Du học là một quyết định rất quan trọng với học sinh và cả phụ huynh. Khi phải bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, chắc chắn sẽ có những điều thú vị, nhưng cũng không ít khó khăn, bỡ ngỡ mà các du học sinh phải đối diện và vượt qua để có thể tìm được sự cân bằng cho cuộc sống.
Vậy thế nào là một cuộc sống du học cân bằng? Cân bằng là khi bạn không chỉ học tốt, tiếp thu được các kiến thức trên nhà trường, mà là khi bạn xây dựng được một cuộc sống ổn định, có nhiều niềm vui, có đời sống xã hội phong phú…
1. Sốc văn hóa
Khi vừa chân ướt chân ráo bước đến một đất nước xa lạ, cuộc sống xa lạ, người xung quanh xa lạ… nhiều bạn đã bắt đầu tự hỏi: “Tại sao mình phải đến đây, phải xa gia đình và bạn bè để bắt đầu một cuộc sống quá khác như thế này?”. Cú sốc văn hóa trong thời gian đầu có thể rất khó chịu và để lại những hậu quả nghiêm trọng về sau nếu không được khắc phục đúng cách.
Nhìn đâu bạn cũng chỉ thấy sự khác biệt, nhìn thấy một khoảng cách vô hình mà quá lớn để có thể vượt qua. Và phản ứng tự nhiên ban đầu là rụt lại để quan sát, dần dần tìm cách thích nghi. Bạn sẽ là một du học sinh rất may mắn nếu có sẵn một cộng đồng du học sinh người Việt bên cạnh và giúp bạn vượt qua những cú sốc văn hóa đó. Tuy nhiên, nếu phải một mình vượt qua các thử thách này, hãy cố gắng tự nhủ lý do mình đến đây, hãy học cách nhìn mọi thứ theo một hướng ích cực và thử làm ngay cả những việc trước đây mình chưa thử bao giờ.
2.Quá hào hứng
Cái gì cũng phải có sự chừng mực và kiểm soát. Thật vậy, quá rụt rè không tốt, nhưng quá hào hứng cũng chẳng hay. Sau khi vượt qua các cú sốc văn hóa một cách nhẹ nhàng, bạn chợt nhận ra nơi này hóa ra thú vị hơn mình từng nghĩ nhiều và thì ra mình cũng hợp với cuộc sống ở đây đấy chứ! Đây thực ra là một việc tốt trong một chừng mực nào đó.
Vì sau một thời gian cố gắng vượt qua các khó khăn và thay đổi, cuối cùng bạn đã có thể nhìn cuộc sống bằng một ánh mắt tích cực và tận hưởng những điều đẹp đẽ của cuộc sống mới. Tuy nhiên, cũng hãy cố gắng giữ cuộc sống của mình ổn định thì mới có thể sinh hoạt và học tập lâu dài.
3. Những bữa tiệc bất tận
Ở Việt Nam, văn hóa tiệc tùng không nhưở các nước phương Tây. Đa phần các buổi tiệc mà tuổi học sinh hay tham gia là những buổi tiệc sinh nhật, gia đình, bạn bè hay hoành tráng hơn cũng chỉ là mỗi năm vài lần dự tiệc lớn của nhà trường. Tuy nhiên, ở các nước phương Tây, tuần nào cũng có thể có tiệc ở nhà người này người kia, nơi này nơi khác và cho dù bạn có quen biết chủ nhà hay không thì việc đến dự tiệc cũng là… bình thường.
Chính vì vậy, việc đi tiệc tùng khá dễ dàng. Đây cũng là một việc có cả mặt tốt lẫn không tốt. Tốt là bạn có thể bắt đầu làm quen với nhiều người hơn, cũng như trong những dịp nghỉ lễ và ít bài vở phải hoàn thành, bạn sẽ có dịp để thư giãn. Nhưng cũng giống như việc hào hứng thái quá ở trên, hãy cố gắng giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát. Hãy chỉ đi chơi khi có thời gian rảnh rỗi.
4. Giai đoạn cảm hứng
Khi tất cả mọi thứ đã bắt đầu “đâu vào đó”, bạn cảm thấy mình bắt đầu tự chủ hơn với cuộc sống của mình. Thực chất, đây chính là giai đoạn bạn tràn trề năng lượng nhất, cảm thấy tất cả mọi thứ đều “có thể”. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì khi đã vượt qua một số khó khăn ban đầu thì mọi chuyện sắp đến cũng có vẻ chẳng quá khó khăn nữa.
Và đây cũng là lúc bạn bắt đầu thực sự sống “tự lập, tự chủ”, cảm giác như mình thật sự trưởng thành. Lúc này, bạn sẽ rất tự tin vì biết rằng mình có thể làm được và quyết định đi du học thật ra là một điều đúng đắn.
5. Lo lắng
“Cuộc sống như một chiếc tàu lượn” là câu nói luôn đúng trong mọi trường hợp. Giai đoạn tự tin ở trên có thể sẽ không kéo dài lâu với nhiều người. Nhất là khi kỳ thi giữa kỳ đầu tiên đã đến rất nhanh. Bạn nhận ra mình có rất nhiều bài tập, bài luận phải làm, có nhiều điểm số mình chưa hài lòng mà nhất định phải “kéo” lên trong kỳ thi sắp tới. Học đại học hoàn toàn không dễ và nhất là kết quả như ý sẽ không bao giờ đến với những ai không nghiêm túc dành thời gian và công sức cho việc học.
Kỳ thi đầu tiên luôn đầy áp lực, vì đây chính là cửa ải đầu tiên giúp bạn xác định “liệu mình có đủ sức học ở đây không”. Bạn không biết như thế nào là đủ, như thế nào là được mà chỉ biết cố hết sức để mong đạt kết quả tốt nhất. Cũng đừng quá lo lắng, nếu bạn thật sự cố gắng, tất cả mọi thứ sẽ có kết quả tốt. Còn nếu vẫn chưa có kết quả như ý, ít ra bạn cũng sẽ biết mình làm sai ở đâu để cố gắng trong học kỳ tới. Và không chỉ du học sinh mới gặp tình trạng này, ngay cả những sinh viên bản xứ cũng gặp phải những cuộc khủng hoảng không khác biệt là mấy với kỳ thi đầu tiên của đời sinh viên.
6. Nhớ nhà
Sau kỳ thi căng thẳng sẽ là một đợt nghỉ lễ kéo dài. Nếu bạn đã tưởng tượng ngày lễ sẽ là dịp rất vui và hào hứng thì có lẽ khả năng thất vọng là rất cao. Đúng là Giáng sinh và năm mới là mùa lễ hội nhộn nhịp, hào hứng nhất trong năm nhưng những sự hào hứng đó chỉ đủ làm bạn vui trong chốc lát. Cuối cùng, lễ hội cũng chỉ là dịp để tất cả mọi người tạm gác lại nhịp sống bận rộn thường ngày mà dành thời gian cho gia đình, cho sum họp. Lúc này, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mình lạc lõng, bơ vơ khi các bạn bè xung quanh ai cũng ríu rít có kế hoạch đón lễ cùng gia đình.
Thời tiết thì lạnh giá, ngoài đường phố tuy rực rỡ nhưng về đến phòng, bạn có thể sẽ cảm thấy buồn và nhớ nhà hơn bao giờ hết. Và chưa kể thời điểm tết cũng cận kề mà bạn không được ở nhà để hưởng cái không khí ấm áp quen thuộc. Đây chính là một trong những cảm giác khó chịu nhất mà du học sinh phải trải qua.
7. Thích nghi
Giai đoạn cuối cùng rồi cũng đến sau bao nhiêu thời khắc lên bổng xuống trầm. Khi đã trải qua tất cả các cung bậc bỡ ngỡ, làm quen, hào hứng, lo lắng, nhớ nhà… dường như không còn cảm xúc nào là bạn chưa trải qua nữa. Lúc này cứ yên tâm đi, bạn đã bình tĩnh hơn, tâm lý ổn định hơn và đây chính là lúc mà bạn có thể chủ động, tỉnh táo thích nghi với cuộc sống mới của mình.
Khoảng thời gian xấp xỉ nửa năm ở nơi xứ lạ cũng giúp bạn làm chủ được cuộc sống. Bạn đã có những người bạn, sống sót qua kỳ thi đầu tiên và mọi thứ đã dần đi vào ổn định. Khi này, bạn bắt đầu cảm thấy nơi xa lạ này quen thuộc như ngôi nhà thứ hai của mình. Và cứ thế mà tận hưởng cuộc sống này nhé, vì chúng sẽ không kéo dài lâu. Khi xa, sẽ lại nhớ.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Xem bài gốc tại đây