Thời gian qua, trước những quy luật khắt khe của thị trường, nền kinh tế đã chứng kiến sự dừng bước của rất nhiều doanh nghiệp. Trong số đó, không ít người vẫn đang nỗ lực trang bị thêm cho mình những chiêu thức kinh doanh với tư duy rằng: “nghề kinh doanh có nghĩa là mua bán và đầu tư”. Đó quả thật là một điều không may!
Bởi Theo Peter Drucker – người được xem là “cha đẻ” khoa học quản trị hiện đại của thế giới đã từng nói rằng: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ của những thay đổi khó lường, bởi vậy nếu bạn có hoài bão, có chiến lược tốt cho cuộc đời của mình, thì bạn sẽ nhanh chóng chinh phục được đỉnh cao sự nghiệp trong cuộc đời bạn”. Trong lịch sử, các bậc vĩ nhân như Napoléon, Leonardo de Vinci, hay Mozart đều luôn phải quản trị bản thân họ. Mặc dù họ là những ngoại lệ hiếm hoi với tài năng xuất chúng, nhưng vẫn luôn phải quản trị bản thân để vươn đến tầm cao của sự nghiệp.
Quản trị cuộc đời và quản trị kinh doanh có nhiều sự tương đồng về nguyên tắc quản trị. Vì vậy, học quản trị kinh doanh không chỉ đơn thuần là học chiêu thức, mà còn là học để áp dụng cho chính cuộc đời mình. Trong bài viết “Thước đo nào cho cuộc đời của bạn?” đăng tải trên tạp chí Harvard Business Review, GS Clay M. Christensen (người đứng đầu danh sách 50 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới) đã chỉ ra sự gắn kết giữa những nguyên tắc kinh doanh với ý nghĩa của cuộc đời.
Trước tiên, mỗi cuộc đời cần phải có một chiến lược. Chiến lược chính là đích đến, là bánh lái cho cuộc đời của mỗi người. Mỗi chiến lược khác nhau sẽ dẫn đến cuộc đời và số phận khác nhau. Nguyên tắc này cũng giống như chiến lược của doanh nghiệp vậy. Một doanh nghiệp muốn phát triển lâu bền cần phải xác định được: chiến lược của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp sẽ được dùng vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không? Thực tế, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển lâu bền nếu chỉ biết tập trung vào những khoản đầu tư nhất thời và ngắn hạn.
Tuy nhiên, cuộc đời hay doanh nghiệp luôn bị giới hạn bởi những nguồn lực so với mục đích mà mình mong muốn. Ngoài triết lý kinh doanh, người lãnh đạo phải biết phân bổ nguồn lực một cách khôn ngoan. Lịch sử đã từng chứng kiến “thảm họa” Motorola như một trường hợp điển hình cho khía cạnh này. Họ đổ sáu (06) tỷ đô trong vòng chưa đầy một (01) năm để phát triển công nghệ Iridium, công nghệ hứa hẹn mang đến lợi thế lớn trên thị trường điện thoại di động lúc bấy giờ. Nhưng trước sự phát triển bất ngờ của ngành công nghệ viễn thông, chính việc dốc toàn lực này đã tự kết liễu con đường phát triển của họ.
Điều này cũng hoàn toàn đúng khi xét về khía cạnh cuộc đời, Theo GS Christensen: “Cũng như bao người, mối quan hệ gia đình và bạn bè thân thiết chính là cội nguồn nguồn hạnh phúc trong cuộc đời nhà lãnh đạo. Cuộc đời sẽ không vẹn toàn nếu nhà lãnh đạo dồn toàn lực vào sự nghiệp và chỉ sự nghiệp mà thôi”. Vì vậy, việc đầu tư vào mối quan hệ đòi hỏi phải phân bổ thời gian, nguồn lực hợp lý và bền bỉ thì mới có thể tạo ra sự gắn kết bền lâu.
Đối với một doanh nghiệp, muốn có được sự cam kết của đội ngũ nhân viên thì văn hóa doanh nghiệp là điều đầu tiên cần nhắc đến. Một nền tảng văn hóa phù hợp sẽ là chất xúc tác để kiến tạo nên một đội ngũ nhân viên luôn tự hào vì “màu cờ sắc áo”.
Cũng như vậy, đối với việc quản trị cuộc đời, không thể có được sự gắn bó lâu dài nếu không tìm được tiếng nói chung trong các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ giữa cha, mẹ và con cái trong gia đình. Tiếng nói chung đó theo quan niệm xã hội Phương Đông thường được gọi là “Gia phong, nếp nhà”. Đây đồng thời còn là một sợi dây vô hình gắn kết với sự nghiệp thành công của người lãnh đạo.
Song song với đó là những nguyên tắc bất di bất dịch đối với cuộc đời mỗi nhà lãnh đạo, cũng như mỗi doanh nghiệp. Có những nguyên tắc nếu bị phá vỡ, sẻ đẩy cuộc đời hay doanh nghiệp đi xa hơn so với mục đích ban đầu. Trong bài viết của mình, GS Christensen đã chỉ ra một vài nguyên tắc quan trọng như sau:
Tránh những “lỗi du di”: đối với những lối suy nghĩ kiểu như “chỉ một lần này thôi” thường chỉ mang lại sự thiếu cam kết so với chiến lược của cuộc đời. Bởi chính nhiều lần “du di” như vậy sẽ đẩy cuộc đời rời xa so với quỹ đạo mà mình mong muốn.
Luôn khiêm tốn: mỗi người ta gặp đều có những điều đáng để cho ta học hỏi. Sự khiêm tốn chính là chìa khóa để mở cửa con đường học tập từ những người hơn mình hay ngay cả những người chỉ có đôi điều đáng để học.
Biết chọn “thước đo” phù hợp: tác giả Christensen đã dẫn chứng về thước đo của chính cuộc đời mình vào thời điểm ông bị ung thư. Thước đo thành công đối với ông không phải là tạo ra doanh thu bao nhiêu đô la, mà là ông đã giúp đỡ được bao nhiêu con người. Lời khuyên của ông là chúng ta hãy chọn đúng thước đo cho cuộc đời và không ngừng dõi theo nó. Để đảm bảo rằng đến cuối cuộc đời, bản thân sẽ thực sự hạnh phúc với một cuộc đời đáng sống.
Như Albert Einstein – nhà bác học lỗi lạc, nhà hiền triết, nhân vật có ảnh hưởng bậc nhất trong thế kỷ 20 đã từng chia sẻ: “Không phải là việc cố gắng trở thành một người thành công, mà phải là cố gắng trở thành một người có giá trị”. Giá trị ở đây chính là thông qua việc kinh doanh, nhà lãnh đạo đã giúp đỡ được bao nhiêu người, và để làm được điều đó, quan trọng hơn hết là phải biết quản trị cuộc đời của chính mình. Kinh doanh đúng nghĩa không đơn thuần chỉ là mua bán và đầu tư. Nếu được quản trị tốt, kinh doanh chính là một sự nghiệp, một phương thức để quản trị bản thân và còn là thước đo cho một cuộc đời hạnh phúc.
Vì vậy, đừng đến trường quản trị chỉ để học kinh doanh, mà hãy học mọi thứ tốt nhất để quản trị cuộc đời của bạn!
(Bài viết được tổng hợp từ quan điểm của Trường PACE và bài viết “How will you measure your life” của Giáo sư Clay M. Christensen – Một trong những tư tưởng gia hàng đầu thế giới).
Theo Pace
Xem bài gốc tại đây