1. Cải thiện khả năng tiếng Anh
Học trong lớp với thầy cô bạn bè, được dạy kèm, xem phim, video, hay nghe radio… là những phương pháp học tiếng Anh thường được học sinh áp dụng. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số người, các phương pháp này vẫn thiếu tính tương tác trực tiếp – một đặc tính rất cần thiết khi học ngôn ngữ.
Krista Tacey, giám đốc phòng công tác sinh viên quốc tế tại Đại học A&M Texas đánh giá: “Qua nhiều năm công tác, tôi thấy các sinh viên đã được hòa nhập vào môi trường nói tiếng Anh với người bản ngữ có tiến bộ hơn rất nhiều so với chỉ việc học tiếng Anh trong lớp”.
Một trong những nguyên nhân chính để Judy Cao, một sinh viên Trung Quốc, chọn học phổ thông ở California là để cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh. “Khi du học Mỹ, chúng tôi được các trường yêu cầu về khả năng nghe và nói cao hơn nhiều so với khi học trong các giáo trình ở Trung Quốc”.
Việc đưa bản thân vào môi trường bản ngữ để rèn luyện tiếng Anh sẽ dần dần giúp xóa đi nỗi sợ hãi: hoặc bị tách biệt, hoặc phải cố gắng nói và vượt qua sự ngại ngùng lo lắng về lỗi sai. Vốn tiếng Anh “đời sống” cũng sẽ được tăng đáng kể với những thành ngữ, lối nói hoặc thậm chí tiếng lóng, mà học sinh hiếm khi được học trong sách vở. Hơn nữa, học sinh cũng làm quen với sự đa dạng và sinh động từ cách phát âm, âm điệu, giọng và ngôn ngữ cơ thể của từng đối tượng giao tiếp trong xã hội. Từ đó, việc giao tiếp trong xã hội sẽ được tự nhiên và cởi mở và dễ thông hiểu hơn.
Judy cũng lưu ý rằng việc đào luyện tiếng Anh khi học phổ thông không dễ hơn ở cao đẳng, đại học, nhưng đó là một quãng thời gian trải nghiệm ban đầu để cải thiện được nhanh và vững hơn. “Ai dậy sớm hơn sẽ đi được quãng đường dài hơn”.
2. Định hướng trước khi lên cao đẳng/ đại học
Quy trình đăng ký học vào các trường cao đẳng, đại học ở Mỹ khá lâu và phức tạp: ôn luyện và thi các kỳ thi chuẩn hóa, tìm trường, tìm ngành, viết bài luận, xin thư giới thiệu… Do khác biệt trong hệ thống giáo dục của từng nước, thuật ngữ được các trường đại học Mỹ sử dụng là một thách thức đáng kể với sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, đối với các du học sinh từ bậc phổ thông ở Mỹ thì sẽ quen thuộc và dễ quản lý kế hoạch đăng kí học của mình nhiều hơn.
Huijia Phua, một du cựu sinh viên Singapore đã học Đại học Yale, lấy ví dụ “Cũng với thuật ngữ FAFSA (Free Application for Federal Student Aid – Đơn xin Trợ cấp Liên bang cho Sinh viên), nhưng các học sinh ở nước ngoài sẽ gặp khó khăn hơn để biết đến nó và hiểu rõ đường đi nước bước cho kế hoạch tìm nguồn hỗ trợ tài chính so với các bạn đã học ở Mỹ”.
Một số thuật ngữ khác cũng là lợi thế của những học sinh đã làm quen với môi trường giáo dục và quy định từ khi còn học phổ thông ở Mỹ để có sự chuẩn bị tốt hơn, như “early decision” cho phép học sinh đăng kí sớm hơn vào các trường được chọn ưu tiên hàng đầu, nhận kết quả sớm hơn, và nếu được nhận vào học phải rút đơn đăng kí các trường khác; “rolling admission” tuyển sinh dựa theo các hồ sơ đăng ký hợp lệ được nộp cho đến khi đã đủ chỉ tiêu, chứ không dựa trên một hạn chót nộp hồ sơ nào; hay “minor” là một số môn phụ, lĩnh vực học hoàn toàn không liên quan đến chuyên ngành lớn – major – mà sinh viên tự chọn học để biết thêm.
Tacey của trường Đại học A&M Texas cũng lưu ý rằng quá trình xét đơn của học sinh cũng sẽ đơn giản hơn nếu học sinh đó đã học ở một trường trung học tại Mỹ, đặc biệt là trường công lập. “Việc xét yêu cầu đầu vào sẽ có sự khác biệt rất rõ khi hội đồng tuyển sinh nhìn vào bảng điểm của một du học sinh học phổ thông tại Dallas so với bảng điểm từ một trường ở Bắc Kinh”.
3. Sẵn sàng để học ở cao đẳng/ đại học
Melissa Cassel, trưởng hội sinh viên của trường Nghệ thuật Walnut Hill tại bang Massachusetts, nhận xét: “Khi học tại một trường trung học ở Mỹ, các du học sinh không chỉ am hiểu và thông thạo hơn về ngôn ngữ Anh, mà còn được làm quen với phong cách, phương pháp dạy và học ở Mỹ, phần nào mang tính chủ động và có sự tham gia nhiều hơn từ người học”.
Tacey của trường A&M Texas nhấn mạnh, điều đó rất có ích khi vào học cao đẳng, đại học. “Một số sinh viên có điểm thi đầu vào rất cao, nhưng khi đã vào học thì rất vất vả do không quen với nhịp độ dạy và học quá nhanh trong lớp học. Văn hóa tương tác cao giữa các sinh viên trong lớp trở thành một thách thức lớn đối với các em khi học ở một nền giáo dục xa lạ”.
“Bạn phải là một người học độc lập, phải biết mình cần làm gì để đáp ứng yêu cầu học tập ở đây”, Diah Wihardini, một sinh viên từ Indonesia tại Đại học California – Berkeley, cho biết, “Không phải học vất vả hơn, mà là khác đi. Ví dụ, sinh viên ở Mỹ có thể học ít môn hơn nhưng nghiên cứu kỹ và sâu hơn, tận dụng tối đa mọi nguồn học liệu và phương pháp.” Trong lớp, sinh viên phải năng nổ tranh luận, phát biểu ý kiến, hoặc chủ động đến gặp giáo sư. “Để phát triển trong một môi trường học tương tác như vậy, bạn phải có lợi thế cạnh tranh, hoặc là bạn sẽ bị chìm nghỉm trong lớp”, Anne Berg từ Đan Mạch, cũng học tại Đại học California – Berkeley, cho biết. Vì vậy, chuẩn bị cho mình một môi trường để quen và phát huy khả năng phản biện, chủ động ngay từ trung học là một bước đệm để trở thành một sinh viên giỏi ở Mỹ.
4. Làm quen và thích ứng tốt về giao tiếp xã hội
“Các bậc phụ huynh khi cho con du học Mỹ đã giúp cho con mình có thêm trải nghiệm xã hội để trưởng thành hơn”, John Burdick, trưởng bộ phận tuyển sinh và hỗ trợ tài chính tại Đại học Rochester cho biết.
Dấn thân vào môi trường đại học là một thách thức lớn cho bất cứ sinh viên nào. Tuy nhiên, nếu đã có hiểu biết trước về chuẩn mực văn hóa, điều kiện, phong tục tập quán, thì sinh viên có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
Mỹ là đất nước của đa dạng chủng tộc, đa dạng văn hóa. Việc sống, học tập và giao tiếp với những con người có nhiều sự khác biệt trong ngôn ngữ, tư duy, lối sống, tập quán… sẽ giúp du học sinh sớm làm quen, thích nghi và hòa nhập tốt với những người xung quanh. Ngoài ra, tính độc lập được rèn luyện từ những ngày xa nhà học trung học sẽ giúp sinh viên năng động giải quyết tình huống và quản lý cuộc sống tốt hơn, từ đó trưởng thành hơn nhiều trong suy nghĩ và hành động.
Đặc biệt với nữ giới, sự khác biệt trong giai đoạn chuyển tiếp này càng rõ ràng hơn. Tacey của Đại học A&M Texas, người đã làm việc với nhiều sinh viên trên thế giới, nhận xét “Từ ngày đầu tiên nhập học, các du sinh viên nữ đã từng học trung học tại Mỹ rất tự tin và hòa nhập dễ dàng với mọi người, vì các em đã hiểu văn hóa, sự cởi mở, suy nghĩ thoáng và phong cách giao tiếp của người khác ở đây”.
Tuy nhiên, với các du sinh viên vừa chân ướt chân ráo đến một đất nước xa lạ để học cao đẳng, đại học, thì cần có nhiều thời gian để vượt qua “sốc văn hóa” và nhiều thay đổi khác. Cassel của trường Nghệ thuật Walnut Hill chia sẻ, “Khoảng cách địa lý và khác biệt thời gian khiến việc liên lạc giữa chúng tôi và gia đình khó khăn hơn. Chúng tôi cũng phải tự xoay sở mọi thứ từ lớn đến nhỏ trong cuộc sống”.
Rõ ràng, du học Mỹ ngay trung học sẽ là một hành trang chuẩn bị vững vàng, không những về kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức nền, văn hóa, xã hội, mà còn để cho du học sinh luôn ở tâm thế sẵn sàng đạt được thành công ở những bậc học cao hơn.
Theo Usis
Xem bài gốc tại đây