
Hôm nọ kể với các anh Chau Ngo, Hqn Hqn Hqn, Luong Hoai Nam, và Anh Xu Beo về ĐH Postech. Hôm nay lại vừa đọc bài case-study rất hay về nó, pdf link ở dưới: “Một đại học đẳng cấp thế giới ở ngoại vi” (A world-class research university on periphery). Ngoại vi ở đây là nằm ngoài khối đại học Âu Mỹ truyền thống, đồng thời về địa lý thì Postech cũng nằm ở một địa điểm khá là khỉ ho cò gáy. Ai có thời gian dịch lại bài này để tham khảo thì hay quá, có thể hữu ích.
Postech là một câu chuyện thành công ngoạn mục đến khó tin của giáo dục đại học Hàn Quốc. Đây là một đại học tư phi lợi nhuận rất trẻ, thành lập năm 1986 bằng vốn của tập đoàn thép POSCO. Nó được dựng lên nhờ vào viễn kiến và quyết tâm của chủ tịch tập đoàn thời đó, ông Park Tae Joon, mặc dù đã có nhiều hoài nghi và cản trở đáng kể ban đầu. Park là một nhà tài phiệt nổi tiếng, có công đưa POSCO thành hãng sản xuất thép lớn thứ 2 trên thế giới lúc đó.
Ông này được xem là bạn của tổng thống Park Chung Hee, và cũng từng là ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc sau này. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, ông chủ của POSCO cũng như các hãng lớn khác của HQ đã nhận thấy rằng để tiếp tục phát triển họ không thể tiếp tục vay mượn công nghệ sẵn có của nước ngoài, đặc biệt là của Nhật Bản, được nữa. Để “thoát Nhật”, họ phải có kế hoạch R&D độc lập, bằng cách liên kết và đầu tư vào các cơ sở đại học có sẵn, hoặc đầu tư dài hơi và xây mới hoàn toàn. Postech được xây dựng trong bối cảnh đó.
Chỉ sau hơn 10 năm thành lập, Postech luôn trong top-3 các trường ĐH ở Hàn quốc. Những năm gần đây, hơn 25 năm sau khi thành lập, Postech lọt vào top 50 trong bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu, của tạp chí Times Higher Education của Anh, thậm chí xếp trên cả những cái tên lừng danh như Ecole Polytechnique, Moscow State, University College London, Penn, Duke, UC San Diego hay ĐH
Peking. Năm 1986, kinh phí vận hành của Postech chỉ là 15 triệu đô la Mỹ, năm 2014 lên hơn 300 triệu. Thời gian đầu, phụ thuộc tài chính vào POSCO là 80%, nay giảm xuống còn 30%. Năm 2009, endowment của Postech là 2 tỷ đô la Mỹ, cao nhất trong các đại học ở Hàn Quốc. Sự thành công của Postech còn gây ra hiệu ứng tích cực, kéo theo cải tổ hàng loạt ở các trường đại học công và tư khác trên toàn lãnh thổ, góp phần làm GD và nghiên cứu nước này phát triển.
Năm 1985, Park Tae Joon sang thăm Caltech ở Los Angeles, California. Caltech, tên tắt của viện đại học công nghệ California (California Institute of Technology), là một trường đỉnh về công nghệ của Hoa Kỳ. Nó cho ông nhiều ý tưởng về một trường đại học cho tương lai: Postech (Pohang University of Science and Technology). Ông quay về làm lễ động thổ cho những toà nhà đầu tiên bên sườn một vùng đồi ở ngoại ô Pohang, và chỉ hơn một năm sau đó Postech làm lễ khai giảng. Pohang là một thành phố nhỏ yên tĩnh năm bên bờ biển đông cách Seoul khoảng 5 tiếng lái xe.
Phần lớn các trường đại học lớn của Hàn Quốc đều ở Seoul hoặc gần đó. Ít ai nghe nói đến Pohang, vùng đất sỏi đá chỉ được biết đến khi trở thành trụ sở của hãng thép. Park mời nhà vật lý hạt nhân danh tiếng Kim Hogil (GS lâu năm của ĐH Maryland và Berkeley Lab) về làm President sáng lập. Ông giao cho GS Kim toàn quyền điều hành và tuyển mộ nhân sự, một điều đáng kể ở HQ thời đó. Nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, GS Kim đã thu hút được nhiều nhân tài gốc Hàn từ khắp nơi trên thế giới. Khi ấy khoảng 70% số giáo sư được mời về là những chuyên gia đã thành danh ở nước ngoài. Phần lớn các GS có bằng PhD ở ngoại quốc.
Tất cả faculty được cung cấp nhà ở miễn phí ở các chung cư xây mới cạnh trường, giản dị nhưng vừa đủ tiện nghi. Con cái của họ được học ở những trường phổ thông được xây mới ngay cạnh khuôn viên đại học. Không phải lo với cần câu cơm, lương các GS ở Postech cao bậc nhất ở Hàn Quốc.
Về mặt giáo dục và nghiên cứu, Postech được xây dựng theo mô hình của Caltech (hơi khác với MIT): nhỏ mà tinh, tập trung vào các ngành khoa học tự nhiên cơ bản và một số công nghệ mũi nhọn. Sinh viên sống chung trong dorm, cũng rất gần chỗ ở của các giáo sư, ngay cạnh khuôn viên trường. Vì vậy, các faculty và sinh viên có điều kiện tiếp xúc với nhau thường xuyên thông qua các hình thức nội và ngoại khoá, kể cả thể thao và dã ngoại.
Hiện tại, Postech có khoảng 400 faculty, khoảng 3000 sinh viên, một nửa là nghiên cứu sinh. Khi tôi, Minh Do và một bạn nữa tốt nghiệp, tờ Korea Times cũng đưa tin; có lẽ do chúng tôi là SV đại học nước ngoài đầu tiên từ Postech. Ngày nay bất kỳ lúc nào cũng có hàng trăm sinh viên nước ngoài, trong đó có rất nhiều từ VN, đang theo học ở Postech.
Khi chúng tôi đến đó học, Postech chưa đầy 10 năm tuổi. Khoa của tôi khi ấy chỉ có khoảng 12 GS. Tôi còn nhớ lúc đó có 2 vị được coi là lấy PhD xuất sắc từ nội địa, còn các vị khác có bằng PhD ngoại quốc từ những nơi có uy tín, như Maryland, UIUC, Minnesota, Purdue, Penn State, Waterloo, Georgia Tech, Texas, UCLA, Berkeley và Michigan. Phong cách các GS rất năng động, quốc tế.
Âm hưởng khác lạ từ Âu Mỹ của nhiều vị mang đến cho sinh viên một số cảm hứng. Một thầy tôi rất ưa thích (dạy graph theory) mang nguyên chiếc xe Toyota cũ mà ông vẫn lái từ bên Mỹ về; điều này rất đáng kể vì ở Hàn quốc hầu hết chỉ có xe nội địa mới toanh. Thầy thích kể chuyện ở Princeton thuở “hồng hoang” ra sao, đến California như thế nào. Chính thầy chủ động gợi ý tôi nên sang Mỹ học tiếp. Có thầy có vai trò rất lớn để giúp cho Bắc Hàn phát triển Internet; thầy này sau đó trở thành President ở Postech. Một số đã dạy ở Âu Mỹ hàng chục năm trước, nhưng cũng có nhiều người trẻ, vừa mới làm xong postdoc ở ngoại quốc về.
Hồi đó, phần lớn các môn học được thực hiện bằng tiếng Hàn. Gần đây nghe nói một số lượng lớn các môn học của họ được dạy hoàn toàn bằng Anh ngữ. Ngoài tiếng Anh, sinh viên phải học thêm một ngoại ngữ nữa. Tôi cũng cố học tiếng Nhật một thời gian. Thấy phần Hán tự chày vảy quá, tôi lên gặp Dean, đề nghị cho pass bằng tiếng Việt.
Thế mà rồi họ đồng ý cho chúng tôi lách luật 🙂 Có một duyên nợ thú vị với Michigan: Môn đầu tiên về tin học mà tôi học ở Postech là với GS Han Joon Hee, PhD từ Michigan. Trước khi rời Hàn quốc, tôi cũng thử việc một thời gian trong một phòng lab của GS Kang Kyo Cheol, trước đó cũng lấy PhD ở Michigan.
GS hiệu trưởng Kim rất uy tín, có công lớn trong 9 năm đầu thành lập trường, đã trở thành một huyền thoại trong Postech campus. Ông mất năm 1994 khi đương nhiệm, chết trong một tai nạn kỳ cục; đang đá bóng thế nào mà lại chạy húc đầu vào một cái cây ở trong trường. Bây giờ có một tượng nhỏ bằng đồng của GS Kim đặt trong thư viện trung tâm mang tên ông. Năm 2003, người ta cũng khánh thành thêm một thư viện lớn nữa. Thư viện này mang tên Park Tae Joon — con người vĩ đại này mất năm 2011.
Câu chuyện Postech cho thấy tiền bạc tuy quan trọng, nhưng thực sự không phải là lý do chính để làm nên một đại học tốt và bền vững như vậy.
Bài có link dưới đây khá dài, 27 trang, khá chi tiết về Postech (về lịch sử, sự tuyển mộ giáo sư và sinh viên, cơ cấu tổ chức, quản lý tài chính, liên hệ nghiên cứu và industry, vv..).
Người viết: Nguyễn Xuân Long
Xem bài gốc tại đây