Với những thành tích học tập nổi trội, vào tháng 8 này, Nguyễn Huy Trường Nam – học sinh Việt Nam sống tại Nga – sẽ lên đường sang Mỹ nhập học Đại học Harvard.
Việc Nguyễn Huy Trường Nam, học sinh trường chuyên của Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonoxov, được bốn trường đại học danh tiếng top đầu của Mỹ chọn tuyển (Harvard, Princeton, Columbia và Caltech) với học bổng toàn phần là 70 ngàn USD/năm, chẳng làm ai ngạc nhiên. Bởi đó dường như là kết quả tất yếu từ những thành tích học tập sáng chói của Nam trong suốt 11 năm học ở bậc phổ thông.
Con vào trường, mẹ bỏ việc
Ký ức ám ảnh nhất của Nguyễn Huy Trường Nam trong những năm học phổ thông tại Matxcơva gắn liền việc chuyển nhà và chuyển trường. Do không có căn hộ làm nơi ăn ở ổn định, hơn chục năm qua, bố mẹ Nam phải liên tục thuê nhà. Dĩ nhiên, Nam cũng buộc phải chuyển trường.
Việc chuyển trường rất bất lợi cho học sinh, đặc biệt là học sinh nước ngoài đang sống tại Nga. Một mặt là vấn đề tâm lý, mặt khác rất khó khăn trong hòa nhập. Nam đã biết cách khắc phục mọi yếu tố khác biệt, nhanh chóng chiếm được sự quan tâm của các thầy, cô giáo và bè bạn bởi khả năng học tập vượt trội của mình.
Chính sự lựa chọn của bố mẹ cho Nam thi vào Trường chuyên 1543 và sau đó là Trường chuyên 1543 ở vùng Tây Nam đã đem đến cho Nam cơ hội phát triển hết khả năng của mình.
Tuy nhiên, khi Nam vào học lớp 5 trường chuyên, mẹ Nam đã phải nghỉ việc, chấp nhận những khó khăn trong cuộc mưu sinh, để dành thời gian đưa đón Nam đến trường ngày mấy buổi. Đi đến quyết định này không phải đơn giản, vì nó gắn với bát cơm, manh áo và cuộc sống thực hàng ngày.
Bố mẹ Nam cho rằng, việc mẹ bỏ làm việc, thực ra là một sự đầu tư thời gian và công sức cần thiết cho tương lai của con. Bởi vì, ngoài buổi học chính khóa, Nam còn phải học thêm tiếng Anh, tiếng Đức và tin học ở các trường khác nhau.
Những thành tích học tập đáng nể
Năm 2014, khi Nguyễn Huy Trường Nam nộp hồ sơ cho các trường đại học ở Mỹ, trong mục thành tích học tập, em phải kê khai một phụ lục gần 100 tấm bằng, huy chương, giấy khen và các giải đã đạt được trong những năm học phổ thông. Có thể kể sơ qua trong suốt 5 năm học từ lớp 5 đến lớp 9, Nguyễn Huy Trường Nam đã đạt các giải nhất và giải nhì môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh; đặc biệt hai năm lớp 8 và lớp 9 đạt giải nhì toàn Liên bang Nga môn Toán và Lập trình.
Năm lớp 10 và lớp 11, Nguyễn Huy Trường Nam được chính thức mời vào học tại trường chuyên của Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonoxov – một trường nội trú chỉ dành cho học sinh phổ thông đạt giải cao nhất trong các kỳ thi toàn quốc. Và trong hai năm đó, Nam liên tục giành các giải cấp thành phố và giải nhì Liên bang Nga môn Toán và Lập trình.
Những năm học phổ thông, Nam đã tham gia dự thi hơn một chục thành phố toàn Nga và ba lần sang Cộng hòa Liên bang Đức dự thi, tham gia báo cáo khoa học.
Khi nộp hồ sơ cho các trường Đại học ở Mỹ, Nam đã đạt điểm số cao (điểm số SAT1 – 2380/2400 và SAT2 – 2400/2400, Toefl 111/120). Đây là phần thưởng và cũng là kết quả xứng đáng với thành tích học tập của Nam.
Sống gắn bó với cộng đồng, quê hương đất nước
Học nhiều, đọc sách rất nhiều, nhưng Nguyễn Huy Trường Nam vẫn luôn thực hiện một cách nghiêm chỉnh lời bố mẹ, là không được làm mọt sách, biến thành cối xay sách.
Nhiều năm qua, trong các buổi liên hoan, sinh hoạt tại hội trường sứ quán, trong chương trình văn nghệ, hai anh em Nguyễn Huy Trường Nam và Nguyễn Thùy Linh luôn tham gia biễu diễn các tiết mục ấn tượng. Em đệm ghi ta, có lúc đệm piano, còn anh hát các bài bằng tiếng Nga và tiếng Việt.
Cả hai anh em rất say mê âm nhạc, cờ vua. Trong suốt các năm học phổ thông, năm nào, Nguyễn Huy Trường Nam và Nguyễn Thùy Linh đều giành được giải cờ vua cấp quận.
Cũng như Nam, Thùy Linh đang là học sinh lớp 9, cũng tiếp bước theo anh và là một học sinh xuất sắc toàn diện.
Các mùa hè những năm cuối cấp, Nam xin phép bố mẹ mở một lớp tin học miễn phí cho học sinh người Việt tại Matxcơva. Lớp học thu hút đông các cháu đủ lứa tuổi, kể cả sinh viên, trở thành một câu lạc bộ tri thức rất hấp dẫn và có ích.
Các bữa cơm thường nhật của gia đình đều do hai anh em tự biên, tự diễn. Bố mẹ Nam rất muốn các con cùng với việc học tập tốt, cần gắn bó với cuộc sống hàng ngày và đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của người Việt, gắn bó với quê hương và cội nguồn. Chính vì vậy, khi kết thúc phổ thông, Nam được về Việt Nam để vừa học tiếng Đức ở Viện Goethe, thực tập tại một trung tâm máy tính, chuẩn bị hồ sơ, vừa học cách hòa nhập vào cuộc sống và thực tập tiếng Việt.
Bác họ của Nam, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng vừa sang Nga, kể rằng, gặp cháu ở Hà Nội, hỏi về tình hình sinh hoạt, Nam cho biết: “Cháu ăn cơm bình dân, buổi sáng 10.000 đồng, buổi trưa 25.000 đồng, đủ no. Còn đi lại thì cháu tra trên mạng, cháu đi ôtô buýt hoặc đi bộ”. Cứ mỗi lần về nước, Nam đều tự mình mua vé ôtô về quê Hà Tĩnh viếng mộ tổ tiên và thăm bà con làng xóm.
Khi được hỏi về quê hương, Nam trả lời, quê hương và dòng họ Nguyễn Huy Trường của cháu đã có nhiều nhà thơ, nhiều nhà khoa bảng, đã đóng góp nhiều cho dân tộc, cháu rất tự hào. Cháu muốn đền đáp công ơn cho tổ tiên bằng cách phải luôn cố gắng học tập và tu dưỡng để xứng đáng với truyền thống đó
. Được biết, vào tháng 8 này, Nguyễn Huy Trường Nam sẽ lên đường sang Mỹ nhập học Đại học Harvard. Hy vọng Nguyễn Huy Trường Nam sẽ luôn thành công.
Theo Zing News.
Xem bài gốc tại đây.