọn ngôi trường này để học tập?
Mình hiện là sinh viên năm cuối tại trường University College Maastricht, trường Liberal Arts số 1 tại Hà Lan trong vài năm gần đây. Trường tuy khá nhỏ nhưng offer nhiều môn học rất đa dạng đủ các ngành khác nhau từ chính trị đến kinh tế, luật, tâm lý, khoa học tự nhiên, v.v… Nói chung môi trường học thuật ở đây rất tự do và mọi người cũng rất cởi mở. Sau gần 3 năm học tập tại đây thì mình vẫn thấy đây là một lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng mình quyết định qua Hà Lan học một phần lớn bởi mình giành được học bổng toàn phần tại đây. (Cười)
Trước đây, bạn đã từng gửi một bức thư lên bộ giáo dục, bức thư này nói về vấn đề gì?
Năm ngoái cũng khoảng thời gian này mình có viết một bức thư với nội dung chủ yếu là kêu gọi tăng cường tư duy phản biện trong nhà trường tại Việt Nam. Nói chung mình nghĩ gì thì nói vậy thôi chứ cũng không có gì nhiều. Ở nước ngoài thì tư duy phản biện hay critical thinking là một khái niệm không còn mấy xa lạ nhưng ở Việt Nam thì nó còn tương đối mới mẻ và nhiều người vẫn còn chưa chấp nhận nó. Học sinh mà nói thầy giáo sai thì sẽ bị coi là “hỗn”, “khinh thường”, “trứng đòi khôn hơn vịt”, nhưng sự thật là thầy không thể luôn đúng mà trò cũng không thể luôn đúng. Muốn tiến lên phía trước thì chúng ta cùng phải thành tâm học hỏi lẫn nhau thôi. Cái mà mình muốn mọi người hiểu được đó là tư duy phản biện là vấn đề sống còn trong giáo dục và vì sao chúng ta sẽ không thể tiến về phía trước được nếu thiếu tư duy phản biện. Ngay trước mắt thì mình cũng muốn mọi người đọc bức thư của mình với một sự cảnh giác nhất định bởi tư duy phản biện phải được áp dụng triệt để ở mọi lúc mọi nơi! Đương nhiên bộ trưởng thì không có phản hồi gì nhưng mà đa số người đọc có vẻ hưởng ứng nên mình nghĩ mọi người cũng đón nhận thông điệp của mình khá tốt.
Mình được biết sau khi học xong bạn mong muốn sẽ trở về Việt Nam để làm cho Bộ Ngoại Giao?
Bố mình là cán bộ ngoại giao nên ngay từ nhỏ mình đã được tiếp xúc với môi trường ngoại giao và được nghe thời sự quốc tế gần như “24/7” rồi! Mình nghĩ đó là một trong những lý do quan trọng vì sao mình lại đam mê với lĩnh vực này đến như vậy. Hơn nữa từ trước đến giờ mình vẫn tin rằng vấn đề nào, dù ở cấp độ cá nhân hay tầm quốc gia đều có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán nếu cả hai bên đều có thiện chí, thế nên mình càng tin rằng ngoại giao là nghề dành cho mình. Còn tại sao về Việt Nam? Nếu mình có năng lực thật thì tại sao lại không về đóng góp cho nước mình? Rốt cuộc thì mình là người Việt Nam, gia đình, người thân mình là người Việt Nam, lòng trung thành của mình dành cho Việt Nam nên mong muốn đóng góp cho nước nhà là điều tự nhiên. Hơn nữa, ở nước ngoài họ có thừa người tài rồi nên đóng góp của mình cũng sẽ có ít giá trị hơn, mình tin rằng Việt Nam cần mình hơn nhiều.
Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện thú vị, chúc cho những dự định của bạn sớm trở thành hiện thực!
Các thành tích của Ngô Di Lân
- Học bổng Tiến sĩ toàn phần Đại học Brandeis 2015-2020
- Học bổng toàn phần Đại học College Maastricht 2012-2015
- Sáng lập – Chủ tịch của Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO)
- Tổng thư ký chương trình Mô phỏng họp Liên Hợp Quốc (VYMUN) 2014
- Đại sứ hội thảo “Harvard Project for Asian and International Relations” 2014
- Đại biểu giỏi ngoại giao nhất “Hanoi Model United Nations” 2013
- Đại biểu xuất sắc nhất “Model East Asia Summit” 2013
- Thí sinh xuất sắc nhất “Vietnam Youth Icon” 2013
- Giải 2 cuộc thi hùng biện “Novice Leiden Open” 2013
- Giải 3 cuộc thi hùng biện “IChallenged” 2013 – Hà Nội
Hạnh Nguyễn