Xinh đẹp, giỏi giang, lẽ ra Nguyễn Tô Lan có thể theo đuổi những ngành “thời thượng”, sống cuộc sống vương giả. Thế nhưng cô lại chọn hướng đi “không giống ai”: Nghiên cứu Hán Nôm và tuồng cổ.
Dường như niềm đam mê Hán Nôm và tuồng cổ đã trở thành một duyên nghiệp, một định mệnh với chị. Và rồi cũng nhờ đó chị thẳng bước đến ĐH danh tiếng Harvard với tư cách một học giả khách mời của Viện Harvard-Yenching.
Một nữ nhi mang tinh thần “nam nhi chí”
Trong bối cảnh rất ít sinh viên chọn theo ngành Hán Nôm, quyết định của Nguyễn Tô Lan được coi là một lựa chọn dũng cảm. Nói như GS Trần Ngọc Vương, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, chị là một nữ nhi mà lại có tinh thần “nam nhi chí”, dám “nộp mình cho tuồng”, theo đuổi tuồng trên một hành trình đầy chông gai.
Niềm yêu thích chữ Hán đến với chị một cách trong trẻo, hồn nhiên từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Chị kể lại, ngày ấy thầy giáo dạy toán năm lớp 10 chuyên văn của chị bỗng một ngày viết lên bảng tên các học sinh bằng chữ Hán. Đó là lần đầu tiên trong đời chị có khái niệm thế nào là chữ Hán, từ đó chị quan tâm đến chữ Hán nhiều hơn.
Cũng vì niềm yêu mến cổ học mà cô bé Lan quyết định vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn sử thay vì chọn môn văn. Và Lan đã đoạt giải nhất toàn quốc môn lịch sử năm 1999 với bài luận xuất sắc về chiến tranh nhân dân thời Trần. Được tuyển thẳng vào ĐH, Nguyễn Tô Lan quyết định chọn khoa văn để có cơ hội học nhiều về Hán Nôm, từ chỗ am hiểu Hán Nôm sẽ là điểm tựa vững chắc để nghiên cứu một loạt các ngành học khác như văn học, sử học hay triết học…
Năm 2003, chị chọn đề tài cho khóa luận tốt nghiệp là nghiên cứu về thư tịch Hán Nôm ở TP Huế, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS-TS Nguyễn Văn Thịnh. Bảo vệ xong khóa luận tốt nghiệp, chị được chuyển tiếp để học luôn chương trình cao học ngành Hán Nôm tại Trường KHXH&NV, phát triển tiếp hướng nghiên cứu thư tịch Hán Nôm. Cũng trong thời kỳ làm luận văn cao học, Nguyễn Tô Lan đặc biệt quan tâm tới những ghi chép về kho lưu trữ tuồng Huế dưới triều Nguyễn và những văn bản còn lưu giữ được ở TP này. Năm 2008, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS-TS Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan chính thức đăng ký đề tài luận án tiến sĩ với tên gọi “Nghiên cứu văn bản Quần phương tập khánh trong bối cảnh dòng văn quan phương thời Nguyễn” với tư cách là một chuyển tiếp sinh.
Vừa sinh nở, vừa nghiên cứu
Có thể nói ba năm làm luận án tiến sĩ là khoảng thời gian gian nan nhất trong đời chị. Chị vừa mang thai con gái đầu lòng, sinh nở, chăm sóc con rồi lại phải đi nghiên cứu ở Trung Quốc chín tháng để lấy thêm tư liệu, đối chiếu so sánh giữa tuồng Việt và kinh kịch của Trung Quốc. Dù được sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ học bổng châu Á (ASF) mà chị là Visitting Fellow nhưng trong thời gian đó, vì hoàn cảnh gia đình mà cứ ba tuần ở Trung Quốc thì hai tuần lại ở Việt Nam.
Khi mẹ về con bắt đầu ốm, con khỏe thì mẹ lại đi, cứ thế ròng rã bao ngày tháng. Có những lúc tưởng chừng mệt mỏi không vượt qua được, tụt huyết áp suýt ngất ở viện, may được cấp cứu kịp thời, truyền thuốc, truyền nước suốt một ngày, sớm hôm sau lại lên đường ra sân bay sang Quảng Châu. Chị nhớ lại, có những thời kỳ bên Trung Quốc phải hoạt động liên tục từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm và kéo dài chu kỳ đó hằng tuần. Vừa thuyết trình tại ĐH Trung Sơn xong đã phải đi điền dã ở vùng Nam Sa, rồi lại trở về ngôi nhà thường trú ở TP Nam Ninh. Sau trận đó, chị bị ốm 10 ngày không làm được gì. Có những thời điểm chưa quen với cái lạnh bên Trung Quốc, chị bị hạ đường huyết phải đi bệnh viện cấp cứu.
Rồi những ngày cặm cụi âm thầm ngồi làm việc một mình tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, quên hết cả thời gian, lúc ngẩng đầu lên mới biết đã 2 giờ chiều và nhớ ra rằng mình quên cả ăn trưa.
