Ám ảnh về những gì mình và quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, Paul George Harding, lính dù thuộc Lữ đoàn không quân 173, tham chiến tại chiến trường Bình Định – Lâm Đồng, trở lại Việt Nam dạy tiếng Anh miễn phí.
14h chiều ngày giữa tuần, lớp học tiếng Anh miễn phí do cựu binh người Mỹ Paul George Harding (68 tuổi, bang South Dakota) giảng dạy bắt đầu. Trong phòng họp nhỏ của tổ dân phố số 9 phường Trung Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội), hơn 20 học viên gồm đủ thành phần chăm chú học phát âm. Hôm nay lớp có thêm nữ giáo viên về hưu Hương Hoa Hiên (phường Trung Hoà), mấy nữ sinh nhà ở tận Đại La, Đông Các… nghe tiếng về lớp học, lần đầu tìm đến tham dự.
Liên tục đi lại từng bàn xem bài vở cho học viên, thi thoảng thầy Paul lại phát âm thật lớn câu gì đó hoặc làm trò để mọi người cười vang. “Mỗi buổi học 2 tiếng, tôi tính được mình đi bộ khoảng 4 km. Như thế là đỡ phải tập thể dục nữa nhỉ”, ông nói và cho hay hôm nào dạy xong cũng mệt lử, nhưng rất vui.
Chia sẻ về lý do đến Việt Nam, Paul trầm giọng cho biết ông quyết định xa gia đình, một mình đến Việt Nam dạy tiếng Anh miễn phí hòng mong bù đắp một phần tội lỗi mà ông và quân đội Mỹ đã gây ra cho đất nước này. Năm 1969, Paul trở thành lính dù của Lữ đoàn không quân 173 và tham chiến ở chiến trường Bình Định – Lâm Đồng.
“Tôi rất thất vọng về quyết định của mình khi tham chiến ở Việt Nam. Lúc đó tôi còn quá trẻ, mới 19 tuổi và tin theo chính phủ Mỹ. Sang Việt Nam, tôi nhận ra quyết định của mình là sai lầm… Những ký ức chiến tranh ám ảnh suốt cuộc đời tôi, phá hủy sự bình yên trong sâu thẳm trái tim tôi. Tôi thấy có lỗi với những gì đã làm ở Việt Nam và muốn quay lại như một sự chuộc tội”, cựu binh Mỹ cúi mặt cho biết và liên tục nói “xin lỗi”.
Paul kể, ám ảnh nhất cuộc đời ông là hình ảnh người lính miền Bắc bị tra khảo dã man và phản ứng của một bé gái khi chứng kiến người thân bị lính Mỹ bắn đến không thể nhận dạng được. “Khi đã là một người cha, tôi càng day dứt hơn với hình ảnh bé gái ngồi bên người đàn ông bị bắn chết. Ở cương vị cha mẹ, tôi và chắc chắn bất cứ ai đều không muốn con mình phải chứng kiến cảnh tượng này”, Paul nói.
Ý định trở lại Việt Nam làm điều gì đó để chuộc lỗi đã đau đáu trong Paul từ rất lâu. Vợ cũ và 4 người con đã trưởng thành ủng hộ quyết định ấy vì hiểu rõ nỗi ám ảnh trong ông cũng như những gì chính phủ Mỹ đã gây ra cho Việt Nam trong chiến tranh. Sau khi nghỉ quản lý một công ty riêng, tháng 12/2014, Paul George Harding lần đầu tiên đáp chuyến bay trở lại mảnh đất hình chữ S.
Qua tìm hiểu, Paul nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh của người Việt rất lớn nhưng chi phí cho một khoá học với người nước ngoài lại cao. Cựu binh Mỹ nảy ra ý tưởng, dạy ngoại ngữ miễn phí.
Bất cứ ai, ở độ tuổi, trình độ nào cũng có thể tham gia lớp học của Paul. Tại đây ông chủ yếu rèn kỹ năng nghe nói, phát âm tiếng Anh cho mọi người. Paul không ngần ngại lặp đi lặp lại một bài giảng cho cả tuần để “đến khi nào tất cả mọi người trong lớp phát âm chuẩn thì mới chuyển sang bài mới”, cựu binh Mỹ cười giải thích. Vì không biết tiếng Việt, Paul được trợ lý Nguyễn Thị Huyền (cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân) và một số sinh viên tình nguyện Việt Nam hỗ trợ giảng dạy.
Bài giảng của Paul xoay quanh nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhưng phần lớn liên quan đến lịch sử Việt Nam. Ông chia sẻ rất thích đề tài này và đã có nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi về sử Việt, nhất là giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Paul cũng đặc biệt yêu thích, hay sưu tầm sách về các anh hùng dân tộc Việt như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thuỳ Trâm… Ông sử dụng tư liệu mình đã đọc được này, kết hợp với việc lên Thư viện quốc gia Việt Nam thu thập thêm thông tin để soạn giáo án.
Paul kỳ vọng, việc dạy tiếng Anh bằng lịch sử sẽ giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của những yếu tố lịch sử và đương thời, gìn giữ ký ức về những anh hùng cách mạng đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của nước nhà.
Lớp học ngoại ngữ của cựu binh Mỹ nhận được sự hưởng ứng của người dân địa phương. Cho cháu theo học thầy Paul, ông Nguyễn Văn Nam (60 tuổi, phường Trung Hoà) cho rằng chiến tranh đã lùi xa, những người lính Mỹ quay lại chuộc lỗi đều đáng trân trọng. Các học viên Phạm Bá Nghĩa (sinh viên năm 3 Đại học Bách khoa Hà Nội), Trần Thị Ngọc Ánh (40 tuổi, Phố Huế, Hà Nội) cùng nhiều người khác, dành nhiều lời khen cho người thầy Mỹ. Sau 3 tháng học, Nghĩa thấy khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình được cải thiện rõ rệt.
Tiếng lành đồn xa, từ lúc khởi đầu với 4 học viên, đến nay lớp học của cựu binh Mỹ đã thu hút trên 400 người, với đủ lứa tuổi từ trẻ em, sinh viên, người đi làm, bậc hưu trí… theo học. Paul cho biết cảm thấy rất hạnh phúc khi được cộng đồng người Việt đón nhận.
“Tôi chưa có ý định quay lại Mỹ, sống ở đây rất thoải mái. Được giúp mọi người, tôi như bớt được gánh nặng đè trĩu suốt bao năm qua”, Paul chia sẻ và khoe đã có thể nói “xin chào”, “cảm ơn”, “đắt quá”… với mọi người xung quanh. Ông hy vọng sẽ phát triển thêm mô hình lớp học tiếng Anh miễn phí để giúp được nhiều người Việt Nam hơn.
Theo Vnexpress
Xem bài gốc tại đây