Nhiều ứng viên cho rằng, nhà tuyển dụng sẽ chọn những câu thật hóc búa để đánh đố. Tuy nhiên, họ sẽ dễ dàng bị đánh lừa và giúp người hỏi nhìn nhận ứng viên toàn diện nhất chỉ bằng một số câu hỏi đơn giản mà Business Insider đã thống kê dưới dây.
Câu hỏi 1: Bạn hãy giới thiệu vài nét về bản thân?
Mục đích của câu hỏi phỏng vấn: Nhà tuyển dụng (NTD) muốn xác định cách ứng viên tự đánh giá năng lực bản thân phù hợp vào vị trí ứng tuyển.
“Sai lầm lớn nhất mà ứng viên thường mắc phải là cứ ngỡ NTD muốn biết về cá nhân họ khi đưa ra câu hỏi này. Vì thế, họ bắt đầu kể “tràng giang đại hải” về tiểu sử bản thân, sở thích và thói quen. Thậm chí, ngay cả những ứng viên lành nghề, từng dày dạn trên con đường xin việc cũng lo lắng dù đã chuẩn bị kĩ lưỡng”, Tina Nicole, chuyên viên cố vấn phát triển nghề nghiệp kiêm nhà sáng lập trang wed hướng nghiệp Resume Writer’s Ink, ghi nhận.
Cách xử lý tốt nhất: Bạn không nên nói nhiều về bản thân mà hãy dành thời gian nói về công việc gần đây nhất và nhấn mạnh kinh nghiệm bạn đã có để có thể ứng tuyển vào vị trí này. Ví dụ, bạn có thể thử cách trả lời sau: “Tôi nghĩ tôi có thể cải thiện tình hình kinh doanh nhờ khả năng nhạy bén trong phân tích và giải quyết vấn đề”. Khẳng định này sẽ cho thấy, bạn có kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề cũng như có khả năng lãnh đạo trong việc giải quyết tình hình kinh doanh cho công ty.
Câu hỏi 2: Hãy mô tả bản thân bạn bằng “1 từ”
“Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn xác định năng lực, cá tính và phong cách làm việc của bạn có phù hợp với vị trí tuyển dụng”, Lynn Taylor, chuyên gia nghiên cứu về môi trường làm việc quốc gia đồng thời tác giả của cuốn sách “Thuần hóa bạo chúa công sở: Làm sao xử lý ông sếp tính trẻ con và thành công trong công việc”, cho biết.
Câu hỏi này có thể là sự thách đố đối với bạn, đặc biệt khi bắt đầu cuộc phỏng vấn bởi vì bạn không thể biết chính xác “thuộc tính” mà NTD đang tìm kiếm. Taylor thể hiện quan điểm: “Con người chúng ta muôn hình muôn vẻ. Vì thế, việc dùng “1 từ” để bao quát bản thân mỗi người gần như là không thể”.
Cách xử lý câu hỏi: Bạn nên xử lý một cách thận trọng. Chẳng hạn, nếu ứng tuyển vào vị trí kế toán, bạn nên tránh dùng từ “sáng tạo” để mô tả bản thân. Nếu là công việc liên quan đến nghệ thuật, cách trả lời tốt nhất không nên có từ “đúng giờ”.
“Hầu hết các nhà tuyển dụng hiện nay đều tìm kiếm những ứng viên trung thực, tin cậy, tận tâm và chịu được áp lực công việc. Tuy nhiên, đó cũng là sai lầm lớn nhất khi các ứng viên nghĩ NTD sẽ ưng ý những câu trả lời như vậy. Đây là cơ hội tốt nhất để thể hiện khả năng phù hợp với công việc mà bạn đang nhắm tới”, Taylor giải thích.
Câu hỏi 3: So sánh vị trí hiện tại với các vị trí tương đương tại nhiều công ty khác mà bạn đang nộp hồ sơ?
Theo Nicole, mục đích của câu hỏi là để nhà tuyển dụng tính toán sự cạnh tranh trên thị trường, qua đó “mặc cả” với người được tuyển dụng.