Đến ngày bảo vệ luận án chính thức, theo các thành viên trong hội đồng chấm luận án thì chưa bao giờ có một buổi bảo vệ của một nghiên cứu sinh ngành Hán Nôm có không khí hừng hực từ phút đầu đến phút cuối như vậy. Thường các buổi bảo vệ chỉ diễn ra trong khoảng ba tiếng và luôn kết thúc trước 12 giờ trưa. Nhưng với trường hợp của nghiên cứu sinh Nguyễn Tô Lan thì khi kim đồng hồ đã chỉ sang 13 giờ, buổi bảo vệ vẫn chưa thể dừng lại. GS Nguyễn Huệ Chi trình bày một bản phản biện dài tới chín trang, một mặt vừa khẳng định giá trị luận án và công sức của nghiên cứu sinh, bên cạnh đó là những trao đổi khoa học thẳng thắn và vô cùng hấp dẫn khiến cử tọa hào hứng lắng nghe từ đầu tới cuối.
Đường đến Harvard
Không biết được Nguyễn Tô Lan đã bao nhiêu lần rơi nước mắt trên hành trình khoa học đó, duy có hai lần chị để cho người ngoài nhìn thấy những giọt nước mắt rơi trên luận án tiến sĩ của mình. Lần đầu tiên là vào giây phút kết thúc buổi bảo vệ, nghiên cứu sinh được nói lời sau hết cảm ơn mọi người. Tất cả cảm xúc tích tụ của nhiều tháng năm ùa về, cùng với mất mát đột ngột ngay trước ngày bảo vệ (người anh họ thân thiết của chị đã qua đời ngay đêm trước đó khi tuổi đời còn rất trẻ), nỗi ân hận vì chị cho rằng mình đã lấy đi nhiều thời gian của người thân, tập trung vào luận án mà không chăm lo được nhiều cho gia đình như mình mong muốn đã làm một trái tim cứng rắn, một “nam nhi chí” trong chị không cầm được nước mắt. Và chính chị trong lễ nhận bằng tiến sĩ chính thức, đại diện cho mấy chục tiến sĩ được trao bằng hôm đó, một lần nữa làm cả khán phòng phải lặng đi, làm bao giọt nước mắt rơi xuống bởi bài diễn văn của mình, khi chị nói về người bạn gắn bó với chị bao năm tháng, cùng bảo vệ tiến sĩ một đợt với nhau, lẽ ra cũng sẽ có mặt trong lễ trao bằng hôm nay nhưng giờ đã làm người thiên cổ do tai nạn giao thông. Lúc này, trong chị không có “chút cảm xúc gì về thành công theo quan niệm của người đời” mà chỉ còn duy nhất một điều là hồi ức về người bạn của chị – Nguyễn Thị Hường, nên chị viết bài diễn văn này cho chị và cũng cho chính người bạn đã khuất của mình.
Với luận án được công nhận ở mức độ xuất sắc, Nguyễn Tô Lan nộp hồ sơ ứng tuyển cho học bổng học giả Visiting Scholar của Viện Harvard-Yenching. Vậy là chỉ hai tháng sau khi nhận bằng tiến sĩ, chị tiếp tục ngay một hành trình 10 tháng để phát triển nghiên cứu tại môi trường học thuật lý tưởng là ĐH Harvard. Với khả năng diễn thuyết, với mong muốn nâng cao trình độ và tăng cường giao lưu học thuật, Nguyễn Tô Lan đã trình bày những nghiên cứu của chị tại nhiều trường ĐH nổi tiếng trên đất Mỹ như ĐH Yale, ĐH Temple, Viện Harvard-Yenching và tham gia nhiều hội thảo khoa học tại Mỹ. Rời Harvard, chị tiếp tục nhận lời mời của ĐH Kyoto (Nhật Bản) với tư cách một học giả khách mời. Trong thời gian vỏn vẹn một tháng ở Nhật Bản, chị đã tận dụng mọi cơ hội để có thể trình bày các nghiên cứu của mình tại một loạt trường ĐH như Kyoto, Kanazawa, Kanagawa…
Sử dụng tốt cả hai ngoại ngữ là Anh và Trung, Nguyễn Tô Lan luôn trăn trở, đau đáu với những nỗi niềm về thư tịch cổ Việt Nam. Chị phát hiện ra rất nhiều thư tịch Hán Nôm của Việt Nam còn đang lưu lạc ở đất khách quê người, nằm trong những tàng thư của Pháp, Ý, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc mà chị mong mỏi một ngày sẽ “châu về hợp phố”.
Từ một xuất phát điểm là nghiên cứu các thư tịch cổ, trong đó đặc biệt đi sâu vào văn bản tuồng qua tác phẩm Quần phương tập khánh, Nguyễn Tô Lan tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu của mình sang các vấn đề giao lưu và biến đổi văn hóa giữa các quốc gia Đông Á thông qua tuồng cổ và các hoạt động biểu diễn tuồng trong lịch sử cho tới ngày nay. Dự định của chị trong một ngày không xa sẽ có đủ tư liệu để từ đó phác họa một cách sơ thảo về lịch sử nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Theo pháp luật TTP
Xem bài gốc tại đây