Những chàng phi công tương lai phải trải qua nhiều quá trình tuyển chọn, luyện tập vất vả và những kỳ thi gắt gao, để có thể trở thành người điều khiển máy bay.
Bùi Hoàng Đăng sinh năm 1994, tại TP HCM, là học viên trường bay Epic Flight Academy, bang Florida, Mỹ.
Để trở thành phi công, 9X cho biết, phải vượt qua 3 giai đoạn chính: Quá trình tuyển chọn, đào tạo quân sự tại Nha Trang; học tập và rèn luyện tại Mỹ và trải nghiệm đường bay tại hãng hàng không của Việt Nam, trước khi bước vào công việc chính thức.
Kỳ quân sự khắc nghiệt tại Nha Trang
Trong khóa đào tạo quân sự tại Nha Trang, Hoàng Đăng cho biết, các nam sinh phải vượt qua nhiều vòng kiểm tra gắt gao, từ hình thể, đến sức khỏe và khả năng chịu đựng.
“Tại vòng khám sức khỏe, mỗi cá nhân ứng tuyển sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, từ chiều cao, cân nặng, đặc điểm chân, tay, mắt, mũi, răng miệng… Nếu không có dấu hiệu của bệnh tật và thể lực tốt, bạn sẽ vượt qua vòng này”, Đăng nói.
Sau đó, học viên phải trải qua nhiều thử thách khó khăn nhằm rèn luyện thể lực. Tất cả các trò thể thao hay bài tập về cơ bắp, nâng cao sức khỏe cùng độ bền bỉ đều được đưa vào rèn luyện hàng ngày.
“Phần kiểm tra sự trấn tĩnh, học viên bị buộc vào chiếc ghế, quay tròn khoảng 10 vòng. Khi tháo dây, người điều hành yêu cầu chúng mình đứng thẳng, đi thẳng, rẽ trái, phải và đo nhịp tim. Do làm quen và rèn luyện các môn thể thao từ nhỏ, mình không quá hoảng sợ nên đã vượt qua vòng tuyển chọn này” – chàng trai chia sẻ.
Đăng bảo, nhớ nhất lần bị buộc chân, tay vào một vòng quay rồi quay khoảng 30-40 lượt với tốc độ rất nhanh, bất ngờ. Nhiều người nôn thốc tháo. Nam sinh này không ra “sản phẩm”, nhưng khá choáng váng và không ăn được cơm trong ngày hôm ấy.
Sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra, những học viên có thành tích tốt sẽ được chọn đi học tại nước ngoài.
Thử thách tại Mỹ
Nếu kỳ quân sự tại Nha Trang cam go một, thì tại trường bay Epic Flight Academy, bang Florida, Mỹ, những chàng phi công tương lai phải vượt qua thử thách gấp nhiều lần. “Tại đây, chúng mình được học về cấu tạo từng bộ phận: Cánh, càng, quạt, động cơ… của máy bay; hệ thống điều hành phi cơ; những yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc máy bay… Đó cũng là những môn học cơ bản, cần thiết cho phi công”.
Hoàng Đăng nhớ nhất về lần đầu tiên ngồi trên khoang lái, tự điều khiển máy bay. Môn học thực hành này được kết hợp song song những bài lý thuyết mới.
Mỗi học viên bay sẽ có một người hướng dẫn riêng. Trước khi làm quen với máy bay, người hướng dẫn phổ biến những kiến thức cơ bản, cách thức hoạt động của máy bay, luật lệ và những rủi ro có thể gặp phải. Sau khi nắm khái quát kiến thức, học viên được tiếp cận máy bay.
Hoàng Đăng cho biết: “Lần đầu tiên bước lên khoang lái, mình khá hồi hộp, có đôi chút sợ hãi. Khi máy bay cất cánh, mình hơi hoang mang và có phần loạng choạng, nhưng được người hướng dẫn trấn áp tinh thần, nên cũng thành công trong lần thử nghiệm đầu tiên, ở độ cao 3.000 feet (tương đương khoảng 1 km)”.
Nam sinh cũng cho hay, thất bại là điều không thể tránh khỏi của những phi công học việc. Không ít học viên phải nhiều lần cố gắng mới có thể khiến chiếc máy bay hoạt động và cất cánh.
Không chỉ học những kiến thức chuyên ngành, máy móc, học viên tại trường bay còn phải tìm hiểu kiến thức về lịch sử, địa lý, cách xác định tọa độ, hướng gió, tìm hiểu điều kiện và dự đoán thời tiết tại đường bay. Sau đó, cách ứng biến mỗi khi có sự cố bất thường cũng là điều những chàng trai này cần nắm bắt.
Sau khi làm quen sơ lược với máy bay, các học viên tiếp tục học về luật lệ đường bay. Đây là môn học được cho khá khó với học viên. “Mỗi loại máy bay có tiêu chuẩn và luật lệ riêng. Chúng mình cần nhớ chi tiết mỗi kết cấu, số liệu… Đặc biệt, bất kể trường hợp nào xảy ra, người điều khiển máy bay cũng cần giữ tỉnh táo để xử lý tình huống. Việc tiếp cận các loại thiết bị dẫn đường, chức năng hoạt động và vận dụng khí bay cũng cần được học tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng chi tiết”…
Ngoài ra, học viên cũng không thể bỏ qua các yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, chuyến bay và cách khắc phục, ứng cứu hành khách khi nguy hiểm…
Kết thúc mỗi phân môn, học viên tại trường bay Epic Flight Academy đều phải trải qua kỳ thi sát hạch. “Đây là kỳ thi rất khó khăn, kiểm tra kiến thức lý thuyết và thực hành. Nhiều bạn trượt trong các kỳ thi này và phải học lại… Hoàn thiện những môn cơ bản, các nam sinh phải học thêm về nhiều loại máy bay khác nhau như Boeing, Airbus… theo từng phân môn. Tất cả các kiến thức và kỹ năng sẽ được học trong khoảng 18 tháng. “Những ai học nhanh, có thể kết thúc trong 16 tháng” – Hoàng Đăng cho hay.
Kết thúc quá trình học tập tại Mỹ, các chàng trai sẽ trở về Việt Nam, tiếp tục quá trình đào tạo, làm quen với đường bay trong nước từ 8-9 tháng, trước khi chính thức trở thành thành viên chính trong mỗi chuyến bay.
“Cuối tháng này, mình kết thúc khóa học và trở về Việt Nam, bước vào giai đoạn thứ 3 của quá trình trở thành phi công. Dù học tập vất vả và gian nan, nhưng vươn tới ước mơ luôn là điều mà mình và các bạn hướng đến” – Bùi Hoàng Đăng chia sẻ.
Theo Zing News.
Xem bài gốc tại đây.