Hoàng Khánh Hòa
GMO và an ninh lương thực
An ninh lương thực là một trong những vấn đề lớn của các quốc gia nghèo và đông dân. Các công ty Công nghệ sinh học (CNSH) không ngừng quảng bá rằng cây trồng biến đổi gen là giải pháp cho cuộc chiến chống đói nghèo khi mà dân số thế giới sẽ ở mức 9 tỉ người vào năm 2050.
Giống ngô GMO vừa được cấp phép trồng đại trà tại Việt Nam. |
Trên thực tế nông nghiệp thế giới đáp ứng đủ, thậm chí là thừa, nhu cầu tiêu dùng hiện tại. Báo cáo của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) ước tính trung bình mỗi người trên thế giới tiêu thụ 2,940 calorie từ thực phẩm mỗi ngày trong năm 2015, tức là vượt mức tiêu chuẩn 2,000 calorie cho một người bình thường.
Tuy vậy, nạn đói và suy dinh dưỡng vẫn là một cuộc chiến chưa có hồi kết thúc ở nhiều quốc gia mà nguyên nhân chính là do nghèo và mức độ phân phối không đồng đều – thực phẩm không đến được tới tay người cần chúng trong khi lại bị lãng phí ở những nơi khác, nhất là ở các nước giàu hay các gia đình có thu nhập cao. Một trong những giải pháp giải quyết bài toán này đó là tăng khả năng quản lý của nhà nước, tăng tính hiệu quả của chuỗi phân phối lương thực và các chương trình phúc lợi-dân sinh.
Gia tăng sản lượng cũng là một giải pháp hữu hiệu do các biện pháp trên đôi khi khó đạt được hơn, nhất là ở các quốc gia có nền chính trị phức tạp, nhiều tham nhũng và các chương trình phúc lợi không có hoặc không hiệu quả.
Tuy vậy GMO không phải là giải pháp để gia tăng sản lượng nếu so với cây trồng thông thường. Kinh nghiệm không chỉ ở Mỹ mà các nước khác đã cho thấy sản lượng khi trồng cây biến đổi gen nhìn chung chỉ tăng trong thời gian đầu và sau đó chững lại, trong khi các chi phí về thuốc trừ sâu-diệt cỏ lại tăng cao.
Báo cáo tổng hợp về Kiến thức, Khoa học và Kĩ thuật cho Phát triển Nông nghiệp (IAASTD) do UNDP, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức uy tín đã nhận định, để đảm bảo an ninh lương thực một cách bền vững cần rất nhiều các cách tiếp cận khác nhau, trong đó lưu ý việc gia tăng sản lượng có thể giúp cải thiện an ninh lương thực nhưng cần phải tính đến nhiều yếu tố khác như là khả năng tiếp cận (người nông dân tự sản xuất hay phải đi mua, nếu đi mua thì có tiền hay không, có thể tiếp cận thị trường dễ dàng không?), điều kiện sinh hoạt (liệu người nông dân có nước sạch để uống và có thông tin đầy đủ về dinh dưỡng hay không). Các kiến thức về nông học và kĩ thuật canh tác tốt và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương cũng là một trong những yếu tố mấu chốt để phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Với các đặc tính nông nghiệp Việt Nam hiện nay như là canh tác ở quy mô nhỏ, chưa cơ giới hóa nhiều, thiếu các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước… thì việc đưa cây trồng biến đổi gen vào chuỗi cung ứng gây ra một số rủi ro dễ nhận thấy đó là:
Mất tự chủ trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty cung cấp nước ngoài về cả giống lẫn thuốc trừ sâu – hai đầu vào quan trọng và tốn kém nhất. Đây là một cái vòng luẩn quẩn về lâu về dài và gây nguy hiểm đối với dòng tiền (nợ) của nông dân, nhất là trong điều kiện chúng ta còn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ thu nhập hay bảo hiểm mùa màng mạnh như ở Mỹ. Một vụ mùa thất thu có thể khiến nhà nông rơi vào cảnh nợ nần mất việc do không trả được nợ cũ và cũng không có tiền mua giống mới. Do độc quyền phân phối giống và thuốc trừ sâu, các công ty cũng có thể dễ dàng tăng giá bán khi thuận lợi và chính phủ cũng rất khó để quản lý giá.