Nếu bạn trả lời, “Đây là công việc duy nhất bạn ứng tuyển”, đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận một thẻ đỏ. Bởi vì rất ít NTD chấp nhận câu trả lời này. Họ sẽ cho rằng bạn không trung trực. Nếu bạn nói một cách tích cực về công việc khác mà bạn đang theo đuổi, NTD sẽ nghĩ bạn không thể đáp ứng yêu cầu của công ty đó mới chuyển qua công ty họ.
Trong trường hợp này, bạn có thể trả lời một cách chung chung và nói rằng, bạn tôn trọng bí mật của bất kỳ tổ chức nào để từ chối một cách khéo léo. Nếu chủ động hơn, ứng viên có thể trả lời đã nhận được một vị trí tại một công ty khác nhằm tăng giá trị bản thân. Tuy nhiên, bạn luôn phải nhấn mạnh với NTD hiện tại rằng “Đây mới thực sự là vị trí tôi muốn hướng tới”.
Câu hỏi 4: Bạn hãy liệt kê 3 ưu điểm và nhược điểm của mình?
Khi đưa ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết bạn sẽ phát huy những thế mạnh và hạn chế yếu điểm để phù hợp với yêu cầu công việc. “Mỗi công việc đều có yêu cầu riêng. Vì vậy, bạn nên chỉ ra những điểm mạnh và thành thật nhận điểm yếu của mình, nhưng đồng thời đưa ra cách khắc phục sau đó”, theo lời khuyên của Taylor.
Không ít người nghĩ rằng, NTD sẽ thích một người hoàn hảo, cầu toàn nhưng thực tế, chẳng có ai là người hoàn hảo cả. Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, vấn đề là chúng ta nhìn nhận nó như thế nào mà thôi. Đừng bao giờ nói với NTD rằng “Tôi là người cầu toàn nên hầu như không có nhược điểm gì”. Điều đó chỉ khiến họ cảm giác bạn là kẻ cao ngạo, không hiểu hết bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn nói quá nhiều điểm yếu, NTD sẽ đánh giá thấp về bạn. Đồng thời, những điểm mạnh mà bạn đưa ra không phù hợp với yêu cầu của công việc đang tuyển cũng sẽ khiến bạn mất điểm.
Cách xử lý tốt nhất: chuẩn bị sẵn một vài điểm yếu, nhưng ẩn chứa điểm mạnh trong đó. Ví dụ: Tôi hay quên nên nhiều khi phải tự sắp xếp một lịch công việc chi tiết và dán nó trước mặt bàn… Hoặc tôi không giỏi về cách ăn nói, nên đôi khi thật thà quá dễ làm mất lòng… Các câu trả lời khôn khéo sẽ giúp bạn biến điểm yếu thành điểm mạnh. Đồng thời, điểm mạnh của bạn cũng phải phù hợp với yêu cầu của công việc đang tuyển.
Câu hỏi 5: Tại sao bạn muốn làm việc cho công ty chúng tôi?
Đây là một trong những câu hỏi mà NTD thường dùng để kiểm tra xem bạn có chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn hay chưa. Câu hỏi này cũng nhằm kiểm tra rằng, bạn có thực sự quan tâm và muốn làm việc cho công ty hay không?
Bạn nên tránh những câu trả lời mang tính cá nhân như “Sếp cũ của tôi là một người khó chịu hay công ty cũ không trả lương hay trả lương thấp”, hay trả lời một cách chung chung: “vì công ty thuận tiện cho việc đi lại”. Bởi như vậy, NTD sẽ nghĩ, bạn chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mình mà không hề chú ý tới công ty họ.
Trong câu trả lời cho câu hỏi này, sẽ không có chuẩn “Đúng – Sai”. Hãy khẳng định cho NTD thấy rằng đây là công ty mà bạn thực sự muốn cống hiến khả năng của mình, kèm theo một chút “tâng bốc” công ty sẽ là cách giúp bạn lấy lòng NTD dễ dàng hơn.
Câu hỏi 6: Tại sao bạn lại muốn rời bỏ công việc hiện tại?
Hãy luôn tự tin khi phỏng vấn. Ảnh minh họa.
Điều quan trọng đầu tiên là: “Đừng bao giờ nói những điều không tốt hoặc than phiền về sếp/công ty cũ của bạn”. Đây cũng là điều bạn cần lưu ý khi trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác trong các buổi phỏng vấn. Bất kể lý do nào, nếu bạn để cho cảm xúc của mình chi phối và than phiền sếp cũ hay công ty cũ, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ấn tượng tốt đẹp đối với NTD. Khi nói về ý nghĩa thực sự của câu hỏi này, bà Taylor cho biết, ông chủ tương lai muốn biết những vấn đề tiêu cực mà bạn gặp phải ở công ty cũ, đặc biệt nếu bạn đã nhiều lần thay đổi công việc
Lời khuyên dành cho ứng viên đối với câu hỏi này: “Hãy trả lời với thái độ và quan điểm thật tích cực” và câu trả lời nên được chuẩn bị trước. Cách trả lời: “Tôi rời công ty cũ vì tôi muốn tìm cơ hội việc làm tốt hơn” sẽ tạo một cảm giác không hay – mang tính “vì bản thân”. Thay vì vậy, bạn có thể nói “Tôi đang tìm kiếm một môi trường làm việc mà tôi nghĩ sẽ cho tôi nhiều cơ hội vận dụng hết khả năng và kinh nghiệm của mình trong các lĩnh vực”. Với cách trả lời này, ứng viên sẽ có cơ hội thể hiện kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của mình.
Câu hỏi 7: Điều gì khiến bạn tự hào nhất trong công việc của mình?
Khi đưa ra câu hỏi này, người phỏng vấn muốn biết đam mê và thành tích nổi trội nhất của bạn trong công việc và liệu bạn có tự hào về công việc của mình hay không.
NTD có thể cho rằng, bạn thực sự mong muốn kiểu công việc đó và tập trung định hướng cho tương lai. Nếu đánh giá hời hợt về công việc của mình, bạn sẽ bị “mất điểm” đối với NTD.
Đây là cơ hội để bạn thể hiện khả năng của mình đối với vị trí công việc đang tuyển. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá phấn khích mà phải luôn trình bày ngắn gọn quan điểm của mình.
Câu hỏi 8: Kiểu ông chủ và đồng nghiệp nào giúp bạn thành công hoặc ít thành công nhất?
Đầu tiên, NTD muốn xác định, bạn thường có mâu thuẫn với mọi người trong công ty. Đồng thời, họ cũng muốn biết, bạn có thực sự làm việc hết mình hay không.
Bạn sẽ gặp rắc rối nếu thừa nhận có mối quan hệ không tốt với bạn bè. Mặt khác, nếu vô tình nói đúng “thuộc tính” xấu của NTD, bạn sẽ bị mất điểm
Thông thường, người phỏng vấn muốn nghe những thông tin tốt hơn. Bạn không muốn lảng tránh nhưng đây không phải lúc thích hợp để bày tỏ quan điểm tiêu cực. Đây là cơ hội để bạn khen ngợi người khác và cả chính bạn. Ví dụ, bạn có thể trả lời như sau: “Tôi nghĩ, tôi có thể làm việc với nhiều cá tính khác nhau. Một trong số mối quan hệ tốt đẹp nhất của tôi là cả hai đều hiểu và luôn đặt kỳ vọng vào nhau”
Câu hỏi 9: Bạn đã từng nghĩ mình là mình sẽ làm chủ một doanh nghiệp bao giờ chưa?
Người phỏng vấn đang kiểm tra, bạn có mong muốn điều hành một công ty riêng cho minh mà từ bỏ công việc. Theo bà Taylor: “Không công ty nào mong muốn tất cả công sức đào tạo và tiền bạc của mình bị đổ xuống sông xuống biển”.
Đa số mọi người đều có mong muốn nắm quyền làm chủ. Vì thế đây là câu hỏi dễ bị đánh lừa bởi nếu bạn trình bày quá hăng say về vấn đề, bạn có thể vô tình nói nhầm đến mong muốn làm chủ của mình. NTD có thể lường trước tương lại bạn có thể rời bỏ công ty và trở thành đối thủ của họ.
Câu trả lời tốt nhất: Bạn nên suy nghĩ về “người chủ tương lai” mà bạn đã từng nghĩ trong giới kinh doanh. Bạn cũng có thể dễ dàng “ăn điểm” hoặc “không” khi nói về kinh nghiệm hoặc cách nhìn nhận về kỹ năng lãnh đạo”. Nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu bạn trả lời “Không, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc này”.
Câu hỏi 10: Nếu bạn được chọn nơi làm việc, bạn sẽ chọn nơi nào?
Người phỏng vấn luôn muốn công ty họ là sự lựa chọn đầu tiên của bạn. Ảnh minh họa.
NTD muốn so sánh tầm quan trọng của công ty họ với đối thủ cạnh tranh và kiểm tra sự trung thành của bạn. “Câu hỏi này cũng giúp cho NTD loại bỏ những ứng viên thích nhảy việc ”, Taylor chia sẻ.
Xét về mặt tiêu cực, nếu hăng say thảo luận, bạn có thể vô tình “rò rỉ” thông tin của một số số công ty uy tín. Điều này sẽ “phản tác dụng” bởi NTD sẽ nghi ngờ về mục tiêu của bạn.
Người phỏng vấn luôn muốn công ty họ là sự lựa chọn đầu tiên của bạn. Vì vậy bạn nên trả lời: “Thực ra, nhiều công ty đã chọn phỏng vấn tôi nhưng công ty anh/chị phù hợp với lý tưởng của tôi. Tôi rất vui khi được làm việc trong công ty anh/chị. Tôi sẽ cống hiến hết mình cho công ty…”
Câu hỏi 11: Tại sao bạn bị sa thải?
Nhà tuyển dụng chắc chắn muốn biết lý do cho tình trạng thất nghiệp của bạn. Nicole cho biết: “Họ muốn biết, bạn có sẵn sàng trở lại công việc với thái độ tốt nhất. Họ cũng muốn kiểm tra sự tự tin chứ không phải sự thất bại hay nóng vội của bạn”.
Nhiều ứng viên thường đổ lỗi cho công ty cũ hoặc do tình trạng suy thoái kinh tế, cắt giảm ngân sách đã khiến nhiều công ty cắt giảm nhân viên. Việc lúng túng sẽ khiến NTD nghĩ rằng bạn đang giấu điều gì đó, hoặc thậm chí cho là bạn không biết rõ điều gì đã xảy ra. Những suy diễn này của NTD có thể gây bất lợi cho bạn.
Trong trường hợp này, bà Nicole khuyên: “Sự thật rõ ràng là bạn đã từng bị đuổi việc và bạn không thể lảng tránh câu hỏi khi NTD đề cập đến. Trong trường hợp đó, bạn nên giải thích ngắn gọn và không nên đổ lỗi hay bất mãn với công ty cũ”.
Câu hỏi 12: Nếu bất ngờ trúng 5 triệu USD, bạn sẽ tiếp tục làm việc?
Hãy thừa nhận rằng bạn sẽ rất vui nếu đột nhiên có một khoản tiền “trên trời rơi xuống” nhưng phải khẳng định công việc hiện tại luôn có ý nghĩa lớn vì điều đó mang lại hạnh phúc cho bạn. Ảnh minh họa.
Một câu hỏi tưởng như đùa nhưng vẫn khá nhiều NTD đặt ra nhằm tìm hiểu động lực cũng như đạo đức làm việc của ứng viên.
Câu hỏi này có thể “bẫy” bạn. Sai lầm lớn nhất là cách nhìn nhân vấn đề của bạn: “Tại sao NTD lại không hỏi liên quan đến công việc hiện tại và liệu câu trả lời của bạn có thực sự quan trọng đối với họ”. Dù có hay không nhưng nếu không suy nghĩ thận trọng trước khi đưa ra câu trả lời, bạn có thể bị mất điểm.
