Bill Gates nói rằng: “Mặc dù tôi đã bỏ học va may mắn thành công khi theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực phần mềm nhưng một tấm bằng tốt nghiệp đại học vẫn là con đường chắc chắn và an toàn hơn để dẫn đến thành công”.
Giống như Steve Jobs, Mark Zuckerberg hay Oprah Winfrey, Bill Gates là tỷ phú từng bỏ học. Ông trở thành hình mẫu của rất nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi vào giáo dục. Những người này cho rằng, nếu các tỷ phú đều không cần bằng đại học thì bằng cấp với họ cũng là điều không cần thiết.
Tuy nhiên, một bài viết mà tỷ phú Gates mới đăng tải cho thấy quan điểm hoàn toàn ngược lại. Ông nói rằng bạn thật sự cần một tấm bằng đại học. “Mặc dù tôi đã bỏ học và may mắnthành công khi theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực phần mềm nhưng một tấm bằng tốt nghiệp đại học vẫn là con đường chắc chắn và an toàn hơn để dẫn đến thành công”.
“Các học sinh tốt nghiệp đại học có khả năng tìm được một công việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn và thậm chí nhiều bằng chứng cho thấy họ sống cuộc sống lành mạnh hơn so với những người không có bằng đại học. Những người này cũng có thể mang những kỹ năng và kiến thức học được để áp dụng vào công việc, giúp tăng năng suất làm việc của lực lượng lao động Mỹ, từ đó đẩy nền kinh tế phát triển và có tính cạnh tranh”.
Bill Gates nói thêm: “Thật tồi tệ khi chúng ta ngày càng có ít sinh viên tốt nghiệp”.
Trước đó, Cheryl Hyman – hiệu trưởng đại học City Colleges tại Chicago cũng chia sẻ rằng trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của mình, bà liên tục chứng kiến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thấp một cách đáng báo động. Chính vì vậy, bà đã đưa ra giải pháp là đơn giản hóa quy trình chọn lựa khóa học để các sinh viên dễ dàng hơn trong việc đăng ký. Thực tế sự phức tạp trong quy trình chọn lựa khóa học tại nhiều trường đại học đang là vấn đề vô cùng lớn.
“Vấn đề không phải là không đủ người vào đại học. Vấn đề nằm ở chỗ không đủ lượng người tốt nghiệp”, Gates nói. Thực tế, có khoảng 1/5 người trong độ tuổi lao động đã học đại học nhưng lại không hề có bằng tốt nghiệp.
Chính thực tế này đã khiến cả Gates, tổ chức từ thiện của ông và thậm chí là tổng thống Obama phải quan tâm hơn tới vấn đề này.
Dù đến nay, vẫn chưa tìm ra cách thức tốt nhất để giảm tỷ lệ sinh viên bỏ học. Nhưng rõ ràng đây là một vấn đề rất lớn. Các sinh viên không chỉ có được kiến thức từ việc học tập mà họ còn được trang bị những kỹ năng giá trị cho tương lai, tìm ra giải pháp và có lòng tin vào thành công.
Không thể phủ nhận, sự yếu kém của nền kinh tế trong suốt 15 năm qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp. Theo giáo sư David Autor thì giáo dục không phải một musical chair (trò chơi trong đó những người tham gia sẽ đi vòng quanh một dãy ghế cho đến khi nhạc dừng lại, rồi người nào không giành được ghế để ngồi vào sẽ phải rời khỏi trò chơi). Càng có kiến thức, bạn càng giàu có, khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn. Một số quốc gia như Hàn Quốc và Mỹ đều đang nhanh chóng mở rộng số lượng sinh viên tốt nghiệp trong những thập kỷ gần đây.
“Thật khó để tìm ra ví dụ về một quốc gia nào không được hưởng lợi từ những khoản đầu tư bền vững vào giáo dục hiện đại. Trong khi có rất nhiều bằng chứng cho thấy, những khoản đầu tư như vậy sẽ được đến đáp trong trung và dài hạn”.
Dù vẫn có những người theo chủ nghĩa hoài nghi vào giá trị giáo dục nhưng ngay cả những người từng bỏ học nổi tiếng nhất thế giới lại không hề nghi ngờ về việc này.
Theo Trí thức trẻ.
Xem bài gốc tại đây.