
Cái tên Dot Saigon của chàng trai 25 tuổi Hoàng Đình Soái (Troy Hoàng) ngày càng trở nên quen thuộc với người dân Los Angeles khi thương hiệu này được tờ Los Angeles Times và đầu bếp nổi tiếng Paula Deen biết đến. 18 tuổi qua Mỹ khi tiếng Anh vẫn còn ú ớ đến hơn 7 năm, Troy Hoàng đã nuôi dưỡng và biến ước mơ mang tên Bánh mì thành hiện thực.
Cùng sinhvienusa nhìn lại chặng hành trình đầy gian nan để đi đến cùng với đam mê của chàng trai trẻ này.
Nuôi ước mơ từ nơi chôn nhau cắt rốn
Lớn lên ở Buôn Ma Thuột (Bánh Mì Thịt) – Đắc Lắc, bánh mì và café là một phần không thể thiếu với tuổi thơ của anh. Thời gian đầu qua Mỹ vẫn chưa quen thức ăn nơi đây, nhiều khi thèm một ổ bánh mì cũng thật khó. “Mỗi lúc ăn burger mình lại tự hỏi tại sao cái này có thể phổ biến như vậy mà bánh mì Việt Nam thì không. Thấy báo nước ngoài như CNN, BBC viết về bánh mì Việt Nam cũng khá nhiều nhưng hỏi bạn bè quốc tế thì họ không biết là gì. Mình bắt đầu suy nghĩ về cơ hội bánh mì ở Mỹ” – anh chia sẻ.
Cuối năm thứ 3 tại California State University Northridge, một trong những công ty kiểm toán lớn thế giới đưa lời mời anh về làm full-time và bảo lãnh visa. Thầy cô, gia đình, bạn bè đều khuyên nhận cơ hội này trong khi anh vẫn còn nung nấu ý định làm bánh mì. Nhưng không phải ai cũng may mắn vào làm việc cho Deloitte, anh đã nhận lời mời của công ty với yêu cầu phải làm kiểm toán khách hàng có liên quan đến nhà hàng, sản xuất café để có cơ hội học hỏi thêm ngành dịch vụ này.
Hai năm làm việc tại Deloitte, học tập được nhiều, công ty trọng dụng nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy công việc này có ý nghĩa đối với bản thân. Bánh mì và café vẫn quẩn quanh suy nghĩ anh. Thật may mắn khi người bạn của anh Ellise Nguyen cũng không cảm thấy thỏa mãn khi học MBA. Mỗi lần gặp gỡ, họ đều kể cho nhau nghe những câu chuyện về bánh mì. “Mình đùa bảo nếu em về Việt Nam học làm bánh mì, anh sẽ nghĩ làm ở Deloitte để đi bán bánh mì với em”.
Và thế là ý tưởng nhen nhóm, hành động bắt đầu. Tháng 9 năm 2014 sau 6 tháng về Việt Nam học làm bánh mì, Ellise quay lại Mỹ, còn anh thực hiện lời hứa của mình, xin nghỉ việc tại Deloitte, mở thêm hai thẻ tín dụng và mượn thêm một số vốn từ bạn bè để mở Dot Saigon vào tháng 11/2014.
Dot Saigon tạo cho mình điểm khác biệt khi bắt đầu bằng xe tải thay vì nhà hàng. Cái tên Dot Saigon được anh đặt với mong muốn liên kết thế giới bằng ẩm thực của quê hương. Mỗi sản phẩm là một dấu chấm liên kết (connecting dot), Saigon là biểu tượng về ẩm thực và văn hóa của Việt Nam.
Về chiến lược kinh tế, công ty muốn đạt được ba mục tiêu chính: 1) Thiết kế một menu đặc sắc, chất lượng, đậm chất văn hóa Việt Nam nhưng vẫn gần gũi với người nước ngoài; 2) Xây dựng quá trình hoạt động hiệu quả, đồng đều, độc lập, không phụ thuộc vào nguồn nhân lực; 3) Thay đổi quan niệm người tiêu dùng về bánh mì ( bánh mì không có nghĩa là phải rẻ) – Xây dựng m ột thương hiệu bánh mì cao cấp – “high quality and fast service”.
Dám liều vì mục tiêu
Nghỉ làm tại Deloitte anh đã phải gặp rất nhiều sự phản đối từ phía gia đình, người thân. Bố anh có nói: “Nếu mày đi bán bánh mì thì cần gì phải học, ai bán không được”. Mẹ anh không nói gì nhưng cũng buồn nhiều vì quyết định ấy. Nhưng tuổi trẻ chỉ đến một lần trong đời, cảm thấy may mắn vì biết đam mê của mình là gì, hà cớ gì không theo đuổi đến cùng. “Nếu không thời điểm này thì đến bao giờ mình mới bắt đầu xây dựng ước mơ cho riêng mình, có thất bại bây giờ cũng là cơ hội tốt để học, nếu sau này thất bại lấy sức đâu bắt đầu lại từ đầu” – Troy Hoàng.
Thời gian đầu khá khó khăn cho cả anh và mọi người cùng làm. Xe tải bánh mì mở cửa từ 11h đến 1h chiều nhưng để có được chỗ đậu xe thuận lợi, anh phải thức dậy từ 3 giờ sáng, ngủ ngoài đường để giữ được chỗ cho buổi trưa. Nhiều lần thức đêm làm việc khiến anh kiệt sức. Thời gian ấy, nhiều khi mệt mỏi anh luôn tự hỏi mình rằng liệu đúng hay sai khi quyết định theo đuổi đam mê? Nhưng bằng chính quyết tâm cũng như những lời động viên từ bạn bè, anh đã dần vượt qua thời gian khó khăn ban đầu.
“Mình luôn tin rằng ai cũng có đam mê và hoài bão. Mình chỉ mong các bạn trẻ giành thời gian nhiều cho bản thân để khám phá đam mê và hoài bão đó. Khi biết được đam mê của mình, hãy giành thời gian tìm hiểu nó, bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều để quyết định theo đuổi nó” – Troy Hoàng
Thời gian học tập và làm việc tại Mỹ đã cho anh một trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống, anh hiểu sự khác biệt văn hóa, con người trong và ngoài nước, từ đó có thể tạo cho mình những cơ hội mới. Và bánh mì là một ví dụ điển hình cho những gì anh có được khi du học Mỹ. Bánh mì có thể rất mới, rất đặc biệt trên đất Mỹ nhưng ở Việt Nam, nó lại trở nên quen thuộc.
Tuổi trẻ và đam mê là hai thành tố quan trọng để giúp một người đạt được thành công. Nếu bạn có đam mê hãy tận dụng những năm tháng tuổi trẻ để biến đam mê ấy thành hiện thực. Nếu bạn có tuổi trẻ, hãy giành thời gian thật nhiều cho bản thân để tìm kiếm đam mê thực sự của mình.
Hạnh Nguyễn