Chị Lê Diệp Kiều Trang – CFO Misfit từ Silicon Valley mới đây đã có buổi chia sẻ với bạn trẻ đam mê khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ. Sinhvienusa.org xin gửi tới các bạn một số nội dung chính mà chị Kiều Trang đã chia sẻ trong cuộc giao lưu.
Với chủ đề Công nghệ – Điểm đến mới nổi cho sự lựa chọn nghề nghiệp, buổi giao lưu trực tuyến cùng Lê Diệp Kiều Trang đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho các bạn sinh viên.
Video clip dưới đây là toàn bộ cuộc giao lưu trực tuyến trong gần 2 giờ, phần text do bạn Hanh Nguyễn lược thuật:
https://www.youtube.com/watch?v=RYtncrND9kA
Theo chị Kiều Trang, đối với công nghệ trước đây, người ta chỉ chú ý đến các công ty công nghệ thuần túy như Microsoft, Cisco Systems, Oracle.
Những công ty này chỉ cần đội ngũ kỹ sư với chuyên môn cao cũng đủ để duy trì và phát triển doanh nghiệp mình.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của internet, những công ty có sự tương tác cao với người dùng ngày càng xuất hiện nhiều như Amazon, Yelp, Facebook, Google.
Chính các công ty này đã mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các bạn đang theo học những khối ngành về kinh tế, nhân văn. Để tồn tại trong một môi trường cạnh tranh họ cần am hiểu tâm lý, hành vi người dùng, họ cần lập chiến lược để giúp công ty phát triển toàn diện. Những công việc như thế cần có kiến thức về kinh tế và xã hội mới có thể đảm nhiệm được.
Bên cạnh các vị trí được mở rộng ra cho nhiều khối ngành, ở các công ty công nghệ lớn họ còn chú trọng đến khoản Bonus và tưởng thưởng (Shares) cho nhân viên của mình hằng năm. Nếu một công ty có doanh thu tăng đều hằng năm, điều này đồng nghĩa với khoản tưởng thưởng của nhân viên cao lên từ đó. Ví dụ Facebook, nằm trong top công ty doanh thu cao nhất năm 2014, giả sử nếu có nhân viên gắn bó với Facebook từ khi mới bắt đầu cách đây hơn 10 năm, giờ họ đã trở thành triệu phú hoặc tỷ phú với lợi nhuận khổng lồ mà công ty này thu về.
Chính vì những cơ hội mới được mở ra bởi các công ty công nghệ lớn có độ tương tác cao với người dùng khiến các bạn trẻ hiện nay dù theo học ở khối ngành kinh tế, kỹ thuật hay nhân văn đều đang có xu hướng mong muốn lựa chọn nghề nghiệp của mình liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Nên làm cho các công ty lớn hay các Start-up?
Tại các công ty lớn, họ đã có một quy trình làm việc rõ ràng đối với từng vị trí khác nhau, mỗi cá nhân đều được làm trong một môi trường chuyên nghiệp, đúng với chuyên môn của mình với mức độ tập trung cao. Khi bạn lựa chọn làm cho các công ty này, bạn cần thích nghi với các đồng nghiệp có xu hướng ổn định cuộc sống, không thích rủi ro và luôn quan tâm đến lương, thưởng vào cuối năm.
Trong khi các Start-up, số lượng thành viên trong một công ty thường là 5-10 người, điều này khiến mỗi người có thể tự đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, họ có thể làm mảng tài chính, kêu gọi vốn, có thể lập Marketing Plan để đưa sản phẩm ra thị trường hoặc làm nhiều việc khác để giúp công ty có thể duy trì và phát triển tốt hơn. Những người lựa chọn làm việc tại Start-up là người luôn muốn có sự thay đổi, chấp nhận rủi ro cao.
Bạn mong muốn làm cho công ty nào?
Hãy tự hỏi mình bạn thích làm điều gì? Và trong tương lai bạn mong muốn trở thành người như thế nào? Chỉ có bạn mới quyết định được bạn nên làm cho công ty như thế nào mà thôi.
Tại sao không ra lập công ty riêng thay vì làm cho Start-Up?
Nếu ra lập công ty riêng bạn luôn sẵn sàng trong tâm thế của một người làm chủ, thời gian đầu bạn sẽ khó có thể trả lương cho chính mình. Hiện nay số công ty thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì đơn giản để lập một doanh nghiệp và điều hướng nó đến thành công, bạn cần đáp ứng được nhiều yếu tố từ nhân sự, sản phẩm, tài chính, marketing, ….
Ai sẽ là người nên đi theo con đường này? Đó là những người yêu sự thách thức, tự chịu trách nhiệm, chấp nhận thất bại nếu có.
Làm sao để khởi nghiệp? Bước đường khởi nghiệp cần chuẩn bị những gì?
Bước đầu tiên bạn cần chọn Key people, họ là những người giỏi trong từng lĩnh vực chuyên môn của mình. Nếu bạn đã giỏi kinh doanh, hãy chọn thêm người giỏi công nghệ hoặc ngược lại, phải tạo được cho mình một nhóm nòng cốt (Founder). Điều tiếp theo bạn phải xem xét sản phẩm muốn đưa ra thị trường là gì? Bạn có thể làm các mẫu sản phẩm (Prototype) trước khi đưa ra thị trường lớn, để kiểm tra thị hiếu của khách hàng, bạn có thể đưa chúng ra trước thế giới công nghệ, thông qua các trang Crowd funding như Indiegogo.
Đây là 4 bước bạn cần phải làm để bắt đầu một doanh nghiệp riêng: Key people – Prototype – Testing – Manufactured Products. Cùng với đó, doanh nghiệp của bạn cần hội tụ 3 điều cơ bản: Human (gồm các team với nhiều vai trò khác nhau như bán hàng, dịch vụ khách hàng, thiết kế, marketing…) – Marketing ( Chiến lược đưa sản phẩm tiếp cận thị trường tiềm năng) – Finance ( Chính sách kêu gọi vốn đầu tư để mở rộng doanh nghiệp)
Công ty Misfit và cơ hội việc làm cho bạn trẻ
Bên cạnh những chia sẻ về các xu hướng của công ty công nghệ hiện nay, chị Lê Diệp Kiều Trang cũng chia sẻ thêm đến các bạn quan tâm các thông tin về Misfit cũng như cơ hội việc làm tại đây.
Công ty misfit thành lập vào cuối năm 2011 đầu năm 2012, thời điểm đó chỉ mới cho ra đời 1 sản phẩm là Misfit Shine, thiết bị thể thao độc đáo, dùng để đo mức độ vận động cơ thể. Khác với các thiết bị trước đây, Misfit Shine đo được cả số vòng quay khi đạp xe và số sải tay khi bơi, ngoài việc đếm số bước đi trong ngày như các thiết bị đã có sẵn trên thị trường.
Năm 2014 Misfit Shine có mặt trên 54 quốc gia với 17 ngôn ngữ khác nhau, bán tại hơn 20 ngàn cửa hàng bán lẻ của Target, Apple Store và các trang bán hang trực tuyến…
Hiện công ty Misfit có khoảng 150 người, đội ngũ nhân viên ở bốn địa điểm khác nhau: San Francisco (40 người), TP Hồ Chí Minh (80 người), Thẩm Quyến – Trung Quốc và một nhà máy tại Hàn Quốc.
Cơ hội nghề nghiệp tại Misfit?
Hiện tại Misfit đang tạo cơ hội việc làm cho các bạn ở nhiều vị trí khác nhau được thử thách mình trong môi trường làm việc chuyên nghiệp tại Việt Nam cũng như Mỹ. Tất cả các bạn học trong lĩnh vực kinh tế, nhân văn đều có thể làm việc tại Misfit, chỉ cần bạn ham học hỏi, luôn muốn thay đổi mình để hoàn thiện hơn mỗi ngày, có thể tự mình học hỏi mọi lúc mọi nơi để đáp ứng nhu cầu công việc.
Misfit cũng đã đưa hơn 40 bạn từ Việt Nam qua Mỹ để đào tạo những kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho công việc của mình, trong số đó có những bạn chưa một lần lên máy bay, chưa một lần ra nước ngoài, nhưng chuyến đi nước ngoài đầu tiên lại là đến Mỹ. Tất cả những bạn ấy đều xứng đáng nhận một chuyến đi như vậy vì các bạn đã chứng mình được tinh thần học hỏi, cầu tiến của bản thân.
Hạnh Nguyễn (lược thuật)