Mất lợi thế xuất khẩu nông sản giá trị cao. Một số ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi đang phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, khoảng 3 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm. Do đó phát triển trồng ngô biến đổi gen sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong cung ứng và hạn chế nhập khẩu. Tuy vậy khi Việt Nam bắt đầu trồng đại trà GMO và tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm, có thể thấy ngay lập tức sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu sang các thị trường lớn nhưng khó tính như châu Âu hay Nhật Bản- vốn có các quy định khắt khe ngay từ nguyên liệu đầu vào.
Khi đó ngay cả việc xuất khẩu những sản phẩm không biến đổi gen như lúa gạo cũng bị ảnh hưởng do danh tiếng “nhà sản xuất không biến đổi gen” đã bị mất trên thương trường quốc tế. Đấy là chưa nói tới bài toán kinh tế – để giảm được 1 tỉ đô-la nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, chúng ta sẽ mất bao tiêu ngoại tệ để nhập khẩu hạt giống và thuốc trừ sâu? Liệu giá ngô của chúng ta có cạnh tranh được với ngô Mỹ vốn đã rẻ do được chính phủ mạnh tay trợ giá?
Ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học trong nông nghiệp. Diện tích trồng cây biến đổi gen tăng lên đồng nghĩa với việc các công ty bán hạt giống ngày càng nắm thị phần phân phối giống và nếu diện tích trồng cây biến đổi gen chiếm ưu thế thì các giống thông thường sẽ có nguy cơ ngày càng biến mất. Các nông dân Mỹ đã gặp phải vấn đề này. Họ gặp khó khăn khi muốn quay trở lại trồng cây giống thông thường do các giống này ngày càng trở nên khó kiếm hơn.
Lai tạp giống. Do chi phí cho cây trồng biến đổi gen cao hơn so với giống thông thường nên cây biến đổi gen sẽ hiệu quả khi trồng với quy mô lớn (như các trang trại ở Mỹ có diện tích hàng nghìn hecta). Việc trồng cây biến đổi gen ở quy mô nhỏ lại lẫn với các ruộng trồng cây thông thường sẽ dẫn tới việc lai tạp giống và ảnh hưởng tới chất lượng giống cây thông thường. Việt Nam cũng chưa có một bộ luật hoặc hướng dẫn hoàn chỉnh để bảo vệ nông dân trong nước đối chọi lại các công ty mạnh như Monsanto trong các vụ kiện tụng về lây nhiễm chéo qua thụ phấn mở nếu xảy ra. Đây là kinh nghiệm không chỉ ở Mỹ mà Argentina và một số nước đã gặp phải. Để tránh lai tạp giống thường các công ty cung cấp giống yêu cầu nông dân phải trồng cách xa các ruộng trồng cây thông thường một khoảng cách nhất định (50 mét). Liệu điều này có hợp lý khi trong điều kiện đất đai chật chội và một thửa ruộng trung bình chỉ có 1 đến vài hecta như ở Việt Nam?
Phát triển trồng cây biến đổi gen cũng có nghĩa là nền nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên độc canh và phụ thuộc vào dầu mỏ – một nguồn năng lượng không thể tái tạo. Giá cả sản xuất giống và thuốc trừ sâu chắc chắn sẽ phụ thuộc vào giá dầu và ai sẽ là người đứng ra đảm bảo thu nhập cho nông dân trong một thị trường đầy biến động như vậy?
Bài học nào cho người tiêu dùng Việt Nam?
Ngô GMO được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam. |
GMO đang là một cơn bão khó tránh khỏi đối với chính phủ nhiều nước vì dù muốn hay không. Thế mạnh tài chính từ các công ty CNSH cộng với hậu thuẫn từ chính phủ Mỹ sẽ khiến chính phủ một số nước khó lòng từ chối việc cấp phép trồng cây biến đổi gen. Vấn đề chỉ là chúng ta sẽ phát triển GMO ở mức độ nào mà thôi.
Một điều chắc chắn đó là nhiều người tiêu dùng thế giới đang hoài nghi về GMO và xu hướng mạnh mẽ hiện nay là ủng hộ các sản phẩm xanh và canh tác hữu cơ, các sản phẩm cung cấp bởi các trang trại nhỏ thay vì các đại trang trại công nghiệp. Nền nông nghiệp của chúng ta có rất nhiều tiềm năng để nắm bắt xu hướng này nếu như chúng ta thực sự đầu tư và nâng cao quản lý quy trình nuôi trồng-sản xuất thực phẩm.
Sau 20 năm, người tiêu dùng Mỹ đã nhận ra một bài học khá cay đắng – họ trở thành chú chuột bạch cho các công ty thử nghiệm GMO. Rất nhiều các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường và người tiêu dùng Mỹ đang đấu tranh để chính phủ Mỹ quản lý chặt hơn vấn đề GMO – từ việc dán nhãn cho đến thừa nhận sai sót trong quá trình quản lý an toàn thực phẩm.
Có hai điều có thể rút ra cho người tiêu dùng Việt Nam. Thứ nhất là chúng ta không nên dựa dẫm hoàn toàn vào chính phủ trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Một chính quyền vốn quản lý chặt chẽ như Mỹ mà còn mắc sai phạm trong một vấn đề nhạy cảm như GMO thì chắc chắn là chính phủ các nước khác còn gặp nhiều vấn đề hơn nữa. Pháp luật nào cũng đều có lỗ hổng, cho nên kể cả khi GMO phải dán nhãn ở Việt Nam thì cũng sẽ có rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc GMO sẽ lọt lưới.
Thứ hai, chính người tiêu dùng, chứ không phải các tổ chức đấu tranh, hay chính phủ, sẽ là người có tiếng nói quyết định thứ thực phẩm nào sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Kinh nghiệm của McDonald ở Mỹ hay nước mắm Chinsu ở Việt Nam là những ví dụ điển hình. Một khi người tiêu dùng quay lưng thì dù sản phẩm có được quảng cáo hay hậu thuẫn mạnh đến đâu đi nữa thì cũng khó lòng mà tồn tại. Áp lực từ phía người tiêu dùng sẽ làm thay đổi toàn bộ chuỗi giá trị – từ các siêu thị, người bán lẻ, cho đến các công ty sản xuất thực phẩm, người nông dân và cuối cùng là công ty cung cấp giống (nếu là GMO). Họ buộc phải thay đổi nếu không muốn bị loại bỏ khỏi thị trường.
Một yếu tố quan trọng để làm được điều này đó là chúng ta phải tự giáo dục mình để trở thành một người tiêu dùng thông thái – làm sao để lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho mình, gia đình và xã hội khi tính đến các hạn chế về thu nhập, thời gian, khẩu vị… Khi bạn lựa chọn một sản phẩm nào đó là gián tiếp bạn đã ủng hộ những người sản xuất ra nó, vậy hãy mua hàng với sự nhận biết sâu sắc về lựa chọn của mình. Liệu bạn có biết sản phẩm được sản xuất ra như thế nào? Nếu bạn muốn ủng hộ người nông dân, vậy đây có phải là sản phẩm giúp người nông dân có được thu nhập cao hơn so với các sản phẩm khác cùng loại? Liệu công ty sản xuất ra sản phẩm này có đối xử tốt với người lao động và môi trường xung quanh? Nếu tôi không hài lòng với các sản phẩm bán ở chợ hay siêu thị thì tôi có thể tìm được ở đâu khác các sản phẩm tốt hơn? Các câu hỏi này không có gì mới với người tiêu dùng Việt Nam – vốn đang phải sống cùng với các vụ scandal về an toàn thực phẩm hàng ngày.
Chúng ta cũng không vì sự hoài nghi về GMO mà từ chối phát triển CNSH. Tuy vậy, theo như báo cáo Kiến thức, Khoa học và Kĩ thuật cho Phát triển Nông nghiệp, các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã nhận định rằng đầu tư cho nghiên cứu CNSH cần phải gắn với các nhu cầu cụ thể và nằm trong một chương trình phát triển tổng thể, với quy trình minh bạch và có sự tham gia của nhiều tổ chức. Các công ty CNSH, vốn lấy lợi nhuận làm đầu, sẽ dễ dàng sử dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với các giống biến đổi gen như là một công cụ để kiểm soát chuỗi cung ứng. Do đó nhà nước chứ không phải các công ty CNSH nên nắm vai trò chính trong quá trình phát triển các sản phẩm CNSH có lợi cho người nông dân và phù hợp với điều kiện của địa phương.
Theo Vietnamnet
Xem bài gốc tại đây