Giáo dục là một trong những điểm nhấn mà đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhắc đến trong buổi nói chuyện với các học giả tại CSIS (*) cuối tháng 3-2015 về 20 năm quan hệ Việt – Mỹ (lần đầu tiên hai đại sứ tham gia sự kiện này). Có thể nói hợp tác giáo dục chính là bước đột phá đầu tiên cho quan hệ song phương thời còn cấm vận giữa hai nước.
Sự nghiệp của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng suýt bị hủy hoại bởi việc ông quyết liệt chống chiến tranh VN. Những phe nhóm bảo thủ ở Mỹ từng quyết tâm truy diệt ông về chính trị đến cùng vì quan điểm này. Nhưng chính ông và nhiều cựu binh khác ở VN đã đóng vai trò rất quan trọng cho quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt – Mỹ sau này. Mọi chuyện có lẽ được bắt đầu từ… chiếc vé xem kịch Broadway ở New York.
ĐƯỜNG TRỞ LẠI
Đầu năm 1985, khi quan hệ hai nước vẫn còn rất căng thẳng, VN vẫn đang bị cấm vận, John Kerry, khi đó mới trúng cử vào Thượng viện Mỹ nhiệm kỳ đầu, đã mua vé xem kịch Broadway mời đại sứ Hoàng Bích Sơn (người sau này làm trưởng Ban đối ngoại T.Ư Đảng và chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) ở New York. Kerry lớn lên tại Pháp, đại sứ Hoàng Bích Sơn cũng thuần thục tiếng Pháp nên hai người dễ dàng trao đổi. Phái đoàn VN ở New York khi đó là kênh liên lạc duy nhất giữa hai chính phủ VN và Mỹ.
Đi xem kịch cùng thượng nghị sĩ Kerry có Thomas Vallely, một cựu binh ở chiến trường VN, khi đó là nghị sĩ ở cấp tiểu bang của Massachusetts và là người thân cận với Kerry từ những ngày của phiên điều trần Winter Soldier chấn động (cuộc điều tra về tội ác của lính Mỹ trong chiến tranh đầu những năm 1970, John Kerry là người tiên phong chiến dịch này).
Vallely sau này là giám đốc tranh cử trong cuộc chạy đua vào quốc hội đầu tiên của ông Kerry năm 1972. Tuy thất bại trong cuộc chạy đua bởi quan điểm chống chiến tranh, nhưng Vallely và Kerry trở thành những người bạn thân rồi thành đồng minh trong nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hai nước sau này.
Rủi thay, vở kịch không được thú vị lắm, Vallely nhớ lại ông đã ôm đầu bứt rứt khi ngồi cạnh ông Kerry và đại sứ Sơn. Ông chỉ phấn chấn trở lại khi người tùy viên quân sự đi cùng đại sứ Sơn quay sang hỏi liệu ông có muốn đến VN không. “Tôi vẫn nhớ cảnh thượng nghị sĩ John McCain trở lại thăm nhà tù Hỏa Lò năm đó và lúc đi ra đã gấp một bông hồng giấy tặng một phụ nữ đứng bên ngoài. Tôi thích hình ảnh đó và tôi thích được như ông ta” – Vallely nhớ lại.
Bài học lớn nhất của chúng tôi là từ ông Hoàng Tụy. Ông từng viết bài trên Tia Sáng, nói vấn đề ở VN là luôn chỉ tự so sánh với chính mình, từ khoa học, y dược đến mọi ngành khác. VN chỉ tự kết nối với bản thân. Quan điểm của ông Hoàng Tụy là muốn trở thành xuất sắc thì anh phải kết nối với thế giới” – Thomas Vallely |
Vallely trở lại VN đúng dịp kỷ niệm 20 năm chiến tranh VN. “Tôi từng được gặp cố thứ trưởng ngoại giao Lê Mai và tôi rất ấn tượng. Tôi quan tâm đến VN” – ông kể.
Nhưng Vallely gọi mối quan hệ của cá nhân mình với VN là một mối quan hệ phức tạp dù rất quan tâm đến đất nước, con người và có nhiều người bạn tốt ở đây. “Nó tựa như một mối quan hệ yêu – ghét. Có khi tôi yêu VN, có khi VN khiến tôi muốn phát khùng” – ông nói. Những người gặp Vallely khi đó vẫn nhớ ông có lối nói áp đảo như thể muốn “ăn tươi nuốt sống” người đối diện. Nhà ngoại giao kỳ cựu Vũ Hắc Bồng, nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, nhớ lại: “Tommy hay nói sốc lắm”.
