Nữ thạc sĩ trẻ Nguyễn Trang đặt chân đến Mỹ với hai bàn tay trắng, bắt đầu từ những công việc không lương. Hiện tại, kho thành tích học tập và kinh nghiệm làm việc tại Mỹ của Trang đã trở thành niềm khao khát của nhiều tân du học sinh.
Những năm cấp 2 và cấp 3 Trang theo chuyên ngành hóa học, và đạt nhiều giải Nhất thành phố Cần Thơ năm cấp 2 về lĩnh vực này, rồi theo học trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng với ngành hóa. Tuy nhiên, sau 3 năm cấp 3, Trang quyết định theo lĩnh vực Kinh tế, và con đường rẻ hướng từ đây.
Sau 1 năm học đại học ở Việt Nam, Trang đi du học tại Mỹ theo con đường đại học cộng đồng tại trường Bunker Hill Community College. Học phí trường rất thấp (khoảng $10,000 một năm), và sau 2 năm Trang được học bổng bán toàn phần theo ngành tài chính và kế toán tại trường Suffolk University, rồi học bổng toàn phần Thạc sĩ tại trường.
Những năm học tại trường đại học Suffolk University, Mỹ, Trang đã tốt nghiệp với số điểm trung bình cao nhất trường, và được các giải thưởng “Highest Senior Scholastic Honors”, “Outstanding Academic Achievement Award for the Highest GPA Student”.
Một niềm vinh dự hiếm sinh viên Việt Nam nào tại Mỹ có được đó là Trang được đề cử vào danh sách “Ten under Ten Award” của trường Suffolk, danh sách ghi nhận 10 sinh viên tốt nghiệp trong 10 năm qua có nhiều cống hiến đặc biệt cho cộng đồng và nhà trường.
Ngoài các thành tích học tập, Trang còn đi làm thêm để trao dồi kinh nghiệm và chi trả cho các sinh hoạt phí tại Boston. Từ việc trợ giảng tại trường, đến việc làm kế toán cho công ty, và phân tích tài liệu tại tập đoàn bảo hiểm hang đầu Boston. Những công việc này Trang tìm được, không chỉ vì thành tích học tập, mà vì phần lớn nhờ những kinh nghiệm thực tập không lương mà Trang đã làm trước đó.
Khi chưa có kinh nghiệm gì trong tay, Trang sẵn sàng đi làm miễn phí việc phân tích tài chính cho tổ chức Planned Parenthood, nhờ đó đã đưa Trang đến công việc được trả tiền sau này tại công ty Clinivation, một công ty về công nghệ sinh học.
Sau này, để vào được mảng tài chính, Trang lại bắt đầu bằng thực tập không lương tại Merrill Lynch, và cuối cùng được vào làm tại John Hancock sau đó. Có những chỗ làm mà Trang từng bỏ cả 4 tiếng đi lại mỗi ngày và có những chỗ mà cô ở lại đến tận tối.
Trang chia sẻ: “Đối với mình, để tạo điểm khác biệt giữa các bạn sinh viên rất giỏi đến từ khắp nơi, ngoài nỗ lực học tập, hoạt động cộng đồng, mình còn cố gắng làm những việc nhỏ để xây dựng hồ sơ xin việc tốt. Như là “bỏ con tép để bắt con tôm”, chịu khó ngày nay để cho kết quả tốt sau này.
Chính vì thế, mình hay có lời khuyên dành cho các bạn sinh viên mới đến du học, không từ bỏ bất kì cơ hội nào, dù vất vả, dù không lương, vì một ngày nào đó, những nỗ lực đó sẽ được đền đáp. Và những việc bạn làm, có thể sẽ không có kết quả ngay, nhưng một ngày nào đó, kết quả sẽ có”.
Với những kinh nghiệm từ các hoạt động xã hội khác, Trang tham gia vào Hội TNSV Boston, sau đó được các anh chị tin tưởng giao cho trọng trách là phó chủ tịch Hội, và chính thức trở thành đồng chủ tịch Hội từ tháng 4 năm 2014. Đối với cô , Hội TNSV Boston là “mái nhà thứ hai,” nơi mang lại niềm vui và gắn kết những tình bạn mới cho mình tại Mỹ.
Trang cho biết: “Mình rất thích câu nói, “Con người không nhìn về tương lai và kết nối những điểm của cuộc đời. Họ nhìn lại sau khi đã đi qua những chặng đường, và các điểm trong cuộc đời tự dung sẽ kết nối lại.” Đây là câu mình hay dùng để tự cổ vũ bản thân, mỗi khi đi một chặng đường mới mà chưa thấy kết quả ngay.
Mình quyết định về Việt Nam sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, và theo đuổi lĩnh vực lập nghiệp. Mình có 3 niềm đam mê mà mình muốn cống hiến cho Việt Nam, đó là lĩnh vực giáo dục, du lịch, và nông nghiệp. Sau khi về nước, mình sẽ theo đuổi các dự án khác nhau theo mỗi chặng đường cho mỗi lĩnh vực.
Chặng đường mới này cũng sẽ rất gian nan, nhưng mình tin rằng, những trải nghiệm tại Mỹ sẽ giúp mình đi đến cùng những ước mơ này, để kết nối những điểm của cuộc đời lại thành một chặng đường như mong muốn”.
Theo Trang, mỗi người chọn cho mình một cách sống mà với bản thân họ là phù hợp nhất. Có thể nhiều người không thích cách thể hiện khác nhau của một vài cá nhân đặc biệt, nhưng với cô, chỉ cần tự bản thân cảm thấy vui, thì cuộc sống sẽ được hoàn thiện hơn, và đó là con đường nên đi cho mỗi người.
Trang tâm sự: “Mình thích giao tiếp rộng bên ngoài, đồng thời lại lo cho các công việc gia đình, và mình thích vẫn tiếp tục như vậy. Mình đam mê nấu nướng, từ các món Việt đến các món Tây, và hay tự tìm tòi để làm các món mới. Mình lại thích trang trí và sắp xếp nhà cửa, và chỉnh chu cho các nội thất bên trong.
Đồng thời, mình lại năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, và tự tin trong các bài thuyết trình trước công chúng. Đó là cách mình chọn cho cuộc sống luôn đi tới và vui vẻ, và mình nghĩ mỗi bạn sẽ có công thức riêng cho bản thân”.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây