Picasso đã từng nói rằng: “Tất cả mọi đứa trẻ khi sinh ra đều là nghệ sĩ, nhưng để vẫn là nghệ sĩ khi trưởng thành mới là vấn đề”. Sự thật là càng lớn lên, đi học, ta càng ít sáng tạo. Trường học là nơi đã đào tạo cho chúng ta rất nhiều thứ để phục vụ cho công việc và cuộc sống sau này, nhưng chính nó cũng làm thui chột đi tính sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi chúng ta.
Đó là luận điểm mà Ken Robinson đã đưa ra trong bài Ted Talk của mình.
Tầm quan trọng của sự sáng tạo
Khả năng sáng tạo của con người luôn là một điều đáng kinh ngạc. Hãy thử tưởng tượng, nếu năm nay con bạn bắt đầu đi học lớp 1 thì năm 2032 nó sẽ đi làm và nghỉ hưu vào năm 2092. Bạn có thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra vào 5 năm tới không? Chắc chắn là không rồi! Không ai có thể biết trước 5 năm nữa mọi thứ sẽ ra sao. Vậy mà chúng ta lại có trách nhiệm giáo dục bọn trẻ cho tương lai. Vậy thì chúng ta cần phải làm gì?
Tôi khẳng định rằng tất cả trẻ em đều rất tài năng. Nhưng thay vì để cho các em tự do phát triển tài năng của mình thì chúng ta đã lãng phí điều đó một cách không thương tiếc. Tính sáng tạo ngày nay cũng quan trọng như khả năng biết đọc, biết viết trong giáo dục vậy và chúng ta cần đối xử với nó ở mức độ quan tâm ngang bằng.
Mới đây, tôi đã được nghe kể một câu chuyện rất thú vị về một cô bé trong giờ hội họa. Cô bé 6 tuổi luôn ngồi ở cuối lớp. Giáo viên của bé gái này nói rằng cô hầu như chẳng bao giờ tập trung vào bài học, nhưng trong giờ hội họa thì em lại rất chăm chú. Giáo viên rất ngạc nhiên và đã tiến đến chỗ cô bé, hỏi: “Con đang vẽ gì thế?” Cô bé trả lời: “Con đang vẽ Chúa trời ạ.” Cô giáo nói: “Nhưng không ai biết Chúa trời trông như thế nào cả.” Cô bé nói rằng: “Họ sẽ biết trong một phút nữa thôi ạ.“
Như vậy là trẻ con sẽ làm những điều chúng nghĩ. Nếu chúng không biết, chúng vẫn thử làm mà không hề do dự và cũng không sợ sai. Điều tôi muốn nói ở đây không có nghĩa sai và sáng tạo là hai thứ đồng nhất. Nhưng bạn cũng biết rằng nếu không sẵn sàng mắc lỗi, bạn sẽ không bao giờ có thể sáng tạo ra cái gì mới mẻ. Điều đáng buồn là đến khi trưởng thành, phần lớn bọn trẻ mất đi khả năng đó. Chúng trở nên sợ bị mắc lỗi hay bị sai. Hệ thống giáo dục ở các quốc gia đang định hình cho từng đứa trẻ rằng nếu có điều gì đó tồi tệ nhất chúng tạo ra thì chỉ có thể là lỗi lầm. Kết quả là trường học đã và đang giáo dục con người theo kiểu triệt tiêu khả năng sáng tạo của họ. Picasso đã từng nói rằng: “Tất cả mọi đứa trẻ khi sinh ra đều là nghệ sĩ, nhưng để vẫn là một nghệ sĩ khi ta trưởng thành mới là vấn đề”. Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng chúng ta càng lớn càng ít sáng tạo. Có lẽ nào, chúng ta đã được giáo dục để từ bỏ nó. Lý do ở đây là gì?
Một khuôn thức chung cho tất cả
Tất cả mọi hệ thống giáo dục trên hành tinh này nều đêù có chung một trật các môn học. Các môn đầu bảng sẽ là toán và ngôn ngữ, sau đó là khoa học nhân văn, và cuối cùng là các môn nghệ thuật. Không có một hệ thống giáo dục nào trên hành tinh này mà dạy trẻ em khiêu vũ mỗi ngày giống như cách dạy mà chúng ta dạy bọn trẻ môn toán cả. Việc đánh giá năng lực cũng chủ yếu dựa trên quan niệm về khả năng học thuật. Vì thế bạn có thể bị lái đi dần dần khỏi những thứ mà bạn thích khi còn bé, bởi vì bạn có thể sẽ không bao giờ tìm được việc gì liên quan đến nó. Bạn cũng chẳng còn lạ gì với những lời khuyên như: Đừng theo âm nhạc, bạn sẽ không trở thành nhạc sĩ đâu. Đừng theo nghệ thuật, bạn sẽ tìm được công việc gì với khả năng đó chứ?
Sự thực là, bọn trẻ càng lớn, chúng ta càng giáo dục nhiều từ phần thắt lưng trở lên, sau đó tập trung vào cái đầu và cuối cùng là lệch hẳn về bán cầu não trái. Hậu quả là những người dù rất tài năng, xuất chúng cũng không nghĩ là mình tài giỏi bởi cái mà họ xuất sắc thì ở trường không được đề cao, thậm chí là bêu xấu.
Trí thông minh thực chất là gì?
Chúng ta biết ba điều về trí thông minh. Thứ nhất, nó đa dạng. Chúng ta nhìn nhận thế giới theo mọi cách mà chúng ta trải nghiệm nó. Thứ hai, trí thông minh rất năng động. Chúng ta đều có một trục tế bào thần kinh nối hai bán cầu não lại gọi là thể chai, giúp ta có thể xử lý nhiều việc cùng lúc. Và điều thứ ba là trí thông minh rất dễ nhận thấy.
Vậy chúng ta cần phải làm gì?
Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận lại về khả năng của con người. Hãy cứ để mỗi người phát triển theo khả năng của họ, theo hướng mà họ thấy thoải mái nhất. Mọi sự gò ép trong giáo dục đều dẫn tới những bất công của nhiều tài năng. Chúng ta cũng cần nghĩ lại những nguyên tắc gốc rễ mà dựa trên đó chúng ra đang dạy dỗ thế hệ trẻ. Có một câu nói tuyệt vời của Jonas Salk rằng: “Nếu tất cả côn trùng biến mất khỏi Trái Đất trong vòng 50 năm sự sống sẽ chấm dứt. Nhưng nếu loài người biến mất, sự sống sẽ sum xuê.”
Cách duy nhất chúng ta có thể làm là nhớ rằng của khả năng sáng tạo là vô hạn và thấy được niềm hy vọng vào thế hệ trẻ. Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục chúng một cách toàn diện, để chúng có thể đối diện với tương lai. Có thể chúng ta không được chứng kiến tương lai vài chục năm nữa xã hội sẽ như thế nào. Nhưng những đứa trẻ này thì có thể. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là hãy giúp đỡ chúng làm được điều gì đó có ích.
Xin được trích dẫn một câu nói thay cho lời kết: “Ta phải nhận ra rằng vun trồng con người không phải là một quá trình cơ khí, mà là một quá trình sinh học, không thể đoán trước được sản phẩm của nó; tất cả những gì bạn có thể làm, giống như một nông dân, là tạo ra điều kiện để con người phát triển.”
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây