Lần đầu đặt chân lên đất Mỹ chắc chắn du học sinh sẽ không khỏi bỡ ngỡ, choáng ngợp. Nơi đất lạ quê người, kinh nghiệm của người đi trước sẽ giúp các bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc…
Đến Mỹ, một trong những điều đầu tiên cần hoàn thành là… làm thẻ. Ngân hàng, xe buýt, đi chợ, đi học… tất cả đều cần thẻ và hầu hết đều miễn phí.
Đầu tiên cần đăng ký thẻ CMND (ID card). Thẻ này sẽ thay thế hộ chiếu của du học sinh trong suốt thời gian ở Mỹ. (Sau này thi đậu bằng lái xe, du học sinh sẽ được đổi thẻ mới vừa là bằng lái xe vừa là CMND). “Chỉ việc vào Google tìm địa chỉ của DMV (Department of Motor Vehicles). Đem theo hộ chiếu, I-20 đến để chụp hình, làm thẻ. Phí chỉ chừng vài chục USD. Bạn sẽ được cấp ngay một tờ giấy CMND tạm thời. Sau đó chừng một tuần thẻ mới sẽ được gửi đến tận địa chỉ bạn ở”, Nguyễn Thị Thanh Hương, ĐH Savannah Technical (TP.Savannah, bang Georgia), hướng dẫn.
Ở Mỹ, sử dụng thẻ tín dụng (credit card) phổ biến hơn tiền mặt, chưa kể, việc tích điểm từ việc sử dụng thẻ tín dụng rất quan trọng. Điểm cao, người sử dụng càng được mượn số tiền lớn. Vì thế, người dân Mỹ ai cũng phải có vài thẻ tín dụng. Đối với du học sinh, việc làm thẻ tín dụng khó khăn hơn dân bản xứ vì cần có số an sinh xã hội (social security number). Những bạn xin được việc làm trong trường đều được cấp số này. “Với những bạn khác, ngay tuần đầu tiên đến Mỹ hãy mở ngay một tài khoản ngân hàng (checking account) và để hết tiền mặt vào. Sau đó, đăng ký xin ngân hàng cho mở thẻ tín dụng an toàn (secured credit card) với hạn mức bằng hoặc lớn hơn một chút”, Angelina Nguyễn, Trường CĐ cộng đồng Edmond (bang Washington), chia sẻ.
Tăng Quốc Khoa, cựu sinh viên Trường ĐH Washington (TP.Seattle, bang Washington), chia sẻ: “Đừng quên làm thẻ sinh viên để được sử dụng các dịch vụ miễn phí trong trường như thư viện, căn tin; vào hiệu sách của trường để mua thẻ xe bus rẻ khoảng nửa giá vé”. Ngoài ra, một nhu cầu không kém quan trọng của du học sinh là gọi điện thoại về Việt Nam thăm gia đình, bạn bè. Cộng đồng người Việt sử dụng phổ biến nhất là điện thoại V247 (hay còn gọi là điện thoại ông Ngạn). Chiều từ Mỹ về Việt Nam giá cước chưa đến 10 cents/phút (khoảng 2.000 đồng).
Mua xe giá bèo
Trừ một số bang đất chật người đông như New York, Washington DC, Boston…, phương tiện di chuyển phổ biến là xe buýt, ở những bang khác, do đất quá rộng, hạ tầng đường sá tốt, xe lại rẻ nên việc sở hữu một chiếc xe ô tô cũng đơn giản như có một chiếc xe máy ở Việt Nam.
Thi bằng lái xe ở Mỹ không khó, tùy bang, nhưng hầu hết phần lý thuyết chỉ cần đúng 80% trở lên là đậu. Lệ phí thi chỉ 20 – 30 USD (Nếu rớt được thi lại đến… ba lần). Những bang đông người Việt như California có thể thi bằng tiếng Việt. “Du học sinh sắp sang nên tập lái xe trước ở Việt Nam, sang đây chỉ việc thi lý thuyết, tập làm quen đường một chút là lấy bằng lái”, Trần Văn Châu, ĐH California (TP.Irvine, bang California), chia sẻ.
Bên cạnh đó, xe mới ở Mỹ giá rẻ chưa đến một nửa so với ở Việt Nam. Xe cũ giá bằng… xe máy. Chỉ cần trên dưới 2.000 USD là có thể sắm một chiếc chạy tốt cho những năm học tại Mỹ. “Trước khi mua xe, nên lên trang www.craiglist.org hoặc vào Yahoo!, chỉ cần nhập số tiền mình có, hoặc đời, loại xe muốn mua để tra cứu thông tin về giá cả, kinh nghiệm để trả giá khi mua xe”, Châu nói thêm.
Theo báo Thanhnienonline.
Xem chi tiết tại đây.