Lần trở lại đó đánh thức những mối quan tâm sâu hơn của Vallely tới VN. Khi ĐH Harvard mời ông về làm, ông từ chối chức vụ được đề nghị khi đó nhưng nói rằng mình sẽ nhận lời nếu có bất cứ chương trình nào liên quan tới VN. Kết quả là Chương trình Việt Nam (Vietnam Program) được thành lập ở ĐH Harvard từ năm 1986 và đó là chương trình nghiên cứu sớm nhất về VN hiện đại ngay từ giai đoạn VN đổi mới trong các trường ĐH hàng đầu ở Mỹ khi đó.
Cũng trong giai đoạn này, thượng nghị sĩ Kerry bắt đầu những công việc giúp bình thường hóa quan hệ hai nước. Ông Kerry đứng đầu một ủy ban về tù nhân chiến tranh (POW) và người Mỹ mất tích (MIA) cùng John McCain và Jesse Helms. Chính POW/MIA là các vấn đề giúp thúc đẩy liên lạc và dần gỡ bỏ các nút thắt cho việc bình thường quan hệ giữa hai bên.
DỰ LUẬT NGÂN SÁCH 1991
POW/MIA giải quyết câu chuyện hậu quả của cuộc chiến. Nhưng cột mốc tiến thật sự của quan hệ Việt – Mỹ có lẽ là việc có được số tiền tài trợ đầu tiên cho hợp tác giáo dục ở VN vào đầu năm 1991.
Trong dự luật ngân sách 1991, thượng nghị sĩ John Kerry, cùng với sự hỗ trợ của các cựu binh như John McCain…, đã lần đầu tiên thuyết phục để đưa được một khoản 300.000 USD cấp học bổng cho sinh viên VN (Harvard sau đó góp thêm 300.000 USD). Từ số tiền này, những nhóm sinh viên đầu tiên của Chương trình Fulbright như Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát… đã sang Mỹ học.
Vài tháng trước khi thông qua dự luật, thượng nghị sĩ Kerry đã thăm VN cùng hai con gái đang học phổ thông. Ý tưởng về việc thành lập hợp tác giáo dục ra đời từ chuyến đi đó. Người thực hiện việc vận động phía dưới để đưa được khoản tiền trực tiếp vào dự luật là Richard Kessler, trợ lý của ông Kerry và cũng là một cựu binh từng tham chiến tại VN. Năm 1992, chương trình học bổng Fulbright bắt đầu đi vào hoạt động.
“Ở Trường Fulbright, Xuân Thành biết những gì đang diễn ra tại Trường chính sách công Woodrow Wilson của Princeton, những gì đang diễn ra ở ĐH Kennedy của Harvard, những gì đang diễn ra ở Trường Lý Quang Diệu (ba trường chính sách công hàng đầu thế giới), ở Úc hay Oxford đang có gì… Trường chúng tôi kết nối với những gì đang diễn ra trên thế giới. Đó là điều khác biệt với các trường khác ở VN” – Thomas Vallely |
Cùng thời gian đó, Vallely và một nhóm giáo sư của ĐH Harvard như Dwight Perkins, David Dapice làm tư vấn cho Ủy ban Kế hoạch nhà nước (người đứng đầu khi đó là ông Phan Văn Khải). Hợp tác khi đó gồm hai việc: học hỏi kinh nghiệm từ các nước và vùng lãnh thổ Đông Á và Đông Nam Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia… và viết cuốn sách In search of the dragon’s trail(Theo dấu rồng bay) gồm một loạt gợi ý về chiến lược từ kinh nghiệm của các nước.
Khi đi cùng nhau trong chuyến học tập ở Đông Á, đọc các tài liệu kinh tế, họ không tìm được VN trong con số so sánh giữa các nước. “Sao không có VN nhỉ, họ cứ lật sách rồi hỏi tôi” – Vallely nhớ lại. VN khi đó đóng cửa và hoàn toàn không hề có mối liên hệ nào với bên ngoài.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung kể lại: “Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đã rất quan tâm, đọc cuốn Theo dấu rồng bay. Tôi còn nhớ đôi lần được Bộ Ngoại giao phân công đi dịch trong những trao đổi đoàn của ông Đào Duy Tùng, bấy giờ là thường trực Ban Bí thư với nhóm nghiên cứu”.
Mong muốn của nhóm học giả Harvard là được thành lập nhóm cố vấn bên cạnh Viện Chiến lược phát triển của TS Lưu Bích Hồ ở Hà Nội. “Cuộc hôn nhân không thành” (lời ông Lưu Bích Hồ) và Vallely chuyển hướng về TP.HCM để thành lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP).
Chương trình khi đó được xây dựng với mục tiêu đơn giản là dạy những kiến thức tốt nhất, cập nhật nhất về kinh tế thị trường cho cán bộ nhà nước, phù hợp với điều kiện của VN. Cùng lúc này, số tiền viện trợ cho giáo dục VN với sự ủng hộ của các cựu binh bắt đầu tăng, từ 300.000 lên 1 triệu USD, rồi lên 3 triệu USD… Quan hệ ngoại giao hai nước sau đó cũng được thiết lập.
Năm 1998-1999, VN phải trả một khoản nợ cho Mỹ vì nếu không thực hiện nghĩa vụ nợ này thì sẽ không thể vay tiếp trên thị trường vốn quốc tế. Đó là khoản nợ công từ thời chính quyền Sài Gòn mà VN sau này phải gánh tiếp và có nghĩa vụ phải trả.
Vallely và rất nhiều người Mỹ bất bình về việc Washington tiếp nhận khoản tiền này vì khi đó không ai rõ khoản tiền đó thật sự được dùng để xây đường hay dùng cho cuộc chiến, và nhất là lại tiếp nhận từ một nước đang vật lộn trong khó khăn như VN. Vallely và những người bạn vận động để có được một luật, theo đó tất cả khoản tiền này được quy về một mối và sau đó dùng để thành lập Quỹ giáo dục VN (VEF) chuyên cung cấp các học bổng về kỹ thuật, khoa học. |
Chương trình Fulbright được chuyển về sứ quán, còn FETP vẫn dưới sự kiểm soát của ĐH Harvard. Nếu ban đầu FETP hoàn toàn do các giáo sư Mỹ giảng dạy thì giờ đã có các chuyên gia có tiếng như Vũ Thành Tự Anh, Xuân Thành, Phạm Duy Nghĩa… Nhiều cán bộ cấp trung ương và địa phương đã được đào tạo qua chương trình này.
Một nhà ngoại giao VN cho rằng 20 năm sau bình thường hóa, giờ khi VN thật sự hội nhập thế giới, các chương trình giáo dục như FETP ngày càng ý nghĩa: VN đang cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đạt đẳng cấp thế giới hơn bao giờ hết. Ông nhận định: “Đó là tầm nhìn trước, nhìn xa về vấn đề giáo dục khi thời kỳ cũ vẫn còn rất khó khăn”.
Những cản trở đối với chương trình không phải không có, nhất là trong bối cảnh giai đoạn đầu của đổi mới. Vallely nhớ lại ông Vũ Hắc Bồng thường dặn: “Anh có thể là người tăng tốc, là người nhấn ga. Nhưng khi tôi nói anh phanh thì anh phải nhấn phanh ngay lập tức”.
Cản trở còn đến cả từ phía Mỹ khi năm 1998-1999 từng có người của tổng lãnh sự Mỹ muốn đóng chương trình này vì cho rằng nó không đi đúng theo tiêu chí của Fulbright (về trao đổi văn hóa). Ngay khi ý định được nêu ra, một điện gấp từ Washington gửi đến và được ngoại trưởng Madeleine Albright ký trực tiếp: “Fulbright name stays – Albright” (“Cái tên Fulbright giữ nguyên” – Albright ký).
Trưởng SOM (Cuộc họp các quan chức cấp cao) ASEAN, đại sứ Nguyễn Vũ Tú – người từng có nhiệm kỳ ở Philippines – kể ông từng giới thiệu một nhóm sinh viên Philippines đến tìm hiểu về VN và một trong những địa điểm thăm của họ chính là chương trình FETP. Họ rất ấn tượng với chương trình. Câu hỏi của họ khi đó là “tại sao chương trình này chỉ dành cho VN mà không làm cho cả Đông Nam Á?”.
(*): Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế
Theo Tuổi Trẻ
Xem bài gốc tại đây