Hãy thừa nhận rằng bạn sẽ rất vui nếu đột nhiên có một khoản tiền “trên trời rơi xuống” nhưng phải khẳng định công việc hiện tại luôn có ý nghĩa lớn vì điều đó mang lại hạnh phúc cho bạn.
Câu hỏi 13: Người giám sát hoặc đồng nghiệp đã bao giờ yêu cầu bạn làm việc trái đạo đức chưa? Hãy cho chúng tôi biết về điều đó.
Người phỏng vấn muốn đánh giá đạo đức của bạn thông qua cách xử lý một tình huống tế nhị trong công việc đồng thời xem xét khả năng suy xét chín chắn của bạn.
Bạn không nên nói quá nhiều thông tin không cần thiết và cần thận trọng chọn từ ngữ và sự khéo léo trong giao tiếp
Nếu bạn trả lời một cách ngắn gọn, rõ ràng và chuyên nghiệp, NTDsẽ đánh giá cao về bạn. Bạn có thể trả lời như sau: “Cũng có lần đồng nghiệp yêu cầu tôi tham gia vào một dự án trái với đạo đức kinh doanh. Nhưng tôi đã kiên quyết từ chối ngay cả khi dự án đó mang lại lợi ích cho công ty. Và tôi nghĩ mình đã có quyết định sáng suốt”.
Câu hỏi 14: Bạn có thể cho tôi biết lý do một số người không thích làm việc với bạn?
Bạn có thể bị đánh trượt nếu như trả lời: “Tôi không tìm được lý do khiến ai đó không thích làm việc với tôi”. Câu trả lời này đồng nghĩa với việc bạn đang xúc phạm NTD vì thái độ xem thường câu hỏi. Vì vậy bạn phải nhìn nhận vấn để này dưới góc độ vừa mang lợi ích vừa gây ấn tượng cho NTD. Với câu hỏi này, người phỏng vấn muốn đánh giá tính trung thực của bạn. NTD có thể dễ dàng nhận ra nếu bạn đang nói dối. Thậm chí những người đã từng “dày dạn” kinh nghiệm phỏng vấn cũng khó tránh khỏi “cái bẫy” của NTD.
Trong tình huống này, Taylor đã đưa ra một số gợi ý: “Tôi không phải là người dễ tính với mọi người, đặc biệt vào thời hạn hoàn thành công việc. Đôi lúc, tôi đã mất bình tĩnh”, hoặc “Tôi may mắn vì có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Nhưng cũng có một lần duy nhất, tôi bị ghét. Đó là trường hợp khẩn cấp khi tôi ra lệnh nhân viên làm việc tốt hơn. Đôi khi, vì lợi ích lớn của công ty, chúng tôi phải đưa ra quyết định mà không được nhiều người ủng hộ.
Câu hỏi 15:Tại sao bạn lại thất nghiệp lâu như vậy?
Ý nghĩa thực sự của câu hỏi này là: NTD muốn kiểm tra khả năng nhạy bén của bạn. Giữ thái độ bình tĩnh, bạn sẽ dễ dàng thoát khỏi cái “bẫy” này.
Với những câu trả lời “tôi không đủ khả năng để tìm một công việc mới” hay “tôi không có nghị lực để theo đuổi công việc”, “Tôi có chút vấn đề với sếp cũ của mình”, bạn sẽ chắc chắn bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Taylor đề xuất một số cách xử lý câu hỏi này: “Tôi đã đi phỏng vấn nhiều nơi nhưng vì muốn tìm kiếm vị trí phù hợp vì thế tôi đã chọn công ty anh/chị”, hoặc, “Tôi rất chủ động trong việc tìm kiếm việc làm và hiện tại tôi có rất nhiều kinh nghiệm qua các khóa học, hoạt động tình nguyện, tuyên truyền xã hội và các nhóm kinh doanh theo mạng.
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây