Sáng 24-5, Hội Thanh niên – sinh viên Việt Nam tại Mỹ tổ chức hội thảo biển Đông với chủ đề “Sự lấn chiếm đất trên biển Đông và những tác động đối với hòa bình và ổn định trong khu vực” ở ĐH Harvard, Cambridge.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ban tổ chức hội thảo cho biết chủ tọa hội thảo là giáo sư Ngô Vĩnh Long – Đại học Maine, một học giả nổi tiếng tại Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, Đông Á và quan hệ châu Á – Mỹ.
Hội thảo có sự tham gia báo cáo của các giáo sư và học giả uy tín khác như giáo sư Jonathan London – ĐH Thành Thị Hong Kong, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng – ĐH George Mason (Mỹ), TS Tạ Văn Tài – ĐH Harvard, nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Lan – ĐH Cambridge từ Vương quốc Anh.
Quy tụ trí thức Việt trên thế giới
Hội thảo còn quy tụ sự tham gia trực tuyến (qua Google Hangout) của Hội Sinh viên Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới như Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, Hội Sinh viên Việt Nam tại California, Hội Sinh viên Việt Nam tại Missouri và tất cả người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Mục đích của hội thảo nhằm phân tích những động thái trong việc lấn chiếm, cải tạo đất trên biển Đông và những nguy cơ đe dọa đến an ninh khu vực cũng như quốc tế và thảo luận những giải pháp duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông.
Tại hội thảo, các diễn giả và học giả đưa ra những tham luận liên quan đến lịch sử quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, các hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc trong thời gian gần đây, các vấn đề về địa chính trị – an ninh khu vực và vai trò của các bên liên quan, các giới hạn của tranh chấp trên biển Đông, các khía cạnh pháp lý và những kịch bản có thể xảy ra trên biển Đông.
Chia sẻ tình hình biển Đông với thế giới
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết do hội thảo diễn ra tại ĐH Harvard và được thực hiện bằng tiếng Anh nên ban tổ chức cũng muốn nhắm đến đối tượng nước ngoài, mà trực tiếp là người Mỹ với mục đích cho cộng đồng thế giới thấy tầm quan trọng của việc duy trì và bảo đảm sự ổn định, hòa bình cho khu vực biển Đông.
“Vì Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Mỹ nên nhiều khi Mỹ còn e dè, chưa dám hành động. Nhưng đã đến lúc Mỹ phải cho người bạn hàng lớn nhất của mình biết rằng Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh trong khu vực biển Đông trên hết vì quyền lợi của Mỹ bởi 60% khối lượng hàng hóa quốc tế được vận chuyển qua khu vực biển Đông” – giáo sư Ngô Vĩnh Long chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Giáo sư Long nói thêm: “Một điểm yếu của sinh viên Việt Nam là khi ra nước ngoài học, họ chỉ tập trung vào sách vở mà ít thiết lập quan hệ với bạn bè quốc tế. Hội thảo này mong muốn cho sinh viên hiểu hơn về những hoạt động của thế giới”.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về lý do tổ chức hội thảo, anh Uông Đình Minh, trưởng ban tổ chức hội thảo thuộc Hội Thanh niên – sinh viên Việt Nam tại Mỹ, chia sẻ mục đích của cuộc hội thảo này nhằm cung cấp tới các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc trên khắp thế giới thông tin liên quan đến các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo trên biển Đông của Trung Quốc thời gian gần đây.
“Đây là hội thảo trung lập, thuần túy khoa học và là một diễn đàn để các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đưa ra những phân tích, đánh giá về tình hình biển Đông nhằm tìm kiếm các giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở vùng biển này” – anh Minh nói.
Hội thảo nhận được sự phản hồi tích cực từ sinh viên ở Mỹ và nhiều sinh viên trên khắp thế giới. Họ tham gia rất nhiệt tình cả trên Google Hangout lẫn theo dõi qua YouTube.
“Một trong những mục đích của hội thảo là khuyến khích các thanh niên, sinh viên Việt Nam tích cực tìm hiểu, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước” – anh Minh cho biết thêm.
Ngoài ra, Hội Thanh niên – sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã phát động chiến dịch Stop encroaching (tạm dịch “Chấm dứt xâm chiếm”) với khẩu hiệu “Không để mất một tấc biển đảo” từ ngày 2-5-2015. Chiến dịch bao gồm hội thảo biển Đông, thỉnh nguyện thư gửi tới Chính phủ Mỹ và chuỗi các hoạt động bên lề khác trên mạng xã hội Facebook. Chiến dịch này nhắm vào ba mục tiêu chiến dịch nhằm “khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đề cao tôn trọng văn hóa, lịch sử và pháp luật trong khu vực biển Đông; và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiếp tục bành trướng xâm phạm vùng biển của Việt Nam”.
Theo Tuổi Trẻ
Xem bài gốc tại đây